Không ít người cho rằng cuộc đời người ta có thể thay đổi trong một “khoảnh khắc” nào đó, chẳng hạn như một cái nhìn, một cái bắt tay, một nụ hôn hay một cử chỉ khích lệ cảm thông… Điều ấy phần nào thuyết phục tôi khi chiêm ngắm cảnh Phê-rô bật khóc lúc ánh mắt của ông “đụng” phải ánh mắt của Chúa Giê-su. Kết quả là cuộc đời ông được biến đổi (x.Lc 22,54-62). Điều ấy cũng làm tôi nhớ đến “khoảnh khắc” của mình. Tôi đã bật khóc khi gặp ánh mắt của mẹ tôi. Ánh mắt đầy đau khổ nhưng cũng chan chứa yêu thương khi mẹ bắt gặp tôi trốn học đi đánh bi-da. Mỗi lần nhớ tới mẹ, tôi nhớ tới ánh mắt ấy….
Ngày ấy, cuộc sống nơi làng quê tôi vốn dĩ yên bình; mọi người sống hiền hòa vui vẻ như từ bao đời nay, tuy không dư giả về vật chất nhưng tình làng nghĩa xóm luôn đong đầy. Người già chuyên chăm kinh lễ; thanh niên thiếu nữ siêng năng việc đồng áng, học hành; thiếu nhi thì chẳng phải làm gì ngoài việc học tập. Tất cả như vận hành theo một nhịp điệu hài hòa. Thế nhưng, sự bình yên ấy có vấn đề kể từ khi có một vài bàn bi-da xuất hiện trong một quán tạp hóa kia. Những bàn bi-da này ngày càng thu hút tính hiếu kỳ của nhiều người, không những nhiều người lớn mà còn rất nhiều con nít như tôi nữa. Ban đầu thì đi xem, dần dần đi chơi thử và có không ít người đã chết mê chết mệt với trò chơi này. Chơi thì phải trả tiền giờ, tiền thuốc men, tiền nước nôi… Lúc đầu thì đánh nhỏ, sau thì đánh lớn như những trò cá độ với những khoản tiền không nhỏ. Có tiền thì trả tiền, không có tiền thì chơi thiếu rồi tìm cách có tiền để trả sau. Chính lúc này đây, những tệ nạn đã xảy ra như trộm vặt, đánh lộn giữa những người đánh bi-da với nhau, đáng kể nhất là có không ít con nít, có khi trốn học, chơi trò này để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Trong số đó, có tôi, dù tôi chưa bao giờ trốn học!
Quả thật, trò chơi bi-da này có những cuốn hút mà tôi không thể nào cưỡng lại được, vì đã lén đi xem người ta chơi một số lần nên tôi thấy nó thật hấp dẫn biết bao. Dường như, nó lúc nào cũng xuất hiện trong tâm trí tôi: những cơ bi-da điêu luyện, những cú a-băng tuyệt vời, những thế “sơn” vừa chạm đủ để trái bi có thể đổi hướng theo ý của người chơi… Tuyệt vời! Nhưng bố mẹ đã cấm anh em chúng tôi chơi trò ấy, ngay cả xem người ta chơi cũng không được, bởi các ngài nhận thấy tai hại của trò chơi này: vừa mất giờ, vừa mất tiền vừa có nguy cơ đánh mất nhân cách của mình. Nhưng sức quyến rũ của nó lôi kéo tâm trí tôi và tôi ước gì mình cũng có thể thực hiện được những “đường cơ bậc thầy” như những người kia. Tôi để ngoài tai những lời dạy của ba mẹ. Và rồi cơ hội đã đến: một ngày kia, tôi được chị tôi cho tiền ăn quà.
Chà, cái cảm giác tội lỗi của lần đầu tiên trốn học đi chơi trò bị cấm mới thú vị làm sao! Tôi và thằng bạn nối khố bước vào quán bi-da với vẻ sợ sệt nhưng cố làm ra vẻ như quen thuộc lắm. Thế rồi cái háo hức và sức lôi cuốn của trò chơi này làm chúng tôi quên hết đi những bẽn lẽn lúc ban đầu. Thêm vào đó, ông chủ quán lại “tận tình” chỉ dạy: phải đánh làm sao để ghi điểm; phải cầm cơ thế nào để có thể tạo ra những cú lướt điệu nghệ… Chúng tôi bị cuốn vào trò chơi, quên hết tất cả những gì đang diễn ra xung quanh. Đang khi “sống ở trên mây” như thế, đang lúc chúng tôi cố vận dụng hết “nội công” của mình để tập những đường cơ cho điêu luyện hơn, mẹ tôi đang đứng ở cửa quán từ lúc nào mà tôi chẳng hay. Tôi ngước mắt lên và bắt gặp ánh mắt của mẹ với vẻ sững sờ kinh ngạc, đau khổ… Trời đất! Chuyện gì vậy? Sao mẹ lại ở đây? Chân tay tôi rụng rời. Toàn thân như nhũn ra, muốn té khụy xuống. Tôi chỉ muốn chui xuống đất để tránh ánh mắt của mẹ tôi. Bối rối. Xấu hổ. Lo sợ đến nỗi bất động. Tôi chỉ hoàn hồn khi mẹ nói: “Con,… về nhà, bố đang tìm!” Tôi không nhớ là mình đã làm gì nữa… Chỉ nhớ rằng, mình lẳng lặng bước theo mẹ.
Thật không may cho tôi, ngay “lần đầu tiên ra quân” đã bị bắt tại trận! Quãng đường chưa đầy một cây số từ quán về nhà sao hôm nay sao mà ngắn quá. Mọi ngày mình cuốc bộ đi học thấy lâu lắm mà! Bước đi nhưng chân tôi nặng nề đến lạ. Tôi bắt đầu sợ. Tôi nghĩ rằng một trận đòn cho tôi là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, tôi không sợ điều ấy cho bằng nhìn thấy ánh mắt của mẹ tôi. Ánh mắt đau khổ vì tôi đã không nghe lời. Ánh mắt đau buồn vì tôi là một đứa được yêu thương nhiều nhất trong nhà lại đối xử với bố mẹ như vậy. Mẹ không nói gì trên đường về càng làm tôi lo sợ. Mọi ngày mẹ con “líu lo” với nhau biết dường nào sao nay lại “chừng như xa lạ” thế! Sự im lặng của mẹ làm bầu khí trở nên rất nặng nề dù chúng tôi đang trên đường quê. Điều ấy càng làm tôi bối rối và lo sợ vì không biết sẽ phải ăn nói thế nào với bố mẹ. Bất chợt tôi nhớ ra bố không có nhà, mà sao mẹ bảo bố tìm tôi? Phải chăng mẹ chỉ đi tìm tôi vì chuyện gì đó? Tại sao mẹ biết tôi đang chơi bi-da chứ? Sao mẹ không nói gì khi bắt gặp tôi đang phạm vào điều cấm? Rất nhiều và rất nhiều câu hỏi dồn dập đến trong đầu tôi. Tôi không thể tự trả lời với cái trí khôn non nớt của mình. Tôi chờ đợi. Một sự chờ đợi trong hồi hộp như chưa từng xảy đến trong đời tôi.
Một bầu khí im lặng nặng nề bao trùm chúng tôi khi về đến nhà. Trái tim tôi như bị bóp nghẹt bởi muôn vàn câu hỏi đang nhảy tung tăng trong đầu mình. Tâm hồn tôi quay quắt với ánh mắt của mẹ lúc nãy. Và, như linh cảm được sự khủng khiếp về tội lỗi của mình, tôi bật khóc nức nở và quỳ xuống với một thái độ hối hận sâu xa. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc vì nhớ lại lời bố mẹ dạy và nhất là nhớ tới ánh mắt của mẹ khi bắt gặp quả tang tôi đang phạm lỗi. Rồi, chuyện gì tới cũng đã tới. Mẹ tôi đi từ đằng sau nhà lên. Tay cầm một cái roi tre to bằng ngón tay cái của tôi. Tôi nổi gai ốc khi nhìn thấy cây roi và nhất là lại đụng phải ánh mắt của mẹ. Tôi chỉ biết khóc nức nở vì nghĩ đến điều tồi tệ tôi đã gây ra, làm cho mẹ phải đau lòng. Mẹ hỏi tôi: “Tại sao con trốn học? Sao con lại chơi trò chơi tai hại mà bố mẹ đã cấm? Sao con lại không vâng lời?” Tôi chẳng biết trả lời thế nào. Chỉ biết khóc. Mẹ lại hỏi tiếp: “Con muốn đi học hay muốn chơi bi-da? Nếu muốn chơi thì từ nay nghỉ học.” Trời ơi! Tôi không thể ngờ được sự quyết liệt của mẹ tôi về chuyện này. Tôi chỉ biết khóc và trong từng tiếng nấc, hứa với mẹ sẽ chọn đi học. Tôi xin chịu phạt hai mươi roi để ghi nhớ. Mẹ đánh mười roi và cho nợ mười roi để không bao giờ tôi quên. Thế nên, cho tới bây giờ, tôi vẫn là “con nợ” của mẹ tôi!
Mẹ tôi đã “đi xa” khá lâu rồi nhưng tôi vẫn không thể quên được ánh mắt của mẹ. Ánh mắt đã ghi khắc cách sâu đậm tình yêu của mẹ dành cho tôi. Mẹ yêu tôi không có nghĩa là chiều chuộng tôi mọi thứ, nhưng là giúp tôi nhận ra điều ngay lẽ phải, con đường đúng đắn phải đi tuy đôi lúc có phải dùng đến roi vọt. Ánh mắt ấy, tôi hẳn sẽ nhớ suốt cuộc đời. Tôi cũng tin rằng, ánh mắt ấy vẫn luôn dõi theo từng bước tôi đi trong cuộc đời. Ánh mắt như lời nhắc nhở và khích lệ tôi trong cuộc sống bởi tôi nhận ra rằng: mình được yêu thương và tôn trọng rất nhiều.