Vatican Insider | Giacomo Galeazzi | 03-04-2016
Lòng thương xót là yếu tính của triều giáo hoàng Phanxicô. Đức Giáo hoàng đã dành Năm Thánh Ngoại Thường để tôn kính Lòng thương xót, và lời kêu mời thương xót của ngài vang vọng trong các bài giảng ban sáng tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Đức Phanxicô thúc giục mọi tín hữu hãy an ủi một nhân loại thường bị tổn thương và sợ hãi. Chúa nhật hôm nay, Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô chật kín người, nhân lễ Lòng thương xót Chúa, được thánh Gioan Phaolo II thiết lập nhờ hứng khởi từ thánh Faustina.
Những lời của Đức Phanxicô là một mối dây nối kết các triều giáo hoàng Wojtyla, Ratzinger, và Bergoglio, một hòa âm của những tâm hồn thành tín.
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ‘‘Bình an cho anh em.’ Và cũng chính bình an này đang chờ đợi cho mọi con người của thời đại chúng ta. Đây không phải kiểu hòa bình thương lượng, không phải là chỉ là không có xung đột, nhưng đây là bình an của Chúa, bình an đến từ trái tim của Chúa Phục Sinh, bình an đã đánh bại tội lỗi, sợ hãi và sự chết. Yếu tính của bình an Chúa Kitô là hiệp nhất.
Quá nhiều người mong muốn được lắng nghe và được thông hiểu. Chúng ta thấy trước mắt mình là một nhân loại thường bị tổn thương và sợ hãi. Thiên Chúa muốn chữa lành cho nhân loại, nhưng chính chúng ta phải viết nên Tin mừng của lòng thương xót, các Kitô hữu chúng ta phải đi ra và trở nên những người mang bình an hiệp nhất này.
Tin mừng của lòng thương xót, phải được công bố và được viết ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tin mừng tìm kiếm những người với sự nhẫn nại và tâm hồn mở rộng, những người Samari nhân hậu, người hiểu được lòng đồng cảm và thinh lặng trước khốn khổ của mỗi anh chị em. Tin mừng lòng thương xót cần có những nô bộc quảng đại và vui tươi, những người yêu thương nhưng không, chẳng mong được đền đáp gì. Làm tông đồ lòng thương xót, nghĩa là chạm đến và xoa dịu những vết thương ngày nay đang tàn phá thân xác và linh hồn của nhiều anh chị em của chúng ta.
Lòng thương xót Chúa tìm cách đương đầu mọi dạng nghèo khổ và giải phóng cho quá nhiều dạng nô lệ. Tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi viết nên Tin mừng của lòng thương xót. Vậy nên, sứ mạng Chúa Giêsu trao cho các môn đệ cũng là sứ mạng cho nhân loại thời nay, khi Chúa Giêsu sai chúng ta đi vào thế gian để công bố thông điệp tha thứ.
Tin mừng lòng thương xót là một quyển sách mở, được viết tiếp bằng những dấu chỉ của các môn đệ Chúa Kitô, là những hành động thiết thực của tình yêu và chứng tá đẹp nhất cho lòng thương xót. Chúng ta được kêu gọi trở nên những ngòi bút sống động của Tin mừng, là những sứ giả của Phúc Âm, cho tất cả mọi người thời nay.
Chúng ta làm được điều này bằng cách thực hành những việc làm thương xót về phần xác và phần hồn, vốn là nhãn hiệu của đời sống Kitô. Bằng những cử chỉ đơn sơ mà mạnh mẽ, chúng ta có thể đồng hành với người túng quẫn, đem lại sự trìu mến và an ủi của Chúa. Như thế là tiếp tục công việc của Chúa Giêsu, khi Ngài đổ đầy vào các môn đệ đang sợ hãi, lòng thương xót của Chúa Cha, ban cho các vị Thần Khí tha thứ và đem lại niềm vui.
Tin mừng là quyển sách của lòng thương xót Chúa, để được đọc và đọc đi đọc lại, bởi mọi sự Chúa đã nói và làm, là biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được ghi ra.
Trước tiếng kêu thống khổ mong được thương xót và bình an, Chúa Giêsu thúc bách chúng ta: ‘Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.’ Con đường của Chúa Phục Sinh cho chúng ta thấy con đường một chiều, chỉ đi theo một hướng, nghĩa là chúng ta phải vươn ra khỏi bản thân để làm chứng cho quyền năng yêu thương chinh phục để chữa lành chúng ta.
Trong Lòng thương xót Chúa, tất cả bệnh tật của chúng ta được chữa lành. Lòng thương xót Chúa, không giữ chút khoảng cách nào, nhưng tìm cách đương đầu mọi dạng nghèo khổ và giải phóng cho quá nhiều dạng nô lệ. Lòng thương xót khao khát chạm đến vết thương của tất cả, để chữa lành cho tất cả.
Chúng ta hãy xin ơn đừng bao giờ chán việc múc lấy từ giếng nước thương xót của Cha, và đem nước đó đến cho thế giới. Chúng ta hãy xin cho chúng ta cũng được thương xót, để loan truyền quyền năng của Tin mừng đến khắp nơi. Để viết ra những trang mới của Tin mừng.’
Sau thánh lễ, khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho Ukraine, xin ‘hòa bình và tôn trọng pháp luật cho vùng đất chịu nhiều thử thách này. Đức Phanxicô cũng công bố ‘việc quyên góp của tất cả các nhà thờ Công giáo ở châu Âu, để giúp cứu trợ nhân đạo cho những người sống trong các vùng bị chiến tranh xâu xé, khiến cho hàng ngàn người phải chết, và hơn một triệu người buộc phải di cư.
Khi cầu xin bình an, chúng ta cũng nhớ rằng ngày mai 04-04 là ngày Quốc tế Nhận thức và Hành động về Bom mìn. Quá nhiều người vẫn tiếp tục bị giết, bị tàn tật bởi những vũ khí khủng khiếp này. Và đang có những con người can đảm mạo hiểm mạng sống mình để tẩy sạch các vùng bom mìn, Chúng ta phải nỗ lực vì một thế giới không có bom mìn.’