Thứ hai, 06/01/2025

Những Đề Tài Suy Niệm về Thánh Giuse (19.03.2016)

Cập nhật lúc 09:38 19/03/2016
Thánh Giuse là người công chính sống bởi đức tin và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa; ngài đã đón nhận Chúa Giêsu và trở nên người cha tuyệt vời. Thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời cho các gia trưởng trong gia đình.
Đề Tài 1
NGƯỜI CÔNG CHÍNH SỐNG BỞI ĐỨC TIN
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a
 
Lời Chúa hôm nay trình bày hai khuôn mặt được tuyên dương là người công chính. Tổ phụ Áp-ra-ham và Thánh Cả Giu-se. Người công chính sống bởi đức tin. Các ngài công chính vì đã có một đức tin kiên vững. Tin vào Lời Chúa Hứa.
Chúa hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham một miền đất và một dòng dõi. “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó… Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát, đất của những người Ke-ni, Cơ-nát, Cát-môn, Khết, Pơ-rít-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút” (St 15,5-21). Tổ phụ vững tin vào Lời Chúa Hứa không chút nghi nan. Chúa bảo ông đi đâu ông liền vâng theo. Kể cả khi đến cuối đời mà chẳng có mảnh đất nào. Khi bà Xa-ra qua đời, tổ phụ phải khéo léo thương thuyết và tốn rất nhiều vàng bạc mới mua được một mảnh đất nhỏ ở Mác-pê-la, của người Khết, để chôn cất bà. Và sau này chôn cất chính ông. Còn về dòng dõi. Hơn 90 tuổi Áp-ra-ham mới sinh được một con trai. Nhưng khi đứa trẻ lên 12 tuổi, tuổi trưởng thành của người Do thái, Chúa truyền cho ông sát tế mà dâng cho Chúa. Đó là niềm hi vọng cuối cùng. Đó là chỗ dựa duy nhất. Nhưng ông vẫn mau mắn vâng phục không chút từ nan. Thật là một đức tin lớn lao. Thánh Phao-lô đã ca tụng ông: “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin”. Quả thật khi không có gì để tin mà ông vẫn tin vào Lời Chúa Hứa. “Bởi vậy, ông được kể là người công chính”.
Thánh Cả Giu-se cũng được Tin Mừng tuyên dương là người công chính. Vì đức tin của người thật lớn lao. Từ ngàn xưa Chúa đã hứa với vua Đa-vít: “Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”. Thánh Cả thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Được thừa hưởng lời hứa đó. Nhưng đến thời Thánh Cả thì nhà của Đa-vít không còn nữa. Vì đã rơi vào ách nô lệ ngoại bang La-mã. Vương quyền Đa-vít không  còn nữa. Vì Hê-rô-đê, người Ê-đôm đã trở thành vua người Do thái. Bản thân người chỉ là một bác thợ mộc nghèo hèn sống âm thầm trong ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé. Nhưng Thánh Cả vẫn vững tin vào Lời Chúa Hứa. Niềm tin vững vàng được thể hiện qua việc nhận Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Làm sao một trinh nữ có thể sinh con? Làm sao Thiên Chúa lại mặc lấy thân xác một trẻ sơ sinh bé nhỏ yếu ớt như thế. Tại sao Thiên Chúa nhập thể phải sinh ra trong chuồng bò? Tại sao vua cả trời đất vừa sinh ra đã phải trốn chạy bạo chúa trần gian? Đức tin của người thật lớn lao. Người chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa dạy bảo. Người thi hành tức khắc những gì Thiên Chúa truyền. Dù phải thức dậy giữa đêm khuya. Dù phải lên đường tức khắc. Dù phải chấp nhận những điều ngược lại ý thích.
Người cũng như tổ phụ Áp-ra-ham. Không còn gì để trông cậy mà vẫn trông cậy. Không có gì để tin mà vẫn tin. Tin như thế cũng là từ bỏ mình hoàn toàn. Từ bỏ tất cả ý riêng. Chương trình riêng. Để hoàn toàn cho Thiên Chúa sử dụng. Để hoàn toàn theo chương trình của Thiên Chúa.
Tin như thế là dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Là phó thác hoàn toàn. Huỷ mình ra không. Để Thiên Chúa sử dụng đời mình. Và thật lạ lùng. Khi ta không có gì thì Thiên Chúa là tất cả ở trong ta. Khi ta không thể làm gì thì Thiên Chúa làm tất cả qua ta.
Quả thật Thiên Chúa đã trung tín với Lời Thề Hứa. Tất cả đã được thực hiện qua Thánh Cả Giu-se. Nhờ đức tin người đã đón nhận Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là tất cả. Khi đón nhận Chúa Giê-su Thánh Cả có tất cả. Nhờ đức tin người trở thành cha của Chúa Giê-su. Nhờ người Chúa Giê-su thuộc về dòng dõi vua Đa-vít. Chính Chúa Giê-su sẽ giữ gìn ngai vàng của nhà Đa-vít đến muôn ngàn đời. Và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.
Mừng lễ Thánh Cả Giu-se ta noi gương người sống đức tin. Nhiều lúc cuộc đời ta tăm tối. Giáo hội tăm tối. Thế giới tăm tối. Không có gì. Không là gì. Không thể làm gì. Không biết đi đâu. Nếu ta noi gương Thánh Cả. Phó thác tất cả cho Chúa. Để Chúa hành động. Ta sẽ có tất cả. Vì Chúa là tất cả. Và Chúa sẽ làm tất cả. “Bởi vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một người cha. Để Con Chúa giáng trần. Trở thành nguồn ơn phúc cho chúng con. Để nhờ dòng dõi vương giả của người chúng con được trở thành miêu duệ xứng đáng hưởng Lời Chúa Hứa. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Cả. Từ bỏ tất cả. Để chỉ được một mình Chúa. Như thế chúng con sẽ được tất cả.
+ NTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Lễ Thánh Giuse 19-3-2016.
                                               ==============                                        

Đề Tài 2
ĐÓN NHẬN LÒNG THƯƠNG XÓT
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a
 
Tên gọi của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót. Khi hiện ra với Mô-sê, Thiên Chúa đã mặc khải tên gọi đó trong sách Xuất hành 33,19: "Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót".
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn yêu thương muốn cứu vớt con người. Luôn đi bước trước trong các sáng kiến cứu độ. Khi con người hư hỏng, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ. Trước hết bằng tuyển chọn một dân riêng. Rồi cuối cùng sai Con Một sinh xuống trần gian. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn trào tuôn dào dạt. Nhưng cần có tâm hồn đón nhận. Lời Chúa hôm nay trình bày cho ta hai tâm hồn quảng đại đón nhận. Đó là tổ phụ Áp-ra-ham và thánh Giu-se.
Các ngài quảng đại đón nhận khi tuyệt đối tin vào Lời Chúa Hứa. Vì tuyệt đối tin vào Lời Chúa Hứa nên các ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả. Tổ phụ Áp-ra-ham từ bỏ quê hương xứ sở. Từ bỏ cả người con duy nhất. Thánh Cả Giu-se từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa. Các ngài từ bỏ cả đến niềm hi vọng nhân loại. Đúng như thư Rô-ma tán tụng: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trộng cậy và vững tin”.
Nhưng nếu tổ phụ Áp-ra-ham chỉ đón nhận chương trình Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thì Thánh Cả Giu-se đón nhận chính Chúa Giê-su. Là Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Lòng Thương Xót nhập thể, bằng xương bằng thịt.
Đón nhận Lòng Thương Xót cần có Lòng Thương Xót. Quả thực Thánh Cả Giu-se đã có Lòng Thương Xót đối với Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Một bức hoạ danh tiếng của hoạ sĩ Albreth Durer diễn tả sâu xa Lòng Thương Xót của Thánh Cả Giu-se. Bức hoạ vẽ cảnh Thánh Gia trốn sang Ai-cập. Đức Mẹ bế Chúa Giê-su, quấn khăn kín đáo, ngồi trên lưng lừa. Thánh Giu-se đi chân không, một tay dắt lừa, một tay cầm đèn, đi trong đêm tối. Thánh Giu-se không nhìn đường, nhưng nhìn Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi. Vì lo cho các ngài còn non yếu mà phải dong duổi dặm trường, giá lạnh sương sa. Đó là Lòng Thương Xót.
Đối với Đức Mẹ, Thánh Cả kính trọng như một người bạn trung tín. Nên không tố cáo. Trái lại còn yêu thương bảo vệ đến cùng.
Đối với Chúa Giê-su Thánh Cả đón nhận Chúa với tâm tình của một người cha. Khi đặt tên cho Chúa Giê-su, Thánh Cả đón nhận Chúa vào gia tộc mình. Chúa Giê-su chính thức thuộc dòng dõi vua Đa-vít để hoàn thành Lời Chúa Hứa xưa. Cho “vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”. Qua Thánh Cả, Chúa Giê-su chính thức ghi tên vào cuộc kiểm tra dân số, để trở thành công dân  thực thụ của trái đất.
Trên trời Chúa Giê-su có Chúa Cha. Chúa Cha yêu thương Con Một nên có gì đều trao ban hết. Vì thế ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con là một.  Dưới đất Chúa Giê-su có Thánh Cả Giu-se là người cha. Vì Thánh Cả có gì cũng dâng hiến hết cho Chúa Giê-su. Không chỉ sức lực lao động. Mà còn cả lòng trí mến yêu tôn thờ. Và thậm chí còn cả danh dự và mạng sống nữa. Tóm lại cả cuộc đời Thánh Cả là dành cho Chúa Giê-su. Chỉ để phục vụ Chúa Giê-su mà thôi. Thánh Cả đã có Lòng Thương Xót Như Chúa Cha.
Như Chúa Cha vì Lòng Thương Xót mà trao ban chính Con Một. Tổ phụ Áp-ra-ham có tấm lòng Thiên Chúa khi hiến dâng I-sa-ác, người con duy nhất. Và Thánh Cả Giu-se cũng hiến dâng Chúa Giê-su cho nhân loại. Khi lạc mất Chúa tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, Thánh Cả hiểu và chấp nhận dâng hiến Chúa cho Thiên Chúa và nhân loại.
Nhờ Thánh Cả mở lòng đón nhận, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể vào trần gian. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa gặp được Lòng Thương Xót của nhân loại nơi Thánh Cả. Hạt Mầm Lòng Thương Xót được ấp ủ, chăm sóc, tưới bón, đã trở thành ơn cứu độ. Tràn lan đến mọi người ở mọi góc biển chân trời.
Mừng lễ Thánh Cả Giu-se, chúng ta tạ ơn Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Tạ ơn Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su nhập thể xuống thế làm người. Và tạ ơn Thánh Cả Giu-se đã có Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Quảng đại đón nhận Lòng Thương Xót. Để Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được tràn lan trong nhân loại.
Mừng lễ Thánh Cả Giu-se, chúng ta hãy noi gương Thánh Cả. Từ bỏ ý riêng để đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa. Như Thánh Cả đón nhận Đức Mẹ và Chúa Giê-su vào gia đình và cuộc đời mình. Ta hãy đón nhận anh em như đón nhận chính Chúa. Tránh xét đoán anh em. Nhưng yêu thương và bảo vệ.
Mừng lễ Thánh Cả Giu-se chúng ta hãy có Lòng Thương Xót. Thương Xót như Chúa Cha. Để đón nhận Lòng Thương Xót. Để vun trồng Lòng Thương Xót. Và để Lòng Thương Xót của Chúa qua chúng ta tràn lan đến mọi tâm hồn.
Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa. Vì Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại đến muôn ngàn đời. Amen.

+ NTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

================
Đề Tài 3
THÁNH GIUSE, NGƯỜI CHA TUYỆT VỜI
 
Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy chỉ nhắc đến tên và một số đặc tính của thánh Giuse, chứ tuyệt nhiên không hề có chỗ nào ghi lại lời nói của ngài. Tuy nhiên, chỉ nhắc tới ngài thôi, thì cũng đủ để cho chúng ta thấy được vai trò ưu tuyển của ngài trong lịch sử cứu độ và nơi truyền thống của Giáo Hội.
Thật vậy, từ lâu, Giáo Hội đã tuyên xưng ngài là “đấng công chính”; “cha nuôi Con Đức Chúa Trời”; là “bạn trăm năm của Đức Nữ Trinh”; là “đấng bầu chữa cho cả Giáo Hội”; là “mẫu gương sống động cho những người cha nơi các gia đình”.
Vậy do đâu và tại sao ngài lại được ân thưởng những đặc ân cao quý như vậy? 

1.      Thánh Giuse là đấng công chính
Có lẽ xét về góc độ bề ngoài, thánh Giuse không có gì trổi vượt, thậm chí là một người bình thường như mọi người đàn ông nông dân khác thời bấy giờ. Nhưng xét về góc độ niềm tin, chúng ta dễ dàng nhận ra ngài là một anh hùng vì can đảm và tín trung.
Khi gọi ngài là “đấng công chính”, Giáo Hội muốn nói với con cái mình rằng: thánh Giuse là người thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn, vì đã gắn bó và trung thành tuân giữ lời của Thiên Chúa cách tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh.
Lần giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy việc Thiên Chúa sai sứ thần mộng báo cho thánh Giuse luôn mang tính đột ngột. Nhưng thái độ đáp ứng của thánh nhân cũng mau mắn đến độ đột ngột không kém.
Trong lần báo mộng đầu tiên, ý Thiên Chúa muốn thánh Giuse đón nhận Mẹ Maria về chung sống, để Con Thiên Chúa có một mái ấm gia đình bình thường như mọi gia đình khác trên trần gian. Nhưng đặt mình trong hoàn cảnh của thánh nhân lúc bấy giờ, thì việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa thật không dễ, vì thai nhi Giêsu đang lớn dần trong cung lòng Mẹ Maria không phải của ngài, mà do quyền năng Chúa Thánh Thần. Xét theo góc độ con người thì việc đón nhận này không dễ. Tuy nhiên, thánh nhân đã không ngần ngại khi được giả thích, nên sẵn lòng đón Đức Mẹ về sống chung để cùng nhau xây dựng một gia đình thánh.
Tiếp theo là lần báo mộng thứ hai, ý Thiên Chúa mặc khải cho biết bạo chúa Hêrôđê đang tìm cách giết Con Trẻ, vì thế phải trốn sang Aicập ngay trong đêm; thánh nhân cũng mau mắn thi hành cách vội vã vì sự an toàn của tính mạng Con Thiên Chúa.
Lần cuối cùng, thánh nhân được báo mộng là đem Hài Nhi và Mẹ Người trở lại Nazareth, vì hòa bình đã lập lại; thánh Giuse không ngần ngại đem Hài Nhi và Mẹ Người trở lạ quê hương xứ sở của mình cách an toàn.
Thêm vào đó, sau khi đi lễ đền thờ, lúc trở về, ngài phát hiện được Hài Nhi Giêsu không về chung với mọi người thân thuộc, nên đã cùng với Đức Maria tức tốc trở lại đền thờ để tìm con.
Và, mặc dù không nói, nhưng chắc chắn rằng: suốt cuộc đời sống âm thầm nơi làng quê Nazareth... thánh Giuse luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa qua mọi biến cố thăng trần của cuộc sống được thể hiện qua vai trò người chồng và người cha trong gia đình. Thật vậy, thánh nhân là người rất nhạy bén với thánh ý của Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Chính sự cộng tác cách tuyệt đối này của thánh Giuse mà lịch sử cứu độ chuyển sang trang sử mới.
Bởi vậy, thánh Giuse xứng đáng được gọi là “đấng công chính” và là “cha nuôi Con Đức Chúa Trời”.
Khi trở thành dưỡng phụ của Đức Giêsu, lẽ đương nhiên, ngài trở thành “bạn trăm năm của Đức Maria”. Ngài là người chồng chung thủy và hết lòng yêu mến Mẹ Maria.

2.      Thánh Giuse là đấng bầu chữa cho Giáo Hội
Thánh Giuse còn được gọi là đấng bầu chữa cho cả Giáo Hội:
Thật thế, trải qua dòng lịch sử, ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra sự bầu chữa của thánh nhân. Ngài luôn nâng đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn trong cuộc đời và nơi cuộc sống. Hình ảnh thánh Giuse hay làm phép lạ được truyền tai nhau khắp nơi. Đến nỗi người ta có thể nói rằng: ngài không quên ai chạy đến để cầu cứu ngài. Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila đã viết: “Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của Vị Thánh vinh phúc này”; thánh Têrêsa Avila viết tiếp: “Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này, việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Ngài với quyền làm Cha và làm Giám Quản, thì nay ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý muốn của Ngài, mà nhận mọi lời Ngài cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên chạy đến cùng Vị Bảo Hộ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm”.
Ý thức được tầm quan trọng của thánh nhân trong đời sống đức tin của Giáo Hội, và hết lòng tôn kính Ngài, vì thế, ngày 01.01.2013, Giáo Hội không ngần ngại khi đưa tên của thánh nhân vào trong Kinh Nguyện Thánh Thể với sắc lệnh số 215/11/L của Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Bí Tích. Vì thế, các Kinh Nguyện Thánh Thể đã nhắc tới danh xưng “Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” như một niềm tôn vinh và cũng như một lòng trông cậy.
Như vậy, thánh nhân thật xứng đáng trở nên Vị Bảo Trợ cho cả và Giáo Hội. Bên cạnh đó, ngài còn là mẫu gương các gia trưởng nơi các gia đình. Bởi vì, ngài là người chồng, người cha mẫu mực khôn ngoan.

3.      Bài học rút ra từ cuộc đời thánh Giuse
Mừng lễ thánh Giuse, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy hướng nhìn lên thánh nhân như một mẫu gương về lòng trung tín với Thiên Chúa, chung thủy với Đức Maria, luôn chu toàn trách vụ của người cha trong gia đình.
Thật vậy, thánh nhân là một con người thinh lặng, trầm tư, cầu nguyện... nên ngài dễ dàng nhận ra Thiên Ý và sẵn sàng mau mắn thi hành ý của Thiên Chúa trong cuộc đời. Sự thinh lặng của thánh nhân đã biến cuộc đời của ngài trở nên cuộc đời sống vì yêu. Yêu Chúa để thi hành mệnh lệnh. Yêu Mẹ Maria để sống chung thủy. Yêu mến Đức Giêsu để hết mực chăm lo. Yêu mến Giáo Hội để luôn bầu cử, trợ giúp... điều này thật đúng với tác giả Philippon, OP. đã nhận định về sự thinh lặng: “Ai yêu mến sự thinh lặng, sẽ được dẫn tới sự thinh lặng của mến yêu”.
Đối với Giáo Hội Việt Nam, giáo dân đất Việt có lòng yêu mến ngài đặc biệt. Nhiều gia đình, dòng tu, chủng viện, học viện đã tôn nhận ngài là Đấng Bảo Trợ. Nhiều nhà thờ lấy tước hiệu của ngài. Nhiều đền đài được dựng lên tỏ lòng tôn kính. Nhiều cụ ông, và anh em đã chọn ngài làm bổn mạng. Khi gặp bất trắc gì trong cuộc sống, chúng ta đều chạy đến với Ngài.
Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cũng chưa tôn kính ngài cho đủ, và cũng nhiều khi chúng ta chưa noi gương ngài thực sự. Vì thế, mừng lễ thánh Giuse, chúng ta hãy xin thánh nhân bầu cử cho các gia đình chúng ta, luôn giữ được lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội như ngài; mặt khác, khi Giáo Hội dành trọn tháng 3 để tôn kính thánh nhân, mà theo niên lịch phụng vụ thì thường rơi vào Mùa Chay, mà Mùa Chay là mùa sám hối, vì thế, cách này, cách khác, Giáo Hội muốn mời gọi mỗi chúng ta hãy trở về với sự thinh lặng, để gắn bó với Chúa, nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Chúa như thánh Giuse.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con mẫu gương tuyệt vời là thánh Giuse. Xin Chúa đón nhận lời bầu cử của thánh nhân mà ban cho chúng con được can đảm, trung thành và yêu mến luật Chúa; đồng thời đem ra thi hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.

 Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log