Nhà thờ giáo xứ Tình Lam › Hạt SƠN TÂY › Xứ TÌNH LAM
A - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khi mới thành lập, Tình Lam chỉ là một họ đạo của giáo xứ Bách lộc. Khi phiên xứ Vĩnh Lộc được tách khỏi giáo xứ Bách Lộc là một giáo xứ riêng (1897), Tình Lam là một họ đạo thuộc về giáo xứ Vĩnh Lộc
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, nhờ sự nhiệt tình truyền giáo của Cố Tam (Duhamel), cố Hưng (Chabert), cha Trần Đức Khuyến, nên các vùng xung quanh Tình Lam theo đạo nhiều, chỉ trong 15 – 20 năm sau đã có thêm 13 họ đạo mới. Bởi vậy Tình Lam đã trở thành trụ sở một phiên (quadi paroisse) của xứ Vĩnh Lộc.
Đến năm 1932, Tình Lam được tách ra khỏi giáo xứ Vĩnh Lộc để thành lập giáo xứ mới. Khi mới thành lập, giáo xứ Tình Lam gồm 18 họ giáo, số lượng giáo dân khoảng 3000 người. Giáo xứ Tình Lam trải dọc theo bờ Nam sông Đáy, có chiều dài khoảng 14 – 15 km hình cánh cung ôm lấy núi Chầm và dãy núi Sở - So, Hàm Rồng. Bắc là giáo xứ Đông Lao, Cát Thuế; Đông Nam là Thạch Bích, Đại Ơn thuộc giáo phận Hà Nội; phía Tây là phiên xứ Hoàng Xá thuộc giáo phận Hưng Hoá.
Khí hậu thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Khoáng sản có mỏ than núi Ninh. Thắng cảnh có núi Chầm, chùa Trăm gian, chùa Lãm, đình So.
Từ khi đón nhận Tin Mừng đến 1945 nói chung đời sống đạo của cộng đoàn giáo xứ khá sôi nổi. Nhưng từ ngày cách mạng thành công, nhất là từ năm 1954, sợ sệt cũng có, vật chất cám dỗ cũng có, làm cho sự đạo sa sút hẳn: từ 15 họ đạo chỉ còn 9 họ đạo, từ 3000 giáo dân chỉ còn 1700 giáo dân. Mà ngay những họ đạo còn nói là tin Chúa, cũng đếm được trên đầu ngó tay những người sống đạo.
Sau khi cha già Giuse Nguyễn Trí Thức qua đời, cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu về coi sóc, lòng đạo mới được hồi sinh.
Khi còn thuộc xứ Bách Lộc thì các cha Bách Lộc coi sóc. Khi thuộc giáo xứ Vĩnh Lộc thì các cha xứ Vĩnh Lộc phục vụ. Còn sau khi được chia tách thành giáo xứ mới, Tình Lam được chăm sóc bởi các cha:
1/ Cha Giuse Nguyễn Trí Thức (1935 – 1979),
2/ Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1979 – 1990),
3/ Cha An tôn Dương Phú Oanh (1990 – 2007),
4/ Cha Giuse Dương Đắc Tiến (2007 – 10/ 2015),
5/ Cha Giuse Đặng Văn Mạnh (10/10/2015 – 05/07/2017).
6/ Cha Giuse Nguyễn Văn Uý (quản nhiệm) và cha phó đặc trách Giuse Trần Quý Tuần (08/07/2017 – 26/02/2021)
7/ Cha Giuse Trần Quý Tuần (26/02/2021 - nay)
Năm 2007, Đức cha An tôn Vũ Huy Chương đã tách giáo họ Mộc Hoàn thành giáo xứ mới, nên hiện nay, giáo xứ Tình Lam có 814 hộ gia đình với 2851 nhân danh (8/2023), gồm các giáo họ › Hạt SƠN TÂY › Xứ TÌNH LAM
Họ giáo Tình Lam
Họ giáo Đại Tảo
Họ giáo Bất Lạm
Họ giáo Phú Hạng
Họ giáo Sơn Lộ
Họ giáo Phượng Đồng
Họ giáo Phượng Bãi
B - GIÁO XỨ TÌNH LAM NGÀY NAY. 1/ Giáo họ Tình Lam
Địa chỉ: thôn Tình Lam, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội.
Quan thầy: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12)
Quãng năm 1835, ông Trần Khanh người giáo dân Tình Lam, hiền lành, sống bằng nghề nông, nên ông đã tìm lên Vĩnh Lộc, gặp cai An là người giúp việc nhà xứ. Ông Khanh kể lại sự tình và muốn theo đạo; đồng thời xin ông An xuống hướng dân. Ông An nhận lời và có khoảng 10 gia đình đến tìm hiểu về đạo tại nhà ông Khanh. Sau thời gian tìm hiều đạo, cha Tuệ về ban bí tích Rửa tội. Nhưng vì dân Tình Lam là dân chèo hát, lại theo đạo vì những lý do trần tục, nên theo rồi lại bỏ, bỏ rồi lại theo 3, 4 lần.
Các cha vẫn bền lòng dẫn dắt, nên sau những năm tháng dài xa Chúa, họ hồi tâm và sám hối trở lại. Đặc biệt, khi Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu là cha xứ, Ngài đã vận dụng Hiến chế của Công đồng Vaticano II, cùng thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980, nên giáo dân Tình Lam đã có đức tin mạnh mẽ hơn.
Khi Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu về Tòa Giám Mục (1990), giáo xứ Tình Lam được trao lại cho Cha Antôn Dương Phú Oanh và Ngài đã lo liệu để xây dựng lại nhà thờ, nhà xứ khang trang, đẹp đẽ hơn, đấy cũng là lý do làm cho tinh thần đạo của con chiên Tình Lam được phấn chấn.
Năm 2014 – 2015 Cha Giuse Dương Đắc Tiến cùng cộng đoàn giáo xứ sửa chữa và nâng cấp lại nhà thờ khang trang, đẹp đẽ.
Ngày 10/10/2015, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã bổ nhiệm Cha Giuse Đặng Văn Mạnh về làm Quản xứ Tình Lam và quản nhiệm xứ Mộc Hoàn.
Ngày 10/12/2015, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã Cung hiến Nhà thờ Tình Lam, với Tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Giáo họ Tình Lam đã cống hiến cho giáo hội 1 nữ tu là dì Agata Nguyễn Thị Năm thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa.
Hiện nay họ Tình Lam gồm 787 nhân danh với 218 hộ gia đình.
Họ đạo có 4 hội đoàn: Mân côi, Matta, Đức Mẹ Camelo, Giuse.
Hai ca đoàn: Cecilia và Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Một ban kèn đồng.
2/ Giáo họ Đại Tảo
Địa chỉ: thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội.
Quan thầy : Antôn Padua (13/6)
Đại Tảo đón nhận Tin Mừng năm 1927 do cha Hưng (Chabert). Ngài đã làm cho họ một ngôi nhà thờ 5 gian, dài 20m, rộng 7m. Năm 1993, Cha Antôn Dương Phú Oanh đã cho đại tu; rỡ bỏ tiền sảnh.
Hiện nay số nhân danh trong họ giáo là 160, số gia đình là 43.
Họ đã hiến dâng cho giáo hội 1 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá là dì Maria Đinh Thị Thăng. 3/ Giáo họ Bất Lạm.
Quan thầy họ giáo: Thánh Andre Tông đồ (30/11)
Địa chỉ: thôn Độ Tràng, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội
Bất lạm theo đạo năm 1922 đời cố Hưng (chabert). Vì họ là dân chài lưới nên lúc nào cũng lênh đênh trên sông nước. Mãi năm 1940 họ mới làm được 3 gian nhà thờ bằng gỗ, lá. Năm 1965, nhà thờ bị đổ. Thế là từ bấy giờ họ không có nơi cầu nguyện, dâng lễ.
Năm 1999, cha Oanh và bà con giáo dân quyết tâm xây dựng lại nhà thờ với diện tích 108m2 trong khuôn viên 320m2.
Hiên nay giáo họ Bất Lạm có 169 nhân danh và 53 hộ gia đình
4/ Giáo họ Phú Hạng
Quan thầy: Thánh Gioan Tông đồ (26/12)
Địa chỉ: thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội
Họ giáo Phú Hạng được thành lập năm 1917, đời cha Trần Đức Khuyến. Đầu tiên có ông phó tổng Lê Văn Sưa theo đạo, rồi dần dần có thêm những hộ gia đình khác.
Nhà thờ được xây dựng năm 1929 với diện tích 240m2 trong khuôn viên dài 87m, rộng 16m (Tổng diện tích đất = 1392m2), giữa làng Phú Hạng. Từ đó đến nay đã được sửa chữa một lần.
Hiện nay họ giáo gồm 31 gia đình, với số nhân danh là 85.
5/ Giáo họ Sơn Lộ
Quan thầy họ giáo: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Địa chỉ: thôn Sơn Lộ, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội.
Giáo họ Sơn Lộ được thành lập năm 1880, đời cha già Trưởng và cha phó Thứ xứ Bách Lộc. Rồi từ 1897, Vĩnh Lộc được đứng xứ riêng, Sơn Lộ thuộc về xứ Vĩnh Lộc. Năm 1932, Tình Lam được tách khỏi Vĩnh Lộc làm thành xứ mới, Sơn Lộ thuộc về xứ Tình Lam.
Nhà thờ Sơn Lộ được xây dựng khoảng năm 1900. Nhưng do chiến tranh và lụt lội, lại trải qua thời gian trên 100 năm, nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2001, cha xứ Antôn Dương Phú Oanh đã xin bà con thập phương, nhất là gia đình ông Ngạn (Hà Nội) giúp đỡ, cộng với sự nhiệt tình của bà con giáo dân trọng họ, ngôi nhà thờ được đại tu.
Ngày 06/06/2002, cha giám quản Giuse Nguyễn Thái Hà đã về làm phép và khánh thành.
Năm 2014, cha Giuse Dương Đắc Tiến và cộng đoàn đã xây thêm tháp chuông với chiều cao khoảng 20m.
Nhà thờ Sơn Lộ hiện nay có diện tích 150m2 trong tổng diện tích 1474m2. Có nhà giáo lý diện tích 140m2.
Hiện nay, giáo họ Sơn Lộ có 234 nhân danh và 69 hộ gia đình.
Họ giáo đã cống hiến cho giáo hội bốn tu sỹ và một chủng sinh đang theo học tại đại chủng viện.
6/ Giáo họ Phượng Đồng
Quan thầy : Thánh Giuse thợ (01/05)
Địa chỉ: thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội.
Giáo họ Phượng Đồng được thành lập năm 1915, đời cha cố Hưng (Chabert). Sau khi thành lập, cha cố đã cho xây một nhà thờ rộng 120m2. Đến năm 1954, xây một nhà khách rộng 32m2. Năm 2004, dưới thời Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương và cha xứ Antôn Dương Phú Oanh, đã xây dựng lại nhà thờ mới với diện tích 270m2 trong khuôn viên 2700m2, một nhà giáo lý 60m2, và phòng khách 40m2.
Hiện nay giáo họ Phượng Đồng có 793 nhân danh và 222 hộ gia đình.
Giáo họ đã cống hiến cho Giáo Hội 6 nữ tu.
7/ Giáo Họ Phượng Bãi
Quan thầy : Thánh Vincente (5/4)
Địa chỉ: Phường Biên Giang, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Giáo họ Phượng Bãi được thành lập năm 1920 đời cha Trần Đức Khuyến và cha cố Hưng (Chabert). Lúc mới thành lập họ đạo có một nhà tạm để lấy chỗ học hành và dâng lễ. Đến năm 1944, cha Nguyễn Trí Thức xây dựng lại nhà thờ trong khuôn viên 4000m2.
Năm 1985, nhà nước mở đường quốc lộ 6A đi qua giữa nhà thờ. Nhưng phải đến năm 1992 giáo họ mới xây dựng lại được nhà thờ và diện tích khuôn viên của giáo họ chỉ còn lại 700m2. Đến năm 2006, giáo họ xây thêm một nhà giáo lý. Đến năm 2010, xây phòng ở và các công trình phụ để đón cha Antôn Dương Phú Oanh về hưu (25/5/2010 – nay).
Hiện nay họ giáo Phượng Bãi có 243 nhân danh với 68 hộ gia đình.
Chiều ngày 16/01/2025, phái đoàn Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hoá do Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và chúc Tết lãnh đạo Tỉnh Uỷ, tỉnh Điện Biên nhân dịp Xuân Ất Tỵ.