Sống giữa thế giới hôm nay đầy dẫy những chủ thuyết, đảng phái và luồng tư tưởng trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại niềm tin Kitô giáo, đặc biệt niềm tin vào Chúa Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh, người Công Giáo chúng ta dễ bị dao động. Dao động không muốn theo Chúa nữa, hoặc vẫn theo Chúa, nhưng chỉ thích hái quả mà không muốn trồng cây, thích chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trên núi Tabor mà không muốn lên đồi Canvê nhìn Thập Giá để cảm nghiệm Tình Yêu sâu xa của Thiên Chúa, muốn có nhiều bông lúa vàng nặng hạt, nhưng không chấp nhận trở nên hạt lúa phải thối đi trong lòng đất.
Thế giới hôm nay muốn tạo cho con người một thứ hạnh phúc tưởng chừng như bất diệt, một thứ tự do quá chớn tước quyền của Đấng Tạo hoá, một loại hưởng thụ cá nhân ích kỷ mà không nghĩ đến tập thể cũng như toàn thể nhân loại. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới hy vọng đươc sống trong bình an. Nhưng ngờ đâu: hết khủng bố này đến khủng bố khác. Chiến tranh vẫn còn đó! Chiến tranh trên cục diện thế giới, chiến tranh nhân danh tôn giáo, chiến tranh dân tộc, chiến tranh ngay tại cộng đoàn và cả trong gia đình nữa.
Tất cả những sự dữ và tiêu cực như thế đều phát sinh từ cái hưởng thụ ích kỷ cuả một số cá nhân, của một chủ thuyết. Họ đã đảo ngược lời Chúa dạy hôm nay, thay vì nói: "
Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt", họ lại nói: "Nếu muốn cho hạt lúa cái tôi của tôi bành trướng, thì cần phải bóp chết những hạt lúa khác".
Thế giới hôm nay sẽ còn tiếp tục đi về đâu, nếu người công giáo chúng ta không biết suy tư và cảm nghiệm được Mầu Nhiệm Thập Giá? Người Công giáo chúng ta hiểu thế nào về sự tự do và hạnh phúc của cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại, qua câu nói của Chúa Giêsu khi Ngài sắp phải bước vào cuộc khổ nạn: "
Đã đến giờ Con Người được tôn vinh" .
Từ ngữ tôn vinh đươc lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài Phúc Âm hôm nay. Theo ngôn ngữ thông thưòng của chúng ta, người được tôn vinh, là người có uy tín, giành đươc một vương miện, một huy chương, huân chương, một cúp vàng, bạc, đồng hoặc một bằng cấp gì đó. Còn đối với Chúa Giêsu hôm nay, khi chuẩn bị phải chết trên thập giá, Người lại nói rằng Người sẽ được tôn vinh và Chúa Cha cũng được tôn vinh. Thật là khó hiểu cho chúng ta!
Trong Kinh Thánh, sự tôn vinh của Thiên Chúa là sự hiện diện của Người ở khắp nơi trên thế giới. Một sự hiện diện huy hoàng như ngọn lửa trong bụi gai rực cháy, nơi mà Người đã mạc khải cho Mai sen. Vì thế, tôn vinh có nghĩa là bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa cũng là Tình Yêu của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu nói: "
Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Cha", chúng ta có thể hiểu rằng: "Lạy Cha, xin Cha hãy tỏ cho thế giới biết Cha, biết Cha là Thiên Chúa Tình Yêu, như Cha đã ký kết giao ước Tình Yêu với dân tộc Cha đã chọn".
Sự vinh quang của Thiên Chúa cũng là để cho thế giới được sống, được cứu độ và được hạnh phúc. Lời đầu tiên chúng ta xin trong kinh lạy Cha: "
Nguyện Danh Cha cả sáng, nươc Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" cũng được hiểu là: " Nguyện xin cho mọi người nhận biết Cha là Thiên Chúa Tình Yêu và triều đại Tình Yêu của Cha luôn luôn được thống trị.
Để biểu hiện vinh quang của Thiên Chúa, có nghĩa là để cho Thiên Chúa Tình Yêu và triều đại Tình Yêu của Người được thống trị, hay nói một cách cụ thể hơn , là để cho nhân loại được sống, được cứu độ và được hạnh phúc, Chúa Giêsu đã làm gì?
Chúa Giêsu đã đi đến cùng để mạc khải Thiên ChúaTình Yêu và hay thưong xót. Người đã chấp nhận chịu đau khổ và chết trên thập giá. Vào lúc sắp sửa bước vào giờ quyết định chấp nhận đó, Chúa Giêsu cho chúng ta biết những tâm tình chất chứa trong tâm hồn Người: hấp hối, phó thác và tin tưởng chắc chắn sẽ chiến thắng.
Đau khổ, hấp hối! Phải chăng Chúa Giêsu yêu thích? Không! Hoàn toàn không. Chúa Giêsu cũng là một con người như chúng ta. Lời cầu xin của Người với Chúa Cha chứng tỏ điều này: "
Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này". Chúa Giêsu cũng muốn thoát khỏi đau khổ:"
Lạy Cha, Lạy Cha, nếu đẹp lòng Cha, xin hãy cất chén đắng này xa con".
Ngày nay, có nhiều người không tin, hoặc đức tin còn non yếu cho rằng: Chúa Giêsu và cả những người theo Người như muốùn chịu đau khổ để được hạnh phúc đời sau. Họ nghĩ vậy là hoàn toàn sai lầm, nếu không muốn nói là có tư tưỏng thù địch với giáo lý của Chúa.
Tuy nhiên điều mà Chúa Giêsu xin với Chúa Cha đâu có phải là hoàn toàn được chấp nhận. Trong khi chưa được chấp nhận,Chúa Giêsu hoàn toàn phó thác nơi Chúa Cha: "
Nhưng theo ý Cha, đừng theo ý con". Và Người còn quả quyết rằng: "
Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt". Từ ý nghĩa này, sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một dân tộc mới sẽ được phát sinh. Vào giờ cao điểm của đau khổ với tiếng kêu thảm thiết và nước mắt, Chúa Giêsu vẫn có thể tiếp tục nói một cách hoàn toàn tin tưởng. Người biết rằng: từ cái chết này mà tất cả nhân loài được sống. Nhân loại được sống tức là Chúa Cha được tôn vinh: "
Chính vì thế mà Con đến trong giờ này...Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó, từ trời có tiếng Chúa Cha phán: "
Ta đã làm vinh danh Ta, và sẽ tiếp tục làm vinh danh Ta nữa".
Suốt chặng đường dài của 20 thế kỷ nay, Thiên Chúa tiếp tục làm vinh danh Người không những qua cái chết của Chúa Giêsu, mà còn cái chết cua biết bao vị thánh. Họ là những hạt lúa mì thối đi, đẻ trổ sinh hằng triệu triệu hạt lúa mì khác. Giáo Hội Việt Nam chúng ta, cũng có nhiều hạt lúa mì phải thối đi, thì bây giờ đã trổ sinh gần chục triệu hạt lúa mì khác.
Là người, không ai muốn chấp nhận đau khổ. Nhưng chấp nhận đau khổ theo Thánh Ý Thiên Chúa, chính là làm vinh quang Thiên Chúa, làm cho thế giới được cứu sống. Mong sao khi ngước nhìn thập giá với lòng tin tưởng sâu xa, chúng ta sẽ không thấy thánh giá là dụng cụ của hận thù và đau khổ, nhưng là dụng cụ chiến thắng của Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.