Thứ hai, 25/11/2024

5 Phút suy niệm - tháng 12/2014

Cập nhật lúc 11:16 28/11/2014
Sống Lời Chúa: Tôi cúi mình tạ ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người phàm vì yêu thương con người. Tôi cố gắng sống trong tâm tình cảm tạ ấy suốt ngày hôm nay.
 
 

 
 


30/11/14         CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – B
                                                         Mc 13,33-37
 
HỒI CHUÔNG THỨC TỈNH
 
“Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra  ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em Thầy cũng với với hết thảy mọi người là: phải canh thức.” (Mc 13,36-37)
 
Suy niệm: Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện lý thú về những người nằm chết khát trên chiếc bè nằm lênh đênh ngoài khơi bờ biển Bra-xin. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi nó tống ra biển xa đến hai dặm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết. Cũng tương tự như vậy, quanh chúng ta biết bao niềm vui hạnh phúc, yêu thương... phần lớn người ta chẳng hay biết gì.”
 
Mời Bạn: Sống gần kề dòng sông ân sủng của Thiên Chúa nhưng rất có thể chúng ta không nhận ra được điều đó, để rồi, trong đời sống thiêng liêng, ta sống lây lất, dở sống dở chết. Mùa Vọng gióng lên hồi chuông để ta tỉnh thức trong  giờ Chúa đến bất chợt; trước mắt nó thúc giục ta tỉnh thức hầu nhận ra vô vàn ơn huệ Thiên Chúa ban cho ta trong đời sống.
 
Chia sẻ: Những gì làm tôi nhận ra và không nhận ra ơn Chúa ban trong đời sống?
 
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống một Mùa Vọng Tỉnh Thức đặc biệt giữ 3 “đức” cuối của kinh “Cải Tội Bảy Mối”:
-       Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống,
-       Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét,
-       Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tuy sống “giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về thế gian”, xin cho chúng con ơn tỉnh thức để trong cuộc sống, luôn biết hướng lòng về Chúa, đi tìm kiếm Chúa và niềm hạnh phúc nơi Chúa mà thôi.
 
 
 
01/12/14                       THỨ HAI TUẦN 1 MV
                                                              Mt 8,5-11
 
HỘ CHIẾU NƯỚC TRỜI
 
“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. ” (Mt 8,9)
 
Suy niệm: Hộ chiếu là giấy thông hành cần thiết giúp ta đi ra đi vào một quốc gia hay lãnh thổ. Hộ chiếu của Nước Trời là đức tin; hễ có đức tin là ta có thể ra vào Nước Trời, không phân biệt màu da, chủng tộc. Viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay đã cầm chắc giấy thông hành quý giá ấy qua việc bày tỏ niềm tin vào uy quyền Đức Giê-su. Ngài có thể truyền lệnh cho đầy tớ ông lành bệnh, đặc biệt là truyền lệnh ấy mà không cần đích thân đến nhà ông, vì nhà ông không xứng đáng đón Ngài. Ông hiểu người Do Thái coi nhà người ngoại giáo là ô uế, nên tôn trọng niềm tin này. Hơn nữa, ông yêu mến, tận tụy chăm sóc người đầy tớ, một nô lệ vốn bị coi như đồ vật trong xã hội Rô-ma. Trái tim ai yêu thương nhạy cảm với người khác thì luôn gần gũi Trái Tim Đức Giê-su.
 
Mời Bạn: “Với người có niềm tin, không cần lời giải thích nào. Với người không có niềm tin, không lời giải thích nào là đủ” (Th. Tôma Aquinô). Là người đã tin vào Chúa, bạn không cần lý lẽ chứng minh về Ngài, chỉ cần đào sâu niềm tin ấy qua đọc sách giáo lý, đọc Lời Chúa và nỗ lực sống Lời ấy.
 
Sống Lời Chúa: Trước khi rước lễ, tôi đọc những lời này của viên sĩ quan với lòng khiêm tốn, tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Chúa Giê-su.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngạc nhiên trước niềm tin mạnh mẽ và khiêm tốn của viên sĩ quan Rô-ma. Xin Chúa cũng thêm niềm tin và lòng khiêm tốn cho chúng con. Xin cho niềm tin giúp chúng con sống thật sự là con người vì để cho Chúa thật sự là Chúa của đời chúng con. Amen.

02/12/14                         THỨ BA TUẦN 1 MV
                                                          Lc 10,21-24
 
NƯỚC TRỜI KHÔNG LÀ SẢN PHẨM CỦA TRÍ TUỆ
 
Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21)
 
Suy niệm: Thông thường trước một vấn đề được trình bày, những bậc khôn ngoan thông thái lĩnh hội dễ dàng hơn những người bé mọn. Nhà giảng thuyết được kể là thành công khi có khả năng giúp những người kém cỏi nhất hiểu được sứ điệp của mình. Chúa Giê-su hớn hở vui mừng vì mầu nhiệm Nước Trời được mặc khải cho những người bé mọn. Đối với những bậc khôn ngoan thông thái, không phải họ không có khả năng hiểu biết Nước Trời, mà vì Nước Trời không giống những gì họ đang hiểu. Cha Anthony De Mello đã nhận xét rất chí lý về họ: “Có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để đi tìm Thiên Chúa, nhưng chỉ có một điều họ không chịu bỏ, đó là quan niệm của họ về Thiên Chúa.”
 
Mời Bạn: Mùa Vọng là mùa chúng ta mong chờ Chúa đến. Nhưng Thiên Chúa chúng ta chờ là Thiên Chúa nào? Đừng ‘vẽ’ sẵn một hình ảnh sai lạc về Ngài để rồi khó nhận ra, nhưng hãy tỉnh thức, vì cách Ngài đến ta không ngờ.
 
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm câu nói này của Gióp để có được cách nhìn đúng đắn về sự hiện diện của Chúa thông qua các biến cố cuộc đời: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10)
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho con. Xin cho con nhận biết và yêu mến Chúa, để Chúa thật sự là Chúa của lòng con. Amen.

03/12/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Phan-xi-cô Xa-vi-ê, linh mục  Mc 16,15-20
 
ƠN GỌI SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
 
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.” (Mc 16,15)
 
Suy niệm: Ki-tô hữu là người thuộc về Chúa Ki-tô, người được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Câu nói này tuy vắn vỏi nhưng đã hàm chứa đầy đủ sự cao trọng của ơn gọi và sứ mạng người Ki-tô hữu. Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy không phải là điều phụ thuộc, hay được đưa thêm vào trong bổn phận của người Ki-tô, nhưng là bản chất, là cốt lõi của đời sống họ, là sứ vụ chính đi kèm bí tích thánh tẩy họ đã lãnh nhận. Người Ki-tô hữu và sứ vụ truyền giáo ấy không thể tách biệt, ‘li dị’ nhau; trái lại, tay trong tay" đến nỗi không truyền giáo thì không còn là người Ki-tô hữu đích thực. Do đó, người Ki-tô hữu phải luôn nỗ lực làm chứng về Chúa qua lời nói, việc làm tốt đẹp của mình, cũng như không ngại ngùng giới thiệu Chúa cách trực tiếp cho người chung quanh.
Mời Bạn: Cụ thể, bạn sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng trong môi trường sống của mình? - Trước hết, chính bạn phải ý thức rằng loan báo Tin Mừng là bổn phận số một của mình trong cuộc đời; thứ đến, phải nỗ lực sống đời sống yêu thương, công bằng, quảng đại, liên đới, để người chung quanh nhìn thấy có Chúa trong cuộc đời bạn.
 
Sống Lời Chúa: Nhìn thấy bao anh chị em lân cận chưa biết Chúa, tôi xác tín như thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con tỉnh giấc sau cơn mê dài bỏ quên sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin cho trong năm này, mỗi gia đình chúng con ra sức giúp cho một gia đình không Công giáo được phần nào biết Chúa qua gương sáng và lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ cho quyết tâm này của chúng con. Amen.

04/12/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Gio-an Đa-mát, linh mục      Mt 7,21.24-27
 
NỀN TẢNG VỮNG BỀN
 
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7,24)
 
Suy niệm: Ngôi nhà cuộc đời của thánh Phan-xi-cô dựa trên một nền tảng vững chắc là thực hành Lời Chúa cách cụ thể. Chẳng hạn theo Lời Chúa mời gọi, ngài mạnh dạn ôm hôn một người phong, chiến thắng cảm xúc tự nhiên là kinh tởm loại người này. Thế nhưng, ngài lại cảm nhận được một sự ngọt ngào trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác, một cảm nghiệm tâm-thể lý sâu sắc và toàn diện. Với ngài, người phong ấy không chỉ là con người đáng thương, mà còn là hiện thân của Chúa Ki-tô. Thực hành Lời Chúa dạy, Phan-xi-cô đã từ bỏ toàn bộ gia sản, danh giá... để hoàn toàn tự do đi theo và thuộc trọn về Chúa Ki-tô. Ngày hôm nay, ta được mời gọi xây dựng ngôi nhà cuộc đời không chỉ trên các nghi thức phụng vụ, nhưng còn bằng việc sống những gì mình tuyên xưng trong các nghi thức ấy.
 
Mời Bạn: Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô định nghĩa: “Người Ki-tô hữu là người lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy, chứ không phải là người giữ luật tham dự lễ Chúa Nhật”. Mời bạn định hướng cuộc đời mình, xem mình đang xây ngôi nhà cuộc đời ấy dựa trên nền tảng nào, rồi điều chỉnh cho thích hợp.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tôi ghi nhớ và cố gắng thực hành mục Sống Lời Chúa trong tập sách này.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, viên đá tảng góc tường, mọi công trình được xây dựng trên Ngài sẽ trường tồn, bởi Ngài là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là Khởi nguyên và Tận cùng. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, để giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên tảng đá vững bền là Lời, Ngôi Lời của Chúa Cha. Amen.

05/12/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
                                                            Mt 9,27-31
 
ĐƯỢC THÚC ĐẨY RAO GIẢNG
 
Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. (Mt 9,30b-31)
 
Suy niệm: Theo dõi câu chuyện Chúa Giê-su chữa hai người mù này, chắc hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên về chi tiết trên đây. Chúa Giê-su đã nghiêm giọng yêu cầu họ giữ kín sự việc, thế nhưng ngay lập tức hai người này đã rêu rao cho cả làng biết! Có một lực nào đó thúc đẩy và họ không cưỡng lại được, đến nỗi họ đành phải ‘bất tuân phục’ cái mệnh lệnh duy nhất mà Đức Giê-su, vị đại ân nhân của họ, đã truyền cho họ. Ta ngạc nhiên, nhưng ta không khó hiểu, vì sự việc đã diễn ra đúng lôgic của nó. Khi người ta cảm nhận được một niềm vui quá đỗi lớn lao, người ta không thể không chia sẻ niềm vui ấy cho người khác. Đây chính là điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu có sức đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác" (số 8).
 
Mời Bạn tự vấn: Tôi có đang nói về Chúa Giê-su ‘trong khắp cả vùng’ không? Có thể câu trả lời là “không”, kèm với một danh sách dài các lý do ‘khách quan’, lý do ‘thời thế’ nào đó. Nhưng chúng ta cần cho phép mình bị thách thức bởi sự ‘liều lĩnh bất tuân phục’ của hai người mù được Chúa chữa trị ở đây. Vấn đề là chúng ta có cái động lực ‘niềm vui được giải phóng’ lớn lao của họ hay không, niềm vui mà bất cứ ai thực sự gặp gỡ Đức Giê-su đều chắc chắn sẽ cảm nghiệm (x. NVTM, 1).
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cảm nghiệm niềm vui được Chúa cứu thoát, để con cũng được thúc đẩy loan báo hồng ân cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.
 
 
 
 
 
 
06/12/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN I MV
Th. Ni-cô-la, giám mục            Mt 9,35-10,1.6-8
 
VÔ ĐIỀU KIỆN
 
“Nước Trời đã đến gần... Anh em đã được cho không, thì hãy cho không như vậy.” (Mt 10,7.8)
 
Suy niệm: Mùa Vọng là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì chúng ta có, những gì được hưởng, để thấy tất cả những điều đó chúng ta đều được “cho không”. Con Thiên Chúa Nhập Thể, đem Nước Trời đến cho nhân loại, chúng ta được hưởng mà đâu cần phải có điều kiện gì (sức khỏe, tài năng, của cải, địa vị ...), chỉ có mỗi việc là chúng ta đón nhận Ngài và sống đúng với những gì Ngài đã nói và đã làm, như thế chúng ta đã là công dân của Nước Trời rồi. Ý thức được điều đó, chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta. Một hình ảnh “cho không” sẽ lay động biết bao tâm hồn đang trông chờ được thuộc về Nước Thiên Chúa. Vậy là chúng ta đã làm cho “Nước Cha trị đến” từ chính việc cho đi vô điều kiện.
 
Mời Bạn: Chúng ta đang ở trong Hội thánh, là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Vậy Bạn và tôi đã làm gì 'nhưng không' cho Giáo hội, để nhờ đó mà mọi người chưa biết Chúa nhìn thấy hình ảnh của Nước Trời?
 
Chia sẻ: Sống tinh thần Mùa Vọng, là hãy nỗ lực tự đi tìm những việc 'không tên' để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.
 
Sống Lời Chúa: Tâm niệm “Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh” (x. 1Cr 4,7), để sống quảng đại hơn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tự nguyện đến với chúng con và đã cho chúng con có thời gian để sống và làm chứng cho giá trị của Nước Trời. Xin thêm lòng can đảm cho chúng con để biết chúng con biết 'cho đi mà không tính toán'. Amen.

07/12/14         CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B
                                                               Mc 1,1-8
 
TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG KI-TÔ
 
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
 
Suy niệm: Thánh Gio-an Tẩy Giả được xem như bản lề của thời Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước loan báo về ông: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con… Có tiếng người hô trong hoang địa…” Tân Ước giới thiệu ông là vị Tiền Hô, đi trước dọn đường cho Đức Ki-tô qua việc “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được tha tội.” Ông làm phép rửa bằng nước, nhận chìm hối nhân trong nước; đồng thời cũng loan báo phép rửa của Đức Ki-tô sẽ nhận chìm hối nhân trong ân huệ của Chúa Thánh Thần. Vị Tiền Hô xuất hiện với hình ảnh ấn tượng: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Với cuộc sống khắc khổ, lời rao giảng thẳng thắn, thái độ khiêm tốn, ông đã hoàn thành sứ vụ của mình: dọn lòng dân Chúa và rồi giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân.
 
Mời Bạn: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Dọn sẵn con đường cho Chúa đến với bạn bằng cách làm chủ các khuynh hướng xấu của bản năng như tránh chè chén say sưa, phóng túng trong đời sống luân lý, thái độ vụ lợi trong tương quan với người khác. Tích cực hơn, bạn hãy siêng năng cầu nguyện, gặp gỡ Chúa qua các giờ phụng vụ, đọc Lời Chúa.
 
Sống Lời Chúa: Tôi ý thức mình phải chuẩn bị tâm hồn mừng Lễ Giáng Sinh năm nay qua việc dọn đường trên đây.
 
Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, mà chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh” (Chúa nhật II MV).

08/12/14                       THỨ HAI TUẦN 2 MV
Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội    Lc 1,26-38
 
XIN VÂNG
 
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
 
Suy niệm: Nếu Chúa bảo: “Này con, con làm kỹ sư,” con thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con làm linh mục,” con thưa: “Xin vâng.” Hai tiếng “xin vâng” ấy là vâng có điều kiện, có nghĩa vụ và quyền lợi thuộc về tôi nhiều hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy Mẹ đặt mối quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ trao toàn thân để Chúa có thể làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín. Cho nên, Chân Phước mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Mời Bạn: Lời “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a vẫn được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ý thức là hiến toàn thân cho Chúa qua việc sám hối ăn năn tội và sống Lời Chúa, đồng thời hiệp thông với Ngài mọi giờ trong cuộc sống ngang qua thập giá của Chúa Kitô. Mời bạn hãy noi gương Mẹ, thưa xin vâng với Chúa qua việc sám hối, hy sinh hãm mình và làm việc lành phúc đức trong Mùa Vọng này để được Chúa Giêsu giáng sinh nơi cung lòng bạn.
 
Sống Lời Chúa: Quyết tâm đọc Lời Chúa và sống Lời Chúa mỗi ngày.
 
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm, Mẹ luôn lắng nghe, thi hành Lời Chúa và kết hiệp với Ngài. Xin Mẹ giúp con sống như Mẹ mỗi ngày bằng việc siêng năng đọc và thi hành Lời Chúa hầu tâm hồn luôn sạch mọi tội để được Chúa ở cùng con. Amen.

09/12/14                         THỨ BA TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô                        Mt 18,12-14
 
CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI
ĐƯỢC CỨU ĐỘ
 
“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những hẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)
 
Suy niệm: Mùa Vọng là thời gian ta sống mãnh liệt hơn tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, trong mùa Vọng, ta cử hành ba cuộc Chúa ngự đến. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm; Chúa sẽ đến trong vinh quang của ngày cánh chung; và Chúa đang ngự đến tâm hồn ta cách huyền nhiệm. Tâm tình chờ đợi, khát mong ấy đong đầy hy vọng, vì Chúa “không muốn cho một ai” phải hư mất. Chính vì niềm hy vọng này, là niềm-hy-vọng-đáng-tin, nên dù đêm hay ngày, vui hay buồn, cơ cực hay thịnh vượng, người tín hữu đích thực luôn phải vững lòng cậy trông. Sự thất vọng không có chỗ trong con tim của Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn tìm kiếm những con chiên lạc, vác đưa về đàn. Ngài luôn mời gọi ta hãy đến với Ngài để được Ngài “nâng đỡ bổ sức cho.” Nói cách khác, nhờ Chúa đỡ nâng mà không ai có thể dễ dàng bị hư mất.
 
Mời Bạn: Được Chúa đảm bảo như thế, nhưng ta cũng phải đóng góp công sức của mình, thì kỳ vọng của Chúa mới thành hiện thực. Tự do của con người và ý muốn của Chúa cần phải sánh đôi, hòa nhịp mới tạo nên một khúc nhạc vui cho Ngài và cho ta.
 
Chia sẻ: Tìm cơ hội đến với anh chị em đang lung lay đức tin, khuyến khích, nâng đỡ họ đến với Chúa.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Ước gì niềm vui ấy là ý thức mình được Thiên Chúa cứu độ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dựng nên con, cho con được sống, được vui, được cậy vào lời Chúa hứa. Xin đừng để con phải thất vọng, dù con là kẻ tội lỗi. Amen.

10/12/14                         THỨ TƯ TUẦN 2 MV
                                                          Mt 11,28-30
 
LỜI CHÚA BỔ SỨC CHO TÂM HỒN
 
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)
 
Suy niệm: THĐ Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa năm 2008 cho biết các tín hữu ít hiểu biết và ít đọc Lời Chúa. Phải chăng vì Chúa nói những lời “chói tai quá”? Hay vì người ta sợ Lời Chúa đòi hỏi triệt để quá? Quả thật, Lời Chúa như “lửa hồng và như cái búa đập vỡ tảng đá” (Gr 23,29), “sắc bén hơn gươm hai lưỡi; thấu tận nơi phân cách linh hồn và tinh thần, đến tận xương tủy” (Dt 4,12). Lời Chúa không cho phép người nghe thỏa hiệp, đi nước đôi, nhưng phải chọn lựa quyết liệt và hoán cải đến cùng. Những đòi hỏi này đã khiến nhiều người bỏ cuộc như chàng thanh niên giàu có. Nhưng cũng có những người trung kiên như Phê-rô xác tín rằng, đó là “lời ban sự sống.” Về phần mình, Mẹ Ma-ri-a đã giữ tất cả Lời Chúa và suy niệm trong lòng. THĐ Giám Mục nhắc nhở “mỗi nhà cần có cuốn Kinh Thánh, gìn giữ cẩn thận và xứng đáng, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh; gia đình phải đề ra những hình thức và kiểu mẫu giáo dục cầu nguyện, huấn giáo, học hỏi về việc sử dụng Kinh Thánh, để các thanh niên thiếu nữ, người già cùng trẻ em lắng nghe, hiểu, chúc tụng và sống Lời Chúa.”
 
Mời Bạn: Giáo xứ và gia đình bạn có đọc và suy niệm Lời Chúa không? Bạn làm gì để gia đình và giáo xứ bạn bắt đầu đọc và suy niệm Lời Chúa?
 
Chia sẻ: Làm thế nào để giúp gia đình đọc và suy niệm lời Chúa?
 
Sống Lời Chúa: Bắt đầu hôm nay, mở Kinh Thánh, đọc và suy niệm.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa “xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con, vì Lời Chúa là sức sống của đời con.”

11/12/14                     THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng            Mt 11,11-15
 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÔN SỨ
 
“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11,11)
 
Suy niệm: Tại sao Gio-an Tẩy Giả quan trọng như thế trong thời gian trông đợi Chúa đến? Thánh Kinh cho biết, Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi. Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.
 
Mời Bạn: Bạn nhận thức được vai trò ngôn sứ của bạn chưa? Đừng quên bạn cũng có vai trò quan trọng, vì bạn là ngôn sứ, là người loan báo và làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nói về Chúa một lần cho người khác.
 
Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”

12/12/14                      THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê                    Mt 11,16-19
 
NHẬN BIẾT CHÚA
 
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói …” (Mt 11,16)
 
Suy niệm: Chúa Giê-su đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giê-su. Họ yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma.
 
Mời Bạn: Ơn cứu độ là quà tặng Chúa ban không cho ta. Ngài không ban ơn cứu độ theo một kịch bản của ai đó. Ơn cứu độ của Chúa Giê-su có giá trị với tất cả mọi người vì chu toàn thánh ý Chúa Cha chứ không phải theo những chỉ định của con người. Thiên Chúa mong muốn chúng ta nhận biết và đáp lại ơn Ngài ban cho ta trong Đức Giê-su Ki-tô.
 
Sống Lời Chúa: Hạnh phúc cho chúng ta, những người tin nhận Đức Giê-su Ki-tô và được dòng nước thanh tẩy rửa sạch tội lỗi và tháp nhập ta vào trong thân thể của Ngài, khởi đầu đời sống mới. Đời sống Ki-tô hữu phải lan tỏa niềm vui được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Dưới ánh sáng Lời Chúa, con nhận ra được những ân huệ cao quí Chúa ban cho con. Con muốn làm những người bé nhỏ khiêm nhường, luôn đặt niềm tin nơi Chúa và sẵn sàng sống theo những gì Chúa dạy dỗ chúng con. Xin cho con ơn trung thành theo Chúa và làm chứng cho tình yêu Chúa cho anh em.

13/12/14                      THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo         Mt 17,10-13
 
CHÚA ĐẾN, NHƯNG…
 
“Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra... Con Người cũng sẽ phải đau khổ với họ như thế.”  (Mt 17,12)
 
Suy niệm: Các môn đệ loáng thoáng nhận ra sự thực về Thầy trong vinh quang của biến cố Hiển Dung, họ thắc mắc tại sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước! Thật vậy, dầu thông thạo Kinh Thánh, các kinh sư đã không nhận ra vai trò của Gio-an Tẩy Giả, vì họ chờ một gương mặt khác, theo trí tưởng tượng của họ. Khi giáp mặt, hai bên đã trở nên xa lạ, và Gio-an Tẩy Giả đã bị xử theo như ý họ muốn. Với Chúa Giê-su cũng vậy, người Do Thái chờ một Đấng Ki-tô đến trong uy linh, với binh hùng tướng mạnh để giải thoát họ khỏi những bế tắc chính trị. Một Đấng Ki-tô bé nhỏ, khiêm nhường, và đau khổ xa lạ với họ biết bao! Và đôi khi, với chính chúng ta, có phải hình ảnh một Thiên Chúa vĩ đại vẫn hấp dẫn chúng ta hơn là một vị Thiên Chúa bé nhỏ, nghèo hèn, hạ mình vâng phục cho đến chết?
 
Mời Bạn: Chúa đến với chúng ta cách bất ngờ, không như chúng ta muốn, không theo cách chúng ta mường tượng. Hãy nhớ lại rằng vua Hê-rô-đê và cả dân thành Giê-ru-sa-lem bối rối thế nào khi nghe lời báo tin của các đạo sĩ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình huống như thế, nếu chúng ta cứ vẽ vời theo trí tưởng tượng của mình mà không sống tinh thần tỉnh thức của Mùa Vọng.
 
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về một lần bắt hụt tiếng Chúa trong đời mình.
 
Sống Lời Chúa: Viếng thăm một người “bé nhỏ” như viếng thăm Chúa đang nằm trong máng cỏ. Tiếp đón một người như đón Chúa giáng sinh.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức và nhìn ra rằng Chúa đang đến trong mỗi việc con làm, trong mỗi người con gặp ngày hôm nay.

14/12/14         CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B
                                                     Ga 1,6-8.19-28
 
NGƯỜI LÀM CHỨNG TRUNG THỰC
 
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” (Ga 1,23)
 
Suy niệm: Gio-an Tiền Hô, người kêu gọi “sửa đường cho thẳng,” cũng là người làm chứng trung thực. Dân chúng tin lời Gio-an tuốn đến lãnh nhận phép rửa từ tay ông vì lối sống của ông tương hợp với lời ông rao giảng. Với thế giá đó, nếu Gio-an mạo nhận mình là Đấng Ki-tô hẳn là người ta tin vào ông răm rắp. Nhưng Gio-an vẫn luôn nói thật về mình. Ông là gì, ông nhận mình là thế. Ông nhận mình là “tiếng” người hô trong hoang địa. “Tiếng” chỉ là âm thanh để chuyển đạt nội dung là “Lời”. Càng chuyển đạt “Lời” cách trọn vẹn, chính xác, “tiếng” càng trung thực. Như thế, Gio-an càng xoá mình đi để Đức Ki-tô được lớn lên, lời chứng của ông càng trung thực và càng đáng tin hơn.
 
Mời Bạn: Trung thực là đức tính cao quý của con người. Người trung thực thì lời chứng của họ có giá trị thuyết phục và đáng tin. Sứ mạng của người Ki-tô hữu là làm chứng về Đức Giê-su. Thánh Gio-an Tiền Hô là gương mẫu cho chúng ta khi làm chứng về Đức Giê-su bằng chính con người và lời chứng trung thực của mình. Sống trong một thời đại mà sự thật nhiều khi không được tôn trọng, người Ki-tô hữu phải trở nên chứng nhân đầy thuyết phục về Đức Ki-tô bằng lời nói cũng như đời sống trung thực của mình.
 
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa: “Có nói có, không nói không” (Mt 5,37).
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con một gương mẫu về chứng nhân trung thực của Đức Giê-su là thánh Gio-an Tiền Hô. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài mà làm chứng cho Đức Giê-su bằng đời sống trung thực của mình.

15/12/14                       THỨ HAI TUẦN 3 MV
                                                          Mt 21,23-27
 
CHỮA BỆNH “GATO”
 
Các thượng tế và kỳ mục hỏi Chúa Giê-su: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, ai cho ông quyền ấy?” (Lc 18,7)
 
Suy niệm: Có một căn bệnh xã hội nguy hiểm đang lây lan với mức độ báo động mà giới trẻ ngày nay gọi là bệnh “gato”, bệnh “ghen ăn tức ở”. Người mắc bệnh này mỗi khi thấy ai trổi vượt hơn mình thì trong bụng họ nổi lên một “cục tức”; thế là họ ra sức bới lông tìm vết “đối thủ” và tung hê mọi thứ thông tin, bất kể đúng sai, lên các phương tiện truyền thông, miễn sao hạ bệ được “người nổi tiếng”. Căn bệnh ấy ngay từ thời Chúa Giê-su, các thượng tế và kỳ mục đã mắc phải. Quả thế, khi Chúa Giê-su đuổi người buôn bán trong đền thờ, họ bực tức và hạch sách Chúa: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Muốn chữa tận căn chứng bệnh này phải điều trị từ trong nhận thức. Đó là lý do tại sao Chúa đặt câu hỏi: “Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Có nhận thức rằng mọi quyền bính và mọi điều tốt đẹp là bởi Chúa mà ra thì mới trừ được chứng ghen tương đố kỵ ấy.
 
Mời Bạn: Lòng đố kỵ ghen tương là tảng đá vấp phạm và cản trở sự phát triển của cá nhân cũng như cộng đồng. Chúng ta không sống cô lập mà là sống trong cộng đoàn; mỗi người chúng ta được mời chung tay xây dựng cộng đoàn với một tinh thần quảng đại, tôn trọng nhau. Ý thức rằng quyền bính và mọi sự tốt lành đều bởi Chúa, trong mọi việc chúng ta luôn nhắm trước tiên đến quyền lợi và thiện ích của tha nhân.
 
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái kín đáo cho một người anh em bé mọn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.” Chúng con nguyện sống yêu thương để có thể đem Chúa đến với mọi người.

16/12/14                         THỨ BA TUẦN 3 MV
                                                          Mt 21,28-32
 
LỜI CẢNH CÁO GÂY “SỐC”
 
“Thật, Tôi bảo các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)
 
Suy niệm: Với tuyên bố “cực sốc” này, Chúa Giê-su quyết liệt cảnh cáo các thượng tế và các kỳ mục vào thời của Ngài. Sau hai ngàn năm, lời cảnh cáo này vẫn còn nguyên các hàm ý của chúng, ấy là Nước Thiên Chúa dành cho những ai thành tâm thống hối, sống công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Hôm nay Chúùa Giê-su cũng vừa nhìn mỗi người chúng mình, vừa nói rõ từng lời trên của Ngài trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông chuyên ăn hối lộ, những gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp... sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông các bà!” Vì sao? Bởi họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, những áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời cảnh cáo của Chúa không phải để loại trừ ai, nhưng nhắc nhở chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống hằng ngày cho xứng danh công dân Nước Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Chúng ta không khó lên danh sách những hạng người cần sám hối, cũng dễ dàng vạch rõ ai là người phải thay đổi. Nhưng hôm nay, Lời Chúa muốn ta chân thành nhìn nhận rằng tôi, chính tôi là kẻ tội lỗi cần sám hối trước bất cứ ai khác.
 
Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi nghe lời cảnh cáo của Chúa Giê-su hôm nay?
 
Sống Lời Chúa: Ta thường xuyên xét mình hằng ngày để ý thức mình là tội nhân cần ơn Chúa tha thứ. Đồng thời ta tập khám phá những điểm tốt nơi anh chị em xung quanh.
 
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội.”

17/12/14                         THỨ TƯ TUẦN 3 MV
                                                              Mt 1,1-17
 
CON THIÊN CHÚA, TRONG CÙNG gia PHẢ VỚI CON NGƯỜI
 
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)
 
Suy niệm: Năm 2008 khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra sôi nổi, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ứng viên Obama, sau đó  là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giêsu cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.
 
Mời Bạn đọc lại chậm rãi bản gia phả Chúa Giê-su. Giữa những cái tên lạ lẫm, bạn có cảm nghiệm được niềm sung sướng bồi hồi khi bắt gặp những tên gọi thật quen thuộc như “Giu-se, chồng bà Ma-ri-a, mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” không? Những tên gọi đó có gắn với kỷ niệm nào liên quan đến câu chuyện bạn nhận được ơn cứu độ không? Bạn có nhận ra tình liên đới ấm cúng với những người chung quanh vì có chung bản gia phả cứu độ này không?
 
Sống Lời Chúa: Ghi tiếp bản gia phả trên như sau: “X. (tên một người mà bạn không ưa), con cái Chúa, được cứu độ trong Đức Kitô, là anh em của tôi.”
 
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

18/12/14                     THỨ NĂM TUẦN 3 MV
                                                            Mt 1,18-21
 
VÂNG THEO Ý CHÚA
“Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,23-24)
 
Suy niệm: Các sách Tin Mừng không tường thuật bất kỳ lời nào của thánh Giu-se, ngay cả lúc tìm thấy trẻ Giê-su trong Đền thờ. Sự thinh lặng ấy, đối với gia đình, hàm chứa yêu thương; còn đối với Thiên Chúa, có nghĩa là vâng phục, vâng phục khi chân thành giữ Luật của Thiên Chúa. Con trẻ Giê-su được tám ngày tuổi, ngài giữ luật cắt bì và đặt tên cho con. Con trẻ được bốn mươi ngày tuổi, ngài đem con lên Đền Thờ để tiến dâng con cho Thiên Chúa cũng đúng theo luật. Thinh lặng là bầu khí cho cuộc sống kết hợp thân mật với Chúa; vì thế mà thánh Giu-se dễ dàng nhận ra ý Chúa và vâng theo. Khi băn khoăn về bào thai trong lòng Ma-ri-a, Giu-se tìm kiếm Thiên Chúa và vâng phục ý Ngài để đón nhận Ma-ri-a. Khi gia đình gặp cơn nguy khốn, thánh Giu-se tìm gặp Thiên Chúa để vâng theo, đem gia đình thoát cơn bách hại. Tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và thinh lặng vâng theo là gương mẫu của thánh Giu-se cho chúng ta.
 
Mời Bạn: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đón nhận và vâng phục Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Theo gương thánh Giu-se, bạn vâng giữ luật Thiên Chúa và suy niệm tìm thánh ý Ngài.
 
Chia sẻ: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa qua kêu gọi bạn làm gì?
 
Sống Lời Chúa: Trang hoàng bàn thờ và đặt Kinh Thánh ở chỗ trang trọng để khởi đầu chương trình đọc, suy niệm và sống với Chúa Giê-su.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ngự đến và biến đổi gia đình con kể từ hôm nay.

19/12/14                      THỨ SÁU TUẦN 3 MV
                                                              Lc 1,5-25
 
CON NGƯỜI BẤT LỰC NHƯNG THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG
 
“Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.” (Lc 1,7)
 
Suy niệm: Hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét quả là một cặp vợ chồng gương mẫu: họ sống “công chính trước mặt Thiên Chúa;” còn trước mặt mọi người thì “không ai chê trách điều gì” và chắc hẳn được mọi người thương mến (x. Lc1,57-58). Thế nhưng điều đáng buồn là “họ lại không có con”. Có lẽ hai ông bà đã tìm đủ mọi phương thế, nhưng sự son sẻ vẫn đeo đẳng mà họ thì đã cao niên. Nỗi đau thầm kín của bà Ê-li-sa-bét khi những năm tháng tuổi thanh xuân lần lượt trôi đi, những bước chân trĩu nặng của ông tư tế già Da-ca-ri-a trước những con mắt soi bói của người đời như xác nhận rằng sự hiếm muộn là dấu chỉ Gia-vê trừng phạt một tội lỗi nào đó của họ. Nhưng trước cái tưởng chừng như bất lực và vô vọng của con người, Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, đã làm cho ông bà sinh hoa trái trong tuổi về chiều già nua. Một con trẻ làm cho nhiều người được hỉ hoan, một con trẻ đầy tràn thần khí và quyền năng của Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Có khi nào bạn đứng trước tình huống mà mọi giải pháp đều tỏ ra bế tắc và bạn cảm nhận được sự bất lực của mình? Đó chính là dịp để bạn khám phá tình thương của Chúa và tin cậy vào quyền năng của Ngài.
 
Sống Lời Chúa: Mời bạn thưa với Chúa như bà Ê-li-sa-bét: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm lúc con đã ngã lòng, mọi hy vọng tưởng như đã lụn tắt. Xin cho con luôn kiên định cậy trông nơi tình thương của Ngài.

20/12/14                      THỨ BẢY TUẦN 3 MV
                                                            Lc 1,26-38
 
BƯỚC NHẢY VỌT TRONG ĐỨC TIN
 
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31)
 
Suy niệm: Thử đặt mình vào trong khung cảnh của buổi truyền tin hôm nay, chúng ta mới thấy rằng, đón nhận lời thiên sứ chẳng phải là chuyện dễ dàng. Một thiếu nữ được một người lạ mặt đón gặp và đề nghị một việc ‘động trời’: mang thai. Nếu là chúng ta, có lẽ sẽ từ chối và xin hai chữ bình an thôi. Nhưng đối với Mẹ, khi nhận ra rằng lời truyền tin là lời mời gọi của Thiên Chúa và cũng là sứ mạng của mình, Mẹ đã can đảm đón nhận, vượt qua những suy tính bình thường, mạo hiểm chấp nhận những hệ lụy của ơn gọi. Niềm tin vào Thiên Chúa là câu trả lời cho lý do Mẹ dám tham dự vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ không biết rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng chỉ như người môn đệ của Chúa, Mẹ nghe Lời Chúa và thực hiện, bởi lịch sử dân Chúa và kinh nghiệm đức tin cho Mẹ hiểu thế nào là người được ân nghĩa với Chúa. Những suy tính tầm thường nhường bước cho niềm tin yêu phó thác.
 
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn hằng mời gọi bạn tham dự vào công cuộc truyền giáo của Ngài, vậy bạn dám chấp nhận hệ luỵ để nhập cuộc cùng với Ngài và với các anh chị em khác không?
 
Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm về những ‘thiệt thòi’ và hạnh phúc khi cố gắng sống theo Lời Chúa.
 
Sống Lời Chúa: Hướng lòng về Chúa và thân thưa cách chậm rãi, đầy ý thức: Vâng, con đây là tôi tớ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như Chúa muốn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, để làm môn đệ Chúa, con cần tăng thêm lòng cam đảm. Xin gia tăng trong con lòng quả cảm để dám đảm nhận sứ mạng Chúa trao như Đức Maria hôm nay vậy. Amen.

21/12/14         CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – B
                                                            Lc 1,26-38
 
GẶP GỠ-TRAO ĐỔI-ƯNG THUẬN
 
“Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en… đến gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se.” (Lc 1,26-27)
 
Suy niệm: Việc gặp gỡ chàng Kim Trọng làm cho nàng Thúy Kiều phân vân: “trăm năm biết có duyên gì hay không?” Cuộc gặp gỡ sứ thần Gáp-ri-en cũng khiến cô thiếu nữ thành Na-da-rét có đôi chút bối rối về cách thức thực hiện cuộc “tình duyên” muôn đời của Thiên Chúa với con người. Rồi cuối cùng sứ thần cũng nghe được tiếng “xin vâng” từ người thiếu nữ này. Đức Maria được sứ thần chào bằng một danh xưng đặc biệt "Đấng đầy ân sủng" vì được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng trên con người của Mẹ. Sau tiếng "xin vâng," "Đấng đầy ân sủng" ấy sẽ sinh ra Đức Giê-su, Đấng là nguồn-mạch-mọi-ân-sủng. Noi gương Đức Ma-ri-a, ta cũng dám liều lĩnh đáp lại tiếng xin vâng, tin tưởng và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Khi truyền tin, bạn không chỉ đem tới cho ai đó một tin (vui hoặc buồn); nhưng còn nhằm thông truyền đức tin cho người ấy, bởi khi họ tin vào lời truyền có thế giá của bạn, đức tin của họ sẽ bắt đầu chớm nở.
 
Chia sẻ: Có khi nào bạn chia sẻ (truyền) tin vui (đức tin) cho ai chưa, nhất là khi tin vui ấy xuất phát từ sự trải nghiệm ngọt ngào của ơn thánh Chúa trong đời bạn?
 
Sống Lời Chúa: Phân vân, tự hỏi trước các vấn nạn của đức tin là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn khó đáp lời xin vâng nếu chỉ xử lý các vấn nạn ấy theo cảm quan tự nhiên. Hãy noi theo gương Mẹ Ma-ri-a, thưa xin vâng với trọn niềm tin và phó thác nơi Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết noi gương Mẹ nói lời “Xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa, trong niềm hy vọng, cậy trông nơi Chúa.

22/12/14                       THỨ HAI TUẦN 4 MV
                                                            Lc 1,46-56
 
“THỤT LÙI” MỖI NGÀY
 
“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,48)
 
Suy niệm: Trong xã hội cạnh tranh hiện nay, từ ngữ “thụt lùi” thường được dùng để diễn đạt ý tiêu cực, thua kém, chậm tiến. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải cứ nhắm mắt lao về phía trước là mau đạt hiệu quả, thành công. Trái lại cần phải có những “bước lùi” để nhìn lại mình, để nhìn thấy con đường phía trước rộng hơn, để điều chỉnh đường đi, để đổi mới cuộc sống. Thật vậy, chính nhờ thao tác ‘thụt lùi’ mà Đức Mẹ đã nhìn rõ vị trí của Mẹ là “phận nữ tỳ hèn mọn.” Không những thế, Mẹ còn nhìn thấy cả một lịch sử của dân tộc Mẹ: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người.” Nhưng trên hết, Mẹ thấy bàn tay của Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử đó, không chỉ trong quá khứ, mà còn hiện tại và tương lai nữa: “vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” Như thế, nơi sự ‘thụt lùi’ nơi Mẹ, chúng ta không thấy đó sự thua kém. Nhưng nhờ đó, Mẹ ‘đã nhảy mừng hớn hở trong lòng’ và đã kết dệt bài ca Magnificat, ngợi khen Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Trong những ngày kề cận lễ Giáng sinh, Hội Thánh chọn những đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy những con người liên hệ gần gũi với biến cố Giáng sinh. Mẹ đã được nhắc đến trong ngày hôm nay, và đời sống của Mẹ thật xứng đáng được Thiên Chúa chọn, để làm Mẹ của Ngôi hai Thiên Chúa. Chúng ta cũng bắt chước Mẹ, sống ‘thụt lùi’ khiêm tốn mỗi ngày để Thiên Chúa cất nhắc lên.
 
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm thánh gia nơi hang đá, để học khiêm nhường.
 
Cầu nguyện: Hát bài “Linh hồn tôi tung hô Chúa…” để cùng với Mẹ, ngợi khen Thiên Chúa.

23/12/14                         THỨ BA TUẦN 4 MV
Th. Gio-an Kê-ti, linh mục               Lc 1,57-66
 
SỰ SỐNG CON NGƯỜI CAO QUÝ
 
Bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (Lc 1,57-58)
 
Suy niệm: Thiên Chúa can thiệp đặc biệt nơi bà Ê-li-sa-bét để bà có đứa con trong tuổi già. Đây là ân huệ hết sức lớn lao và có tính nền tảng: hồng ân sự sống! Ta chúc tụng Chúa cùng với bà con láng giềng của bà Ê-li-sa-bét. Nhưng không phải chỉ những trường hợp đăc biệt mới do Chúa can thiệp mà tất cả những gì trong trật tự tự nhiên cũng đều do Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo cho tới ngày tận thế. Người có đức tin hay người khiêm nhường luôn khám phá thấy cái hữu hạn của con người. Có được sự sống, sức khỏe, có thai... tất cả đều có sự can thiệp của Thiên Chúa toàn năng. Vì thế không được phá thai, không được giết người. Quả là khủng khiếp khi mỗi năm tại Việt Nam có trên 1 triệu rưỡi ca phá thai. Cả thế giới sẽ là bao nhiêu?
 
Mời Bạn: Biết cảm tạ Chúa vì bạn có trên đời này và bao ơn lành hằng ngày bạn có được là do quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa.
 
Chia sẻ: Chung vui với người vui, sẻ chia sẻ đau khổ với người khổ đau để bày tỏ lòng chân thành trân trọng phẩm giá của mỗi người.
 
Sống Lời Chúa: Ở Đà Nẵng, Huế, Pleiku, Sài Gòn, Nha Trang...nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân hằng ngày quan tâm đến những thai nhi bị giết chết tại các bệnh viện. Mỗi chúng ta sẵn sàng tiếp tay với họ để ngăn chặn tình trạng suy đồi luân lý này.
 
Cầu nguyện: Đọc Kinh Cám Ơn: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng…” để cảm tạ Chúa đã sinh ra chúng ta từ hư không, cho chúng ta được làm người, được làm con cái Chúa.

24/12/14                         THỨ TƯ TUẦN 4 MV
                                                            Lc 1,67-79
 
NIỀM VUI ĐƯỢC “VẦNG ĐÔNG VIẾNG THĂM”
 
“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” (Lc 1,78-79)
 
Suy niệm: Bài Thánh ca “Chúc tụng” Benedictus mở đầu bằng lời “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” là một bài Thánh ca tuyệt đẹp, đầy ắp những hình ảnh Thánh Kinh và lời ngôn sứ trong Cựu Ước, được đặt vào miệng ông Da-ca-ri-a, thực sự là một lời ngôn sứ vừa đúc kết lại cả một lịch sử ơn cứu độ, vừa chuyển tiếp báo tin sự xuất hiện của “Vị Cứu Tinh quyền thế”, của “Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm.” Bài Thánh ca làm dậy lên niềm vui và hy vọng của những ai cảm nghiệm mình có Chúa, được cứu độ, được tự do và bình an.
 
Mời Bạn: Ơn đầu tiên mà Thánh ca Benedictus nói đến là ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho dân Người: “Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên…” Chỉ khi lãnh nhận được ơn tha thứ này chúng ta mới cảm nghiệm được Niềm Vui của Tin Mừng mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến ngay từ những câu đầu trong Tông huấn của ngài: “Những ai chấp nhận quà tặng ơn cứu độ của Đức Giê-su đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn” (EG 1).
 
Sống Lời Chúa: Bắt đầu một ngày, bạn nhìn lên Thánh Giá Chúa Giê-su để nhớ mình đã được tha thứ (x. Ep 2,16) và nhờ đó bạn tràn ngập Niềm Vui của Tin Mừng trong cả ngày sống.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là “Vầng Đông từ chốn cao vời đến viếng thăm” con, xin dẫn con “đi trên nẻo đường bình an” để con luôn “sống thánh thiện công chính trước nhan Chúa”.

25/12/14 THỨ NĂM ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH
                                                            Lc 2,15-20
 
NÀO TA ĐI!
 
Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”(Lc 2,15)
 
Suy niệm: Người đời thường chủ trương: an cư lạc nghiệp. Vì thế họ làm tất cả những gì có thể, để đạt mục tiêu đó. Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay nhắc nhở chúng ta về một hướng sống khác: Sự an lạc đích thực đòi hỏi người ta trước tiên phải “đi ra” khỏi chính mình. Đức Ki-tô muốn đem lại sự an lạc cho nhân loại, đã “đi ra” khỏi địa vị Con Thiên Chúa của mình, để đến “cắm lều” giữa chúng ta (x. Ga 1,14), hiểu theo đúng nghĩa đen là ở trong hang dành cho chiên cừu trú ngụ. Để đón nhận được ơn “an lạc” Chúa hứa cho những người thiện tâm (Lc 2,14), các mục đồng cũng rủ nhau đi ra khỏi nơi trú ngụ an toàn của họ để đến “xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết”.
 
Mời Bạn: Cuộc đời là một chuỗi những cuộc ra đi. Điều quan trọng mà Lời Chúa hôm nay lưu ý chúng ta, là hãy sống một cuộc đời có định hướng rõ rệt, để từ đó không ngừng ra đi. “Những mục đồng” đã rủ nhau đi, tới nơi Chúa đã chỉ, và khi ra về, họ tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Tiến trình cần thiết và đơn giản là: đi (và rủ nhau đi) – xem (sự việc như Chúa đã cho biết) – về (tôn vinh ca tụng Chúa).
 
Sống Lời Chúa: Trong ngày đại lễ và kiêng việc xác này, gia đình tôi dành thời gian “rủ nhau” đi nhà thờ - xem hang đá – để nhờ ơn Chúa Hài Nhi, về sống tâm tình tôn vinh ca tụng Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, cảm tạ Chúa đã ra đi và đến với chúng con. Xin giúp con thực hiện tốt tiến trình này. Amen.

26/12/14 THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi    Mt 10,17-22
 
TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN
 
“Đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,19-20)
 
Suy niệm: Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thánh Tê-pha-nô đã có đức tin và tình yêu như thế, đến mức tận dụng những giờ phút tại pháp trường để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Tê-pha-nô có đủ can đảm chấp nhận cuộc tử đạo? Ai giúp cho ngài? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên ngài tràn đầy “Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6,3). Chúa Thánh Thần đã ngự đến trên các Tông Đồ với hình lưỡi lửa, cũng ngự đến trên Tê-pha-nô các tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên ông (Cv 6,6). Chúa Thánh Thần đến với Tê-pha-nô cũng là Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đấng đã thúc đẩy Tê-pha-nô nhiệt tình loan báo về Thiên Chúa trong cơn khốn khó. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Ki-tô hữu ngày hôm nay trung thành với đức tin, không phải bán thời gian, nhưng là toàn thời gian.
 
Mời Bạn: Mỗi ngày mới là một cơ hội mới Chúa dành cho bạn thực thi tình yêu của bạn dành cho Chúa. Vậy, bạn sẵn sàng nói về Chúa Giê-su Hài Đồng cho những người chưa biết Chúa không?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh dâng lên Chúa Hài Đồng.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã đến với Mẹ Ma-ri-a và Mẹ cất cao lời ngợi khen Chúa. Chúa cũng đến trên thánh Tê-pha-nô, khiến ngài cũng cất lời loan báo về Chúa Giê-su. Nay xin Chúa đến với chúng con, biến đổi chúng.

27/12/14 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng Ga 20,2-8
 
VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU
 
“Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước…”  (Ga 20,4.8)
 
Suy niệm: Người ta không chạy khi người ta có thể nhẩn nha bước đi. Người ta chỉ chạy khi có một áp lực từ bên ngoài hay từ bên trong mình. Nghĩa là, người ta chỉ chạy khi người ta cảm thấy cần phải… chạy! Có phải vì Gio-an trẻ khoẻ hơn Phê-rô mà ông chạy mau hơn đến mộ của Thầy không? Chưa chắc. Cứ xem Gio-an nhường cho Phê-rô bước vào mộ trước, ta sẽ thấy người môn đệ trẻ này vẫn còn ý tứ giữ lễ ‘kính trên nhường dưới’ đó chứ. Thế tại sao Gio-an đã chạy mau hơn, dù chỉ là để ‘đến trước vào sau’? Hẳn là vì trong lòng Gio-an có một sức thúc giục rất mạnh. Gio-an thấy cần phải chạy thật nhanh, để xem thực hư thế nào về chuyện mộ thầy trống rỗng. Sức thúc giục ấy chính là tình yêu. Gio-an yêu mến Thầy tha thiết, vì Gioan biết mình là “người môn đệ Chúa yêu.”
Mời Bạn: Chúng ta có thể đo lường lòng mến của mình đối với Chúa Giê-su đấy bạn ạ. Cách nào? Bằng cách xem mình có ‘chạy’ tìm Chúa hay không khi lỡ lạc mất Người. Bằng cách xem mình có cảm nhận được Người thúc giục để ‘chạy’ đến gặp Người nơi những anh chị em bé mọn nhất ở chung quanh đời mình hay không.
 
Chia sẻ: Hình ảnh Gio-an ‘chạy’ ra mộ Thầy cho thấy trong trái tim người môn đệ này có một ngọn lửa bùng cháy. Bạn nghĩ người tông đồ hôm nay có thể nhẩn nha bước đi hay thậm chí có thể bình chân như vại vì quá ‘dư thời giờ’ được không?
 
Sống Lời Chúa: Yêu Chúa bằng cả trái tim, thể hiện nơi sự tận tình trong khi cầu nguyện lẫn khi thi hành sứ vụ.
 
Cầu nguyện: Xin đốt nóng trong con ngọn lửa Tình Yêu của Chúa. Amen.

28/12/14 CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – B
Lễ Thánh Gia                                    Lc 2,22-40
 
GIA ĐÌNH LÀ GIÁO HỘI NHỎ
 
“Cha mẹ Chúa Giê-su đem Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa.” (Lc 2,22)
 
Suy niệm: Gia đình như một Giáo Hội thu nhỏ. Ở đó, cha mẹ và con cái sống bí tích Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc trao ban tình yêu cho nhau, cùng nhau sống đức tin và giáo dục con cái. Cùng với các gia đình khác làm thành Giáo Hội lớn và là những tế bào làm nên xã hội. Tuy nhiên, hiện nay gia đình đang gặp nhiều thử thách trong “sự trung thành của tình yêu vợ chồng, sự sa sút niềm tin và dửng dưng với những giá trị đích thực” (Trích Sứ điệp của THĐ Giám Mục về Gia Đình 2014). Chiêm ngắm tấm gương đời sống Thánh Gia, sẽ cho các gia đình hiểu được sự hy sinh vì tình yêu cho nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách để trung thành trong đời sống đức tin và đời sống xã hội.
 
Mời Bạn cùng đọc sứ điệp của THĐ Giám mục: “Gia đình cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa qua tình yêu thương và đối thoại giữa chồng với vợ, cha mẹ và con cái… Họ khám phá Thiên Chúa mỗi ngày khi dạy dỗ con cái trong đức Tin và trong vẻ đẹp cuộc đời sống theo Tin Mừng, một cuộc sống thánh thiện.”
 
Chia sẻ: Bạn đã làm gì để gia đình của mình thực sự là một “Giáo Hội nhỏ” như Chúa mong muốn?
 
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc cầu nguyện trong gia đình bằng cách đọc kinh chung ban sáng, ban tối và trước bữa ăn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đến và ở lại trong gia đình chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh gia, biết sống tình yêu cho nhau, sống đức tin và giáo dục con cái như Chúa hằng mong ước. Amen.

29/12/14 THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
                                                            Lc 2,22-35
 
SI-MÊ-ON, CON NGƯỜI CỦA NIỀM TIN VÀ MONG ĐỢI ƠN CỨU ĐỘ
 
Ông Si-mê-on ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi….” (Lc 2,27-32)
 
Suy niệm: Tuân thủ Luật Mô-sê, Giu-se và Ma-ri-a đem Con lên Đền Thờ dâng lên Thiên Chúa. Trong Đền Thờ hôm ấy, chắc hẳn cũng có đông dân chúng; và cả những tư tế, những người Pha-ri-sêu, những thầy thông luật… nữa. Họ cũng đã nhìn thấy Hài Nhi Giê-su trong tay Mẹ Ma-ri-a, nhưng đã chẳng có ai trong số họ nhận ra Giê-su Bé Thơ đó là Ai! Bởi họ sống trong bóng tối! Cần phải có ánh sáng Đức Tin mới có thể phá tan bóng tối này. Cụ Si-mê-on vì tin nên đã mong đợi, và cụ đã không mong đợi luống công. Hôm nay, cũng nhờ tin mà niềm mong đợi trở thành cuộc gặp gỡ kỳ diệu: cụ nhận ra Hài Nhi chính là Giê-su, Đấng Cứu Thế. Cụ bồng ẵm Hài Nhi trên tay và vui mừng tuyên xưng Đức Tin: “Xin cho tôi tớ được an bình ra đi. Vì chính mắt tôi đã được thấy ơn Cứu Độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.
 
Mời Bạn: Chúng ta hãy cùng với cụ Si-mê-on vào Đền Thờ để gặp Đức Giê-su Thánh Thể. Chúng ta đón chào và rước Người ngự vào trong tâm hồn chúng ta. Cũng như Si-mê-on, hãy ẵm bế Giê-su vào lòng và thân thưa cùng Thiên Chúa: “Xin cho tôi tớ Ngài được an bình ra đi…” Đối với chúng ta, ra đi còn có nghĩa là được thoát khỏi vòng kiềm toả của tội lỗi và được an bình tránh xa vương quốc của sự Dữ và hân hoan ra đi để loan báo Tin Mừng.
 
Sống Lời Chúa: Tôi sống lại tâm tình của ông Si-mê-on mỗi khi rước Chúa Giê-su Thánh Thể.
 
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con được an bình ra đi. Vì chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ.”

30/12/14 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
                                                            Lc 2,36-40
 
NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐÍCH THỰC
 
Bà liền chúc tụng Chúa và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. (Lc 2,38)
 
Suy niệm: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội. Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
 
Mời Bạn: Gặp Chúa qua việc cầu nguyện và rao giảng Chúa cho người khác là hai hành động không thể thiếu của người tín hữu. Bạn đã cầu nguyện bằng thái độ nào và rao giảng Lời Chúa bằng cách thức nào?
 
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm câu nói của thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa.”
 
Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.

31/12/14 THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Xin-ve-tê I, giáo hoàng                Ga 1,1-18
 
CÚI MÌNH SỰ NHẬP THỂ
 
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. ” (Ga 1,14)
 
Suy niệm: Tin Đức Giê-su, con người lịch sử bằng xương bằng thịt, lại là Thiên Chúa thật đồng nghĩa với việc ta phải chấp nhận những kết luận rất ư là khác thường. Chẳng hạn như Đấng Tạo Hóa chấp nhận thân phận làm tạo vật, đại dương rộng lớn đựng vừa khít trong một chiếc thùng; cả bầu trời bao la nằm gọn trong một vũng nước nhỏ; mặt trời được nhìn qua một lỗ kim. Một đàng, Thiên Chúa là Đấng cao cả, quyền năng, ngàn trùng chí thánh; đàng khác, Ngài lại chấp nhận làm người, gần gũi, thân thiết với con người. Thiên Chúa, Đấng không ai biết được, cũng chẳng ai có thể mon men đến gần được, nay tự làm cho mình được con người biết đến và đụng chạm được qua Đức Giê-su. “Người cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”: quả thật, đại dương bao la đựng vừa khít trong một chiếc thùng (theo cha S. O'Flynn, O.F.M.).
 
Mời Bạn: Cùng với thánh Gio-an, bạn xác tín Đức Giê-su là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, Đấng từ Chúa Cha mà đến với con người, làm người ở giữa con người, ‘nói’ cho con người biết Thiên Chúa là ai, yêu thương con người như thế nào, để rồi đưa dẫn con người về hưởng hạnh phúc với Chúa Cha.
 
Sống Lời Chúa: Tôi cúi mình tạ ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người phàm vì yêu thương con người. Tôi cố gắng sống trong tâm tình cảm tạ ấy suốt ngày hôm nay.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã yêu thương xuống thế làm người với chúng con. Xin cho chúng con luôn sống trong tâm tình cảm tạ này.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log