Thứ bảy, 18/01/2025

ĐỒNG HÀNH - Tháng 11. 2014 - Nội bộ sinh hoạt hàng tháng

Cập nhật lúc 10:50 27/11/2014
Đức Phaolô VI đã viết: “Người Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng tinh luyện mình khỏi tội lỗi và thánh hóa mình nhờ ơn Thiên Chúa.”
 

 

 
ADOLP KOLPING
     1813 -1865
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Chúng ta vừa bước vào tháng dành riêng để tôn vinh các thánh và tưởng nhớ cầu nguyện cho các linh hồn. Đây cũng là dịp tốt để chúng ta sống một cách đặc biệt mầu nhiệm “các thánh cùng thông công.” Mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” được diễn tả đặc biệt trong tháng 11 này, trong đó Hội thánh mừng kính các thánh ngày 1/11; và cầu nguyện cho các linh hồn vào ngày 2/11. Việc mừng kính ấy không phải chỉ là một thứ xin ơn từ các thánh; rồi chia sẻ công phúc cho các linh hồn, nhưng nói lên một sự hiệp thông đích thực giữa Hội thánh khải hoàn (các thánh), Hội thánh chiến đấu (Giáo hội trần thế) và Hội thánh đang được thanh luyện (các linh hồn trong luyện ngục); vì tất cả mọi thành phần ấy trong một Hội thánh duy nhất đều được kết hiệp và Đức Kitô là Đầu của Hội thánh, cũng như cùng được chia sẻ mọi ơn huệ từ một Thánh Thần duy nhất. Mầu nhiệm các thánh cùng thông công có nghĩa là: “Bởi tất cả các tín hữu họp thành một thân thể duy nhất, cái tốt của người này được thông truyền cho người khác… nên phải tin là có sự hiệp thông những điều thiện hảo trong Hội thánh. Thành phần quan trọng nhất trong Hội thánh là Đức Kitô, vì Người là Đầu… Do đó sự thiện hảo của Đức Kitô được thông truyền cho tất cả các chi thể và sự hiệp thông này được thực hiện qua các bí tích của Hội thánh” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 947).
Mầu nhiệm này diễn tả “đẳng cấp” của người Kitô hữu, đẳng cấp là con cái, chứ không phải là người làm công hay người nô lệ nữa. Một người làm công thì nhất thiết đòi hỏi phần “tiền lương” xứng đáng của mình, giữ lấy “tiền bạc”, “của cải” dành dụm cho mình; phòng khi cần thiết thì có thể tự mình giải quyết những khó khăn của riêng mình. Vị thế làm công giam hãm con người trong cái tôi, vui buồn vì sự thành công hay thất bại của cái tôi, và đưa tới thái độ so đo tính toán với Chúa cũng như đối với người khác. Trong khi đó, người con là người thuộc về gia đình, “đóng góp” chính bản thân mình vào cuộc sống chung của gia đình, vui buồn với sự thành công hay thất bại của mọi người trong gia đình; sự thành công, niềm vui của người này cũng là sự thành công và niềm vui của người kia; và sự thất bại hay khó khăn của người kia cũng là chính sự thất bại và khó khăn của người này.
Chúng ta có thể thấy rõ thái độ của người làm công nơi người anh cả mà Đức Giêsu diễn tả trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu (x. Lc 15, 29 - 30). Và chúng ta cũng thấy câu trả lời của người Cha như một lời mời gọi bước vào đẳng cấp làm con cái (x. Lc 15, 31-32).
Mầu nhiệm các thánh cùng thông công chính là hệ quả đương nhiên của gia đình Hội thánh, hệ quả đương nhiên của hồng phúc được làm con của Chúa Cha trong Đức Giêsu: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 14 -17).
Thưa anh chị em,
Là Kitô hữu, đó là một hồng ân tuyệt diệu mà Thiên Chúa ban cho con người. Là Kitô hữu, chúng ta được thông hiệp điều thiện hảo lớn lao nhất, đó là được làm con của Chúa Cha, trong đức Giêsu là Trưởng tử: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).
Là Kitô hữu là trở nên kẻ “đồng hương” với các thánh, trở nên người anh em với mọi người: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19).
Là người Kitô hữu, chúng ta được quyền đọc lên lời kinh Lạy Cha, chúng ta tha thiết xin cho Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha được trọn vẹn hơn. Đồng thời mầu nhiệm đó cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu đón nhận mọi người trong Hội thánh, dù đó là những người tội lỗi hoặc còn nhiều thiết sót; đón nhận mọi sự vui buồn trong Hội thánh như của mình.
Chúc anh chị em tìm được niềm vui vì được gia nhập vào Gia đình Hội thánh và Gia đình của Cha Thánh Khôi Bình.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I.     CHIA sẺ LỜI CHÚA:  LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Cứ mỗi độ tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, tôi lại nhớ đến câu chuyện “xin lễ” của một cha giáo kể lại. Câu chuyện kể về một bà góa nghèo ở một giáo xứ nọ, một hôm bà lão chống gậy khập khiễng đến gặp cha xứ để xin lễ. Bước vào nhà xứ, bà cụ mở lời: Xin cha cho con “xin lễ đời đời.”
Vừa nghe hết câu, cha xứ trợn mắt nhìn bà cụ đang đứng trước mặt mình, ăn mặc sơ sài, dáng dấp già yếu làm cha xứ thoạt nhớ đến hình ảnh bà góa nghèo ở trong Tin mừng, có điều bà cụ này không đến với vài đồng xu, mà trên tay cầm cả một phong thư dầy cộm và chắc có lẽ đây cũng là cả gia tài mà bà cụ gom góp được bấy lâu nay.
Sau một thoáng xúc động, cha xứ hỏi: “Cụ à, cụ xin lễ đời đời là ý gì vậy?” Bà cụ trả lời: “Là khi nào con qua đời, cha làm lễ cho con, bây giờ xin cha giữ tiền trước giùm con.
Cha xứ cũng thành thật nói: “Xin cụ cứ mang tiền về đi để mua thức ăn, thuốc men bổ dưỡng cho cụ.” Bà cụ mở mắt tròn xoe, và nói: “Thế còn lễ cho con?”
Cha xứ lại phải cố gắng để trấn an bà: “Lo cụ! Con cháu sẽ lo cho cụ. Cụ yên tâm đi.” Bà cụ vẫn cố nài nỉ: “Nhưng lỡ nếu con cháu không lo xin lễ cho con thì thật là khốn khổ cho thân con.
Lần này cha xứ phải giải thích cặn kẽ hơn: “Cụ yên tâm, nếu nhỡ con cháu có quên thì còn có Chúa. Chúa là Cha của chúng ta mà. Nếu con cháu có quên cụ thì Chúa sẽ không quên cụ đâu. Không ai thương cụ bằng Chúa. Chúa thương lo cho cụ còn hơn cả cụ lo cho chính mình nữa đó. Chúa đã nói rồi mà: có bà mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi con mình đã cưu mang đâu, nhưng giả như có bà mẹ nào như thế thì Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi bà đâu.”
Bà cụ mở mắt tròn xoe, tay nắm chặt, gật gật đầu như bắt đầu hiểu ý. Cha xứ nói tiếp: “Cụ cứ nghe con đi, cụ cầm cái gói tiền này đem về đi. Nhớ để cho Chúa lo. Con cũng không bảo đảm đâu. Nếu lỡ con cũng quên, cũng sơ sót thì sao? Hay con chết trước cụ thì sao? Chỉ có Chúa thương cụ là bảo đảm nhất thôi.”
Bà cụ đứng tần ngần một hồi lâu rồi mới chịu cầm lại gói tiền, không quên cám ơn cha rồi ra về. Cha xứ nhìn theo dáng đi tiều tụy của bà cụ mà thấy thương, chợt nghĩ trong lòng: “Không khéo bà cụ lại đem gói tiền tới một nhà thờ khác để “xin lễ đời đời” thì thật là thương cho bà cụ.”
Nghĩ đến cái chết của mình, lắm lúc chúng ta chỉ nghĩ đến luyện ngục mà vì thế chúng ta thường quên đi Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Chúng ta thường biến Thiên Chúa thành ông chủ nợ khắt khe lo đòi cho tới đồng xu cuối cùng mới chịu buông tha cho con nợ của mình.
Vì thế, thay vì sống phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa thì chúng ta lại tính toán, muốn sòng phẳng, đôi khi ỷ lại vào chính mình và tìm những bảo đảm cho đời sau của mình nơi chính những khả năng của mình từ những việc lành phúc đức, cho đến việc đầu tư xin lễ …
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói “Luyện Ngục là nơi của tình yêu” và Ngài bảo “Nếu tôi vào luyện ngục tôi rất bằng lòng. Tôi sẽ làm như ba trẻ Do thái ở trong lò lửa, tôi vừa đi dạo trong lửa cháy vừa hát thánh ca của tình yêu.”
Nếu hiểu luyện ngục là nơi “thanh luyện của tình yêu”, là nơi để con cái Thiên Chúa cởi bỏ hết những gì là tham lam bất chính, những gì là tội lỗi trần tục còn xót lại trước khi nhắm mắt lìa đời để mặc lấy áo vinh quang trong ngày ra trình diện Thiên Chúa là Cha yêu thương là Đấng tốt lành thì chúng ta có lý do để hy vọng rằng Thiên Chúa hằng yêu thương chúng và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” cho dù chúng ta ở nơi dương thế hay ở trong chốn luyện hình.
Vì thế, lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa và lòng tin thương nhớ những người đã ra đi trước chúng ta phải là lòng tin yêu cảm tạ và hy vọng. Nói như lời Thánh Phaolô tông đồ, chúng ta không được buồn sầu như những người không có đức tin, những kẻ không có hy vọng. Bởi vì, nếu chúng ta chết là chết trong Đức Kitô, là “được an nghỉ trong Đức Kitô” và trước sau gì “Thiên Chúa cũng đem họ đi làm một với Ngài” (1Tx 4, 13). Chính niềm tin này mang đến cho chúng ta niềm hy vọng rằng cho dù những người thân yêu quá cố của chúng ta còn hay hết thời gian thanh luyện nơi chốn luyện hình thì họ cũng đã thuộc về Đức Kitô, và họ chỉ có một con đường để đi về: đó là con đường về cùng Thiên Chúa là Cha yêu thương của họ và của tất cả chúng ta.
Bởi vậy, lòng thương nhớ của chúng ta phải dẫn đưa chúng ta đến những việc làm cụ thể để tỏ lòng quan tâm và cũng để tỏ lòng bác ái đối với những người đã khuất. Thánh Têrêsa thành Avila đã nói: “Không có việc bác ái nào lớn hơn việc bác ái dành cho những người đã chết.”
Và không có lời cầu nguyện nào tha thiết và cao quý hơn cho bằng lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, qua hy tế Thập giá của Ngài được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày. Qua Thánh lễ và Thánh Thể chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, và được hiệp thông với nhau, những người còn sống cũng như những người đã qua đời nhờ mầu nhiệm các thánh cùng thông công, qua đó chúng ta chia sẻ cho nhau những ân huệ trong kho tàng Ân Sủng của Hội Thánh.
Đức Phaolô VI đã viết: “Người Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng tinh luyện mình khỏi tội lỗi và thánh hóa mình nhờ ơn Thiên Chúa.” Cuộc sống của mỗi con cái Thiên Chúa được nối kết một cách kỳ diệu, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, với cuộc sống của tất cả các anh em Kitô hữu khác, trong sự duy nhất siêu nhiên của Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô ...” Vì vậy, trong sự hiệp thông của các Thánh, “có một mối liên kết yêu mến và một cuộc trao đổi dồi dào mọi ơn ích giữa chư vị đang hưởng phúc quê trời, những kẻ đã được nhận vào chốn luyện tội và những người còn đang tiếp bước hành trình trần gian...” Trong cuộc trao đổi kỳ diệu này, “mọi người được hưởng nhờ sự thánh thiện của nhau còn hơn là bị thiệt thòi vì tội lụy của nhau. Như vậy, sự hiệp thông của Dân Thánh giúp cho hối nhân được thanh luyện nhanh chóng và hữu hiệu hơn” (GLGHCG, 1475).
Nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta, những người đã an giấc trong Đức Kitô cũng là dịp để nhắc nhớ chúng ta, những người đang sống rằng hễ những ai tin vào Đức Kitô, những ai trung thành với Ngài thì Ngài sẽ không bỏ rơi bao giờ. Vậy thì đối với chúng ta, những người đang sống, những người mang trong mình niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta hãy sống trung thành với Chúa với hết lòng yêu mến của mình để khi giờ chết đến, cho dù chúng ta không biết thế giới bên kia ra sao, chúng ta vẫn có thể vui vẻ nhắm mắt xuôi tay, phó thác mọi sự cho chúa, và với tất cả niềm tin yêu trông cậy chúng ta yên hàn ra đi trong Chúa.
Ước gì giờ phút chúng ta nhắm mắt lìa đời cũng là giây phút chúng ta nghe được lời Chúa nói với chúng ta như Người đã nói với người trộm lành trên thập giá: “Quả thật, Tôi bảo anh: hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Tôi” (Lc 23, 43).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1.      Anh chị đã hiểu và sống mầu nhiệm “Các Thánh cùng thông công” như thế nào trong những năm vừa qua?
2.      Đối với anh chị, anh chị có cần “xin lễ đời đời” không? Tại sao có? Hoặc tại sao không?
II.  HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

BÀI 05: CÁC GIÁ TRỊ CĂN BẢN

Giữa một thị trường nhốn nháo tìm thần tượng để đặt làm mục tiêu và đối tượng cho tất cả mọi cố gắng lớn nhỏ, chung riêng của con người hôm nay, xác định được mục tiêu và đối tượng ấy phải là con người – và là con người với đầy đủ các khía cạnh như đã được giới thiệu trong bài ba và bốn - đã là một hành vi can đảm và đã là một bước quan trọng rồi để thăng tiến con người và xây dựng xã hội. Tuy nhiên, dường như thành quả ấy vẫn bị thiên hạ lạm dụng làm chiêu bài che đậy nhiều điều trái ngược hẳn.
Thế nên, Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo phải kể ra những giá trị sau đây làm những hàn thử biểu cụ thể đo mức độ phục vụ con người của các nỗ lực và công trình do xã hội hay cá nhân thực hiện, cũng như để đánh giá một cá nhân, tập thể hay xã hội là tốt hay chưa tốt.  Đó là sự thật, tự do, công bằng và bác ái. Một dự phóng, một nỗ lực, một công trình chỉ phục vụ con người thật sự, khi nó tìm kiếm và thực hiện được bốn giá trị ấy.
Một cá nhân, một tập thể hay một xã hội chỉ đáng được đánh giá cao vì đã phục vụ con người, khi nó tìm kiếm và thực hiện được bốn giá trị ấy.
1.    Sự thật
Một xã hội, một tập thể, một tổ chức hay một cá nhân được đánh giá là tốt dựa trên báo cáo không phải của chính mình mà còn của người khác, chỉ tiếc đó là những báo cáo thiếu sự thật, thì kể như các đánh giá ấy đều sai, và xã hội, tập thể, tổ chức hay cá nhân ấy đều không thật sự tốt như mình tưởng.
Một chính sách, một kế hoạch, một dự án, một sáng kiến hay một hoạt động nhằm phục vụ con người hay những gì liên quan đến con người, nhưng chỉ tiếc đó là những con người không được nhìn nhận đúng với sự thật của con người (chẳng hạn chỉ nhìn con người như những con vật biết làm kinh tế…) thì kể như chính sách, kế hoạch, dự án, sáng kiến và hoạt động ấy mới chỉ được coi là tốt một phần hay thậm chí không tốt nữa, nếu người ta vì thế mà bỏ rơi các khía cạnh khác của con người, thậm chí còn quan trọng hơn. Đã phát triển con người cách què quặt như thế, thì có đáng gọi là phát triển nữa hay không?
2.    Tự do
Một xã hội, một tập thể, một tổ chức hay một cá nhân khó có thể sống trung thực, nếu không còn tự do để thực hiện mục tiêu của mình, luôn luôn bị áp lực từ đâu đó ;
Một chính sách, một kế hoạch, một dự án, một sáng kiến hay một hoạt động khó có thể được gọi là phục vụ con người, khi người thực hiện hay người thụ hưởng hoặc cả hai không được sống trong tự do;
Vì chưng, tự do chính là một trong những nét đặc thù của con người và cũng là yếu tố làm nên giá trị cao cả của con người. Tuy nhiên, đừng hiểu một cách thiển cận tự do là có điều kiện và khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn, bằng không có thể làm hại tới người khác hay làm hại cả chính mình. Tự do là có khả năng làm được điều tốt và tốt nhất ; dĩ nhiên một điều tốt bao giờ cũng là điều phù hợp với sự thật của người ấy và giúp phát huy sự thật của người ấy. Không thể gọi là điều tốt cho người kitô hữu khi đó là điều ngăn cản người ấy sống đức tin của mình.
 
3.    Công bằng
Một xã hội, một tập thể, một tổ chức hay một cá nhân chỉ có thể sống trung thực và tự do một cách lâu dài và căn bản, khi ở đó có sự công bằng, tức là khi các quyền lợi của các bên được tôn trọng;
Một chính sách, một kế hoạch, một dự án, một sáng kiến hay một hoạt động chỉ có thể được đánh giá là đã phục vụ con người thật sự và lâu dài, khi chúng bảo đảm được sự công bằng giữa các bên có liên quan, hay khi các quyền lợi của các bên có liên quan đều được tôn trọng. Làm sao xã hội, tổ chức, chính sách, dự án… có thể được gọi là tốt khi chỉ làm lợi cho một số đối tượng nào đó và làm thiệt hại quyền lợi của các đối tượng khác?
4.    Bác ái: còn gọi là Tình Thương hay Liên Đới
Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối trong các xã hội, tập thể, tổ chức, hay trong các chính sách, kế hoạch, dự án, sáng kiến, hành động, vì thế giới thay đổi không ngừng, đang khi đó khả năng nhận thức và ứng biến của con người lại giới hạn, khiến con người không bắt kịp các quyền lợi và bổn phận để bảo đảm.
Do đó, bên cạnh sự công bằng, mọi xã hội và tổ chức, mọi chính sách và kế hoạch… đều phải chừa chỗ cho sự bác ái hay liên đới, giúp các bên biết tương nhượng và hy sinh trong khi mưu cầu quyền lợi của mình. Ai cũng đòi sòng phẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ có thể sẽ làm cho  cuộc sống của mình và của người khác trở nên không thể sống được.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
CÂU HỎI GIÚP HIỂU BÀI
1.      Thử lấy một quyết định, dự án, kế hoạch hay chính sách nào đó của tổ chức (đạo hay đời) để xem xét bốn giá trị vừa kể đã được bảo đảm tới mức nào trong quyết định, dự án, kế hoạch, chính sách ấy, và từ đó kết luận về giá trị của chúng.
2.      Thử phân tích một xã hội, một tập thể, một tổ chức, bất kể của đạo hay đời, để đánh giá mức thành công của xã hội, tập thể hay tổ chức ấy, căn cứ trên bốn giá trị vừa kể đã được thực hiện tới mức nào tại những môi trường ấy.
 
Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log