Chúa nhật, 24/11/2024

Giải Đáp 100 Vấn Nạn Về Đức Tin (33 – 52)

Cập nhật lúc 15:57 10/02/2018
(100 QUESTIONS SUR LA FOI – JEAN-MICHEL DI FALCO / Centurion 1993)

III. GIÁO HỘI
33. Thưa Cha, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được đề cập đến từ khi nào, và buộc phải tin trong những vấn đề nào?
Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng  được công bố vào năm 1870, nhân dịp Công đồng Vatican I. Từ đó đến bây giờ, ơn này buộc phải tin duy nhất chỉ có một lần, vào năm 1950, do Đức Giáo Hoàng  Piô XII, khi Ngài công bố về tín điều Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời. Tín điều này xác quyết một điểm quan trọng trong đức tin Kitô giáo: Đức Trinh Nữ Maria, sau khi chết, đã vào Thiên Đàng cả hồn lẫn xác mà không phải chờ đợi ngày phục sinh.
Khi buộc tín hữu phải tin sự bất khả ngộ của mình, Đức Giáo Hoàng không tuyên bố theo tư cách cá nhân, mà theo phương thức long trọng (ex cathedra), có nghĩa là tuyên bố từ ngai tòa giáo hoàng, ngai tòa Phêrô. Ngài tuyên bố nhân danh Giáo Hội hoàn vũ, bày tỏ đức tin đã được loan truyền qua bao thế kỷ.
Trái với ý kiến đôi khi phổ biến trong dư luận, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được giới hạn vào những trường hợp rất rõ ràng. Những phán quyết thuộc diện không thể sai lầm, không nhằm mục đích đổi mới, mà xác định, làm sáng tỏ một vấn đề của sứ mệnh Phúc Âm.
Khi Đức Giáo Hoàng dung quyền bất khả ngộ của mình, thì tất cả mọi Kitô hữu đều buộc phải tin điều Ngài phán quyết “trong sự vâng phục của đức tin”.
34. Thưa Cha, con được mười sáu tuổi. Con đang học lớp mười và ao ước trở thành Linh mục. Vào tuổi con, điều này có được không, thưa cha? Con có nghe nói về ơn kêu gọi muộn. Theo Cha, có nên đợi đến tuổi ba mươi để biết chắc chắn mình được Chúa gọi không?
Thiên Chúa kêu gọi ở bất cứ lứa tuổi nào. Như vậy là không có tuổi lý tưởng để mà chờ đợi, vì mỗi ơn gọi đều độc nhất và được ghi vào lịch sử tương giao với Thiên Chúa. Nếu ngày hôm nay, con tin rằng Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi con, thì ngày hôm nay, con nên đáp lại lời mời gọi đó.
Giáo Hội có thể tiếp sức cho con, như Giáo hội từng tiếp sức cho mỗi tín hữu khám phá ơn gọi đặc biệt của riêng mình. Điều tốt nhất, là con nên trình bày với linh mục tuyên úy của trường con hoặc với vị linh mục quen thân con nhất. Ngài sẽ hướng dẫn con suy tư và, nếu con yêu cầu, ngài sẽ tạo điều kiện cho con gặp gỡ nhiều bạn trẻ khác cũng ao ước trở thành linh mục như con.
35. Thưa Cha, có bình thường không nếu yêu cầu các tín hữu tham dự một nghi thức phụng vụ, đóng góp một số tiền, hoặc phải trả lễ an táng?
Sự quyên tiền là gì? Đó không phải là một thứ thuế, một giá biểu của một dịch vụ, đó là sự tự nguyện góp phần vào ngân sách của giáo xứ. Đồng thời, đó cũng là một lễ vật. Khi chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể, chúng ta hợp thành cộng đoàn hiến dâng Thiên Chúa những lời khẩn nguyện, chúng ta dự phần vào tiệc thánh của Chúa Kitô. Đóng góp là cách biểu lộ bằng hành động cụ thể, hữu hình, việc hiến dâng này.
Việc quyên tiền này thực hiện lúc dâng lễ vật, khi mà chúng ta cùng dâng bánh và rượu trên bàn thờ. Những lễ vật trong các dịp rửa tội, hôn phối, an táng cũng có cùng một ý nghĩa đó. Thánh lễ thật vô giá! Vì vậy, nếu có điều kiện, chúng ta nên thể hiện bằng một hành động hiệp thông vào kinh nguyện của một vị chủ tế, qua việc tham gia vào các chi phí của Giáo Hội để bảo đảm công tác phục vụ.
Cộng đoàn giáo xứ không chỉ tồn tại chỉ nhờ vào sự đóng góp của giáo dân. Hằng năm, việc đóng góp còn được thực hiện dưới hình thức “tiền dâng Giáo Hội”,  hay “tiền xin lễ”.
Có dư luận khá phổ biến cho rằng Giáo Hội giàu có và có lắm nguồn thu. Họ quên rằng, với đạo luật tách rời Giáo Hội và Nhà nước (tại Pháp), những nơi phượng tự không còn là tài sản của Giáo Hội nữa. Phần bất động sản nào còn thuộc quyền Giáo Hội thì không còn là nguồn thu nhập nữa, mà lại trở thành gánh nặng tài chính (bảo trì, bảo hiểm, thuế má…).
36. Thưa Cha, nếu con vào tu trong đan viện, cha mẹ sẽ không gặp lại con nữa, con có ích kỷ với gia đình và cha mẹ không?
Niềm ao ước sống đời chiêm niệm của bạn cần được thảo luận với một linh mục và bạn hãy suy nghĩ chín chắn. Tận hiến đời mình để đọc kinh cầu nguyện là một cách thông hiệp vào cuộc sống của mọi người, kể cả cuộc sống của cha mẹ và gia đình bạn.
Bạn bận tâm về những hậu quả của việc xa cách gia đình là phải.
Ngay từ bây giơ, bạn có thể bàn bạc với cha mẹ. Đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng không sao tránh khỏi trên con đường hạnh phúc của bạn và của cha mẹ bạn.
37. Thưa Cha, con không sao gặp được một linh mục hiểu thấu tâm tư con. Không cần đợi lâu, vừa khi con nói rằng con sống đạo đều đặn, thì xem ra việc tìm hiểu của con hóa ra vô vị đối với ngài. Mỗi lần như vậy, con lại ra đi càng trống vắng hơn. Con phải làm gì đây?
Trong việc tìm hiểu, để có được sự hướng dẫn phù hợp cho riêng mình, tốt hơn hết, bạn nên gặp gỡ thường xuyên một linh mục. Bạn đừng tham vấn, giao tiếp lung tung, mà nên đào sâu những vướng mắc của bạn chỉ với một người. Cuốn sách “Nếu bạn tìm Chúa”của Jean-René Bouchet, Nhà xuất bản Cerf, có thể giúp đỡ bạn. Bạn có thể gặp ở đó những lời khuyên đầy khôn ngoan để tiếp tục tìm Chúa.
38. Trong Phúc Âm có viết: “Chúng con đừng gọi ai dưới đất là cha. Chúng con chỉ có một cha duy nhất, Đấng ngự trên trời”. Tại sao chúng ta không thực thi lệnh truyền này của Đức Kitô? Thật kỳ quặc đối với một ông lão tám mươi tuôi như  tôi, lại đi gọi một linh mục  trẻ đáng tuổi cháu mình là “cha”.
Không nên hiểu tiếng “cha” dành cho một linh mục là ngang tầm với tiếng “cha” dành cho người cha trong gia đình. Qua tiếng “cha” này, Giáo Hội muốn nói đến tình phụ tử thiêng liêng của vị linh mục.
Trong ngôn ngữ, cùng một số từ, nhưng có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Pháp, “foyer” là lò lửa, cũng có nghĩa là nhà, mái ấm gia đình. Cũng vậy, khi ông gọi linh mục là “cha”, ông gán cho từ ngữ này một ý nghĩa thiêng liêng.
Khi chúng ta nói với Thiên Chúa “Cha chúng con”, chúng ta nghĩ đến một thứ tình phụ tử khác. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba), tương tự với “papa” trong tiếng Pháp (tiếng Việt “ba” hoặc “bố”). Chúa Giêsu đã làm cho mọi người chúng ta nên con cái của Thiên Chúa. Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện như sau: ”Lạy Cha chúng con”. Chúng ta tin vào một Chúa duy nhất, Cha của tất cả mọi người.
Hơn nữa tiếng “cha” còn nhiều nghĩa khác. Chúng ta gọi những người thần học vĩ đạo tiên khỡi cũa Giáo Hội là “các Giáo Phụ”, gọi vị bề trên của một đan viện là Viện Phụ, người cha của đan viện.
39. Chúng tôi hiểu chưa thật sâu sát lập trường của Giáo Hội Công Giáo về sự độc thân “bắt buộc”của linh mục. Có phải tình yêu dành cho một người nữ không thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa chăng?
Tình yêu dành cho một người nữ hoàn toàn có thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Hiện nay, biết bao nhiêu đôi vợ chồng không là chứng nhân cho điều đó hay sao? Thế nhưng, Giáo Hội La tinh xem việc cam kết tuyên giữ độc thân như dấu chỉ sự gắn bó khăng khít của linh mục với Chúa Kitô và như dấu chỉ của sự hiến thân trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội.
Linh mục, tu sĩ nam nữ, là những người làm chứng về một cách thức yêu mến Thiên Chúa, tuy khác biệt, nhưng không hề giảm giá trị tình yêu hôn nhân. Chúa Giêsu nói về việc chọn lựa cách thức yêu mến Thiên Chúa này trong Tin Mừng  thánh Mátthêu (chương 19, câu 12): “Có những kẻ tự trở nên hoạn nhân vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.
40. Thưa Cha, những lý do nào biện minh cho sự độc thân của linh mục trong Giáo Hội La Tinh?
Truyền thống linh mục độc thân phát triển trong Giáo Hội Phương Tây qua nhiều giai đoạn.
Những chứng cớ lịnh sử đầu tiên ngược về tận thế kỷ IV (năm 306), tại Công Đồng Elvire, bên Tây Ban Nha. Vấn đề độc thân của linh mục được nêu trong Công Đồng này, và được áp dụng cho Giáo Hội hoàn vũ tại Công Đồng Ni Xê vào năm 325, dù rằng các Giám Mục chưa định thành luật.
Vấn đề chưa được ban cãi trong nhiều năm tiếp sau, nhưng ngày càng trở nên bắt buộc. Chính tại Công Đồng Latran II, vào năm 1139, các Giám Mục đều tuyên bố rằng việc kết hôn của một giáo sĩ sẽ không có hiệu lực.
Ở vào một thời điểm có nhiều linh mục kết hôn, thì những lý do truyền thống của Giáo Hội về việc chọn ở độc thân căn cứ vào sự hấp dẫn của đan tu, sự dấn thân nhiều hơn nữa của các giáo sĩ, và ý muốn tách rời hàng giáo sĩ khỏi xã hội dân sự mà hàng giáo sĩ bị dìm sâu vào.
Các Linh mục phải mang đến cho mọi người một bằng chứng sống động về sứ mệnh của Chúa Kitô. Bằng lời giảng dạy, Chúa Ki tô mời gọi tất cả mọi người chúng ta sống trong tình yêu của Chúa Cha. Thứ tình yêu không san sẻ này không thể được đánh giá theo cách tính toán của loài người, đầy hạn chế, lắm thất bại.
Sau khi chết, chúng ta được mời gọi tiến vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã hiến dâng trọn đời mình cho Chúa Cha, và bởi sự phục sinh, ngài đã chiến thắng sự chết. Các linh mục là dấu chỉ sống động của lời Chúa hứa. Trong khi chọn không kết hôn, không có con cái, các ngài chọn theo Chúa Kitô và dâng hiến trọn vẹn đời mình cho sứ vụ phục vụ Giáo hội. Việc đông con nhiều cháu của linh mục thuộc phạm vi khác với phạm vi của lứa đôi. Đó là sự đông con nhiều cháu thiêng liêng. Như vậy, các linh mục là những chứng nhân của một cách thức yêu thương khác, bằng việc hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa Kitô, để phục vụ Dân Chúa.
41. Từ trong giáo xứ, các linh mục có nhiều nguồn thu nhập như: quà biếu cá nhân, bổng lễ..v…v…Vậy có bắt buộc phải có một quỹ chung giữa các linh mục trong cùng một giáo phận không, thưa cha?
Không nên nhầm lẫn thu nhập của giáo xứ và thu nhập của linh mục.
Về phần thu nhập của linh mục, có thể có hai trường hợp. Hoặc ngài giữ lai cho mình một phần thu nhập của địa phương, nếu xét thấy thu nhập mà ngài nhận từ giáo phận không đủ đáp ứng mức sinh hoạt hằng tháng do giáo phận ấn định. Đây là trường hợp bổ túc. Trong trường hợp ngược lại, linh mục được khuyến khích đóng góp vào công quỹ (thuộc giáo xứ hay giáo phận) những quà biếu cho riêng cá nhân mình.
Còn về các bổng lễ, thường thì nhiều giáo xứ có nhiều bổng lễ (ví dụ như các địa điểm hành hương) chia sẻ lại cho những giáo xứ có ít hơn.
Như vậy, có sự chia đều giữa các linh mục trong cùng một địa phận, cũng như giũa các giáo xứ và các giáo phận. Nhưng sự chia đều nầy chỉ bắt buộc các linh mục trong những giáo phận có quy định chung.
42. Thưa cha, tại Pháp, các linh mục có được Nhà Nước đài thọ không?
Từ khi có sự phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước, các linh mục không còn được Nhà Nước trả lương nữa. Vào tháng 12 năm 1905, chính quyền Combes cho biểu quyết một đạo luật theo đó, Chính Thể Cộng Hòa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng “không trả lương, không trợ cấp bất cứ tôn giáo nào”. Ngân sách dành cho các tôn giáo bị bãi bỏ, và các tín hữu phải đảm trách việc đài thọ các linh mục. Từ đó, các linh mục Pháp sống nhờ vào lòng hảo tâm của các tín hữu.
Nhưng hai trường hợp ngoại lệ: hai giáo phận Strasbourg và Metz vẫn còn dưới chế độ Hòa Ước và các linh mục được Nhà Nước đài thọ. Biệt lệ này có những lý do lịch sử: vùng Alsace-Lorraine được giao cho Đức Quốc Xã năm 1905, vùng Alsace-Lorraine vẫn giữ chế độ Hòa Ước.
43. Thưa cha, khi nào nên nhờ đến linh mục trừ tà?
Mỗi người, tin hay không tin, đều phải đương đầu với những vấn đề sự dữ trong cuộc sống. Nhiều người từng trả qua một kinh nghiệm đau thương, gian khổ và phiền nhiễu. Họ cảm thấy đối mặt với sự dữ, bị xâu xé, bị chia năm xẻ bảy từ trong thâm tâm hoặc với những người thân cận. Đôi khi họ cậy nhờ  các thầy bùa, thầy pháp, và cuối cùng, họ nhờ đến Giáo Hội, cầu mong một linh mục trừ tà trợ giúp.
Thường mỗi giáo phận đều có một linh mục trừ tà được Đức Giám Mục chỉ định (bạn có thể gặp những người cần liên hệ tại Tòa Giám Mục). Vị linh mục này, cùng nhóm cộng sự viên, sẵn sàng chăm chỉ lắng nghe nỗi ưu phiền được tỏ bày. Quả thật, một sự ân cần nhẫn nại tiếp nhận nỗi đau, san sẻ quá trình diễn tiến, cùng chung một lời cầu nguyện, có thể kèm theo Bí Tích Hòa Giải, đều giúp xoa dịu cơn khủng hoảng và làm an tâm nạn nhân.
Kinh nghiệm cho thấy rằng thái độ thông cảm này đã là một trợ lực vĩ đại. Ngoài ra, cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của tâm lý học hoặc y học.
Tronh những trường hợp hy hữu và cá biệt mà vị linh mục trừ tà, do Giám Mục chỉ định, là người phán quyết duy nhất, thì nên nhờ đến lời cầu nguyện trọng thể đã được Giáo Hội tiên liệu. Vị linh mục cầu xin Thiên Chúa giải thoát kẻ đang đau khổ, khi mà sự can thiệp tự nhiên, tâm lý đều trở nên bất lực. Ngài nhân danh Giáo Hội mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin này, chứ không tự mình như thầy bùa, thầy pháp.
Bất cứ ai đang đau khổ, đều có quyền được lắng nghe: chức vụ trừ tà là một chức vụ cảm thông. Do đó, để hoàn thành mỹ mãn sứ vụ được Giáo Hội giao phó, linh mục trừ tà cùng những vị liên hệ, đều dự một khóa tập huấn thường niên do Hội Đồng Giám Mục Pháp tổ chức với sự giúp đỡ của nhiều nhà thần học và các chuyên viên khoa học nhân văn.
44. Nhiều giáo dân đứng ra sắp đặt và linh hoạt lễ nghi an táng. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về sự vắng mặt của linh mục vào lúc mai táng?
Lễ nghi an táng tạp trung cầu nguyện nhằm ký thác người quá cố cho Thiên Chúa. Lễ nghi này không phải là một phép bí tích. Linh mục chỉ bắt buộc hiện diện nếu có cử hành thánh lễ. Thầy phó tế vĩnh viễn có thể chủ sự nghi thức mai táng. Nếu không có linh mục hoặc thầy phó tế, thì một giáo dân được ủy quyền có thể đứng ra chủ sự. Với sự phê chuẩn của Giám Mục, Cha sở có thể yêu cầu một giáo dân trong xứ linh hoạt lễ nghi an táng. Vị nầy nên được tập huấn trước và được một nhóm tín hữu yểm trợ. Thế nhưng, trong những giờ phút đau thương nầy, thật khó mà thông cảm và chấp nhận được sự vắng mặt của vị linh mục, vị lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn giáo xứ. Chỉ có tình trạng khan hiếm linh mục ngày nay mới có thể giải thích được điều đó.
Tang gia cần cảm nhận được cả một cộng đoàn tín hữu chân tình đùm bọc, lắng nghe và chia sẻ bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và lòng trông cậy vào sự sống lại.
45. Thưa Cha, sứ mệnh của thầy phó tế là gì và trong Giáo Hội, thầy có thể ban những phép bí tích nào?
Chức Phó tế là một chức vụ được trao ban. Không đi sâu vào chi tiết, tôi có thể lập lại với bạn rằng phép truyền chức thánh trao ban ba chức vụ là Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế.
Thầy phó tế gắn bó với Giám Mục của mình. Thầy nhận từ tay Giám Mục bài sai cho một sứ mệnh giữa giáo dân. Chức phó tế được hiểu như một sứ mệnh phục vụ (phụng vụ, giảng trong thánh lễ, giáo lý, hoạt động từ thiện). Thầy phó tế vẫn thường ở lại trong môi trường nghề nghiệp của mình. Thầy không được cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng thầy có thể giảng giải phúc âm, cử hành bí tích rửa tội, chủ sự lễ nghi hôn phối và nghi lễ an táng, mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.
Chức vụ phó tế hiện hữu ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo Hội, nhưng đã dần mất tầm quan trọng của mình để chỉ còn là bước cuối cùng trước chức linh mục. Hiện nay, dù vẫn còn tồn tại thói quen truyền chức phó tế cho người sẽ trở thành linh mục, chức phó tế đã tìm lại được từ công đồng Vatican II vai trò của mình là một chức vụ đặc biệt.
Ngày nay, chức phó tế vĩnh viễn đang trên đà tiến triển rất mạnh. Thầy phó tế vĩnh viễn thường là những người có gia đình và có nghề nghiệp hẳn hoi.Ở Pháp năm 1975, có 33 thầy; năm 1980, có 100 thầy; đầu năm 1989, có 488, và năm 1993, có hơn 800 thầy.
46. Người ta thường nói đến chức phó tế vĩnh viễn. Có phải chức vụ này chỉ dành riêng cho nam giới? Nếu đúng thế, thì tại sao phụ nữ không được dự vào chức vụ này, thưa Cha?
Chức phó tế vĩnh viễn đã được Công Đồng Vatican II tái lập và biểu dương cách đây 30 năm, trong khi từ lâu, chức vụ này chỉ còn là bước cuối cùng trước khi phong chức linh mục. Các nghị phụ đã muốn thể hiện sự khác biệt giữa các chức vụ linh mục và chức vụ phó tế, bằng cách giao cho chức vụ này một nhiệm vụ đặc biệt: nhiệm vụ “phục vụ”. Theo tiếng Hy Lạp “diakonos” có nghĩa là “người giúp việc”. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng việc dạy giáo lý, giảng huấn, trợ giúp những người kém may mắn…Trong một số lễ nghi phụng vụ, chúng ta thấy thầy phó tế mang sách Thánh và công bố Tin Mừng, ban lời giảng huấn hoặc trao Mình Thánh Chúa. Thầy có thể cử hành bí tích thanh tẩy hoặc bí tích hôn phối, còn bí tích Thánh hể và bí tích Hòa Giải thì không. Thường thường, thầy là người có gia đình và có nghề nghiệp.
Giáo hội không tiến cử phụ nữ vào chức phó tế vĩnh viễn, cũng như không tiến cử họ vào chức linh mục. Truyền thống tôn giáo này của Giáo Hội căn cứ vào sự phân rõ nhiệm vụ: nam và nữ đều phải tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô bằng cách khác nhau. Nguyện vọng của Giáo Hội là tôn trọng sự khác biệt giữa nam và nữ, tôn trọng những ơn gọi bổ khuyết cho nhau trong mối liên quan với những ân sủng bổ sung cho nhau.
47. “Để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người, Giáo Hội cần có nhiều quà tặng của bạn”. Thưa Cha, Cha có nhận thấy loại hình lời bảo có tính quảng cáo này là thái quá không, khi mà Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Vatican, chỉ tiêu xa xỉ cho những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, trong lúc nhiều người đang chết đói?
Để tiếp tục hiện diện giữa con người của thời đại, Giáo Hội cần sử dụng những phương tiện của thời đại. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha không ngần ngại đáp máy bay đến thăm nhiều cộng đoàn giáo hữu trên khắp thế giới và khuyến khích mọi dân tộc thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình huynh đệ. Các tín hữu của quốc gia tiếp đón Ngài nhận chịu chi phí cho cuộc hành trình của Ngài. Giáo hội Pháp xét thấy không có gì trở ngại khi, nhờ qua phương tiện thong tin đại chúng, kêu gọi các tín hữu Pháp tham gia góp phần: nếu họ muốn, họ có thể biểu lộ tình liên đới với các linh mục và giáo dân trong công việc mà các vị này thực hiện.
Chúng ta tin rằng, nếu đưc tin được tiếp tục loan truyền một cách sống động và hiện hữu, thì đưc tin chỉ có thể kiến tạo một sự công bằng mà bạn nhắc đến lợi ích rất cấp bách.
Để có thể kết luận, chớ gì tôi có thể mời bạn nghiền ngẫm câu tục ngữ Trung Hoa sau đây: “Nếu bạn còn hai mươi đồng, bạn hãy lấy mười đồng mua bánh ăn để sống, và mười đồng mua hoa hồng để có lý do vui sống”.
48- Thưa Cha, Cha nghĩ gì về việc xây cất Nhà Thờ Chính Tòa Évry ?
Tôi mời bạn, cũng như tất cả các Kitô hữu, nên phấn khởi trước sáng kiến của Đức Cha Herbulot, Giám mục Évry. Khi ngài đến giáo phận Essome, thì thành phố Érvy mới mẻ đang tích cực chuyển mình. Từ con số 4000 cư dân hồi năm 1965, thành phố Érvy ngày nay đã vượt quá 70.000 dân. Việc thiết lập những xí nghiệp mũi nhọn, như Ariane- Espace, đã thu hút một số đông cư dân trẻ (40 % dưới 35 tuổi).
Giáo Hội không thể như khách bang quan, không thể không để ý đến một sự bùng nổ của một thành phố lớn của thế kỷ XXI. Đối với một số người, thánh đường cần nên kín đáo, duy chỉ để phục vụ. Thế nhưng, khi nhờ đến ông Mario Botta, kiến trúc sư nổi tiếng khắp thế giới, và khi chọn phương án cực kỳ hiện đại dành cho một thánh đường đang hòa mình trong các kiến trúc của một trung tâm thành phố, công trình công cộng Évry và Đức Cha Herbulot đã minh chứng một dự đoán vượt bậc. Thánh đường cần được nổi bật ngay tại trung tâm điểm của một đô thị. Thị dân cần có những dấu chỉ, những cột mốc thần thiêng.
Bạn hãy nghĩ đến Nhà Thờ Đức Bà Paris. Đối với các Kitô hữu, Nhà thờ Đức Bà là nơi cầu nguyện, nơi phụng tự, nhưng đối với thị dân Paris, Nhà thờ Đức Bà biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong khi xây dựng Nhà thờ chính tòa Évry, Giáo Hội muốn xác quyết sự hiện diện của mình giữa thế giới ngày nay và ngày mai. Còn phí tổn cho một công trình như thế thì ước tính độ 60 triệu quan Pháp, cái giá của một trường trung học hay một giao lộ đường siêu tốc.
49. Thưa Cha, có gì khác giữa Hướng đạo Pháp và Hướng đạo Châu Âu?
Phong trào Hướng Đạo Pháp, được thành lập vào năm 1920, khởi nguồn từ những phương pháp sư phạm và chương trình giáo dục do ông Baden-Powell, sáng lập viên phong trào Hướng Đạo hồi năm 1907 khởi thảo. Vào cuối những năm năm mươi, phong trào tiến hành một cuộc cải cách về chương trình và phương pháp, nhằm thích ứng với một giới trẻ, cũng giống như một xã hội, đang chuyền biến nhanh chóng. Ví dụ, phong trào đã quyết định chia nhóm “tráng sinh” thành hai khối: ấu sinh (12- 14 tuổi) và thiếu sinh (14- 16 tuổi), nhằm đề xuất những phương pháp sư phạm riêng biệt cho từng đối tượng.
Việc cải cách nầy không được mọi người chấp nhận. Ví dụ, về phần mình, các hướng đạo sinh Châu Âu muốn trung thành với chương trình nguyên thủy của ông Baden-Powell.
50. Dòng Ba Phanxicô là gì? Dòng có những chủ đích nào?
Dòng Ba Phanxicô đã được chính thánh Phanxicô Assisi thành lập năm 1221. Sau đó, đã xuất hiện nhiều dòng Ba khác (Đa Minh, Dòng Kín Camêlô). Đó là những phong trào kỳ cựu nhất dành cho giáo dân. Dòng Ba Phanxicô, được mang tên Huynh Đoàn Thánh Phanxicô, tiếp nhận mọi người, nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi. Mục đích của Dòng là sống Tin Mừng một cách tích cực hơn ngay giữa thế gian, theo tinh thần tu đức của Thánh Phanxicô.
Những buổi họp nhóm cho phép các thành viên Dòng Ba khám phá tinh thần khó nghèo và đời sống huynh đệ.
51. Thưa Cha, ngày nay, Giáo Hội còn thực thi các ân xã không? Ý nghĩa chính xác của ân xá là gì?
Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội bắt buộc nhiều việc đền tội nhằm đền bù những hậu quả của tội lỗi. Thoạt đầu, các ân xá được đặt ra, để thay thế những việc đền tội thật nặng nề. Có thể nói, các ân xá là sự tha thứ “tha bớt án phạt”. Được Giáo Quyền phê chuẩn, một ân xá có thể thay thế, ví dụ, nhiều ngày buộc giữ chay. Nhưng từ đó, nảy sinh việc mua bán hằng tháng hoặc hằng năm ân xá. Ông Luther chống đối lại những lạm dụng này, vì không phải tình yêu nữa, mà là tiền bạc đền bù tội lỗi.
Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan-Phaolô II đã cố gắng phục hồi ý nghĩa của ân xá bằng cách minh định rằng: không thể hưởng nhờ ân xá mà không có sự hoán cải tâm hồn. Sự hoán cải của người này có thể đền bù tội lỗi của người kia, vì mọi tín hữu được liên kết với nhau trong sự hiệp thông của các thánh. Ngày nay, việc thực thi các ân xá căn bản hệ tại ở sự động viên các tín hữu cầu nguyện, hoán cải và gắn bó với Giáo Hội.
52. Thưa Cha, lập trường của Giáo hội đứng trước sự khác biệt của báo chí công giáo như thế nào? Sự khác biệt về quan điểm đôi khi rành rành, có luôn là dấu chỉ của một sự khác biệt lành thánh không?
Việc có nhiều nhóm báo chí công giáo là một điều bình thường, bản thân chúng phản ánh sự khác biệt trong những lo toan của mọi Kitô hữu. Giáo Hội đón nhận tất cả như một sự phong phú phụ trội, trong chừng mực mà những nhóm báo chí này tỏ ra không thủ đoạn trong sự hiệp thông với Giáo Hội.
Một cách khái quát hơn, sự khác biệt về quan điểm, khi không thuộc về những chân lý mặc khải, là điều quan trọng cho phép Giáo Hội có thể lắng nghe mọi người nam nữ của thời đại. Ngay giữa các tông đồ, cũng đã có những cuộc tranh luận đôi khi sôi nổi về thái độ cần có. Giáo Hôi chính là sự hiệp thông tràn đầy sự khác biệt. Thách đố căn bản hệ tại ở năng lực mà nhờ đó các tín hữu biết lắng nghe lẫn nhau. Rõ ràng không có gì hơn là thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy yêu thương nhau”.
 
(còn tiếp)

Vị Khuyết DanhBản dịch của một 
Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang trình bày và giới thiệu
 
Trở về danh mục câu hỏi
tgphue.net
Thông tin khác:
Câu hỏi số 01 (12/12/2016)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log