Thứ năm, 23/01/2025

Truyện dài: Trở Về - Chương II: Nhen Nhóm

Cập nhật lúc 10:06 03/10/2019

Nắng sớm của bình minh nhuốm mùi sương đêm còn đượm. Từng tán lá trong mảnh vườn nhỏ vẫn níu giữ những áng sương còn đọng lại. Tiếng gà nhà ai thỉnh thoảng gáy vang lên cả xóm đạo. Mặt sân nhà bà Minh vẫn loáng chút hơi sương, âm ẩm.
Hoàng đã tỉnh giấc từ lâu. Chàng tỉnh giấc từ lúc trời còn mờ tối, cả bầu trời vẫn bị chiếm lấy bởi màn sương giao mùa.
Bốn giờ sáng, khi tiếng chuông của ngôi nhà thờ cách nhà chàng chỉ dăm chục mét động đậy những tiếng kêu đầu tiên, thì chàng đã mở mắt. Những ngày xưa, cách đây đâu đã lâu, thức dậy là chàng sẽ tất tả vệ sinh cá nhân, mặc quần áo chỉnh tề để chuẩn bị giờ kinh sáng cùng anh em. Còn hôm nay, chàng vẫn nằm yên tại giường. Ở Chủng viện, khi có tiếng chuông báo thức vang lên là đèn từ các phòng được bật sáng gần như một lúc. Mấy trăm con  người cùng thức dậy. Nhưng không hề có tiếng ồn ào huyên náo. Ai ai cũng im lìm. Chỉ có tiếng bước chân cố gắng để thật khẽ ngoài hành lang hướng lên nhà nguyện. Mỗi buổi sáng là một bầu không khí thinh lặng bao trùm cả lên Chủng viện. Thinh lặng. Kín đáo. Khẽ khàng. Giây phút linh thiêng nhất trong ngày sống. Toàn những con người đang độ tuổi thanh niên sung sức, ăn to nói lớn nhưng đều thinh lặng hết sức có thể để chuẩn bị tâm hồn cho giờ kinh dâng ngày và Thánh lễ. Hoàng vẫn thường nghĩ “giây phút buổi sáng là giây phút ta thấy ta TU nhất trong ngày”.
Sáng sớm hôm nay, chàng không còn chứng kiến khung cảnh quen thuộc ấy nữa. Chàng vẫn thức dậy như thói quen bao năm vẫn thế. Chàng nằm im, nghe tiếng côn trùng rả rích những tiếng cuối cùng trước khi lui về hang ổ của mình, nhường chỗ cho ngày mới đang lên. Chàng nằm im, nghe tiếng chuông  nhà thờ đang vang đổ lên từng hồi đều đều, báo hiệu giờ kinh sáng của các cụ Dòng. Những ngày trước, khi được về quê nghỉ hè, chàng vẫn cùng mẹ ra nhà thờ đọc kinh sáng cùng các cụ. Hoặc chàng sẽ tự đọc kinh ở nhà, khi mẹ chàng đi nhà thờ sáng về và gọi chàng dậy. Hôm nay Hoàng không ra nhà thờ nữa. Mẹ chàng cũng thế.
Bà Minh cũng dậy rồi. Người già chẳng mấy khi ngủ đến sáng muộn được. Bà dậy rồi, nhưng cũng chỉ nằm yên đó. Thỉnh thoảng trở mình. Thỉnh thoảng thở dài. Nằm bên giường, Hoàng vẫn nghe rõ tiếng thở dài của mẹ. Chẳng bao giờ chàng thấy mẹ bỏ giờ kinh sáng. Chàng hiểu vì sao hôm nay mẹ vẫn ở nhà mà không ra nhà thờ như thói quen bao lâu nay. Lòng Hoàng tự nhiên chùng lại. Tiếng thở dài thoát ra từ bao giờ mà chàng cũng không để ý.
  • Dậy rồi hả con? Sao không ngủ thêm chút nữa – Tiếng bà Minh vọng sang
  • Con chưa quen giấc mẹ ạ - Hoàng đáp lại. Chàng ngập ngừng không dám hỏi lý do mẹ không ra nhà thờ. Chàng biết lý do là tại chàng.
Bà Minh ngồi dậy, quờ quạng tìm cái búi, vấn tóc lại. Bà vén mùng, đi lại phía bảng điện gần cửa, nheo nheo mắt tìm mấy cái công tắc. “Tạch” một cái. Mấy ngọn đèn mờ mờ trên bàn thờ sáng lên. Ánh sáng loe lóe, đủ soi chiếu cây Thánh giá vẫn đứng yên trên đó.
  • Sang đây đọc kinh với mẹ.
Hoàng hơi bất ngờ khi mẹ nói thế. Từ lúc nãy chàng vẫn để suy nghĩ của mình vẩn vơ về nơi nào đó mà chính chàng cũng không rõ. Tình huống này chàng chưa kịp nghĩ tới. Bao năm qua, chàng và mẹ vẫn hay có thói quen đọc kinh cùng nhau dưới bàn thờ này. Những giây phút ấm áp đó đã từng nuôi dưỡng mầm ơn gọi cho chàng từ những ngày đầu. Từ hôm qua đến giờ, chàng cố né nghĩ đến Chúa. Không phải chàng muốn gạt Chúa ra khỏi suy nghĩ của mình. Chàng né tránh vì chàng thấy ngượng ngùng. Chàng né tránh vì chàng thấy câu kinh bật lên từ miệng mình cứ…kễnh kễnh sao ấy. Hoàng chưa chưa sẵn sàng để bày tỏ lòng mình ra. Chàng biết Chúa hiểu thấu thẳm sâu lòng chàng. Biết thế, nên chàng sợ nhìn lên Thánh Giá vào lúc này. Tiếng gọi của mẹ làm chàng ngượng ngùng. Nhưng chàng vẫn sang.
Giữa cái chập chờn của khoảnh khắc đêm tối tạm biệt và nhường lối cho ánh sáng ngày mới, trong căn nhà nhỏ của hai mẹ con, tiếng kinh vang lên đều đều. Tiếng kinh ấy, thỉnh thoảng người ta mới nghe thấy tiếng đáp của cậu con trai. Tiếng người mẹ vang lên, vẫn ấm đậm như  mọi ngày dù không còn cao cao, thanh thanh. Tiếng người con trai chậm hơn, trầm hơn, như muốn để tiếng kinh của mình trốn trong tiếng kinh của người mẹ bên cạnh.
Sau khi đọc xong những câu kinh bổn, hai mẹ con trầm tư ngồi bên nhau. Hoàng dần dần nhìn lên Thánh Giá. Trước ngày chính thức trở về, giờ kinh tối nào của chủng viện chàng cũng ở lại muộn nhất. Cứ ngồi đó. Lặng im. Lặng nhìn thánh giá đặt giữa bàn thánh. Đến khi thầy phụ trách nhà nguyện đến vỗ nhẹ vai, chàng mới choàng tỉnh và trở về. Từ hôm về tới nhà đến giờ, chàng vẫn chưa có giây phút nào riêng tư với Chúa như lúc này. Lâu rồi chàng không được lặng ngắm Thánh giá đã quá đỗi quen thuộc với gia đình mình. Cây Thánh giá đã không còn mới nữa. Nơi cánh tay Chúa đã vương chút bụi, ít màng nhện bám quanh như minh chứng cho dòng thời gian đằng đẵng đã qua. Một hai miếng sứt nhỏ nơi bàn chân Chúa đang đóng vào Thánh Giá. Nhưng chẳng có gì che khuất được đôi mắt đang nhắm nghiền trên khuôn mặt lộ rõ vẻ sầu não cả. Lòng Hoàng lại càng chùng xuống hơn. Tâm trạng chàng không còn rối bời như ngày hôm qua nữa. Một khoảng trống vắng đang chen trong lòng chàng. Chàng cứ để tâm trí mình lặng yên như thế. Lúc này thì biết thầm thĩ điều gì được?
  • Con vệ sinh cá nhân đi! Mẹ làm tạm bát mì ăn sáng. Rồi sang nhà bà nội thăm bà chút xíu. Bà vẫn hỏi con suốt đấy.
  • Vâng ạ! – Tiếng “vâng” như ở một cõi xa nào bật lên trên miệng Hoàng.
Ngoài kia, những tia nắng đầu tiên đã bắt đầu len lỏi chiếu xuống khu vườn rợp lá xanh của nhà Hoàng.
***
Cánh cổng nhà bà nội Hoàng vẫn đóng im lìm. Bà đã lớn tuổi lắm rồi. Mắt đã mờ. Chỉ ngồi yên một chỗ bao năm nay. Mọi sinh hoạt đều nhờ người cô của Hoàng trợ giúp. Người cô ấy, như bố chàng kể lại, cũng từng ước muốn dâng mình. Rồi chẳng hiểu vì sao lại trở về.  Nhưng bà có đôi tai vẫn tinh anh. Mỗi khi có dịp về thăm bà, Hoàng chỉ cần cất tiếng chào thì bà đã nhận ra Hoàng ngay. Hàng cháu cũng chỉ có Hoàng hay gần gũi bà nhất. Cô của chàng thì sống đời độc thân kể từ ngày ra khỏi nhà Dòng. Một ông chú nữa thì đi làm ăn đã bao năm nay, giờ định cư ở tận miền Yên Bái xa xôi. Bởi thế, Hoàng rất quý mến bà và bà cũng rất quý mến chàng. Ngày chàng còn chưa đi tu, hai bà cháu lúc nào cũng quấn quít lấy nhau. Bao lần bà lắng nghe Hoàng tâm sự về đời tu, về lý tưởng. Trong gia đình, bà là người ủng hộ Hoàng nhiều nhất, chỉ sau mẹ chàng.
Hoàng bước từng bước nhẹ vào nhà. Người cô chắc đã ra đồng từ sáng sớm. Chỉ còn mình bà ở nhà, với cánh võng kẽo kẹt cả ngày. Cách con đường cả mảnh vườn lớn, nên trong nhà lúc nào cũng mát và thoáng. Và cũng rất yên tĩnh nữa. Từ ngoài cổng, Hoàng đã nghe tiếng kẽo kẹt xen với tiếng của đài Lòng Thương Xót mà bà nghe hằng ngày. Cái đài ấy là chàng tặng bà, sau một lần lên giúp trại hè trên Hưng Hóa. Cũng chính chàng, mỗi lần về quê, đều đem theo thẻ nhớ mới ghi thêm các bài giảng mới, hoặc các bài thánh ca hay hay cho bà nghe thêm. Thú vui của người già cũng chỉ giản đơn như thế thôi.
Bước gần tới thềm nhà, tim Hoàng bỗng đập thình thịch. Cũng giống như hôm qua, lúc chuẩn bị vén tấm màn cửa lên để gặp lại mẹ. Chàng sợ phải nói ra lý do mà giờ này chàng đang ở đây. Chàng sợ nhìn phải nỗi buồn của bà, cũng giống như chàng đã sợ phải thấy nỗi buồn của mẹ. Sợ, nhưng vẫn phải bước vào. Lúc này đâu còn cách nào để chạy trốn nữa. Trước sau bà cũng biết thằng cháu mình đã về, đã trở về, đã bỏ đời tu. Tự mình nói ra chắc vẫn tốt hơn để bà nghe thấy từ cửa miệng của người ngoài, biết đâu là kẻ độc mồm độc miệng.
  • Hoàng về đó à cháu?
Nghe thấy tiếng của những bước chân khẽ khàng, bà cũng biết là Hoàng. Nhà neo người, thỉnh thoảng mới có người đến thăm. Mà đâu có ai có tiếng bước chân giống như Hoàng đâu. Nghe thấy là bà nhận ra.
  • Dạ thưa bà! Cháu mới về hôm qua.
  • Cháu mới nhập trường đúng không nhỉ? Sao hôm nay lại về thế? Hay Chủng viện có việc gì, cho nghỉ hả?
  • Cháu…cháu…
Hoàng ngập ngừng. Tiếng ngập ngừng nghẹn lại trong họng chàng. Tiếng nghèn nghẹn của chàng làm sao qua được đôi tai tinh anh của bà được. Nghe thấy tiếng nghẹn ngào đó, bà nội của Hoàng đã hiểu có chuyện gì xảy ra. Mẹ của Hoàng vốn vẫn giấu bà chuyện Hoàng có ý định trở về. Nhưng người cô của chàng, mỗi khi nghe thấy tiếng xì xào trên đường từ đồng trở về, đều kể cho bà nghe. Bà cô ấy kể để phát bực thay cho đứa cháu của mình. Chính người nhà của mình còn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra, mà người ngoài đã đồn non đoán già. Bà nội của chàng nghe thấy hết, thấy cả cơn bực tức của người cô. Bà nghe thấy, và bà im lặng. Chính bà cũng nghe thấy tiếng xì xào ấy nơi góc nhà thờ mỗi khi bà được dìu đi lễ Chúa Nhật. Bà cũng không tin, cũng cố để không tin. Bà lại càng cầu nguyện cho đứa cháu của mình nhiều hơn nữa. Mong nó bình tâm, đừng để những lời xì xào kia thành hiện thực.
Nhưng tiếng bước chân quen thuộc của Hoàng, cùng cái nghẹn ngào khi trả lời của chàng đã làm bà hiểu ra tất cả. Ôi! Giờ có buồn cũng đâu có ai trách gì được bà. Niềm hy vọng trong những ngày cuối đời là được nhìn thấy đứa cháu bước lên bàn thánh. Biết bao lần bà mân mê tấm áo dòng của Hoàng mỗi khi chàng có dịp về thăm bà. Mỗi lần mân mê là mỗi lần bà khóc. Khóc mà lòng trào niềm vui, niềm hạnh phúc. Lần này bà cũng khóc. Khóc mà lòng quặn đau. Khóc mà chẳng biết bấu víu vào đâu. Cái võng cũng ngừng kẽo kẹt lại. Chỉ còn tiếng két khô khốc vang lên, nghe mà cay lòng lắm.
  • Bà! Cháu xin lỗi bà. Cháu làm bà thất vọng. Cháu là đứa cháu tồi.
Hoàng chạy lại ôm lấy bà, nghẹn ngào. Trước bà, Hoàng không cố gượng mình. Hoàng ôm lấy vai bà, mà không biết bà cũng vòng tay ra ôm lấy chàng từ bao giờ. Bà không trách, không mắng chàng. Cuộc đời bà đã trải qua nhiều biến cố đau khổ lắm rồi, nên bà luôn bình tâm trước những tình huống bất ngờ như thế này. Ngày xưa, khi cô con gái út của bà – tức là người cô của Hoàng đang ngoài ruộng – trở về, bà cũng không trách mắng. Bà biết để đi tu khó lắm. Khó vô cùng. Giữ được đời tu còn khó hơn nhiều. Ngày ấy, bà khóc và ôm chầm lấy người cô. Bây giờ, bà cũng khóc và ôm chầm lấy Hoàng. Ôm để đồng cảm, để sẻ chia. Ôm để con, để cháu mình biết rằng, mình vẫn yêu thương chúng và không trách cứ điều gì.
Hoàng nằm gục trên đầu gối bà. Ngày xưa mỗi khi bị bố đánh mắng, Hoàng cũng hay trốn sang bà để không phải chịu những đòn roi đau điếng người. Chả biết từ bao giờ, đầu gối bà là nơi cho chàng gục khóc mỗi khi buộc phải khóc. Bây giờ cũng thế, dù lần này chàng không khóc lên như những ngày thơ ấu xưa. Chàng cứ gục đầu đó. Bà nội chàng vẫn đưa tay xoa đầu chàng, như những ngày chàng còn nhỏ dại.
Hai bà cháu cứ ngồi yên như thế. Chẳng ai nói câu nào. Lúc này sự im lặng lại nói ra được nhiều hơn. Mãi lúc sau, bà mới lên tiếng:
  • Cháu lại thắp hương cho ông. Rồi lại đây bà bảo.
Hoàng đứng dậy, đi đến phía bàn thờ của ông. Nén hương trong tay chàng cứ ngập ngừng. Mỗi khi nghỉ hè hay lên trường, chàng đều đến thắp hương chào ông. Còn lần này, chàng chào ông mới về hay thắp cho nỗi lòng còn đang hoang mang của chàng?
  • Trưa nay ở lại ăn cơm cùng bà và cô. Cô cũng sắp về rồi. Hè vừa rồi chưa kịp ăn cơm với bà bữa nào đã lên trường đúng không?
  • Dạ - Hoàng khẽ trả lời bà –lần đó cháu phải tập trung vội nên chỉ kịp qua chào bà rồi đi.
  • Thế bây giờ cháu tính thế nào?
Bây giờ tính thế nào? Hoàng cũng hoang mang chưa biết phải trả lời bà thế nào nữa. Những ngày qua, chàng biết chàng không thể tiếp tục con đường tu trì. Đã phải suy nghĩ rất lâu, bàn hỏi với các cha linh hướng rất nhiều chàng mới đưa ra quyết định như thế. Nhưng sau khi trở về sẽ làm gì, chàng chưa từng nghĩ tới. Tuổi còn trẻ nên chàng vẫn có thể đi đây đi đó để xin việc làm. Có lúc chàng tính lên Hà Nội mở trung tâm dạy nhạc như những đứa bạn. Có lúc chàng lại muốn vào miền Nam để lập nghiệp. Ít nhất là không còn ở quê hương. Một người đi tu mà trở về như chàng, sẽ bị dị nghị và xoi mói nhiều lắm. Nhưng tựu trung là chàng vẫn chẳng thể đưa ra quyết định cuối cùng được. Bởi  chính lòng chàng cũng đang rối bời.
  • Con đang dự tính đi xin việc bà ạ! Con ở nhà ít hôm nữa rồi sẽ tìm chỗ nào ổn định, con sẽ đi làm.
Bà của Hoàng lại lặng im. Từ lúc trở về đến giờ, Hoàng toàn thấy người thân của mình lặng im.  Nếu sự lặng im của mẹ làm chàng hơi sợ, thì sự lặng im của bà làm chàng ngượng ngùng. Ngượng ngùng với bà và biết bao hy vọng của bà. Ngượng ngùng với chính mình. Nhưng bàn tay bà vẫn xoa nhẹ mái đầu của chàng. Cách thể hiện tình cảm của bà cũng giản đơn như cuộc đời bà vậy. Hoàng muốn chui sâu hơn trong vòng tay bà. Lúc này chàng cần điều gì hơn sự bình an từ bà lan sang chàng chứ?
  • Bà biết cháu không bao giờ đưa ra những quyết định hấp tấp. Nghỉ tu để sống cuộc sống tốt hơn cũng không sao. Nhưng tuyệt đối nhớ rằng, bỏ tu chứ không được bỏ Chúa. Khi cháu bỏ Chúa là khi bà như không có đứa cháu tên Hoàng. Nhớ chưa?
Tiếng bà ấm áp nhưng chính vòng tay bà, đánh thức Hoàng khỏi cơn mơ mòng mà chàng đang trải qua. Đúng vậy. Dù trải qua bao nhiêu biến cố, nhưng chưa từng một lần chàng nghĩ rằng sẽ bỏ Chúa cả. Mấy ngày nay, tâm trạng trống vắng vì chàng chưa dám nhìn lên Chúa, chưa dám chạy đến bên Chúa. Câu tâm sự của bà như đánh thức Hoàng khỏi những mối lo, mối nghĩ không tên.
  • Vâng ạ. Cháu cảm ơn bà!
Từ ngoài cổng, tiếng của người cô văng vẳng lên, hòa với tiếng chuông đánh điểm mười hai giờ từ ngôi  nhà thờ giáo xứ cắt ngang dòng tâm sự của hai bà cháu. Mỗi người cảm nghiệm một nỗi niềm riêng. Với Hoàng, đó là sự bình an hiếm hoi từ ngày chàng nghĩ đến chuyện TRỞ VỀ.
Giuse Nguyễn Xuân Bảo - Gp Bùi Chu
(Còn tiếp)
Thông tin khác:
Lời Mẹ Dạy (05/06/2019)
Trái Tim Tình Si (03/06/2019)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log