Câu chuyện truyền giáo – Ông nội tôi cũng là ông Trùm
Cập nhật lúc 08:15 09/03/2022
Vào một ngày kia, chuẩn bị đến giờ đọc Kinh Trưa, tôi thấy có hai người đàn ông ăn mặc quần áo lao động, một già và một trẻ, tới nhà xứ. Biết họ là người lương dân nên tôi quan sát xem họ cần gì. Thầy giáo xứ đón tiếp. Một người lên tiếng chào Thầy xứ:
- Người lương dân: Chào Thầy Chùa! Chúng tôi đến chơi được không?
- Thầy xứ: Chào bác và anh. Mời bác và anh đến chơi. Đây là nhà thờ chứ không phải nhà chùa!
- Người lương dân: Tôi quên mất. Đây là nhà thờ. Nhà thờ khác với nhà Chùa. Có mình Thầy ở nhà ư? Lần trước đến, tôi thấy một bà giúp việc nữa mà! Hôm nay, bà đó đi đâu?
- Thầy xứ: Có hai cha ở nhà. Còn bà giúp việc chiều mới tới. Bà là một giáo dân nhà gần đây. Bà đến làm vườn và trông nom Núi Đức Mẹ.
- Người lương dân: Tôi đang xây dựng công trình dưới trường học phía trước. Tôi mới biết đây có nhà thờ nên đến thăm.
- Linh mục: (nghe có tiếng người lạ) Chào các ông?
- Thầy xứ: Đây là cha xứ. Các ông có chuyện gì thì cứ nói với cha.
- Người lương dân: Chào cha. Tôi là người ở Chiềng Mai, huyện Mai Sơn và làm công trình gần đây nên tới thăm nhà thờ.
- Linh mục: Mời các ông thăm tự nhiên. Ai cũng có thể đến thăm được.
- Người lương dân: Tôi không nghĩ Sơn La lại có nhà thờ đâu vì bao nhiêu năm không nhìn thấy bóng dáng của nhà thờ.
- Linh mục: Đúng vậy! Trước đây không có nhưng hiện giờ có nhiều rồi! Bởi trước đây họ coi Sơn La là tỉnh trắng tôn giáo nhưng làm gì có tỉnh nào trắng tôn giáo. Ít nhất cũng có một số người Công Giáo lên đây làm ăn.
- Người lương dân: Tôi lên Sơn La lâu rồi nên hiểu nhiều sự. Năm nay, tôi 66 tuổi (sinh năm 1957). Quê tôi ở Ninh Bình. Lên đây làm ăn, kiếm sống. Rồi lập nghiệp! Ông nội tôi ngày xưa cũng được gọi là ông Trùm đấy.
- Linh mục: Vậy ông cũng là gốc Công Giáo rồi! Ninh Bình có nhiều người theo Đạo mà!
- Người lương dân: Đúng vậy. Nhưng xưa ở đó có cha cụ gì đâu mà tôi biết. Tôi chỉ nhớ khi nói đến ai là người Công Giáo là ông nội tôi bảo “họ tốt lắm”!
- Linh mục: Nhìn chung là người Công Giáo rất tốt bởi được học giáo lý. Ông ở huyện nào của Ninh Bình ?
- Người lương dân: Huyện Yên Mô, xã Khương Dụ…
- Linh mục: Hiện tại, có ai sống Đạo không?
- Người lương dân: Không. Mấy gia đình ở trên đất nhà thờ chẳng ra sao cả!
- Linh mục: Ông lấy đó làm gương để sống vì có ai bỏ Chúa mà có kết cục tốt đâu.
- Người lương dân: Vâng. Nhưng giờ tôi chẳng hiểu gì về Đạo cả!
- Linh mục: Tôi có thể giúp ông. Miễn sao ông muốn là được.
- Người lương dân: Chắc phải lúc khác! Chứ hiện giờ tôi còn đang phấn đấu nốt một số việc nữa.
- Linh mục: Năm nay, ông cũng gần 70 rồi! Phấn đấu gì mà nhiều thế! Để cho con cháu làm!
- Người lương dân: Những dự án tôi đang theo đuổi các cháu không làm được.
- Linh mục: Dự án gì mà lớn vậy?
- Người lương dân: Tôi muốn lập mấy cây xăng,…Khi nào làm xong tôi mới nghĩ đến chuyện Đạo nghĩa!
- Linh mục: Sao lại không cùng một lúc?
- Người lương dân: Nó tế nhị lắm và tôi cũng không có thời gian!
- Linh mục: Hiện giờ, ông có thuộc Kinh nào không?
- Người lương dân: Không!
- Linh mục: Làm dấu còn nhớ không?
- Người lương dân: Không.
- Linh mục: Vậy, mình cùng làm nhé? Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần…
- Người lương dân: Thôi, thôi.. để khi khác. Tôi còn phải nói với vợ con đã chứ!
- Linh mục: Vâng. Thế cũng được. Nhưng nếu ông muốn thuyết phục được vợ theo Chúa thì trước hết ông phải biết Chúa và năng đi nhà thờ đã!
- Người lương dân: Tôi sẽ cố gắng. Khi nào đến Chiềng Mai, mời cha đến nhà tôi chơi.
- Linh mục: Tôi sẽ tới! nhất định tôi sẽ tới! Nếu không vì Covid, Chiềng Mai có lễ hàng tuần.
- Người lương dân: Khi nào có lễ, cha cho tôi biết nhé! Chào cha, tôi đi công việc!
- Linh mục: Chào ông! Ông nhớ mình là người gốc Công Giáo nhé!
- Người lương dân: Vâng. Xin chào!
- Linh mục: Hẹn ngày gần nhất nhé!
“Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu”. Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu”. Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,15-20).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành