Thứ sáu, 27/12/2024

Câu chuyện truyền giáo: Hiểu lầm đáng tiếc - Lm Giuse Nguyễn Văn Thành

Cập nhật lúc 10:12 27/11/2021

Sau hơn một ngày nói chuyện với nhà điêu khắc Công Giáo khá nổi tiếng của Hà Nội, tôi hiểu rõ hơn về bài trí các vật dụng, chẳng hạn như sắp đặt những tảng đá ở đâu ưa nhìn, trồng những cây cảnh như thế nào cho đẹp mắt. Hơn nữa, tôi thấy anh có nhiều kinh nghiệm sống trong đó có kinh nghiệm về đời sống tôn giáo. Điều đó cũng dễ hiểu, vì ở trung tuần tuổi, lại có thâm niên trong nghề, anh đã kinh qua nhiều biến động của thời cuộc. Anh có 4 người con: hai trai và hai gái. Các con của anh khá thành đạt và giữ Đạo sốt sắng. Vì thế, anh đã có một gia đình hạnh phúc. Tôi và anh đã có cuộc hàn huyên thật ý nghĩa:
  • Nhà điêu khắc: Thế hệ chúng con được học Kinh Bổn khá kĩ nên đức tin có phần vững vàng nhưng thế hệ sau chúng con thì không được như vậy.
  • Linh mục: Anh có thể giải thích rõ hơn không?
  • Nhà điêu khắc: Thứ nhất là do xã hội lúc đó rất khắc nghiệt với tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng nên phần lớn chỉ ở trong làng mà không ra ngoài xã hội. Thứ hai là không có nhiều những kênh thông tin giải trí nên chỉ tập trung vào học Kinh Bổn. Thứ ba là thói quen của gia đình đọc Kinh  sớm tối. Thứ tư là giáo họ chúng con có các thầy giáo (chủng sinh) quê hương rất quan tâm đến đức tin của lớp trẻ (học trò) qua việc học giáo lý, viếng Thánh Thể cũng như những việc làm đạo đức bình dân khác.
  • Linh mục: Các thầy giáo sao lại có tầm ảnh hưởng lớn như vậy?
  • Nhà điêu khắc: Vì lúc đó, Chủng viện bị đóng cửa. Các thầy phải về gia đình nên ngoài việc giúp gia đình thì các thầy âm thầm dạy học trò trong giáo họ. Dạy hết lớp này đến lớp khác. Các thầy quản lí các em tốt lắm!
  • Linh mục: Xét về mặt người đời, việc đóng cửa Chủng viện là điều tiêu cực, nhưng xét về niềm tin thì việc đóng cửa Chủng viện lại giúp các thầy có cơ hội làm việc tích cực hơn tại quê hương.
  • Nhà điêu khắc: Đúng vậy ạ!
  • Linh mục: Lí do thứ nhất anh nói trên mà liên quan đến xã hội khắc nghiệt với Công Giáo là như thế nào?
  • Nhà điêu khắc: Họ không muốn cho Công Giáo phát triển nên những người theo Chúa không có nhiều cơ hội thăng tiến. Nhiều khi còn bị hiểu lầm nữa.
  • Linh mục: Anh có thể nói một vài ví dụ về sự hiểu lầm được không?
  • Nhà điêu khắc: Dạ được. Khi con tổ chức cưới cho con trai, mời gia đình thông gia lương dân dự lễ cưới, gia đình thông gia mời hai nữ giảng viên đại học Mỹ Thuật đi cùng. Lễ cưới tại nhà thờ xong, con hỏi cảm nhận của ông bà thông gia và họ nhà gái về Thánh lễ cưới thế nào. Họ trả lời: “Thánh lễ nghiêm trang và không như những gì mình nghe”.
  • Linh mục: Anh có thế nói rõ hơn không?
  • Nhà điêu khắc: Con hỏi những gì các cô nghe được như thế nào thì cứ chia sẻ. Các cô nói rằng trước kia chúng em cứ nghĩ là “bên Đạo, trước khi kết hôn phải đi học giáo lí và khi học xong rồi nếu muốn dâng lễ cưới ở nhà thờ thì cô dâu đó phải ngủ với “cha đạo”. Nhưng hôm nay, tận mắt chúng em chứng kiến thì lại không giống những gì chúng em đã được đồn đoán, và trong suy nghĩ của chúng em”.
  • Linh mục: Chuyện này tồn tại trong suy nghĩ của những người không cùng tôn giáo lâu rồi, không chỉ với những tầng lớp bình dân mà còn cả những tầng lớp trí thức.
  • Nhà điêu khắc: Con cũng nói với hai cô giáo đó rằng các cô là những người trí thức, đào tạo bao thế hệ cho quê hương đất nước, thế mà các cô còn nghĩ vậy thì các học trò và cả những người bình dân thì họ nghĩ thế nào? Hai cô giáo nói: “Giờ chúng em mới hiểu hơn”.
  • Linh mục: Lúc đó, thái độ của anh thế nào?
  • Nhà điêu khắc: Con thấy hơi bức xúc (nóng mặt), và nói với hai cô giáo rằng, nếu điều các cô nghĩ (cô dâu ngủ với Linh mục) mà đúng, thì tôi sẽ là người dùng dao “hạ sát” Linh mục trước, rồi sẽ không đi Đạo này nữa. Nhưng sự thật không phải là như vậy! Chỉ là một cách tuyên truyền với gian ý nào đó thôi, và nó trở thành một hiểu nhầm đáng tiếc thôi. Hai cô giáo nói, qua Thánh lễ cưới hôm nay, chúng em sẽ thay đổi cách nhìn và cách nghĩ về Đạo Công Giáo.
  • Linh mục: Tạ ơn Chúa! Anh đã làm một việc truyền giáo rất tốt cho hai người giáo viên đại học và cả gia đình thông gia nữa. Những cơ hội tốt như vậy không nhiều. Khi còn sống Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn nói: “Hai cơ hội truyền giáo tốt nhất, đó là lễ cưới và lễ an táng, bởi lúc đó người lương dân mới đến tham dự nhiều”.
  • Nhà điêu khắc: Con cũng không nghĩ lúc đó con lại nói được như vậy. Chỉ có Chúa soi sáng thôi.
  • Linh mục: Đúng vậy. Đó là việc của Chúa. Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 10/11/2021, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu rằng “trong những lúc khó khăn, hãy đánh thức Chúa Kitô như các tông đồ đã đánh thức Người khi gặp giông bão giữa hồ Galilê. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Người đến trợ giúp cho sự yếu đuối của chúng ta”.
Thánh Augustinô gợi ý cho chúng ta cách phản ứng trong tình huống này, khi ngài đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn giông bão trên hồ Galilê. Ngài nói thế này: “Đức tin vào Chúa Kitô trong lòng bạn cũng giống như Chúa Kitô trên thuyền. Bạn nghe những lời lăng mạ, bạn mệt mỏi, bạn khó chịu, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô, hãy đánh thức niềm tin của bạn! Ngay cả trong tình trạng hỗn loạn, bạn vẫn có thể làm được điều gì đó”.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng cho chúng con, để chúng con mạnh dạn nói Lời Chúa cho những ai chưa biết Chúa và cũng soi vào lòng những ai có cái nhìn không thiện cảm về Giáo Hội của Ngài!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
                                                                                    Giáo xứ Tp Sơn La
Thông tin khác:
Tâm tình cuối (10/11/2021)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Môn đệ vô danh
Môn đệ vô danh
“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ Gioan tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, Gioan đã để những gì mình thấy, mình nghe đi vào tâm trí, vào con tim; từ đó, khám phá dần, Thầy Giêsu là ai.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log