Thứ tư, 22/01/2025

Ngày 13 Tháng 06, Kính Hai Thánh Tử Đạo: Augustin Phan Viết Huy Và Nicôla Bùi Đức Thể, Giáo Dân

Cập nhật lúc 06:09 13/06/2018
THÁNH AUGUSTINO PHAN ĐỨC HUY (1795-1839) - Giáo Dân
THÁNH NICÔLA BÙI ĐỨC THỂ (1792-1839) - Giáo Dân

Augustinô Phan Viết Huy, là binh sĩ, ông sinh 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Nam Ðịnh; chết 13 tháng 6, 1839, tại Thừa Thiên. Sau khi bị bắt, ngài bị căng xác trên một cái giá và bị cưa làm hai mảnh, cùng với Thánh Nicholas Thể. Phong Á Thánh 1900. Ngày Lễ 13 tháng 6.
Nicôla Bùi Ðức Thể, Sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Giáo dân, Binh sĩ, bị lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng cùng với thánh Augustinô Phan Viết Huy, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Leô XIII, lễ kính vào ngày 12/06
Vào năm Minh Mệnh thứ 19, nhà vua truyền cho các quan phải bắt các lính có đạo trong quân ngũ phải quá khóa. Quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh hồi đó là Trịnh Quang Khanh. Chiếu chỉ của vua cho Trịnh Quang Khanh như sau: "Nếu khanh muốn giữ vững thủ cấp trên cổ, khanh phải tuân theo lệnh của trẫm. Trẫm trao phó cả ngàn quân sĩ và đặt hết tín nhiệm nơi khanh. Hạn cho khanh trong vòng một tháng phải bắt tất cả các linh mục trốn tránh trong tỉnh, và thanh trừng các lính Công Giáo trong quân ngũ đến đứa cuối cùng. Trẫm không muốn giết chúng, nhưng trẫm muốn chúng bỏ đạo."
Thừa lệnh của vua, Trịnh Quang Khanh đã thề tiêu diệt đạo Công Giáo đến nỗi không có một quan nào dữ tợn hơn ông trong lịch sử bách đạo tại Việt Nam. Ðể thi hành đắc lực lệnh của nhà vua, Quan Trịnh Quanh Khanh còn sáng chế ra những hình phạt kinh khủng để làm cho người Công Giáo hoảng sợ mà chối đạo. Ðối với những người nhất định không chối đạo, thì ông dùng tù đày, hoặc khuyến dụ bằng những lợi lộc hoặc chức quyền. Ông cũng không quên dùng những người Công Giáo đã bỏ đạo để làm lung lạc các chiến sĩ của Chúa. Có khi ông còn dùng áp lực phạt thân nhân của các người Công Giáo, để vì thương hại thân nhân mà chối đạo. Trong thành Nam Ðịnh vào năm 1838 có tất cả chừng 500 lính Công Giáo bị điệu ra trước tòa để xử. Dĩ nhiên không phải cả 500 người đều là những Công Giáo tốt. Trong số này, có đủ loại người, có người đạo đức và có người sống đời bê bối. Nhưng họ đều có đức tin. Tuy nhiên Trịnh Quang Khanh cho điệu tất cả các lính tới hầu tòa. Trước khi hầu tòa, quan cho các ông ăn uống no say. Sau khi ăn uống, quan cho cả ngàn quân lính võ trang bao vây các ông lại. Trên khán đài, quan tổng trấn ngồi chễm trệ, với các chức sắc dân sự và quân sự ngồi theo thứ tự đẳng cấp. Ở một phía bên của tòa án, lý hình với đủ mọi hình cụ dữ tợn để dọa các lính trung kiên với giáo hội. Ở phía khác, quan truyền đặt nhiều cây thánh giá để lính Công Giáo phải bước qua. Trịnh Quang Khanh đứng lên, bước tới phía trước khán đài, rồi truyền lệnh cho quân sĩ. Ông hứa hẹn rất nhiều lợi lộc của vua ban cho quân sĩ chối đạo. Ông cho họ biết ông đối xử với quân lính như người cha, như người mẹ. Tuy nhiên ông muốn biết chắc chắn rằng quân sĩ của ông phải nghe lời ông thì mới được hưởng tước lộc vinh hoa phú quý. "Ðức vua không thể sai lầm, ngài đã cấm theo đạo Gia Tô. Vậy mọi người phải bỏ đạo đó."
Quan không đòi hỏi gì khác, chỉ cần quân lính bước qua thập giá. Quân lính đó sẽ được phục chức trong quân đội và không ai đả động đến tôn giáo này với họ trong tương lai nữa. Ông cũng không quên đe dọa những phần tử bất tuân lệnh của ông. Ông chỉ về phía các hình cụ để đe dọa những phần tử bất tuân.
Sau khi tuyên bố những lời vừa khuyến dụ vừa đe dọa, quan truyền cho các quân sĩ phải lần lượt bước qua thập giá. Một số rất lớn đã vâng lời quan bước qua thập giá, một số khác thì từ chối ngay từ đầu. Nhưng quân lính dùng sức lôi họ qua thập giá rồi kể như họ đã bỏ đạo. Cũng có người thì dùng tiền hối lộ để khỏi bị lôi qua thập giá. Những người này, quan cũng coi như đã bỏ đạo.
Sau cuộc xét xử hỗn loạn bắt 500 lính Công Giáo bỏ đạo, các quan vô cùng hoan hỉ, vì phần lớn đã chối bỏ đức tin. Những người chối đạo này trở về nhà bị lương tâm cắn rứt. Nhiều người suốt đời ăn năn thông hối, mỗi khi đi xưng tội thì chỉ khóc lóc vì tội phản bội của mình. Có người hối hận suốt đời. Có người vẫn khóc khi đi xưng tội dù đã 40 năm sau. Như trong truyện của các cha truyền giáo kể lại, có người vào tòa xưng tội chỉ khóc lóc, còn tội thì chẳng phạm tội gì nặng cả. Cha hỏi tại sao con cứ khóc mỗi khi con đi xưng tội, thì ông trả lời: "Thưa cha, con bất hạnh đã đạp thánh giá Chúa, đã 40 năm nay con hối hận khóc lóc mỗi ngày. Sao con còn dám phạm tội nào khác nữa?"
Trong số 500 quân lính cũng còn 15 người nhất định không để cho lính kéo qua thập giá. Họ nhất quyết xưng mình là Kitô hữu. Lập tức họ bị đánh đập tra tấn. Quan truyền lấy gông nặng đeo vào cổ các ông và truyền lệnh giải các ông vào nhà lao. Trong nhà lao, chân tay các ông bị cùm, và bị bỏ đói, tuy nhiên các tín hữu vẫn có thể hối lộ để nuôi các ngài. Ngày hôm sau, quan tìm cách khác thay vì đánh đập, quan bắt bạn bè, vợ con của 15 ông này phải khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Những lính đã bỏ đạo cũng được lệnh phải khuyên nhủ các ông. Nhưng các ông vẫn trung thành. Quan lại truyền quân lính đánh đập các ông. Quân lính lại lôi các ông qua thập giá, nếu ông nào nhấc chân lên không chịu đạp lên thánh giá thì bị quân lính dùng roi đánh vào chân các ông. Thậm chí chúng còn buộc thánh giá vào chân các ông để các ông bước đi, rồi hô lên các ông đã bỏ đạo. Các ông phản đối và quyết xưng mình là Kitô hữu. Quân lính tức giận lại đánh các ông rất đau đớn. Vừa bị đòn đánh, vừa bị thân nhân và bạn bè dùng đủ mọi lý do để khuyên nhủ các ông bỏ đạo, sau cùng không chịu được nữa, sáu ông đã xin bỏ đạo.
Bây giờ con số còn lại chỉ còn có chín ông. Can đảm nhất trong chín ông là ông Augustinô Huy. Chín ông bị điệu về ngục thất. Ðêm ấy ông Huy, dù đã xưng đạo ra hai lần vẫn cảm thấy mình tội lỗi cần phải gặp cha để đi xưng tội. Ông Huy là người Công Giáo nhưng ông có hai vợ. Ông đã cưới người vợ có đạo, rồi sau lại cưới một người ngoại đạo ở tỉnh. Ông tìm cách hối lộ để có thể về nhà giải quyết vấn đề gia đình và gặp cha để lo xưng tội. May mắn, ông gặp Cha Thiều cũng có tên là Cha Năng đang làm phúc tại họ Phú Ðường gần nhà ông. Ông đến xin Cha Thiều tha tội. Cha Thiều buộc ông phải làm tờ giấy bỏ vợ hai. Cha cũng an ủi ông và khuyên ông vững lòng chịu khổ vì đạo. Ông Huy vâng lời. Sau khi chịu các phép bí tích, sáng ngày hôm sau, ông lại trở lại nhà giam để chuẩn bị cho cuộc xưng đạo thứ ba.
Ngày ấy, chín người lính lại bị điệu ra trước tòa. Trong phiên tòa, quan Trịnh Quang Khanh lại hứa hẹn ban nhiều bổng lộc của nhà vua cho ai chối đạo, và sẽ phạt nặng nề những ai bất tuân. Trong số chín ông, bốn ông lại xin bỏ đạo. Chỉ còn năm ông nhất định không chịu quá khóa. Quan Trịnh Quang Khanh thấy vậy rất tức giận, truyền cho quân lính đánh các ông nát cả thịt ra. Quan còn truyền lấy búa đập vào các ngón tay cùng nhiều hình khổ khác đánh đập các ông làm các ông đau khổ mà không thể chết được. Ông không muốn giết các ông mà chỉ mong muốn các ông bỏ đạo.
Sau khi thất bại làm lay chuyển lòng dạ sắt đá của năm ông, quan bực mình vừa nguyền rủa vừa truyền tống giam các ông vào ngục như cũ.
Thất bại trong việc diệt trừ đạo Công Giáo, quan Trịnh Quang Khanh bị vua khiển trách và cất chức tổng đốc Nam Ðịnh. Ông bị giáng cấp xuống tuần phủ. Ngày 12 tháng 4 nhuận năm ấy, ông Lê Văn Ðức đang làm tổng đốc Sơn Tây, được cử làm tổng đốc Nam Ðịnh. Ông Lê Văn Ðức cũng theo lối của Trịnh Quang Khanh mà bắt các ông này phải bỏ đạo. Ông Huy và các bạn vẫn cương quyết trung thành với Chúa.
Ngày 25 tháng 6 năm 1838, tại tỉnh Nam Ðịnh quan truyền xử tử Ðức Cha Minh (Henares) và Thầy Phanxicô Chiểu. Quan thượng cũng truyền đem cả năm ông lính đi nữa, giả cách như phải xử một trật với hai đấng kia. Mục đích của quan là để các ông sợ chết mà bỏ đạo. Trái lại các ông vẫn không sợ mà lại vui mừng vì tưởng giờ tử đạo của mình đã đến. Các quan thấy các ông vui mừng lại càng ngạc nhiên, không hiểu tại sao các ông lại muốn được chết vì Chúa. Quan lại truyền điệu các ông về ngục như cũ. Các ông thấy mình không được chết vì đạo, thì lại buồn hết sức.
Sáng ngày hôm sau, 26 tháng 6 quan tổng trấn lại truyền năm ông phải hầu tòa, ông cố gắng hết sức nào áp dụng các hình cụ mà ông mới sáng chế ra, nào đe dọa, nào khuyên nhủ với nhiều hứa hẹn. Các ông vẫn không chịu bỏ đạo. Quan tổng trấn lại truyền đánh đập các ông sưng cả mặt mũi, máu chảy đầm đề. Dù bị đánh đập tàn nhẫn không còn hình tượng người ta nữa, khi hỏi có còn xưng mình là Kitô hữu nữa không, các ông vẫn khẳng khái tuyên xưng các ông vẫn là kẻ có đạo. Thấy mình thất bại, quan tổng trấn càng giận dữ, ông chửi bới thậm tệ, và truyền cho lý hình đánh các ngài cho tới khi nào các ông chịu bỏ đạo thì thôi. Quan tổng trấn mới hành hạ các ông này hơn tuần lễ, nhưng vẫn vô ích.
Ngày kia ông truyền cho lý hình, buộc gông rất nặng vào cổ các ông rồi kéo các ông qua thập giá. Các ông nhất định giơ chân lên chứ không chịu đạp vào thập giá, thì quan lại truyền cho lính đánh đập vào chân các ông đến nỗi các ông không còn sức để mà giữ chân co lên cao được nữa, tức thì chân phải hạ thấp xuống và đạp lên tượng thì quân lính reo hô thật to: "Ðã quá khóa rồi."
Quan án lúc đó truyền không hành khổ các ông nữa, và hỏi các ông: "Sau cùng, các ngươi đã tuân lệnh nhà vua chưa?"
Vừa bị đánh đập đau đớn, vừa sợ hãi, hai ông Siêu và Dụ nói: "Quan lớn dậy thế nào thì chúng tôi xin vâng."
Lậy tức hai ông được quan lớn tha và hứa hẹn đủ điều. Quan lại hỏi ông Huy, ông Thể và ông Ðạt thì cả ba ông đều thưa: "Quan lớn dậy việc gì khác chúng tôi xin vâng, còn bỏ đạo thì chúng tôi không bỏ."
Quan lại truyền giam ba ông vào ngục thất và đeo xiềng và đóng gông nặng hơn nữa.
Thấy hai bạn đã bỏ đạo, ông Huy, ông Thể và ông Ðạt càng ăn chay đánh tội nhiều hơn nữa để xin ơn bền vững. Hai ngày sau khi hai ông lính bỏ đạo, quan thượng nghĩ rằng ông cũng có thể làm cho ba ông này bỏ đạo như hai ông kia. Ông liền truyền dẫn ba ông vào dinh của ông rồi truyền cho ba ông phải bỏ đạo. Ba ông không chịu. Quan thượng lúc đó cũng muốn biết các ông theo đạo và sống đạo thế nào. Quan truyền cho ba ông đọc kinh trước mặt quan. Quan đưa sách cho các ông và truyền cho các ông đọc. Bấy giờ ông Huy, cầm lấy sách đạo mà quan trao cho, đọc theo như cung cách quen đọc trong nhà thờ. Các quan cùng mọi người trong dinh, nín lặng để nghe các ông đọc kinh. Nhân dịp này ông Huy lợi dụng để giảng giải về lẽ đạo cho quan. Quan lắng nghe, nhưng khi giảng tới đoạn không vừa ý quan. Quan liền truyền quân lính vả vào miệng ông. Sau đó quan thượng lại truyền ba ông phải bỏ đạo. Ba ông cương quyết từ chối. Quan thượng lại truyền quân lính khiêng các ông qua tượng thánh giá như những lần trước. Lần này quan truyền đánh dữ tợn hơn lần trước, đánh đến nỗi chân các ông đầy máu me. Khi chân các ông chạm vào thánh giá, thì quân lính lại hô lên: "Quá khóa rồi, quá khóa rồi."
Lúc đó ông Huy, đại diện hai ông kia kêu lên: "Quan lớn dậy đánh đòn cùng kéo ép chúng tôi, có lẽ nào mà nói chúng tôi đã quá khóa được ru?"
Tức thì quan thượng truyền nọc ba ông này ra đánh đòn. Ông bị đánh 20 roi, ông bị đánh 30 roi. Riêng ông Huy thì bị đánh 40 roi ngay hôm đầu. Có chứng nhân nói rằng trong ba ngày liên tiếp mỗi ông bị đánh chừng 130 trượng. Khi hỏi các người khác rằng các đấng bị đánh nhiều trượng như thế thật không? Ai ai cũng đồng ý như vậy.
Dịp khác các quan lấy nhiều lý lẽ mà khuyên ba ông bỏ đạo. Ông Huy lại đại diện anh em thưa rằng: "Bẩm quan lớn, quan lớn dậy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa, thì chúng tôi sẽ theo đạo nào, vì trong các đạo khác chẳng có đạo nào là đạo thật."
Quan thượng nghe thế liền nói: "Nếu ngươi bảo đạo chúng bay là đạo thật, sao vua nghiêm cấm đạo ấy?"
Sau đó quan còn nói nhiều điều phạm thượng tới đạo Công Giáo. Ông Huy lại có dịp cắt nghĩa lẽ đạo cho các quan, cùng bẻ các lý lẽ mà quan đã nói. Thất bại về tranh biện với các đấng này, quan thượng lại truyền đánh đập và phạt các ông.
Vào những buổi trưa hè nóng bức, các ông bị cạo trọc đầu, cổ mang gông, chân tay xiềng xích, phơi nắng trước cổng dinh. Giữa lúc nắng hè, các ông đau khổ phần vì nóng bức, phần vì ruồi nhặng bậu vào để hút những vết máu mà tay chân các ông bị xiềng xích không thể đuổi đi được. Giữa lúc đó các bạn hữu, các bạn đồng đội theo lệnh quan thượng phải tới khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Hơn nữa, quan lại còn thưởng cho những tín hữu bỏ đạo, hay thăng cấp. Ðiều này cũng làm cho các ngài dễ dàng bị lung lạc. Có lần vợ ông Ðạt đến khóc lóc và dùng đủ mọi cách để chồng dẵm lên thánh giá. Ông Ðạt đã đủ can đảm trách mắng vợ và cấm bà lần sau không được đến gặp ông nữa. Các ông vẫn bị phơi nắng từ ngày này sang ngày khác. Lần kia có một người tín hữu thấy ông Huy bị phơi nắng khổ sở như vậy, liền lấy quạt che cho ông. Khi ông Huy thấy cử chỉ của bà như vậy, ông cám ơn bà và nói với bà: "Chúa để chúng tôi chịu sự khốn khó để đền tội chúng tôi. Tôi xin bà đừng che nắng cho tôi."
Trong ngục tù, các đấng này còn ăn chay hãm mình bốn lần một tuần: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy. Dù đồ ăn trong ngục đã ít oi, mà các đấng còn hy sinh để giúp cho những tù nhân khác. Các ông cầu nguyện không ngừng và còn xin các bổn đạo khi đến thăm các ngài: "Xin các ông các bà cầu cho chúng tôi để chúng tôi bền vững, vì chúng tôi biết chúng tôi rất yếu đuối."
Quan thượng là người thông minh, học rộng thế mà lại tranh luận thua những người học thức tầm thường này. Ðức Cha Marti nói: "Về vấn đề này, tôi rất tiếc không đủ tài liệu chi tiết về những lý luận ngu xuẩn và phi lý của quan trên về đạo giáo đối với ba quân binh này. Tôi biết họ hỏi rất nhiều câu hỏi đặc biệt về bí tích giải tội và hôn phối. Ông Huy đã trả lời rất đúng và khúc chiết và dễ dàng đập tan những ý xảo quyệt của những người vô đạo và thờ ngẫu tượng này. Ông thường nói về mục đích của Chúa ban phép bí tích, sự thánh thiện của bí tích, sự thánh thiện của nghi thức đi kèm với bí tích. Về bí tích giải tội, ông nói nếu giải ban đêm là vì trong thời cấm đạo. Còn bình thường các cha giải tội ban ngày."
Ðức Cha Marti còn kể tiếp ít nhất là một lần, quan thấy ông Huy đối đáp khôn khéo, quan truyền đuổi ông ra ngoài, kẻo ông nghe được những người quanh quan thượng khen ngợi hoặc ông lại ảnh hưởng trên các người chung quanh quan.
Một ngày kia, quan lại hạch hỏi và tranh luận với ông Huy về quá khứ đời tư của ông, để làm ông chán nản: "Giả dụ như có ai từ trước tới nay sống đời đạo đức mà muốn chết vì đạo còn hiểu được, chứ như ngươi trong quá khứ đã sống như người ngoại, có hai vợ, ngươi sống dường như không phải là bổn đạo. Mà bây giờ ngươi cứ giữ luật Kitô hữu, thì quả là điên khùng, không thể chấp nhận được."
Về vấn đề này, ông Huy đã trả lời quan với hết lòng khiêm nhường rằng cho tới nay ông đã sống đời sống Kitô hữu như gương mù, theo tính xác thịt, theo sự yếu đuối của ông. Nhưng Chúa nhân lành vô cùng đã thương ông, cho ông biết thống hối, và bỏ vợ hai. Ông đã bỏ mọi sự ngay cả mạng sống nữa chứ không bỏ đạo Kitô giáo.
Không lay chuyển ông được, quan thượng lại dùng bạo lực. Ðức Cha Marti kể lại rằng quan thượng còn dùng nhiều hình khổ đặc biệt để lay chuyển ý chí sắt đá của ông Huy. Quan bắt lính kéo ông qua thánh giá, và dùng roi đánh chân ông bắt chân ông chạm vào thập giá. Khi chân ông đụng vào thập giá chúng lại reo lên: "Nó đã quá khóa rồi, nó đã quá khóa rồi."
Ông Huy lại đáp lời: "Các ngươi dùng võ lực lôi thân xác ta, các ngươi cố dùng sức lực lôi chân ta, nhưng các ông có dùng sức mạnh để lung lay ý chí ta được không? Bao lâu ta không chịu, thì dù có đánh đập các người cũng không đạt được mục đích đâu!"
Trong hồ sơ phong thánh của ông và hai vị có đoạn nói lên rằng lòng tin và lý luận của các ông phần nào làm cho quan tổng trấn Lê Văn Ðức phải cảm động. Quan nói: "Các ngươi làm cho ta thấy tội nghiệp các ngươi quá. Ta không muốn hành hạ các ngươi hơn nữa. Dù ta có hành hạ các ngươi thế nào các ngươi cũng không bỏ đạo và bước qua thập giá. Tôn giáo các ngươi là tôn giáo gì vậy? Hãy nói đi ta muốn nghe các ngươi nói."
Ông Huy đã cắt nghĩa cho quan mười điều răn Ðức Chúa Trời và bảy phép bí tích. Quan lớn cảm động và ngạc nhiên về đạo lý của đạo Công Giáo, cảm động quá, ông liền ca ngợi đạo Công Giáo, ông còn xin lỗi các đấng và nói: "Tôi không biết tôi có còn ở đây lâu nữa không. Nếu tôi trở về triều đình, mà các ông phải chịu chết vì đạo các ông, xin hãy nhớ tới tôi và xin làm ơn đừng báo thù tôi."
Ðến tháng chín, có tin đồn ông Huy và hai bạn bị xử tử. Các ông rất vui mừng. Các ông nhắn tin cho vợ con lên tỉnh để vợ chồng, cha con được giã từ nhau lần cuối. Lúc đó có Cha Năm, ông trùm Ðích, và ông lý Mỹ cũng bị giam gần đấỵ Các bà cũng vào thăm các ngài. Cha Năm bảo các bà rằng: "Hôm nay không biết ba ông binh sống chết thế nào, song chắc các ông còn phải chịu nhiều sự khốn khó nữa. Cụ gần đến ngày chịu chết rồi, dù cụ là thày cả mặc lòng cũng nghĩ rằng mình khó mà có thể chịu đựng vì Chúa như ba ông binh."
Cùng ngày hôm ấy, ba ông lại bị điệu vào hầu quan, ba ông lại bị một trận đòn nên thân, đến nỗi trong mình chẳng có chỗ nào lành. Tuy nhiên các ông vẫn không chịu quá khóa. Quan lại đành giam các ông vào ngục thất. Khi trở lại ngục thất, Cha Năm hỏi các ông: "Sao, hôm nay chúng con được trận hay thua?"
Cả ba ông đều trả lời cha: "Chúng con chẳng chịu quá khóa lúc nào, mà chỉ trông được chịu chết vì đạo, vì quan lớn đã dậy làm án xử cho chúng con rồi."
Quả thật các quan lúc đó đã làm án xử tử ba ông, và đệ tấu nhà vua. Vua Minh Mệnh, đọc tấu sớ của các quan, nhưng ông chẳng muốn giết các ông này. Nhà vua liền ra chiếu chỉ truyền cho các quan phải tìm hết cách để khuyên dụ các ông binh bỏ đạo: "Ta lấy sự sống người ta làm trọng lắm, khi đã cắt đầu chẳng còn phép nối lại được nữa, ta truyền cho các quan phải dùng mọi cách, làm sao cho ba tên lính bỏ đạo Gia Tô, nhất là truyền đem ra ngoài cửa thành cho dân chúng xỉ vả. Nếu khi sự ấy chẳng đủ, thì đem ra ngoài mà giả cách chặt ngang lưng cho sợ hãi."
Các quan vâng theo chiếu chỉ của vua, đóng gông đem ông Huy và ông Thể ra cửa Ðông, ông Ðạt ra cửa Nam. Ông Huy và ba ông đều không sờn lòng.
Tháng 10 năm 1838 quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh phục chức tổng trấn Nam Ðịnh thay thế Lê Văn Ðức. Quan tổng trấn thấy ba ông vẫn cứ vững lòng trung kiên thì cũng lại đệ án xin nhà vua xử tử các ông. Tuy nhiên vua Minh Mệnh không cho giết, trái lại còn truyền cho ông Trịnh Quang Khanh phải tìm đủ mọi cách khuyên dụ. Chẳng những thế, vua còn quở trách ông Trịnh Quang Khanh: "Mày không bảo được ba thằng lính phàm hèn, mà cai quản cả tỉnh thế nào được."
Ba ông bị điệu ra ngoài thành cho xỉ vả liên tiếp 21 ngày, rồi lại bị giam vào ngục vừa bị hành hạ vừa bị dụ dỗ. Quan lại truyền cho những người đã bỏ đạo trước phải vào để dụ dỗ ba ông. Nhưng các ông không nghe còn dùng nhiều lý lẽ để làm cho họ phải xấu hổ và ăn năn. Quan Trịnh Quang Khanh thấy đã hết kế, sau cùng ông dùng một âm mưu rất độc. Quan bắt anh em họ hàng của ba ông, cùng lý dịch ba xã Hạ Linh, Phú Nhai, Kiên Trung. Khi các người tới trước mặt quan thượng, ông truyền cho họ phải làm sao cho ba ông quá khóa, nếu không làm nổi thì tất cả đều phải chịu chết với cả ba ông. Anh em họ hàng cùng huynh thứ trong xã rất sợ hãi, nên cố sức để dụ dỗ ba ông. Khỏi mấy ngày quan thượng đòi cả ba ông vào để xem các ông đã sẵn lòng bỏ đạo chưa. Nhưng ba ông cứ một mực vững lòng. Tức thì quan truyền cho thân nhân, huynh thứ trong ba xã, và các lính đồng đội phải vào để khuyên nhủ ba ông. Nhưng dù các người này cám dỗ thế nào các ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh tức giận lắm, ông chửi các lý dịch cùng huynh thứ trong xã: "Tại chúng mày, mà ba thằng này bất trị, vì chẳng dậy bảo chúng nó vâng chịu luật phép nhà nước cho sớm, nên chúng mày phải chịu tội với chúng nó."
Nghe quan thượng nói vậy, huynh thứ và lý dịch rất sợ hãi, xin khất quan một tháng để khuyên bảo các ông này. Các ông cũng không quên xin quan thượng đừng giam các ông này chung với nhau, xin giam mỗi người một nơi để dễ dàng khuyên bảo. Quan thượng ưng cho khất một tháng, và giam ba ông riêng biệt.
Hết hạn một tháng, quan nghĩ chắc ba ông đã mềm lòng có thể chịu bỏ đạo, quan liền truyền điệu các ông đến. Song các ông vẫn không chịu quá khóa. Bấy giờ quan truyền nọc đánh một người huynh thứ xã Kiên Trung. Ông Thể thấy người huynh thứ bản xã bị nọc đánh đòn thì thương hại, ông thưa với quan rằng: "Lạy quan lớn, xin quan lớn tha cho, quan lớn dậy thế nào con xin vâng."
Quan bảo ông quá khóa, ông đành vâng theo. Lúc đó các quan thấy một tên lính đã thua trận thì vỗ tay reo mừng, liền tháo gông bẻ xiềng cho ông Thể. Sau đó mọi người lại xúi giục ông Huy và ông Ðạt bắt chước ông Thể mà chịu quá khóa. Một quan nói với ông Ðạt: "Mày cứ bắt chước tên Thể mà bước qua thập tự, khi trước cả ba tên đều hợp lực bất kháng, bây giờ tên Thể đã vâng lời vua, sao mày còn cứng cổ."
Bấy giờ ông Ðạt cũng chiều lòng các quan mà bước qua thập tự.
Phần ông Huy, dù hai bạn đã quá khóa, ông vẫn không sờn lòng. Các quan vẫn không thất vọng cố tìm cách dụ dỗ ông Huy bỏ đạo. Ðêm đó, quan cho người vào phòng ông Huy dụ dỗ ông rằng: "Chú phải vâng lời vua như hai ông kia, thì chẳng ai cười chê chú được. Vì chú đã chịu khó vững vàng hết sức rồi. Vua chẳng muốn giết chú, mà cũng chẳng muốn tha chú nếu chú không quá khóa, nếu chú bước qua một lần mà thôi thì khỏi mọi sự rầy rà này."
Sau cùng, ông Huy cũng chối đạo như hai ông bạn kia. Sau đó, quan phát cho mỗi ông 10 quan tiền rồi thả các ông về nhà.
Dòng dã tám tháng trời các ông chịu cực hình và khuyên dụ bỏ đạo mà các ông vẫn trung kiên, nên ai cũng cảm phục. Bây giờ nghe tin các ông chối đạo, rất nhiều người không tin. Có người cho rằng các ông bị bùa ngải làm mê loạn nên các ông mới chối đạo. Câu chuyện này vẫn còn trong vòng nghi ngờ, nhiều người vẫn không tin các ông đã chối đạo, nhất là sau này các ông lại xưng đạo và chịu chết vì đạo. Có những người biết chuyện thì cố tình tạo nhiều ý khác nhau để che đậy sự nhút nhát của ba ông hồi ấy. Trong các thư báo cáo về Manila, và Âu Châu thì quả quyết các ông tự ý chối đạo chứ không có ai ép uổng các ông. Chính ba ông binh cũng tự thú chuyện các ông chối đạo là sự thật. Ðức Cha Marti, đã điều tra rất nhiều người và kết luận chuyện các ông bị bùa ngải là vô căn cớ.
Từ khi ba ông bỏ đạo, thì lương tâm các ông cắn rứt vì đã chối đạo và gương xấu mình đã làm. Ba ông đã bàn bạc với nhau cũng như hỏi người khác xem phải làm thế nào để trở lại cùng Chúa. Mấy ngày sau, ông Huy cũng như hai ông binh kia đi xưng tội. Bởi ơn Chúa thúc đẩy, cả ba ông đều muốn lên tỉnh để xưng đạo. Lên tỉnh Nam Ðịnh, cả ba ông vào dinh quan thượng. Ba ông lạy quan thượng, rồi ông Huy đại diện anh em để thưa với quan: "Bẩm quan lớn, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng con thờ là đấng cao cả phép tắc vô cùng, bởi chúng con đã quá dại mà chịu quá khóa, mất nghĩa cùng Chúa chúng con, nay chúng con xin giả tiền lại cho vua và quan lớn, cùng xin giữ đạo Thiên Chúa cho thật lòng."
Trịnh Quang Khanh nghe những lời ấy thì tức giận chửi rủa các ông thậm tệ, sau đó truyền giam các ông trong ngục rồi truyền cho lính hàng đội phải dụ dỗ ba ông như trước, tuy nhiên ba ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh không biết phải làm thế nào, vì trước đây ông đã tâu về triều đình rằng ba ông đã quá khóa, bây giờ nếu xử án ba ông thì không biết ăn nói sao với triều đình. Quan liền truyền cho lý dịch ba xã đến để nhận tiền thay vì các ông, rồi đuổi ba ông về làng không cho đến làm phiền các quan nữa. Các ông buồn rầu ra về, tuy nhiên lòng các ông vẫn không yên trí. Các ông chẳng ao ước sự gì thế gian mà chỉ ao ước được chết vì đạo Chúa. Các ông càng gia tăng việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc phúc đức để mong được chết vì đạo.
Quyết định của quan tổng trấn không làm cho các ông hài lòng, các ông lại bàn với nhau: "Nếu quan thượng không cho chúng ta chết vì đạo, thì chúng ta sẽ vào kinh tâu xin nhà vua cho chúng ta chết vì đạo, để sửa lại gương mù gương xấu chúng ta đã làm."
Ông Huy lại bảo các bạn: "Nếu các ông không đi thì tôi đi một mình."
Lúc đó ông Thể cũng nói thêm vào: "Nếu ông đi, tôi cũng đi với ông."
Ðể đi tới quyết định trên các ông đã bàn hỏi với Cha Tuyên. Cha Tuyên hỏi cặn kẽ lý do các ông bỏ đạo, các ông đáp: "Quả thực trong lòng chúng con bỏ đạo chỉ vì thương cha mẹ, anh em, và huynh thứ trong làng. Chúng con tin rằng nếu chúng con không bước qua thập giá, thì quan thượng cũng bắt tất cả phải bước qua thập giá. Nếu họ vì sợ mà ưng thuận, chúng con lại không phải chịu trách nhiệm về tội của họ sao? Chúng con đã sai lầm, và chúng con đã bước qua thập giá. Sau khi quá khóa, chúng con cảm thấy hối hận nên đã xưng đạo lại trước mặt quan tổng trấn. Nhưng chỉ có quan tỉnh biết, còn triều đình và nhà vua thì không hay biết gì cả. Chính vì thế chúng con muốn đến gặp nhà vua, và xưng đạo công khai trước mặt người. Như thế mọi người sẽ biết chúng con bước qua thập giá vì sự yếu đuối của chúng con, chứ không phải vì chúng con muốn nghe lời nhà vua mà chối bỏ đạo."
Sau đó Cha Tuyên viết thư hỏi ý kiến Ðức Cha Marti nói rõ lý do các ông đã bỏ đạo và ý các ông muốn xưng đạo lại tại kinh đô. Trong thư, Cha Tuyên cũng kể cho Ðức Cha Marti biết trong thời gian các ông đang cư ngụ tại nhà người, người cũng được thư của Cha Jimeno (sau này làm giám mục), trong đó có đoạn nói: "Thày vui mừng lắm vì ba ông binh lính đã xưng đạo tại tỉnh, lại nghe cả ba ông toan vào đền vua để xưng đạo cách rõ rệt hơn nữa. Ðược như vậy, thày rất vui mừng, và tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ giúp cùng ban sức cho họ được thắng trận, xứng đáng lãnh phần thưởng vô cùng mà Ðức Chúa Trời đã dành cho những kẻ chịu khổ vì đạo."
Cha Tuyên đọc thư này cho cả ba ông nghe và họ nhất định vào đền vua. Ông Huy còn xin sao bản thư đức cha để sau này xem lại. Sau đó ba ông bàn với nhau phải vào kinh như thế nào.
Vấn đề vào kinh cùng một lúc thật là khó, vì chẳng có bao giờ cả ba ông được nghỉ phép. Lúc đó ông Ðạt nói: "Tháng sau, hai ông được nghỉ ở nhà, mà tôi phải ứng vụ tại tỉnh, hai ông cứ đi, tôi ở lại, nhưng anh em thế nào thì tôi thế ấy. Xin anh em cho tên tôi vào đơn, nếu anh em chịu sự khổ nào trong kinh thì tôi cũng mong được chịu khổ như vậy ngoài này."
Cha Tuyên thấy ba ông nhất định đi chịu chết vì đạo thì người khuyên bảo các ông đủ điều và dậy các ông cậy trông ơn Chúa, ăn ở khiêm nhường. Sau khi nghe cha già Tuyên khuyên bảo, ông Huy và ông Thể về nhà từ giã vợ con anh em thân thuộc lần cuối cùng và xin mọi người cầu nguyện cho mình. Hai ông cũng đi xưng tội chịu lễ để dọn mình còn ông Ðạt lên tỉnh thi hành công vụ.
Ðầu tháng 3 năm 1839, tức năm Minh Mệnh thứ 20, hai ông vào kinh. Con cả ông Huy cũng theo cha vào kinh để xem công việc thế nào. Hết 20 ngày mới vào tới kinh đô Huế. Các ông trọ tại nhà một người bổn đạo tên là bà Tam. Ở đây hơn một tháng, hai ông ăn chay cầu nguyện, dọn mình để vào kinh xin chịu tử vì đạo. Các ông đệ đơn và kêu tòa tam pháp. Quan tòa nhận đơn rồi chẳng tra hỏi gì hết. Chờ đợi ít lâu, mà chẳng ai hỏi gì tới việc xưng đạo của hai ông, hai ông lại viết đơn khác gửi tới quan tòa: "Chúng tôi quá khóa tại tỉnh Nam Ðịnh, vì quan Trịnh Quang Khanh ép chúng tôi quá, chẳng phải vì lòng thật muốn bỏ đạo."
Lần đó các quan tòa cũng chẳng xét xử đơn xin của các ông. Ðợi đến một ngày kia, khi vua Minh Mệnh ra ngoài chơi, hai ông sấp mình xuống bên lề đường, mà đệ đơn trên đầu. Một quan lớn cầm đơn đó xem, rồi trình vua. Khi vua Minh Mệnh biết việc liền truyền giam các ông vào ngục, rồi truyền các quan thuộc hình bộ, lễ bộ, và binh bộ hợp lực tra xét và làm mọi cách cho hai ông bỏ đạo. Tuy nhiên dù làm thế nào hai ông vẫn trung kiên. Lúc đó quan Lê Văn Ðức, trước kia là tổng đốc Nam Ðịnh, đã biết các ông gan dạ thế nào nên nói với các ông rằng: "Ðánh đòn chúng bay chỉ mỏi tay mà thôi."
Các quan tòa thấy hai ông can đảm như vậy thì hỏi về ông Ðạt, vì trong đơn có nói tới ông ấy. Hai ông liền thưa với quan: "Anh Ðạt cũng chẳng chịu quá khóa, mà vì mắc trở việc tại tỉnh Nam Ðịnh, nên chẳng đi với chúng tôi được, song anh ấy cũng hợp một ý với chúng tôi. Anh ấy còn dặn rằng, anh em thế nào thì tôi thế ấy."
Các quan trình tâu nhà vua mọi việc, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy nhiên vua vẫn hy vọng có thể thay lòng đổi dạ các ông, nên vua lại truyền ba quan lớn hợp lực làm thế nào cho hai ông quá khóa. Nhưng cũng vô ích.
Nhà vua còn truyền các quan đem ra 10 nén vàng, một tượng thánh giá, và một thanh gươm rồi nói: "Mặc ý các ngươi chọn. Nếu bước qua thập giá thì sẽ được thưởng 10 nén vàng, còn nếu không sẽ bị thanh gươm chặt ngang lưng làm hai rồi bỏ xác xuống biển."
Tức thì hai ông xin chịu chết.
Các quan lại trình tâu vua tất cả sự kiện, vua Minh Mệnh rất tức giận, truyền đem hai tờ giấy cho các ông ký tên vào. Một tờ thì chứa đầy những lời xỉ vả mạ báng Chúa và đạo Gia Tô, còn tờ kia là án các ông phải chết như thế nào. Hai ông không chịu ký vào bản thứ nhất, trái lại chấp nhận bị trảm quyết. Lúc đó quan đọc án của nhà vua như sau: "Minh Mệnh nhị thập niên, tháng 5 ngày mồng một, nội các thần Lê Khanh Trình, thần Lâm Ruy Nghĩa vâng lời vua truyền từ tờ các quan tòa tam pháp, thì hai tên lính tỉnh Nam Ðịnh, tên là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể cùng khai rằng chúng vốn theo đạo Gia Tô chẳng bỏ, mà năm ngoái có bước qua thập tự tại bản tỉnh, bởi quan tổng đốc tỉnh ấy bức hiếp chứ trong lòng chẳng bao giờ có ý bỏ đạo, nên bây giờ xin cứ giữ đạo như khi trước. Quan tòa tam pháp đã khuyên bảo hai ba lần, song hai tên phạm này cứ một mực chỉ xin chịu chết, cùng quyết chẳng chừa cải, thật là hai tên dại dột mê hoặc. Khi trước ta đã làm án chết cho chúng nó, song ta còn thương hại chẳng muốn giết, chẳng ngờ là lũ phạm ấy đã ra mê cuồng chẳng còn biết lẽ phải, ta đã mở lối cho chúng nó ăn năn, nếu còn có trí khôn thì phải biết mình đã sai lầm mà cải ác hoàn lương, song hai tên phạm này cố chấp theo Gia Tô tà đạo, dám bỏ việc lính mà vào kinh khống đơn, chúng nó thật kiêu ngạo, đáng khinh dể, đáng ghét, không thể để cho sống được nữa. Nên hai tên phạm là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể, phải kết án tử, giao cho lính đem ra cửa biển, lấy rìu lớn chặt ngang lưng, rồi bỏ xác xuống biển để cho ai nấy biết rõ điều răn cấm. Còn một tên phạm nữa là Ðịnh Ðạt cũng can án này. Nó có bỏ đạo thật hay không thì phải tra xét kỹ càng và tâu cho minh bạch."
Ngày 2 tháng 5 năm 1839 ta, cũng là 12 tháng 6 năm 1839 dương lịch, ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa bể là cửa Thuận để chịu chết. Trên đường đi đến pháp trường hai ông vui vẻ chào hỏi mọi người khiến dân chúng rất ngạc nhiên. Ðến cửa biển, quan bắt hai ông xuống thuyền rồi chèo ra khỏi đất liền. Lúc này quan còn khuyên hai ông quá khóa vì vẫn còn kịp, nhưng hai ông nhất định không bỏ đạo.Quan tryền tháo gông, rồi trói hai ông vào cột chèo.Hai ông đọc kinh phó linh hồn. Lý hình giơ gươm lên, chặt ngang lưng hai ông như đã ghi trong án. Sau đó chúng chặt đầu rồi bổ làm tư và liệng xác hai ông xuống biển.
Ðược tin hai ông Thể và Huy bị xử tử, ông Ðạt ở nhà thu xếp công việc của nhà. Ông đọc kinh nguyện ngắm để dọn mình chết. Mấy ngày sau, lính hàng đội từ tỉnh xuống báo với ông Ðạt rằng: "Quan lãnh binh và tỉnh sai tôi xuống báo cho anh biết đã có chỉ bộ ra truyền bắt và xử tử anh."
Khi ông Ðạt nghe tin ấy thì vui mừng lắm. Lúc đó vào quãng cuối tháng 6 năm 1839. Ông Ðạt liền đi báo cho anh em và từ giã mọi người. Ông cũng xin mọi người cầu nguyện cho ông. Lúc đó, vợ ông muốn khuyên chồng bỏ ý định chết vì đạo. Bà khóc lóc than vãn, rồi dẫn con gái đến xin ông: "Ông bỏ tôi cùng con bé này sao?"
Ông Ðạt rất cảm động, nhưng ông nói với bà nếu ông quý bà và con gái hơn Chúa thì chẳng xứng đáng với Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa sẽ lo liệu cho bà và con gái. Sau cùng ông bảo vợ: "Một chốc nữa bà đem con bé sang nhà Nhiêu Quang cho tôi gặp nó một chút nữa."
Rồi ông đi chịu lễ lần sau hết. Khi chịu lễ cùng cám ơn, ông yên ủi vợ con, cùng giã từ anh em, rồi theo lính ra đình làng. Tại đình làng, quan viên làng và nhiều người dân đã tụ họp đông đủ sẵn sàng để từ giã ông. Ông lạy quan viên, xin các ông ấy cầu nguyện cho mình. Lúc bấy giờ cũng có người nói rằng: "Anh Ðạt bỏ vợ con, bỏ quê quán."
Ông thưa lại rằng: "Vợ con và quê nhà tôi để mặc thánh ý Ðức Chúa Trời, tôi xin làng thương tôi cùng vợ con tôi."
Trên đường đi về tỉnh, ông Ðạt chỉ đọc kinh lần hạt chuẩn bị chịu chết. Phần bà vợ ông, vẫn theo ông tới Nam Ðịnh, vừa đi vừa khóc. Ông đuổi bà về và nói với bà: "Nếu bà đến đây mà cứ khóc thì đừng đến thăm tôi nữa."
Tại tỉnh, quan lớn bảo ông Ðạt rằng: "Thằng Huy, thằng Thể đã phải bổ làm tư, rồi bỏ xuống bể cho tôm cá ăn, mày có quá khóa không?"
Ông Ðạt đáp lại: "Hai anh con đã được phúc trọng, xin quan lớn bổ con làm tám. Còn sự quá khóa thì con không chịu."
Quan thượng nghe xong liền truyền đóng gông, rồi giam ông trong ngục. Ðến ngày 18 tháng 7 năm 1839, có lệnh vua truyền xử giảo ông Ðạt. Quan lại khuyên nhủ lần nữa nhưng ông không chịu. Thế là quan truyền viết thẻ: "Tên Ðinh Ðạt thuộc Xuân Tràng phủ, Giao Thủy huyện, Phú Nhai xã, là tên phạm, cố chấp theo Gia Tô tả đạo, nay cũng chẳng chịu bỏ đạo ấy, bất tuân quốc pháp, lập tức đem đi xử giảo."
Viết thẻ xong quan truyền giao ông Ðạt cho quan giám sát đem đi xử giảo. Trên đường đi ông chỉ đọc kinh cầu nguyện. Khi đến nơi xử, đã sẵn có cái chiếu cạp ở đấy, ông Ðạt quỳ trên chiếu vẫn cứ tiếp tục đọc kinh mãi. Một lúc, quan truyền tháo gông, bắt ông nằm xuống chiếu, rồi quân lính buộc dây vào cổ ông. Khi đã sẵn sàng, quan giám sát ra hiệu lệnh. Lý hình kéo dây cho đến khi ông tắt thở.
Làng Phú Nhai lấy xác ông và táng trọng thể tại nhà anh cả ông Ðạt. Sau hài cốt của ngài được táng tại nhà thờ Phú Nhai.
Augustinô Phan Viết Huy cùng Nicôla Bùi Ðức Thể và Ðaminh Ðinh Ðạt được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900. Ðến ngày 19-6-1988 các Ngài được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh lên bậc Hiển Thánh.
(St)


 
Trường thi tử đạo

Thánh Ðinh Ðạt sinh năm Quý Hợi (1803)
Tại Phú Nhai (Nam Ðinh) quân đội nhà vua
Kiên gan chẳng phải tay vừa
Hơn năm trăm lính gạn lừa còn ba

Là trai tráng quốc gia phục vụ
Tự nguyện vào đội ngũ quân nhân
Mười hai năm chốn hải tần
Ðóng quân trấn giữ mười phân vẹn mười

Ðinh Ðạt vốn là người ngoan đạo
Ðược gia đình đào tạo còn thơ
Sáng chiều kinh nguyện phụng thờ
Tôn sùng thánh giá đón chờ đời sau

Trong quân ngũ rũ nhau kinh kệ
Chúa Nhật cùng xem lễ cho đông
Ðất bằng bỗng nổi cơn dông
Ban lệnh bỏ đạo nếu không, ở tù

Thánh Ðinh Ðạt mùa thu năm ấy
Chúa soi đường giữ lấy đức tin
Quyết tâm theo Chúa hướng nhìn
Dù bao tra tấn bạc nghìn cũng không

Quan Tổng trấn cố công dụ dỗ
Phần ông thì cứng cổ không nghe
Hết vàng bạc đến răn đe
Nhờ ơn Ðức Mẹ chở che hộ phù

Quan bày kế công phu ngoan cố
Bắt người thân một số vào khuyên
Sao cho bỏ đạo mới yên
Bằng không sẽ chịu oan khiên khó lường

Ông Ðinh Ðạt thấy thương tình quá
Chỉ vì ta tội vạ đến người
Nói rằng thôi thế thì thôi
Cũng liều nghe họ bạc thời lãnh ngay

Chúa thương ông mấy ngày sau đó
Tự hổ ngươi nhăn nhó xót xa
Chúa nhân từ sinh ra ta
Mà ta bỏ Chúa thực là hổ ngươi

Trên thập giá ơn Người cứu độ
Vì muốn ta giác ngộ trầm luân
Giờ đây ta quyết liều thân
Làm đơn chịu chết bạc khuân trả ngài

Vợ ông cũng rỉ tai đừng chết
Ông nói rằng rất tiếc bà ơi
Tôi phải vâng lệnh Chúa Trời
Có làm chi cái cuộc đời chóng qua

Phúc tử đạo xảy ra Kỷ Hợi (1839)
Là niềm người mong đợi từ lâu
Cộng đồng dân Chúa nguyện cầu
Canh Tý (1900) phong thánh, ngài chầu Thiên nhan.

Ðaminh Ðạt sinh năm Quý Hợi (1803)
Năm Ất Mão (1795) rửa tội Viết Huy
Còn Bùi Ðức Thể ấy thì
Sinh năm Nhâm Tý (1792) khoái đi lính mà

Từ Lạc Thuỷ trẩy ra Nam Ðịnh
Ba trai làng nhất định tòng quân
Cũng người Công giáo chuyên cần
Khi vào quân ngũ ở gần bên nhau

Ông Tổng Ðốc nghe đâu bị triệu
Về kinh đô báo hiệu Quang Khanh
Tội ông tiêu cực thi hành
Lệnh Vua khiển trách đích danh hạ thần

Ðể chuộc tội ông cần thanh lọc
Trước hàng quân, ông đọc lệnh Vua
Mở ngay chiến dịch quét lùa
Lùng bắt đạo trưởng cho Vua vừa lòng

Tính kế hoạch ngoài trong chuẩn bị
Mời quân nhân tu sĩ tiệc tùng
Binh sĩ Công giáo tập trung
Hoàn thành thanh lọc truy lùng vào dinh

Trong bữa tiệc điều binh ông hứa
Ban thưởng khen những đứa trung thành
Với Hoàng Thượng được nêu danh
Buông lời dọa nạt chấp hành phải tuân

Ngày hôm ấy trọn phần Công giáo
Khoảng năm trăm theo đạo Kitô
Mời vào dinh xét ý đồ
Cho xem hình phạt bước vô thấy liền

Ðầy dụng cụ xích xiềng kìm kẹp
Ðây kỷ cương sắt thép nhà vua
Quyết ra tay chẳng chịu thua
Ai không quá khoá là mua nhục hình

Quá buồn tủi thực tình đau khổ
Gần năm trăm xấu hổ bước qua
Số còn lại thật ít mà
Chỉ năm người dám đứng ra chối từ

Là trụ cột bây giờ cương quyết
Là tôi trung tâm huyết tới cùng
Nhà Vua tăng viện trong vùng 
Sai thêm Tướng Ðức binh hùng Thành Nam

Quang Khanh bị cách làm không đạt
Lê Văn Ðức đề bạt lên thay
Ðức Cha Minh xử tử ngay
Và luôn Thầy Chiểu một ngày đầu rơi

Năm chứng nhân đến nơi cho khiếp
Nhưng cả năm đặc biệt hân hoan
Quan tức giận tống nhà giam
Tuần sau tướng Ðức lệnh ban giải tòa

Ông ngon ngọt nói ra dụ dỗ
Không thành công thịnh nộ kéo khiêng
Lê lên tượng Chúa linh thiêng
Roi đòn túi bụi liên miên từng người

Gần tới đích hai người bỏ cuộc
Còn lại ba gân guốc gan lỳ
Một lòng một dạ khắc ghi
Ông Huy, Thể, Ðạt quyết đi tới cùng

Ông Huy trước ung dung vợ nhỏ
Nay trốn về quyết bỏ trình Cha
Xin ngài ban phép giải hoà
Làm xong ông lại xin ra ngồi tù

Ông tướng Ðức doạ hù quỷ kế
Cứ mỗi ngày thân thể trăm roi
Tướng khuyên bỏ đạo đi coi
Ông Huy đạo Chúa sáng soi trần đời

Quan thét lớn Vua người nghiêm cấm
Không đổi thay thưa bẩm lôi thôi
Ông Huy chủng viện học rồi
Chứng minh mạch lạc liên hồi tỏ thông

Quan nhận thấy là ông đuối lý
Cho đóng gông phơi kỹ nắng mưa
Ðông, Nam hai cửa cho đưa
Ba tuần ở đó xin thưa nhục hình

Dọa nạt vợ, gia đình con cái
Cùng thân nhân trai gái bạn bè
Ba ông nhất mực chẳng nghe
Tập trung kỳ mục răn đe đánh đòn

Ngay trước mặt người con trung tín
Bô lão làng thâm tím vì mình
Ðã ngã lòng phạm Thánh Linh
Cả ba bỏ cuộc triều đình mừng reo

Rồi sau đó lòng đau áy náy
Cả ba ông hết thảy hồi tâm
Tìm Cha xưng tội lỗi lầm
Tới dinh Thống Ðốc quyết tâm trình bày

Bẩm quan lớn nơi đây nguyện vọng
Ðạo Chúa Trời tôn trọng trên đời
Chúng tôi quá khóa nghe lời
Mang tiền trả lại đạo Trời tuyên xưng

Quan nổi nóng bừng bừng mắng chửi
Ðuổi khỏi dinh cho gửi trận đòn
Về nhà sống với vợ con
Số tiền hương chức trao tròn thưởng công

Trở về nhà, ba ông cầu nguyện
Vào kinh đô thực hiện đức tin
Hai Cha hội ý kiếm tìm
Lãnh xin hướng dẫn Trái Tim nhân lành

Cha Chính Lân nổi danh đồng ý 
Ba anh em quyết chí tâu Vua
Hai anh Huy, Thể đơn đưa
Anh Ðạt công tác nên chưa lên đàng

Cha Tuyên nhắc bảo ban trông cậy
Xin Chúa ban, chớ cậy sức mình
Hai mươi ngày mới tới kinh
Tới Tòa Tam Pháp Triều Ðình sớ tâu

Quan gìm lại có đâu dâng sớ
Tòa Tam Pháp vô cớ làm ngơ
Hai ông dài cổ đợi chờ
Thấy Vua ngự giá tay giơ tấu trình

Thật táo bạo thân mình đồ lính
Chặn kiệu rồng cung kính dâng Vua
Ngài đọc xong truyền bắt lùa
Nhốt ngay vô ngục chẳng thưa bẩm gì

Tâu Ðức Vua quan thì ép buộc (Nội dung của Sớ )
Các chúng thần đạo thuộc Giatô
Tôn thờ Thiên Chúa tung hô
Tấn tra miễn cưỡng, buộc vô tuân hành

Ông tướng Ðức Nam Thành về Huế
Phan Viết Huy, Bùi Thể gan lỳ
Tại sao Ðinh Ðạt chẳng đi
Vì anh bận việc cũng thì đồng tâm

Vua truyền lệnh hai mâm lựa chọn
Nếu bỏ Chúa, lấy trọn mười vàng
Bên kia cây kiếm sáng choang
Hai ông bình tĩnh bước sang khổ hình

Rồi sau đó quân binh án lệnh
Ðưa hai anh ra tận Thuận An
Phanh thây xẻ xác dã man
Ném luôn xuống biển cho đàn cá ăn

Còn anh Ðạt khó khăn Bảy Mẫu
Ông quỳ trên chiếu khấn nguyện cầu
Nằm gục thầm thĩ hồi lâu
Lý hình tròng cổ hai đầu xiết giây

Phúc tử đạo nơi đây phần thưởng
Cả ba ông được hưởng phúc vinh
Thi hài an táng quê mình
Về sau cải táng linh đình Phú Nhai

Năm tử đạo ba ngài Kỷ Hợi (1839)
Bỏ thế gian hưởng lợi Nước Trời
Lệnh phong thánh được ban ra
Mùa thu Canh Tý (1900) quả là xứng danh

Lời bất hủ: Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh Nam Ðịnh nói với ông Ðạt: "Hai bạn của ngươi (tức thánh Thể và Huy) vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con". Ông Ðạt thẳng thắn đáp: "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám cũng được". 
tinmung.net
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log