Thứ hai, 23/12/2024

Thánh lễ An táng Cha Cố Phêrô Lã Quang Hiệu

Cập nhật lúc 08:11 25/05/2015
 Sáng thứ Bảy 23/05/2015, vào lúc 9g00, Đức cha phụ tá Hưng Hóa Anphong Nguyễn Hữu Long chủ tế Thánh lễ an táng cha Phêrô Lã Quang Hiệu, nguyên chánh xứ giáo xứ Lộc Hưng, tại nhà thờ Lộc Hưng, Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đồng tế với Đức cha có 120 Linh mục, nhiều nam nữ tu sĩ, và hơn 1000 giáo dân đến tham dự. Đặc biệt, có các linh mục nam nữ tu sĩ gốc Hưng Hóa đang học và phục vụ tại Sài Gòn.
Chia sẻ trong Thánh lễ, Giuse Phan Trọng Quang, Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, đã nói lên những đức tính, công đức và sự nhiệt thành phục vụ trong suốt thời gian làm cha xứ giáo xứ Lộc Hưng.
Sau đây, BBT trang web giáo phận Hưng Hóa xin trích nguyên văn bài chia sẻ của cha Quang.

Trọng kính Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa
Kính thưa Quý Đức Ông, Quý Cha Tổng Đại diện, Quý  Cha Bề trên
Kính thưa Quý Cha, Quý  Tu sĩ Nam Nữ,
Kính thưa Quý Ông Bà và anh chị em,
Hôm nay, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ An táng Cha Cố Phêrô Lã Quang Hiệu, nguyên chánh xứ giáo xứ Lộc Hưng.

Sứ điệp Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ về thân phận con người, về ý nghĩa cuộc đời
Trong bài đọc 1 chúng ta đã cùng lắng nghe những tâm tình xác tín đầy niềm tin và hy vọng của Ông Gióp về sự sống lại , về sự phục sinh, về việc được chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa như là một hạnh phúc đích thực, như là một ý nghĩa mà con người khát khao tìm kiếm trong suốt cuộc đời của mình.
Cùng một niềm xác tín như thế, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma, cũng đã khích lệ của các Kitô hữu tiên khởi về niềm tin này: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.
Và đặc biệt hơn, trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa lắng nghe, chính Chúa Giêsu đã xác quyết về ý nghĩa đích thực của một hành trình đức tin mà tất cả mọi người Kitô hữu phải trải qua trong cuộc lữ hành trần gian này: “Qủa thật, ta nói với các con: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”.
Hình ảnh hạt lúa được gieo trên ruộng đồng rất gần với những kinh nghiệm trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát của hạt lúa làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn một mùa gặt bội thu.
Trong biến cố nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa được gieo vào lòng đất nhân loại bằng sự vâng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha, bằng việc tự hủy tự hiến và yêu thương cho đến cùng, để làm trổ sinh những hoa trái thiêng liêng là ơn cứu độ, là cuộc sống mới cho nhân loại.
Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại những chặng hành trình đức tin của Cha Cố Phêrô:
1. 3 giờ sáng ngày 19 tháng 05 vừa qua, trái tim của Cha Cố Phêrô đã ngừng đập, thanh thản bình an khép lại chặng hành trình 82 năm trong cuộc sống dương gian và 52 năm trong sứ vụ Linh mục. Đây là một hành trình dài mà Cha Cố Phêrô đã nỗ lực thể hiện quyết tâm  thuộc về Chúa trong suốt cuộc đời của ngài.
Cha Cố Phêrô sinh năm 1934 tại Du Bơ - một làng quê nghèo miền trung du- tỉnh Phú thọ, và khởi đầu ơn gọi đời Tu tại Chủng viện Hà Thạch thuộc giáo phận Hưng Hóa, miền Bắc Việt Nam; nhưng được Thụ phong Linh mục và thi hành sứ vụ mục tử lại ở tại Sàigòn, miền đất phương Nam.
Trong 82 năm của cuộc đời dương thế,  Cha Cố Phêrô đã có 62 năm sống tại miền Nam và trong 52 năm của đời Linh mục, Cha Cố Phêrô đã có 50 năm phục vụ  tại giáo xứ Lộc Hưng, thuộc Tổng giáo phận Sài gòn, với 12 năm làm linh mục phụ tá và 38 năm làm linh mục chánh xứ.Chúng ta có thể nhẩm tính rằng đã có khoảng 20.000 thánh lễ được Cha Cố Phêrô cử hành tại ngôi nhà thờ này và rất nhiềungười, nhiều thế hệ đã lãnh nhận các bí tích do cha hướng dẫn và cử hành suốt 50 năm của sứ vụ đời Linh mục. Đây chính là một hành trình Đức tin, một hành trình hồng ân mà Cha Cố Phêrô đã thể hiện cách trung kiên trong cuộc đời của Ngài.
2.  82 năm sống trong ơn gọi làm người và 52 năm trong ơn gọi Linh mục,Cha Cố Phêrô đã đón nhận và thực hành bài học hạt giống mục nát của Chúa Giêsu bằng những hy sinh âm thầm vùi sâu đời mình vào lòng cuộc đời khi phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách, bằng một cuộc sống tự hủy khiêm nhu, bằng một trái tim rộng mở, quên mình phục vụ dân Chúa, phục vụ tha nhân, và nhất là bằng cả cuộc đời Linh mục dấn thân, tận tụy phục vụ và xây dựng tại giáo xứ Lộc Hưng này.Với những cố gắng của một cuộc đời chịu vùi sâu, chịu mục nát mà Cha Cố Phêrô đã thể hiện trong cuộc đời của Ngài, chúng ta đã và đang có được những thành quả hoa trái tốt đẹp của một giáo xứ Lộc Hưng vững mạnh trong đời sống đức tin, phát triển về nhiều lãnh vực và thăng tiến về nhiều phương diện như hôm nay.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến một thành quả khác của Cha Cố Phêrô, đó là tấm lòng quảng đại đầy nhiệt huyết của Ngài đối với công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Tấm lòng này không chỉ được thể hiện bằng sự tận tụy, cần mẫn, kiên trung và mẫu mực trong sứ vụ mục tử đối với đoàn chiên mà Cha Cố Phêrô được trao phó để chăm sóc; nhưng tấm lòng của Ngài còn được mở rộng với nhiều thao thức, nhiều ưu tư, nhiều sáng kiến đối với sứ vụ loan báo Tin mừng. Chính vì thế, Ngài đã đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ để khơi gợi cho những tâm hồn trẻ đáp lại lời mời gọi của Chúa trong ơn gọi Linh mục, Tu sĩ nhằm phục vụ cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội…
Trong tâm tình đó, mặc dù là đang phục vụ tại miền Nam nhưng Cha Cố Phêrô đã đầu tư nhiều công sức trong việc cưu mang, hướng dẫn, dạy dỗvà ươm mầm cho ơn gọi Linh mục Tu sĩ của giáo phận Hưng Hóa trong những thời điểm giáo phận có nhiều khó khăn về nhân sự.
Hôm nay, khi nhìn lại những thành quả thiêng liêng mà Cha Cố Phêrô đã dày công vun trồng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và tự hào khi nhìn thấy con số khá đông Linh mục và Tu sĩ do Ngài âm thầm cưu mang và đào tạo, đang phục vụ một cách hữu hiệu trên cánh đồng truyền giáo của Giáo hội, cách riêng tại giáo phận Hưng Hóa.
Hình ảnh về hạt giống mục nát và sinh nhiều bông hạt trong cuộc đời của Cha Cố Phêrô, chắc chắn sẽ còn đọng lại mãi nơi tâm trí chúng ta.
3.  Trong tâm tình Tạ ơn vì những hồng ân mà Thiên Chúa đã thương ban cho Cha Cố Phêrô, Cộng đoàn phụng vụ của chúng ta ngày hôm nay cũng được mời gọi bước theo Chúa Giêsu để thực hiện bài học hạt lúa mục nát trong cuộc đời của mình.
Hôm nay, cộng đoàn chúng ta thương tiếc tiễn biệt Cha Cố Phêrô, nhưng chúng ta lại được chính sứ điệp Lời Chúa nâng đỡ và củng cố niềm xác tín của chúng ta, đó là: chúng ta luôn luôn thuộc về Chúa, dù phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống đời thường cũng như trong hành trình đức tin.
Hôm nay, chúng ta thương tiếc tiễn biệt Cha Cố Phêrô và cùng hiệp dâng lời cầu nguyện tha thiết xin Chúa thương đón nhận và ân thưởng vinh phúc Nước Trời cho Cha Cố Phêrô.
Hôm nay, chúng ta thương tiếc tiễn biệt Cha Cố Phêrô, nhưng chắc chắn hình ảnh của “Bố Hiệu” – hình ảnh của một vị Linh mục, một vị mục tử - có một cuộc sống đạo đức thánh thiện, có một trái tim yêu thương rộng mở, có một nụ cười hiền hòa dễ gần dễ mến, có một tấm lòng quảng đại dấn thân hết lòng vì sứ vụ Nước Trời, sẽ còn ở lại mãi trong trái tim của mỗi người chúng ta.

Nhà thờ Lộc Hưng, ngày 23-05-2015
                                                                                                                Giuse Phan Trọng Quang
                                                                  (Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam)

 





Mọi người tham dự Thánh lễ an táng đều thương tiếc một mục tử, một người cha, một người thầy và một người thân nhưng phó thác cho lòng nhân từ Chúa. 

 
BTT giáo phận Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log