Thứ bảy, 23/11/2024

Phần 1: Tổng hợp chuyến mục vụ Mùa Chay tại Lai Châu (15.3.2015 – 20.3.2015)

Cập nhật lúc 22:29 30/03/2015
WGPHH: Chúng tôi xin thuật lại chuyến mục vụ mùa Chay mới đây tại Lai Châu, để mọi người cùng vui mừng và hy vọng một tương lai tươi sáng cho 2.000 tín hữu công giáo tại đây.
Cho đến nay, sinh hoạt tôn giáo tại Lai Châu chưa ổn định, vì Công Giáo chưa được công nhận là một tổ chức tôn giáo. Về phía giáo quyền, từ 7 năm nay, cha Phêrô Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa, được ủy nhiệm để lo thêm mục vụ cho giáo dân tại hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Có lẽ cha Bình là cha sở đặc biệt nhất trong cả nước, vì địa bàn hoạt động của cha bao trùm hai tỉnh và một huyện, trải dài trên 500 cây số !
Đức cha Anphong và 3 linh mục đi cùng

Lai Châu là một tỉnh khá đặc biệt, theo dòng thời gian và tùy từng chế độ mà nó mang những tên gọi khác nhau : thời Pháp thuộc (1948), Lai Châu nằm trong Khu Tự trị Thái; thời Bảo Đại (1950) thuộc Hoàng Triều Cương Thổ ; thời Việt Minh (1953) gọi là Khu Tây Bắc; thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1962) thì đổi thành Khu Tự Trị Tây Bắc; năm 1975 mang tên tỉnh Lai Châu, gồm cả Điện Biên, cho đến ngày 27.12.2003 thì chia tách thành hai tỉnh mới. Tỉnh Lai Châu hiện tại gồm thành phố Lai Châu và 7 huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, diện tích 9.068 km2, dân số 404.500 người, gồm 20 dân tộc khác nhau, trong đó đa số là Kinh, Thái, H’Mông, Dao, Giáy.
Gọi Lai Châu là “vùng ngoại biên” cho công cuộc loan báo Tin Mừng thì rất đúng, bởi từ thời  Pháp thuộc, các thừa sai đã đặt chân tới vùng rừng thiêng nước độc này và đã xây dựng được 2 nhà nguyện tại Mường Lay và Bình Lư, có lẽ phục vụ cho quân đội Pháp thời đó – nay dân địa phương vẫn biết khu nền đất này bởi nơi đây vốn chỉ toàn người dân tộc và từ thập niên 60 của thế kỷ trước, chính sách di dân, kinh tế mới đã đưa nhiều người Kinh từ các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Tây (nay là Hà Nội)… lên đây lập nghiệp, trong đó có người công giáo. Một vài vị cao tuổi kể lại bước đầu thật gian truân, họ phải đi bộ từ Sapa đến Lai Châu, toàn đường mòn, lau lách cao quá đầu, ban ngày chỉ thấy lác đác người dân tộc, ban đêm thì gấu, cọp, heo rừng táo tợn xông vào sát nhà để kiếm ăn. Đời sống vật chất thiếu thốn đã đành, “đói thì ăn sắn ăn khoai, ăn đến củ mài, ăn cả măng le”, mà đời sống tâm linh còn khốn khổ hơn với “bốn không” : không nhà thờ, không cộng đoàn, không linh mục, không bí tích, tự mình giữ đạo ! Thánh Vianney dám nói rằng : “Cứ để một họ đạo vắng bóng linh mục 30 năm, thì ở đó thay vì thờ Chúa, người ta sẽ thờ bò” ! Mà ở đây thì gấp đôi thời gian ấy, người ta sẽ thờ tới thứ gì ? Thế mà, lạ lùng thay, vẫn còn đạo, vẫn còn người tin Chúa sau 50, 60 năm ! Hạt giống đức tin gieo trên sỏi đá khô cằn vẫn tìm cách vươn lên, tuy phải đớn đau quằn quại. Quả thật, vì thiếu sự nâng đỡ tâm linh nên nhiều gia đình, nhiều người trước đây gốc gác đạo, nhưng gốc đã mục, đạo đã bị gác qua một bên, rồi mờ nhạt, phôi phai và tàn lụi !
Để giữ đức tin cho con cái, cha mẹ thường gửi chúng về quê học giáo lý, chịu bí tích rồi lại trở lên. Thi thoảng vào dịp lễ lớn, người ta rủ nhau về làng dự lễ, chịu bù các phép, chứ chả có linh mục nào đến được với họ.
Niềm vui khi được dâng thánh lễ

Thời đức cha Antôn Vũ Huy Chương làm giám mục Hưng Hóa (2003-2011), nhiều lần ngài xin đến thăm giáo dân tại đây nhưng bị từ chối. Lần đầu ngài được đến (2005) thì lại không được dâng lễ, chỉ gặp ít giáo dân. Gần đây thì dễ hơn, đức cha Gioan-Maria Vũ Tất đã đến thăm và dâng lễ được vài lần. Hiện nay, số người công giáo tại tỉnh Lai Châu thống kê được như sau :
 
STT Địa danh Số giáo dân Địa chỉ
1 Duy Phong # 800 Bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu
2 Mường So # 130 Thôn Tây Sơn, xã Mường So, huyện Phong Thổ
3 Sìn Hồ # 150 Bản Pa Há, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ
4 Mường Tè # 120 Thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè
5 Bình Lư # 100 Bản Nậm Tường, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường
6 Tân Uyên # 100 Bản Nậm Đanh, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên
7 Than Uyên # 100 Thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên 
8 Huổi Bắc # 300 Bản Huổi Bắc, xã Pha Mu, huyện Than Uyên
9 Nậm Pắt # 120 Bản Nậm Pắt, xã Tà Mung, huyện Than Uyên
10 Sam Sẩu # 80 Bản Sam Sẩu, xã Phúc Than, huyện Than Uyên
 
 
Đức cha Antôn Vũ Huy Chương đã thắp lại ngọn nến đức tin cho giáo dân ở đây. Bà con bắt đầu qui tụ đọc kinh ngày Chúa Nhật, dù bị cấm đoán, đe dọa, khủng bố tinh thần. Nhiều người làm việc trong công sở không dám tỏ mình là người công giáo, chỉ âm thầm giữ đức tin, chờ khi về hưu thì mới dám giữ đạo. Nhưng như thế cũng không tránh khỏi thiệt hại, vì sau bao năm, con cái của họ chẳng còn biết đạo là gì. Nhiều gia đình chỉ còn ông bà già giữ đạo, con cháu thì không !
Từ năm 2007, vào các dịp lễ trọng hoặc vài tháng một lần, cha Phạm Thanh Bình từ Sapa đến Lai Châu làm mục vụ cho số giáo dân tại đây, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu, vì việc mục vụ của cha tại Sapa đã quá tải, lại thêm những điểm không đến được. Gần đây, cha Giuse Đỗ Tiến Quyền được bổ nhiệm làm cha phó, cũng đỡ vất vả cho cha một phần.
Những năm qua, Tòa Giám Mục đã nhiều lần gửi văn thư xin công nhận tổ chức tôn giáo, nhưng không được giải quyết. Mùa Vọng 2014, đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long khi đến làm mục vụ tại Lai Châu, đã tiếp xúc với Sở Nội Vụ, và bắc được nhịp cầu đối thoại với Chính Quyền. Tháng Giêng năm nay, chính quyền tỉnh Lai Châu đã đến thăm và trao đổi thêm với Tòa Giám Mục. Hai bên đồng ý mở một “lộ trình”, hướng đến việc công nhận đạo Công giáo là tổ chức tôn giáo được hoạt động tại Lai Châu, để sẽ xúc tiến thành lập các giáo điểm… Tòa Giám Mục Hưng Hóa cũng như giáo dân Lai Châu vui mừng trước tín hiệu tốt đẹp này, và chờ mong sớm tới ngày ấy.
Thực hiện lộ trình đó, mùa Chay năm nay, đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long cùng ba cha Phêrô Phạm Thanh Bình, Giuse Đỗ Tiến Quyền và Giuse Nguyễn Văn Thành (quản xứ Lào Cai) đã làm một chuyến mục vụ tại Lai Châu từ ngày 15.3 đến 19.3, với hai mục đích : thăm chính quyền địa phương nơi đến để tạo mối giao hảo, và thăm giáo dân tại 10 điểm trong toàn tỉnh, nhưng chính quyền chỉ chấp thuận cho đến 5 điểm trong lần này. Ông Lò Văn Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ông Đào Quang Yêm, Trưởng Phòng Tôn Giáo tỉnh, đã cùng đi với phái đoàn trong vai trò gạch nối với chính quyền địa phương.
Chiều Chúa Nhật 15.3.2015, chúng tôi từ Sapa đi Lai Châu, khoảng cách 80 cây số. Đến thành phố Lai Châu, chúng tôi thăm Sở Nội Vụ để thống nhất lịch trình.
Gặp gỡ sở Nội Vụ tỉnh Lai Châu

Sau đó, vừa về đến San Thàng, giáo dân đã tập trung chào đón chúng tôi trong niềm vui rộn ràng. Dù giữa mùa Chay, nhưng vẫn không thể vắng tiếng trống, không thể không có vòng hoa. Trời ơi, chúng tôi tiến vào nhà nguyện Duy Phong “hoành tráng” hơn Chúa vào thành Gia-liêm xưa ! Thánh lễ tối hôm đó thật đông đảo và sốt sắng, có người đi cả trăm cây số để dự lễ, về đến nhà thì chắc đã nửa khuya. Cảm động vì tấm lòng của họ đối với Chúa, chúng tôi không thể không đáp ứng bằng việc ngồi tòa giải tội cho bằng hết.
Sáng thứ hai 16.3.2015, chúng tôi đi Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu 30 cây số. Chính quyền huyện đã dành cho chúng tôi sự tiếp đón thân tình. Họ công nhận giáo dân ở Mường So sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng địa phương, đoàn kết lương giáo, nói chung là rất tốt. Chỉ còn một hai việc lấn cấn, là chính quyền không bằng lòng việc dời địa điểm cầu nguyện đến xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Sen, thay vì ở nhà riêng của ông như trước đây. Cha Bình giải thích rằng nhà riêng của ông Sen ở ngay ngã ba đường, mỗi lần bà con họp nhau đọc kinh có thể làm ách tắc giao thông và nguy hiểm về tính mạng. Thực tế đã có lần suýt xảy ra tai nạn, như cách đây hai năm, vào dịp đức tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh đến thăm. Dời vào xưởng mộc không xa chỗ đó, lại có khoảng trống để xe cộ thì thuận lợi hơn. Thiết tưởng chuyện này dễ dàn xếp với chính quyền địa phương. Việc thứ hai chính quyền than phiền, đó là giấy đăng ký làm lễ đứng tên cha Bình, đến lúc cử hành lại là một cha khác. Cha Bình giải thích là vì một mình cha không thể đến dâng lễ tại hết các địa điểm, nên nhờ một cha khác làm thay, nhưng cha vẫn là người đứng chịu trách nhiệm. Thôi rút kinh nghiệm lần tới sẽ khai báo rõ ràng hơn. 
Sau khi gặp gỡ chính quyền, chúng tôi đến địa điểm tập trung. Bà con giáo dân đã chờ sẵn đông đảo. Sau giây phút chào nhau, chúng tôi ngồi tòa giải tội, và tiếp đó là thánh lễ. Thật không ngờ anh chị em đã chuẩn bị chu đáo, ca hát kinh nguyện đối đáp nhịp nhàng, bầu khí thánh lễ sốt sắng trang nghiêm. Sau lễ, mọi người cùng chia sẻ bữa cơm huynh đệ. Chúng tôi chia tay bà con sau trưa, vì buổi chiều còn về Tam Đường, thăm và dâng lễ tại Bình Lư.       
Đức cha nói chuyện với giáo dân Tam Đường

Tại thị trấn Tam Đường, số giáo dân độ 100, nếu tính cả những người gốc đạo mà chưa sinh hoạt thì có thể đến 100 nữa. Đây là số bà con ở Nam Định, Thái Bình lên lập nghiệp khoảng 20 năm nay. Tam Đường có bản Chu Va, nơi mà năm ngoái xảy ra tai nạn thảm khốc, một chiếc cầu treo bị đứt giây, lật nhào trong khi dân đi đưa đám tang, làm 8 người chết và 38 người bị thương.
Bàn việc thiêng liêng
Một trang sử mới với giáo họ Mường So (Tam Đường)

 
 
  Chúa nhật Lễ Lá, 29.3.2015
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log