Thứ sáu, 10/01/2025

Nhật Ký Chuyến Mục Vụ Của Đức Cha Phụ Tá Anphong Nguyễn Hữu Long Tại Tỉnh Điện Biên, Từ Ngày 24.11 - 30.11.2018 (Bài 5)

Cập nhật lúc 09:53 14/12/2018
Bài 5
 
Ngày 5 (Thứ tư, 28.11.2108)

Những ngày qua, tôi đã thăm bảy cộng đoàn người Việt tại tỉnh Điện Biên gồm: Bản Phủ, Mường Ẳng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay, Chà Cang, Mường Nhé. Còn sót vài giáo điểm nhỏ đang hình thành như Nà Tấu, Núa Ngam, Mường Chà. Nay đến lượt thăm các cộng đoàn H'mông.
Cha Ngoạn không đi được với chúng tôi hôm nay, vì trong bản Huổi Thủng mới có một cái chết thương tâm. Một anh H'mông 29 tuổi, lái xe chở đất, vô ý lùi xe rớt từ độ cao 200 mét xuống vực thẳm. Cha Ngoạn phải vào dâng lễ an táng cho anh. 
Buổi sáng, từ Mường Nhé, chúng tôi đi bản Hua Sin 1, thuộc xã Nậm Vì, cách thị trấn Mường Nhé 30 cây số. Bản có 29 gia đình với 154 người, một số từ Tin Lành chuyển qua. Bà con dời đến khu định cư mới được vài năm nay. Đối với người công giáo, chính quyền đã chấp thuận cho sinh hoạt tập trung, địa điểm là một căn nhà mượn tạm, trong khi chờ làm nhà nguyện. Đây là giáo họ xa nhất của giáo phận Hưng Hóa, cùng với Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu, cả hai cách Tòa giám mục 750 cây số, nằm ở cực Tây Bắc của tổ quốc, gần A pa chải là nơi biên giới ba nước Việt-Lào-Hoa gặp nhau. Người ta thường nói vui là ở A pa chải, một con gà gáy, ba nước đều nghe.
Đời sống của bà con ở đây còn khó khăn vì mới định cư, thiếu đất canh tác, thổ nhưỡng lại xấu. Ở đây, ngoài người H'mông, còn có thêm người Hà Nhì, Si La, Dao. Si La là 1 trong 5 dân tộc ít người đúng nghĩa vì chỉ vỏn vẹn gần 1.000 người trong cả nước. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Si La sống ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) với 214 nhân khẩu.
Dọc đường, chúng tôi gặp các phụ nữ gùi củi khô về nấu bếp. Hình như lúc nào trên lưng họ đều có gánh nặng, không địu lúa, ngô, củi, thì địu con ! Thật là “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng mẹ” ! Thời bây giờ mà đun củi thì thật vất vả. Bao giờ họ mới biết đến bếp gaz, bếp điện từ ! Ở nơi heo hút thăm thẳm như xa cách thế giới văn minh này, giá mà đời sống ấm no thì không nói, đàng này gạo không đủ ăn, áo không đủ ấm, nhà ở tuềnh thoàng mà sao họ vẫn cứ bám vào, không chịu di dời xuống vùng thấp hơn mà ở ? Phải chăng do bản chất hiền lành mà họ cam phận suốt đời như vậy. Thương thay !
Trong thánh lễ hôm nay, tôi rửa tội cho 6 em bé sơ sinh H'mông. Sáu ngọn nến được thắp sáng trao cho người đỡ đầu, rồi sau đó được cắm trên bàn thờ trong suốt buổi lễ. Ước gì đời các em sẽ khá hơn đời cha mẹ. Các cha phải sửa lại số nhân danh ở Hua Sin 1 là 160 người.
Giáo dân muốn giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, nhưng không muốn phiền bà con, chúng tôi từ chối. Sau khi đã trò chuyện chán chê, chúng tôi từ giã bà con rất dễ thương ở đây để đi Chung Chải thăm 5 gia đình công giáo trẻ từ miền xuôi lên làm ăn.
Buổi chiều, chúng tôi nảy ra ý nghĩ đi A pa chải vì các người trong đoàn chưa biết đến vùng biên cương này. Tôi đã được đến đây một lần. Ở A pa chải, người ta họp chợ phiên vào các ngày 3, 13, 23 mỗi tháng. Dân chúng ba nước tập trung trao đổi, mua bán. Hôm nay không phải ngày chợ phiên nên vắng vẻ, không có người. Muốn vào khu tập trung này, người Việt phải nộp Chứng Minh Nhân Dân tại bàn giấy của Biên Phòng, lúc về thì nhận lại… Chúng tôi thơ thẩn trong khu vực buôn bán của người Hoa, hàng hóa chẳng có gì đặc biệt.
Đứng ở cột mốc biên giới số 3, chúng tôi đảo mắt nhìn về phía Trung Hoa và Lào, phía Lào thì xanh um những rừng, phía Hoa và Việt thì đỏ quạch màu đất núi. Một bản đồ qui hoạch của người Hoa cho biết từ nay đến năm 2030, khu vực này sẽ được xây dựng qui mô, sầm uất như ở Hà Khẩu, Lào Cai.
Chiều tối, chúng tôi lại dâng một thánh lễ cho bà con Mường Nhé. Cũng những khuôn mặt của ngày hôm qua, của những người dám vượt 30 cây số trong đêm tối lạnh buốt đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Mọi người đã lên kế hoạch mừng lễ Giáng Sinh. Tôi nhớ lại cách đây bốn năm, lần đầu tiên thánh lễ Giáng sinh đã được cử hành ở đây và ở Huổi Thủng. Tôi tin Chúa muốn sinh ra nơi đây như xưa đã chọn Bê lem, một nơi nghèo khổ cơ cực, để chia sẻ cuộc sống của họ. Hơn nữa, Chúa muốn sinh ra trong tâm hồn những người ở đây, họ như hoang địa khô cháy đang chờ mong mưa nguồn, họ đang khao khát Chúa. Maranatha, lạy Chúa, xin mau đến !

 
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
  Giám mục Phụ tá Hưng Hóa 
Hình ảnh trong chuyến mục vụ:

Đường vào Hua Sin 1 rất khó, trời mưa thì chịu vì nước ngập suối

Đời sống cơ cực, lấy củi khổ về đun bếp hay sưởi ấm mùa đông.

Nhà ở đơn sơ nghèo hèn

Cảnh trong nhà một người H'mông

Em bé này chưa đi học, chỉ thơ thẩn đi chơi​


Lớn hơn chút nữa thì cõng em

Lớn thêm tí nữa thì sẽ bị “kéo vợ” (Tục cưới hỏi của người H'mông: Trước đây, anh con trai mến cô gái nào thì đón đường kéo cô gái về nhà mình. Nếu ít ngày sau cô gái bằng lòng thì sẽ cưới chính thức, còn không thì phải thả cô gái. Bây giờ thì đôi bạn trẻ đã quen nhau trước rồi, việc “kéo vợ” chỉ là hình thức)

Bay lên bóng ơi, mang theo mơ ước tương lai tươi đẹp của bé nào !​


Món quà đơn sơ là kẹo mút, không bé nào từ chối cả

Thăm hỏi cộng đoàn Hua Sin 1

Bí tích Sám Hối trước khi dâng lễ

Rửa tội cho 6 em bé sơ sinh


Thắp sáng đức tin nơi các tín hữu ở miền sơn cước

Dâng lễ với cộng đoàn

Hình lưu niệm với cộng đoàn Hua Sin 1


Các chú trâu ăn no ung dung nằm nghỉ ở A pa chải

Biển chỉ đường ở A pa chải​

Bên này Việt, bên kia Hoa​

Các quầy hàng ở phần đất Hoa. Chỉ mở cửa vào 3 ngày chợ phiên

Cột mốc số 3 phân chia ranh giới Việt và Hoa.   
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log