Nhật Ký Chuyến Mục Vụ Của Đức Cha Phụ Tá Anphong Nguyễn Hữu Long Tại Tỉnh Điện Biên, Từ Ngày 24.11 - 30.11.2018 (Bài 2)
Cập nhật lúc 00:29 09/12/2018
Bài 2: LƯU HỌC XÁ ĐIỆN BIÊN
Mấy ngày vừa qua bận nhiều việc, tôi chưa kể tiếp được chuyến đi mục vụ. Hôm nay, xin giới thiệu lưu học xá Điện Biên, một mô hình mục vụ cho người H'mông. Về người H'mông thì có nhiều điều để nói lắm. Cho đến nay - không kể bên Trung Hoa - người H'mông vẫn là một dân tộc nhược tiểu, chịu nhiều thiệt thòi. Họ sống trên núi cao, ít tiếp xúc với người Kinh, với văn minh, nên thua kém về mọi mặt. Các thừa sai người Pháp khi Phúc Âm hóa cho người H'mông ở Lào, giống như cha Đắc Lộ, đã ký âm tiếng H'mông theo mẫu tự Latinh, nhờ đó mà người H'mông có cả chữ viết, trong khi các dân tộc khác ở miền Tây Bắc không có ký tự riêng. Tuy thế, cho đến nay, đa số người H'mông chỉ biết nói mà không biết đọc và viết tiếng của mình, bởi có ai dạy cho họ đâu. Nhà Nước hô hào giữ gìn bản sắc văn hóa cho người dân tộc, nhưng lại không dạy cho họ biết chữ của họ ! Tại trường, các em H'mông học tiếng Việt. Rất nhiều người bị mù cả chữ H'mông lẫn chữ Việt. Thật là một thiệt thòi lớn cho họ. Nhiều em gái chưa bao giờ được cầm cái bút, quyển vở, không biết một chữ cái nào. Khi hỏi có muốn đi học không thì các em đều gật đầu, muốn lắm mà không được, bởi vì sống trên núi cao, lại rải rác, làm sao có trường cho các em. Mẹ thì sinh năm một, nên các em ngay từ nhỏ đã phải thay mẹ trông em, hết đứa này đến đứa khác. Khi vừa 14, 15 tuổi đã lấy chồng, rồi làm mẹ, tiếp nối cái vòng xoay từ bao thế hệ. Không tương lai tươi sáng, không được hưởng thì xuân sắc. Được sai đến với người H'mông ở Điện Biên, cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn đã nghĩ đến việc mở lưu học xá để cho các em học sinh ở huyện Nậm Pồ, cách xa 200 cây số, có thể tiếp tục việc học. Mọi sự khởi đi từ những con số không to tướng: không nhà, không tiền, không người điều hành. Bây giờ, sau 2 năm, mọi sự trở thành hiện thực: có nhà - tuy chật chội - cho 60 em học sinh cấp III cả nam lẫn nữ, có 1 thầy và 3 dì đồng hành, còn tiền bạc thì cứ như từ trời rơi xuống ! Năm ngoái, sau khi tổng kết, còn dư 20.000 đồng. Tạ ơn Chúa, không bị âm là mừng rồi ! Tôi thấy em nào em nấy khuôn trang đều đặn, nét mặt tươi vui, đi đứng nhanh nhẹn, tính nết ngoan ngùy, học hành chăm chỉ. Thật cứ như một đệ tử viện hay tiểu chủng viện. Gặp khách, các em chào hỏi rất lễ phép, nụ cười luôn trên môi, hỏi là đáp, không giống như các em H'mông trong bản, gặp ai cũng chỉ đứng nhìn, nghe mà không đáp. Mới sáng sớm, các em đã sang nhà nguyện đọc kinh phụng vụ râm ran, cũng nguyện gẫm như các chú dự tu ở tòa giám mục. Sau đó về ăn sáng, rồi cắp sách đến trường. Tan học về nhà, các em cùng ăn trưa với nhau, tôi nhận xét các em rất ý tứ, nói năng nhỏ nhẹ, nhường nhịn miếng ăn, nhưng không đùn đẩy công việc tạp dịch trong nhà, em quét sân, em lau bàn, em rửa chén bát… rồi nghỉ trưa. Ban chiều, rảo qua phòng học và phòng ngủ của các em, tôi cũng ngạc nhiên vì sự ngăn nắp, sạch sẽ từ sách vở bàn ghế đến giường chiếu chăn màn, khác hẳn với quang cảnh nếp sống của người H'mông ở các bản, ở đó sao mà bẩn thỉu, bừa bãi và luộm thuộm. Tôi hỏi cha Ngoạn và các dì có ngại không khi chứa sáu chục “quả bom” trong nhà ? Chả là vì người H'mông vẫn còn tục tảo hôn. Các em này nếu không đi học và ở bản thì chắc đã có con rồi đấy. Bây giờ sống cạnh nhau suốt ngày, liệu chúng có mắc vào chuyện tình cảm yêu đương nhăng nhít không ? Cha cho biết các em đã được huấn dụ hẳn hoi, gác chuyện yêu đương sang một bên để lo học hành. Đồng hành với các em là thầy Mai và ba dì Phương, Anh, Hòa. Các dì thì ngoài việc quản lý các em nữ, còn kiêm thêm nhiệm vụ “chị nuôi” để các em có những bữa cơm ngon, thầy Mai thì điều hành tổng quát và phụ trách các em nam. Không chỉ tại Điện Biên, mà trong giáo phận Hưng Hóa còn có vài lưu xá khác: Ở Yên Bình, 3 nữ tu dòng Con Đức Bà Phù Hộ chăm sóc 40 em học sinh nữ ; ở Sapa, từ năm 2006, cha Phêrô Phạm Thanh Bình đã tổ chức lưu xá cho các em H'mông. Năm nay có 34 em gái được các sơ dòng thánh Phaolô chăm sóc trong một căn nhà khang trang, 33 em nam thì ở trong khuôn viên nhà xứ với cha, có một thầy đồng hành. Tưởng cũng nên ghi lại một số thành quả của nhà lưu xá Sapa sau 12 năm hoạt động: 30 em đã học tiếp lên Đại Học hoặc Cao Đẳng, 30 em theo các trường Trung Cấp hoặc học nghề. Đặc biệt có một chủng sinh là thầy Mã A Cả, đang học năm cuối tại đại chủng viện Hà Nội, nếu được Chúa chọn thì hai năm nữa, thầy sẽ thụ phong linh mục để phục vụ cho bà con H'mông, hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa và vài em đang theo đuổi ơn gọi tu trì. Ở Mai Sơn, 3 dì Mến Thánh Giá chăm sóc 10 nữ sinh. Các em ở đây cũng rất ngoan, gọi các dì là “mẹ”. Cha Giuse Nguyễn Tiến Liên đang làm thêm nhà để có thể nhận các em nam. Ở Hòa Bình, cha Giuse Nguyễn Trung Thoại nuôi 4 em H'mông ăn học, các em còn rất nhỏ, đang học cấp II, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ở với cha, đã có những tiến bộ đáng khen như lễ phép, ngoan ngoãn, vâng lời và chăm chỉ đạo đức, biết giúp lễ, dọn lễ, mở sách theo lịch phụng vụ. Ở Nghĩa Lộ, từ ba năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng nhận 16 em nam đến nhà xứ tiếp tục học cấp III, trong đó có 3 em đang là tu sinh của giáo phận. Xem ra còn quá ít. Đáng lẽ giáo phận phải có nhiều lưu xá hơn cho các em H'mông. Vì nhiều trở ngại. Trước hết là việc mua đất, xây nhà không dễ, tiền đã không có mà thủ tục lại rất khó. Về mặt xã hội, chính quyền không dễ chấp thuận cho mở lưu xá. Nhà xứ mà cho các em vào ở thì bất tiện. Tìm người đứng điều hành cũng khó. Được hai thuận lợi này, là giáo dân tại các nơi có lưu xá rất quảng đại, gom góp thực phẩm cho các em; và có những hội bác ái, khuyến học, kể cả ở nước ngoài, giúp học bổng cho các em. Một điều làm tôi cảm kích, đó là khi hỏi các em H'mông, nam lẫn nữ, em nào muốn đi tu, thì hầu như tất cả đều giơ tay và đáp: “Con, con”. Tôi tin các em nói thật lòng, vì nhìn vào mắt các em, tôi thấy sự chân thành, không giả tạo, như bản chất vốn có của người H'mông. Tôi khích lệ: “Giáo phận mình cần có những linh mục, tu sĩ H'mông, vì không ai loan báo Tin Mừng cho người H'mông hiệu quả bằng người H'mông. Nếu Chúa gọi thì các con đáp lại như Samuel nghe”. Các em H'mông là thế đó: đơn sơ, thật thà, dễ thương. Tôi nhớ lại một lần kia, hỏi một em giúp lễ người Kinh: “Con có thích đi tu không ?” Em trả lời liền: “Ngu sao mà đi tu” ! - “Trời đất, thế những người đi tu như cha đều ngu hết sao con ?” Các bạn đọc bài này, nếu đồng cảm với chúng tôi, thì xin giúp chúng tôi xây dựng thêm nhiều lưu xá cho các em học sinh H'mông trong giáo phận Hưng Hóa, cũng như duy trì những lưu xá đã có. Chúng tôi cần những bàn tay góp chung công cuộc này. Xin chân thành cám ơn.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Một số hình ảnh sinh hoạt của lưu học xá:
Các em đọc kinh Phụng Vụ
Dự lễ hàng ngày
Đức cha Phụ tá huấn đức cho các em
Giờ cơm trưa
Các em ăn uống rất đàng hoàng
Phụ giúp dọn đồ ăn…
… và rửa chén sau khi ăn Nội quy lưu xá
Thời gian biểu lưu xá
Giờ học riêng
Nghiêm túc học tập
Chia sẻ Lời Chúa
Các em thật dễ thương
Chuẩn bị làm huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể
Tập dượt đồng diễn
Các em hát bài "Xin Vâng" bằng chính ngôn ngữ của mình để cầu nguyện
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.