Ngày 1 (Thứ bảy 24.11.2108)
Sáng hôm nay, giáo phận Hưng Hoá cử hành lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và kết thúc thời gian toàn xá mừng 30 năm phong thánh cho 117 vị Tử Đạo. Thánh lễ rất trang trọng, qui tụ đông đảo mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, chen kín nhà thờ Chính Toà trong lẫn ngoài.
Đầu giờ chiều, tôi bắt đầu chuyến mục vụ 10 ngày ở tỉnh Điện Biên. Vì đoạn đường dài 500 cây số, nên tôi chia thành hai chặng: chiều nay, từ Sơn Tây đi Mộc Châu (200km); ngày mai, từ Mộc Châu đi Điện Biên (300km).
Chặng dừng đầu tiên là Hoà Bình. Từ xa đã thấy ngôi đền thánh Lòng Chúa Thương Xót hùng vĩ vươn cao trong màn sương mờ của tiết đông. Hai cha Giuse Nguyễn Trung Thoại và PX. Đỗ Đình Đạt vừa đi dâng lễ các họ về. Chúng tôi thăm hỏi, chuyện trò bên tách cà phê không muốn dứt, nhưng phải tạm biệt hai cha để đi tiếp.
Đến Mộc Châu thì đã gần 8 giờ tối. Ngôi nhà thờ nhỏ bé ở bên cạnh biệt sạn Mường Thanh tráng lệ hệt như một em bé thôn quê đứng bên anh Tây khổng lồ ! Cha Giuse Nguyễn Công Bình đang dâng lễ cho một cộng đoàn cũng khiêm tốn, 60 người. Lễ tối thứ bảy thường có thêm vài du khách từ xa đến trải nghiệm khí hậu mát mẻ của cao nguyên Mộc Châu, nơi nổi tiếng với món bê chao, sữa chua nếp cẩm và quả bơ ngậy béo. Ngày mai còn hai lễ nữa ở đây, một cho thiếu nhi và một cho người lớn. Cha cho biết phụ huynh ở đây đáng phục vì chịu khó chở con đến dự lễ và học giáo lý dù họ ở khá xa.
Trời Mộc Châu về đêm đã lạnh đến phải đắp chăn dầy, khiến ai cũng ngại thức dậy, chả là vì “
sáng nay lạnh, mặt trời thức dậy trễ”. Nhưng phải dậy thôi, vì đường còn dài. Horép xưa thôi thúc Êlia cất bước thế nào, thì Điện Biên hôm nay cũng vẫy gọi tôi chỗi dậy đừng chần chờ.
Dọc đường, tôi ghé thăm nhà thờ Yên Châu. Ngôi nhà thờ đang dần hoàn thiện. Khá khen cho cộng đoàn nhỏ bé chỉ hơn 100 nhân danh ở đây, họ tự lực xây ngôi nhà Chúa như những chú kiến cần mẫn đắp tổ từng ngày.
Đến nhà thờ Mai Sơn thì cha Giuse Nguyễn Tiến Liên còn đang dâng lễ cho thiếu nhi. Nhìn vào bên trong, tôi thấy cảnh tượng ấm áp, dễ thương: các em H’mông ngồi xen kẽ với các em Kinh đang mở rộng miệng ca hát, thưa kinh râm ran nhà thờ. Không muốn làm phiền cộng đoàn, tôi lên xe đi tiếp.
Thành phố Sơn La kia rồi, đang “véo cằm” (welcome) lữ khách bằng con lộ thênh thang, thẳng tắp với hàng cây hoa ban, trải dài 10 cây số dẫn vào trung tâm. Tưởng tượng vào tháng 3, khi hoa nở rộ, thành phố sẽ đẹp biết ngần nào ! Nhà cửa san sát, kiểu cách tân thời, cho thấy một thành phố giàu có và sinh động. Tiếc thay, số người có đạo và dám giữ đạo ở đây không nhiều. Cộng đoàn ở đây đang trông dài cổ tờ giấy quyết định cho thành lập giáo xứ, để mới được xây nhà thờ. Không lẽ Chúa cứ phải ẩn mặt ở thành phố sầm uất này, và chỉ được ló mặt ở những bản làng H’mông hẻo lánh trên núi như Khâu Bùm, Chiềng Ân, Huổi Một, Co Hay, Pá Khoang… ! Đến bao giờ, lạy Chúa?
Dừng xe bên ngôi nhà nguyện nhỏ bé, xú xớ ở giữa trung tâm thành phố Sơn La thì đã gần 11 giờ, lớp giáo lý thiếu nhi vừa tan. Các em đang tung tăng ra về. Tôi tặng các bé bong bóng và kẹo mút. Dù chỉ định ghé thăm thoáng chốc, rồi đi tiếp, nhưng rồi tôi không thể từ chối lời mời ân cần của cha Phêrô Nguyễn Xuân Doanh để ở lại dùng bữa ăn huynh đệ với cha và vài cộng sự viên nhiệt thành.
Đoạn đường đi tiếp từ thành phố Sơn La đến Điện Biên dài 150 cây số quanh co, khúc khuỷu. Phải vượt qua đèo Pha Đin, một trong “Tứ Đại Đèo”, của miền Tây Bắc. Những ngôi nhà sàn của người Thái ẩn hiện sau bóng cây rậm rạp bên đường. Các phụ nữ Thái cho một hình ảnh đặc thù, khi họ cỡi xe máy với mũ bảo hiểm chổng chơ trên búi “tằng cẩu”, trông rất buồn cười. Có lẽ ở đây nên gọi là mũ bảo hiểm “tằng cẩu” thay vì bảo hiểm đầu !
Xe dừng tại điểm đến là nhà thờ Điện Biên thì đồng hồ chỉ 4 giờ chiều. Đã có đông người tụ họp ở đây để xưng tội. Các em chịu phép Thêm Sức thì đã sẵn sàng. Nhiều em từ các giáo họ rất xa như Tủa Chùa, Mường Ẳng đang nao nức chờ đợi. Bữa tiệc tối nay thật nhiều món, đến độ tôi không đụng đũa hết, nhưng thật vui khi thấy các em ăn tận tình. Tôi thầm cười khi nghĩ mình cũng là một “món ăn” hơn là một cái “đinh” làm cho bữa cơm tối nay dường như thêm ngon, thêm đông.
19g30, thánh lễ mừng Chúa Kitô Vua được cử hành trọng thể trong ngôi nhà thờ nhỏ bé ở bản Noong Hẹt, xã Bản Phủ, thành phố Điện Biên. Thánh lễ tối nay qui tụ hết giáo dân của thành phố, khiến kín trong chật ngoài, và sốt sắng hẳn lên với 35 em Thêm Sức. Các em trông chững chạc, đúng với ý nghĩa của bí tích Thêm Sức, là bí tích đánh dấu sự trưởng thành về đức tin, khác với nhiều nơi trước đây, khi các em còn bé quá mà đã được Thêm Sức, để rồi từ đó thôi không học giáo lý nữa.
Hơn hai năm rưỡi qua, giờ tôi mới có dịp thăm lại cộng đoàn Điện Biên, dù cũng có đôi lần ghé thăm chớp nhoáng. Cảm tạ Chúa đã gìn giữ cộng đoàn vượt qua thời kỳ khó khăn để có được ngày hôm nay, mọi sự thông thoáng. Ba cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn, Phêrô Nguyễn Văn Hùng và Giuse Trần Văn Tuấn đã được bài sai đến đây phục vụ 2.552 giáo dân trong 11 cộng đoàn Kinh và H’mông trong tỉnh.
Điện Biên không chỉ đang đi lên về kinh tế, xã hội, dân sinh, mà cả về tôn giáo. Trên ngọn đồi ở đầu thành phố, một ngôi chùa Phật giáo rất đẹp và hùng vĩ đã hoàn thành sau nhiều năm xây dựng. Các điểm nhóm Tin Lành mọc lên như nấm sau cơn mưa. Công giáo thì khiêm tốn hơn, giống Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa tiến vào thành thánh trong ngày vinh quang, như bối cảnh của lễ Chúa Kitô Vua hôm nay. Ngài không chọn sự phô trương hoành tráng như bất cứ vua chúa nào, kể cả vua Thái và vua Mèo ngày xưa ở vùng Tây Bắc này, mà chỉ muốn là Vua của những tâm hồn khiêm nhu hiền lành, nghèo khó và đơn sơ; Ngài chả cần những ngôi nhà lộng lẫy hoành tráng mà chỉ thích những ngôi nhà nhỏ bé mà nồng nàn tin yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm Vua cõi lòng chúng con.
Trong bài tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu về lưu học xá H’mông của giáo xứ Điện Biên.