Ủy Ban Mục vụ Giáo dân Giáo phận tổ chức Tĩnh tâm và mừng lễ Thánh Quan thầy Giới Nhà Giáo Công giáo - Giáo phận Hưng Hoá, vào thứ Sáu, ngày 10/7/2015 tại Nhà thờ Nỗ Lực,
WGPHH:
Ngày 10/7/2015, Giới nhà giáo Giáo phận Hưng Hóa đã tổ chức buổi họp mặt, tĩnh tâm và mừng lễ Thánh quan thầy Gioan Lasan tại Giáo xứ Nỗ Lực (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tới dự, chia sẻ và dâng Thánh lễ đồng tế có Đức Giám mục phụ tá Anphongso Nguyễn Hữu Long, cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp, cha Giuse Phan Văn Luật, cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn. Trên 150 thầy cô giáo từ khắp các giáo xứ trong Giáo phận hiện đã nghỉ hưu hay đang giảng dạy, công tác thuộc ngành giáo dục từ cấp Mầm non đến Đại học đã về hội tụ với tinh thần phấn khởi, hồ hởi và niềm ao ước được đóng góp sức mình cho sự nghiệp gìn giữ và mở mang Nước Chúa.
Người cao tuổi nhất trong thành phần hội nghị là nhà giáo lão thành Giuse Đỗ Hàn – nguyên giáo viên Trường Trung học cơ sở Ninh Dân (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) thuộc giáo xứ Đồng Xa năm nay đã 78 tuổi. Hiện nay, Thầy Hàn vẫn là giáo lý viên hôn nhân tích cực và giàu kinh nghiệm của giáo xứ.
Mặc dù đường đất xa xôi (rất nhiều đơn vị ở tận vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh biên giới), thời tiết mùa hè khắc nghiệt, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức và tinh thần nhiệt tâm, các thầy cô giáo đã tới địa điểm tập trung rất đúng giờ quy định.
8 giờ sáng, sau khi nguyện kinh xin ơn Chúa Thánh Thần, hội nghị vui mừng đón Đức Giám mục phụ tá tới dự và giảng huấn. Với giọng nói ấm áp, truyền cảm và tâm tình cởi mở, trước tiên, Ngài nêu lên vị trí, vai trò, chức năng của công tác giáo dục nói chung và của những người trực tiếp đứng trên bục giảng nói riêng, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của người Kitô hữu. Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, đó là tình trạng tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, trong đó có không ít trường hợp thuộc ngành giáo dục mà dư luận xã hội đã lên tiếng cảnh báo như gian dối trong thi cử, nạn bằng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mua danh, bán chức...Những tiêu cực trong giáo dục thực sự là một vấn nạn lớn, bởi giáo dục là nền tảng cơ sở tạo nên nhân cách, đạo đức, tài năng con người của xã hội.
Giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà quan trọng hơn là dạy “cách làm người”. Học giả Thân Nhân Trung trong bài bia ký tại Văn miếu Quốc Tử giám (trường đại học đầu tiên cũng là nơi dựng bia ghi danh các bậc tiến sỹ nước nhà dưới các triều đại phong kiến tự chủ) từng chỉ rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Chính vì vậy mà rất nhiều nước trên thế giới đã không quản đầu tư lớn cho công tác giáo dục, đào tạo. Trước thực trạng ấy, các thầy cô mang trong mình Đức tin Kitô giáo cần phải hành động như thế nào? Điều quan trọng hàng đầu là mỗi người phải có trong mình một “Lương tâm nhà giáo”. “Lương tâm” chính là sự ngay thẳng, thánh thiện của tâm hồn, nó nằm ở cõi sâu thẳm của tâm hồn, cõi lòng mỗi người, do chính con người cụ thể đó giám sát, thẩm định. Nó ở thể trạng “vô hình” nhưng được chuyển thể thành “hữu hình” qua hành động của con người. Với thầy cô là Kitô hữu, lương tâm được thể hiện qua đạo đức nghề nghiệp: ngay thẳng, thật thà, thương yêu học trò, không vụ lợi, gian dối, dám nói thẳng, nói thật, dám tranh đấu cho chân lý, cho lẽ phải, lẽ công bằng mà không sợ thiệt thòi...Bên cạnh đó phải năng trau dồi, nâng cao kiến thức một cách thực thụ, nhất là cách “dạy làm người” theo tinh thần Giáo lý Đức Tin (thực chất là rất gần gũi, gắn bó mật thiết với giá trị truyền thống đạo đức chung của xã hội các thời đại). Tóm lại, mỗi thầy cô, dù đứng trên bục giảng hay trong cuộc sống thường ngày, phải là một mẫu gương cho học trò học tập, yêu kính; đồng nghiệp quý mến, nể phục vì chúng ta vừa là thầy đồng thời còn là một Kitô hữu nữa! Trong bài chia sẻ, Đức Giám mục đã kể ra nhiều câu chuyện sinh động mà trong cuộc đời mục vụ Ngài đã gặp, đã chứng kiến để khẳng định một điều “Lương tâm là vô giá, không có thứ tiền bạc, của cải nào mua được, uy vũ nào khuất phục được”! Lương tâm trong sáng thì việc làm cũng sáng trong, kết quả bao giờ cũng tốt đẹp!
Tiếp sau bài chia sẻ của Đức Giám mục, quý thầy cô cùng nghe Tin Mừng và dành thời gian tĩnh tâm. Cha Giuse Phan Văn Luật - đặc trách giới giáo chức – đã chia sẻ về tấm gương giáo dục của Chúa Giêsu thông qua công cuộc cứu chuộc nhân loại, đặc biệt là sự giảng dạy về Nước Chúa của Người. Theo những điều được ghi chép trong Kinh Thánh, có thể nói: Đức Giêsu là một Nhà giáo dục vĩ đại, bậc thầy của các bậc thầy mọi thời đại trong cả giảng thuyết và thực hành. Người là tấm gương của sự công chính, tình thương, bác ái, vị tha (nhất là khi giảng giải cho dân chúng), có quan điểm rõ ràng, kiên định, sáng suốt (khi đối tượng là kẻ muốn làm hại mình). Ngôn ngữ giảng dạy của Chúa kèm với những cử chỉ, hành động của Người luôn gần gũi với đời sống thường nhật, dễ hiểu, dễ lãnh nhận và làm theo. Vì thế, người giáo viên công giáo ngày nay nên tích cực đọc, nghiên cứu, tìm hiểu Kinh Thánh để có được những bài học bổ ích cho nghề nghiệp của mình qua tấm gương giáo dục, giảng dạy của Đức Kitô cũng như các môn đệ khi thực hiện sứ mạng mà Chúa giao phó: “Các con hãy đi loan báo Tin Mừng cho khắp thế gian”.
Sau phần tĩnh tâm, Hội nghị chuyển sang mục tọa đàm, trao đổi và trình bày những băn khoăn của cá nhân cũng như tập thể giới trong giáo xứ, giáo họ mình. Nhìn chung, hoạt động của Giới nhà giáo công giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thử thách về cả điều kiện chủ quan và khách quan, đặc biệt là ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung hoạt động chưa phong phú, đồng đều giữa các đơn vị. Số lượng hội viên còn hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ, thấu suốt hoặc do nhiều ngăn trở khác nhau...
Một số ý kiến nêu lên những đề nghị cụ thể để Bề trên Giáo phận nghiên cứu và tạo điều kiện thực thi như việc mở lớp đào tạo giáo lý viên ngắn ngày cho những thầy cô có điều kiện; tham quan, học hỏi kinh nghiệm những đơn vị trong, ngoài Giáo phận... Đức cha phụ tá đã vui vẻ trả lời và chia sẻ cùng anh chị em. Ngài hoan nghênh những ý kiến hết sức thẳng thắn với tinh thần xây dựng Giới và cảm thông với những khó khăn hiện tại, nhất là làm thế nào để người thầy, người cô hoàn thành tốt cả nghĩa vụ với Giáo hội, với cương vị là một Kitô hữu và xã hội, với cương vị là một công chức, viên chức Nhà nước. Một lần nữa, Ngài nhấn mạnh việc mỗi giáo viên công giáo, cho dù trong hoàn cảnh nào vẫn phải thể hiện mình là một người công chính, sống đạo đức và giỏi chuyên môn, là “người thầy ra thầy” đúng như mục tiêu của ngành giáo dục đề ra. Một Kitô hữu tốt cũng chính là một công dân tốt khiến mọi người kính phục và học tập.
Để các thầy cô có điều kiện đóng góp vào công việc rao giảng Tin Mừng và giáo dục lớp trẻ cũng như những người ngoài công giáo, Đức Giám mục hứa sẽ tạo điều kiện mở các lớp đào tạo Giáo lý viên, lớp Mục vụ truyền thông vào thời gian tới, phù hợp với điều kiện nghỉ hè của giáo viên và học sinh. Ngài cũng giới thiệu trang WEB của Giáo phận và mong mỏi sự quan tâm, cộng tác của đội ngũ thầy cô để có nhiều thông tin, hình ảnh phản ánh các mặt hoạt động của Giáo phận nói chung và Giới nhà giáo nói riêng. Thể theo nguyện vọng của hội nghị, Ngài chấp nhận tổ chức gặp mặt mừng “Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20/11” năm nay vào ngày Chúa nhật 8/11/2015 tại Trung tâm mục vụ Hà Thạch.
Từ 13 giờ, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Gioan Lasan quan thầy. Sau đó, các thành viên tiếp tục gặp gỡ, trao đổi tâm tình về những hoạt động, kinh nghiệm tổ chức, xét mình và nhận Bí tích hòa giải.
Đúng 15 giờ, Thánh lễ đồng tế mừmg Thánh Quan thầy Gioan Lasan do Đức Giám mục phụ tá chủ trì đã được cử hành trọng thể trong sự thành kính, tri ân Thiên Chúa và niềm vui phấn khởi vì kết quả tốt đẹp của buổi gặp mặt, tĩnh tâm. Trong bài giảng, Đức cha Anphong đã tóm tắt những điểm chính yếu mà Ngài đã chia sẻ trong buổi họp mặt buổi sáng, đồng thời mong mỏi quý thầy cô giáo trong giáo phận nhà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành với các hội đoàn khác trong mọi hoạt động để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung là giữ gìn và mở mang Nước Chúa, nhất là khi tỷ lệ giáo dân so với dân số đất nước hiện nay còn rất khiêm tốn. Ngài đề nghị mọi người luôn cầu nguyện và noi gương vị quan thầy là Thánh Gioan Lasan để mọi công việc cụ thể của mình đạt được nhiều thành quả hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
Kết thúc Thánh lễ, một vị đại diện Giới đã chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đức cha, các cha, sự giúp đỡ của Cha Quản xứ, Ban hành giáo giáo họ Nỗ Lực, các thành viên và dâng tặng Đức cha bó hoa tươi thắm trong những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Thật cảm động, sau khi nhận hoa và nói lời cảm ơn, Đức cha dừng lại giây lát nhìn lướt qua từng hàng ghế như tìm kiếm ai đó. Rồi Ngài lên tiếng: “Vừa rồi tôi có đi làm mục vụ ở một số tỉnh miền núi và có qua vùng Bát Xát. Tôi thấy đồng bào những nơi này gặp vô vàn khó khăn, thử thách cả về đạo, cả về đời nhưng vẫn kiên trì giữ vững Đức tin. Chính vì vậy, chỉ trong một số tiếng đồng hồ cho phép, Đoàn mục vụ phải cùng nhau tiến hành hầu hết các Phép Bí tích cho bà con (có lẽ chỉ trừ Phép Truyền chức thánh mà thôi) bởi vì đã rất lâu rồi, giáo dân ở đây không có điều kiện lĩnh nhận. Nay tôi muốn tặng bó hoa này cho các nhà giáo ở Bát Xát”! Những tràng vỗ tay vang dậy cả nhà thờ khi đoàn giáo viên đại diện của đơn vị Lào Cai tiến lên cung thánh nhận hoa của Đức Giám mục và chụp ảnh chung với Ngài. Tiếp đó, Ngài còn tặng mỗi thầy cô và đại biểu một bức hình chụp chung với Đức Thánh Cha Phanxico tại Roma làm quà lưu niệm.
Kim đồng hồ đã chỉ qua con số 4 giờ chiều. Chặng đường 400 - 500 km còn chờ ở phía trước nhưng không một ai muốn ra về. Tất cả đều lui lại để chụp hình chung với Đức cha, các cha và đồng nghiệp. Những hình ảnh ấy tác giả bài này đã ghi lại và ước mong chuyển tải hết lên trang mạng của giáo phận để lưu mãi sự kiện đáng nhớ này!
Một số hinh ảnh buổi gặp mặt, tĩnh tâm và Thánh lễ
Ga. Hoan (Ban MVTTGP)