Thứ hai, 23/12/2024

Lễ khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Lâm - giáo xứ Phù Lao

Cập nhật lúc 17:07 28/11/2013

Sáng ngày 19 tháng 11 năm 2013, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, chủ tế Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Lâm; cùng đồng tế có Cha Tổng đại diện giáo phận Hưng Hóa, Cha Đại diện giám mục tỉnh Phú Thọ, quý Cha thuộc giáo hạt Tây Nam Phú Thọ, quý Cha trong giáo phận.

Đúng 8g00 đoàn đồng tế tiến ra lễ đài trước sự hiện diện của đông số giao dân trong và ngoài giáo xứ, đại diện Chính quyền tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Thủy, thị trấn Thanh Thủy, đại diện tôn giáo bạn, quý Thầy, quý Dì, quý Hôi đồng giáo xứ, quý Ban hành giáo, một số doanh nghiệp, ân nhân…

 Sau khi mời an tọa, một đại diện giáo xứ đọc lược sử giáo họ và nêu lên những lý do chính đáng trong việc xây dựng lại ngôi nhà thờ mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của giáo dân họ Thanh Lâm. Cha chủ tịch UB Phụng tự giáo phận đọc văn thư cho phép xây dựng nhà thờ Thanh Lâm do Đức Giám mục giáo phận ấn ký ngày 19/11/2013.

 Mở đầu thánh lễ, Đức cha chủ tế nêu lên ý nghĩa việc xây dựng ngôi nhà thờ, không chỉ là nơi thờ tự của người Công giáo, mà còn là công trình văn hóa của địa phương, nơi mà ngôi nhà thờ tọa lạc.

 Sau đó Đức cha làm phép diện tích xây dựng nhà thờ, làm phép “viên đá góc”. Chính Ngài trực tiếp đặt viên đá đó tại hố móng góc bên phải phía đầu nhà thờ. Đây là một nghi thức đầy ý nghĩa linh thánh được đề cập trong Thánh kinh về “viên đá góc” là chính Đức Ki-tô xây dựng tòa nhà Giáo Hội; và ý nghĩa trần thế là chính thức khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Lâm.

 Trong giảng lễ, Đức cha giải thích Thánh lễ  diễn ra tại nhà thờ là việc tế Trời, con người tham dự là để báo hiếu Trời. Thánh lễ có hai phần, phần thứ I là phụng vụ Lời Chúa và phần thứ II là phụng vụ Thánh Thể.

 Phần thứ I: Cộng đoàn nghe các bài đọc được trích trong Thánh kinh Cựu ước, là chính Lời của Thiên Chúa mạc khải cho các ngôn sứ còn gọi là các Thánh hiền; và Tân ước là chính lời của Đức Ki-tô đã trực tiếp giảng dạy con người.

 Bài đọc 1 nhắc nhớ sự kiện dân Do Thái từ nơi lưu đày là Ba-by-lon trở về hăng hái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem; bài đọc 2 Thánh Phao-lô nhắc nhở người tín hữu cần quan tâm đặc biệt lo xây dựng đền thờ tâm hồn mình bằng việc sống yêu thương và tôn trọng sự thật; Bài đọc 3 sách Tin Mừng nói đến cuộc đối thoại giữa Đức Ki-tô và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cop, Ngài nói rõ đã đến lúc con người không chỉ tôn thờ Thiên Chúa trên núi cao hay trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, mà là trong tinh thần và chân lý.

 Xây dựng con người trong tinh thần yêu thương và tôn trọng sự thật, đó chính là cốt cách phổ quát nhất, là tiếng nói chung nhất cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, đồng thuận, hòa bình. Trái lại, nếu như con người chỉ lo củng cố tự ái sắc tộc, tự ái đảng phái sẽ là nguyên nhân đưa đến mâu thuẫn, bạo lực và bất ổn.

 Phần thứ II: Nghi thức của các tôn giáo đều dùng vật phẩm làm lễ vật để tế lễ. Người Công giáo thay vì mang theo vật phẩm, họ dâng tiền mặt với giá trị 1% thành quả của lao công khổ nhọc trong ngày trong tuần đến để tế lễ Thiên Chúa, để tỏ lòng biết ơn Chúa, ơn Trời đã ban cho mình sức khỏe, trí tuệ, thời tiết thuận hòa và nhiều điều kiện cần thiết khác, làm ra của cải nuôi sống mình.

 Vì thế, nhà thờ là điểm hẹn, chủ nhật là ngày hẹn con người đến để tế Trời và gặp gỡ nhau. Dù tin hay không, con người đều đếm ngày trong tuần là: Chủ nhật, thứ hai, thứ ba… chứ không đếm là: thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Vì thế ngày chủ nhật, ngày của Chúa, con người được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả, để có thời gian thực hiện bổn phận báo hiếu Trời. Nhà thờ cũng vậy, không chỉ riêng cho người Công giáo, mà cho tất cả những ai muốn đến đây để thờ Chúa, để báo hiếu Trời.

 Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông trưởng ban hành giáo họ Thanh Lâm đọc lời cám ơn Đức cha, quý Cha, quý đại biểu và cộng đoàn.

 Được biết, giáo họ Thanh Lâm thuộc giáo xứ Phù Lao, hạt Tây Nam Phú Thọ, địa chỉ hành chính: Khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, đã được hình thành từ thời vua Tự Đức.

 Năm 1870, để lánh cuộc bách hại khủng khiếp của nhà vua, có 4 gia đình là ông Thuê, ông Năm, ông Toán, ông Nhung từ xã Thạch Đà, Mê Linh, Phúc Yên lên định cư nơi đây, sinh hoạt tôn giáo với nhà thờ Phù Lao khi đó thuộc xứ Đức Phong. Năm 1895 Hoàng Xá thành chính xứ, Thành Lâm là họ giáo trực thuộc phiên xứ Phù Lao.

 Số giáo dân thống kê năm 1932 có 140 nhân danh, năm 1994 có 636 nhân danh, và đến nay có 836 nhân danh.

 Về nhà thờ họ giáo đã nhiều lần thay đổi, vì làm bằng vật liệu tre gỗ lá, chóng hư hỏng và đến năm 1957 mới di chuyển chính thức đến vị trí hiện nay. Ngôi nhà thờ cuối cùng là nhà thờ thứ 5, gồm 8 gian bị xuống cấp và quá tải, nên Đức Cha Gioan Vũ Tất đã cho phép xây dựng nhà thờ mới với các loại vật liệu xây dựng bền chắc hơn.

 Xin Chúa ban mọi ơn lành để ngôi nhà thờ được xây dựng an toàn, nhanh chóng và giá thành tiết kiệm hợp lý, nhờ sự hảo tâm đóng góp của nhiều ân nhân gần xa.

Sau đây là một số hình ảnh trong thánh lễ.

 



Viên đá góc tường





Cộng đoàn tham dự thánh lễ

 

 

 Gioan B. Toản

 

 

 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log