Chúa nhật, 24/11/2024

Hành Trình Mục Vụ Tại Tỉnh Lai Châu Ngày Thứ Bốn (25.11.2015): Nậm Nhùn

Cập nhật lúc 10:51 28/11/2015
Đây là chuyến mục vụ thứ hai trong năm nay tại tỉnh Lai Châu (chuyến đầu vào tháng 3), nhằm mục đích thăm viếng và khích lệ lòng tin của các cộng đoàn ở những nơi xa xôi nhất của giáo phận, đồng thời cũng để trao đổi với chính quyền địa phương về vấn đề sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân.
Sau một đêm ngủ ngon lành, có lẽ vì mệt mỏi thể lý lẫn tâm lý, chúng tôi lấy lại sức khỏe, để tiếp tục cuộc hành trình mục vụ. Giây phút chia tay thật cảm động. Chúng tôi rưng rưng khi nghe anh em nói : “Xin đức cha và các cha đừng bỏ chúng con”. Thật lòng, chúng tôi hứa sẽ không quên anh chị em giáo dân Mường Tè, nơi xa xôi nhất của giáo phận, và sẽ cố gắng để lo liệu phần đạo cho anh chị em.
Hôm nay chúng tôi đi Nậm Nhùn, một huyện mới lập vào năm 2012, tách ra từ huyện Mường Tè và Sìn Hồ cũ, diện tích 1.388 km2, dân số 26.000 người.
Để đến Nậm Nhùn, chúng tôi phải theo con đường cũ. Đường đi quanh co khúc khuỷu, nhiều đoạn nguy hiểm dễ sợ, lơ đễnh là có thể lao xuống vực sâu hun hút. Đứng trên cao nhìn xuống, chúng tôi cảm nghiệm được lời cầu nguyện tha thiết : “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con…” (Tv 130,1). Ngang đỉnh đèo, chúng tôi còn bị mây giăng lối mịt mờ, cách 10 mét không còn thấy chi nữa, xe phải đi thật chậm.
Trải mấy chục cây số mà hầu như không thấy một bóng nhà, chỉ toàn rừng núi hoang vu. Chúng tôi kể cho nhau nghe câu chuyện dí dỏm về đức tổng Leopoldo Girelli. Trong chuyến thăm Mường Tè năm 2013, dọc đường ngài hỏi tên đó có nghĩa gì. Đức cha Vũ Tất giải thích bằng câu đối dân gian : “Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa, chàng trai Mường Tè dưới gốc cây” ! Vừa thi vị vừa hài hước, vì miêu tả một cô thiếu nữ H’Mông ngồi sưởi bên bếp lửa ấm áp trong nhà, bên ngoài một chàng thanh niên Mường Tè đứng trồng cây si bất chấp gió lạnh. Thế nhưng từ “hơ mông” và “tè” lại khiến người nghe phải bật cười vì tưởng tượng một hình ảnh khác, lời thanh ý tục. Đang đi, đức tổng nói nhỏ với đức cha Tất : “Tôi muốn đi toilette”. Đức cha Tất đáp : “Có ngay”, và bảo xe dừng lại bên đường. Rồi ngài mời đức tổng xuống. Không thấy có nhà vệ sinh nào, đức tổng hỏi, thì được chỉ vào các gốc cây : “Đó là nhà toilette”. Và sau một thoáng ngần ngại theo phong cách người tây phương, cuối cùng ngài đành trở thành một “chàng trai Mường tè dưới gốc cây” ! Lên xe, ngài còn nói đùa : “Mát như có máy điều hòa”.
Đến Nậm Nhùn đã 11 giờ trưa, trễ một tiếng đồng hồ cuộc hẹn với Ủy ban huyện, vì vừa ra khỏi Mường Tè, chúng tôi phải chờ hơn nửa tiếng mới thông đường, do mưa lũ sạt lở. Ông phó chủ tịch huyện trẻ trung, nhanh nhẹn và hiền lành tỏ ra thông cảm với sự trễ hẹn của chúng tôi.
Ông cho biết ở huyện Nậm Nhùn, cho đến nay chỉ có một tôn giáo hoạt động, là đạo Tin Lành, với 7.000 tín đồ người H’Mông trong tổng số 26.000 dân cư, khiến chúng tôi ngạc nhiên. Còn người công giáo chỉ độ vài chục người, tất cả đều từ đồng bằng lên lập nghiệp. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thoải mái, vui vẻ, khác với cuộc gặp gỡ ở Mường Tè hôm qua.
Trong bữa cơm trưa tại nhà anh chị Thông Hiền, có anh Duy, anh Cường… là những người công giáo ở thị trấn, chúng tôi được biết đời sống kinh tế của bà con khá ổn định, còn đời sống đức tin thì thiếu thốn. Muốn dự thánh lễ, họ phải về quê, hoặc đi Sapa hay Lai Châu. Thật là đáng thương.   
Thánh lễ được cử hành tại nhà anh Duy, có nghi thức rửa tội cho con trai mới sinh của anh. Có lẽ ít khi thấy cảnh tượng này : một giám mục và bốn linh mục đồng tế thánh lễ với sự tham dự vỏn vẹn của 10 giáo dân ! Không hề chi, vì một hạt cải đã được gieo vào lòng đất Nậm Nhùn hôm nay, để mai ngày sẽ trở thành một cây cải to lớn, chim trời có thể đến núp dưới bóng nó. Anh em H’Mông còn theo đạo Tin Lành được 7.000, thì có thể có vài ngàn theo đạo Công giáo, nếu chúng ta nhiệt thành đem Tin Mừng đến cho họ. Hiện tượng này làm chúng ta phải suy nghĩ : Tại sao trong cùng một tình huống mà đạo Tin Lành phát triển mạnh mẽ, còn đạo Công giáo dậm chân tại chỗ, hoặc tệ hơn, thụt lùi. Ở miền Bắc nói chung và tại giáo phận Hưng Hóa nói riêng, sau mấy chục năm sống dưới chế độ, tôn giáo bị hạn chế, số những tín hữu bỏ đạo, mất đức tin, hay thờ ơ không phải là ít ! Nghe kể rằng có những tín hữu khi còn là Công Giáo thì lơ là nguội lạnh, nhưng khi theo Tin Lành thì lại nhiệt thành xác tín. Tại sao vậy ?
Chúng tôi về đến San Thàng thì trời đã tối. Chuông nhà nguyện vang lên báo hiệu giờ kinh. Lác đác có khoảng một chục người đến nhà thờ đọc kinh. Tôi tự hỏi : Có bao nhiêu gia đình công giáo tối nay biết đến trước bàn thờ trong nhà mình để dâng lời tạ ơn Chúa về một ngày đã qua ? Đấy mới thật là đức tin sống (cf. Gc 2,7). Thật đáng tiếc nếu những anh chị em của tôi ở những nơi không có linh mục bên cạnh, không có nhà nguyện và cử hành phụng vụ để nuôi dưỡng đức tin, lại thiếu nốt những buổi cầu nguyện trong gia đình, vốn gọi là một “Giáo Hội thu nhỏ”… như thế làm sao đức tin lớn lên, sống động và mạnh mẽ được !     


Lưu luyến với cộng đoàn Mường Tè


Chênh vênh...





Gặp gỡ lãnh đạo huyện Nậm Nhùn tại UBND huyện


Thánh lễ với nghi thức Rửa tội cho con trai anh chị Duy Hằng tại tư gia




Mục vụ thăm viếng...

Cộng đoàn nhỏ bé Nậm Nhùn trước giờ chia tay
BTT GPHH
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log