Cùng với toàn thể Giáo hội, giáo xứ Sơn Tây hôm nay hân hoan tung hô Con Vua Đavit và đón rước Người vào thành thánh.
Một ngày đẹp trời, Đức cha Gioan Maria, giám mục Giáo phận và các linh mục ở TGM trong lễ phục đỏ, cùng các thành phần dân Chúa trong ngoài giáo xứ cử hành trọng thể lễ kỷ niệm dân Do Thái xưa đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem.
Sau nghi thức làm phép lá, Đức cha cùng đoàn đồng tế, các tu sĩ nam nữ và rất đông giáo dân dương cao nhành lá “ôliu” hát vang những lời chúc tụng Con Vua Đavít và tiến vào nhà thờ.
Có ai đó như người trong cuộc năm xưa liên tưởng suy tư: “ Đức Kitô đã kích thích tình yêu của nhân loại bằng cái chết của mình. Người đã làm tất cả những gì phải làm để được yêu. Người đáng được ta yêu mến. Người là đối tượng của tình yêu.” ( Thánh Bênađô)
Cứ mỗi năm mùa Chay, lễ Lá đến, trong chúng ta ai nấy đều dội lên những tình cảm buồn thương trước cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Đã bao lần chúng ta nghe đọc bài thương khó, nhưng có khi nào chúng ta cảm nhận được tình thương yêu bao la của Đức Giêsu khiến Người phải chịu khổ đau như thế vì chúng ta không?
Vâng, tại sao Đức Giêsu phải chết và chết trên thập giá? Vì đến trong xác thịt của chúng ta, chịu khổ đau trong một hình hài con người, nên Đấng Cứu thế đã chịu các cực hình, mà cực hình đó người ta thường dành cho những kẻ nô lệ và phản loạn. Trước đây, Người đã tiên báo điều này nhưng không ai hiểu. Ngay cả khi thập giá đã được dựng lên cao cũng chỉ vài người trung tín có đủ can đảm đến gần mà xem.
Những thắc mắc, những ngỡ ngàng của chúng ta, vượt qua biến cố Núi Sọ
đã chạm đến một điều không thể đo lường, không thể dự kiến: Đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giêsu có thể sống trên trần gian một cuộc đời hoàn toàn khác. Cuộc đời mà Người đã chọn là sống tình huynh đệ với những người nghèo khó nhất.
Bài tường thuật của Phúc âm nặng nề do sự im lặng và cô đơn bi thảm, nhưng Đức Giêsu đã chu toàn sứ mệnh của mình một cách hoàn toàn có ý thức và tự do. Và hôm nay phiên tòa xử án Đức Giêsu, một phiên tòa giả tạo và hời hợt. Mọi vấn đề được thông qua thật nhanh vì đám đông hay đổi ý, và những người tố cáo lại không đáng tin. Ông Philatô chẳng tin họ chút nào. Đức Giêsu chết một cách đau đớn vì bị đặt vào hàng những tội phạm. Người đã “vác thập giá của chúng ta” không phải Người không thể tránh được cái chết. Nhưng Người đón nhận cái chết và làm cho nó thua cuộc. Người là Thiên Chúa, nhưng đã làm người. Người là Đấng Thánh nhưng tự ý xếp mình vào hàng kẻ tội lỗi. Người là Chúa Con, Con Một nhưng đã trở nên Anh Cả của mọi người, mọi thời đại, mọi hoàn cảnh.
Nhờ Người, vị Thiên Chúa phó mình, mà vận mệnh chúng ta được hé mở. Nhờ Người mà con người được cứu thoát. Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng được sai phái. Người mở cửa đi vào sự sống. Người là “Cửa” để chúng ta được tự do, “Cửa Thánh” của lòng khoan dung Thiên Chúa. Nhờ Người mà dòng nước của lòng xót thương vô biên và của ơn cứu độ nhân loại đã tuôn trào.
Khi nghe đọc về cuộc khổ nạn, khi suy niệm một mình, ta không nên chỉ dừng lại mức độ nhạy cảm và khổ đau của con người. Ta hãy để cho tâm tình thờ phượng cảm tạ hồng ân cuốn hút chính ta đi, và trong tâm tình tin yêu cùng tuyên xưng: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”.
Trong suốt dòng lịch sử, chúng ta vẫn thường thấy những nghịch cảnh đau lòng: hôm qua, hôm nay và có lẽ cả mai ngày, bạn, tôi, chúng ta vừa hùng hồn vang lời tung hô vạn tuế và cũng chính chúng ta dơ tay đả đảo, đấu tố Đức Giêsu, Người đã hết lòng, hết tâm tình yêu chúng ta, khi chúng ta cố tình phạm tội.
Một ngày lễ rất nhiều cảm xúc, rất nhiều tâm tình cho một Tuần Thánh, cho một cuộc Phục sinh. Chúa Phục sinh luôn ở với chúng ta!