WGPHH - Thứ Ba ngày 30.8.2016, giáo xứ Phố Lu tổ chức thường huấn tháng 8 cho Ban hành giáo (BHG), Giáo lý viên (GLV), Thừa tác viên (TTV) và anh chị trưởng Legio. Theo sự sắp xếp của giáo xứ, dịp này giáo họ Phong Niên đăng cai thường huấn. Số lượng tham dự được hơn 40 người.
Sau khi tách Phong Hải sinh hoạt riêng, vì lý do địa lý, giáo họ Phong Niên có 200 giáo dân, phần đa là người gốc Hải Phòng. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nghèo và chân chất nhưng sống đạo khá thuần túy. Trình độ dân trí ở mức khiêm tốn. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có nhà thờ và mới chỉ có nhà nguyện tạm thời. Giáo họ Phong Niên mới được thành lập được 3 năm và có đội ngũ tông đồ giáo dân tương đối tốt, nhất là thành phần trẻ. Vì còn thiếu linh mục nên mỗi tuần giáo họ có hai Thánh lễ vào thứ Năm và Chúa nhật. Con số tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật tương đối cao.
Cũng vì hoàn cảnh nhiều năm không có nhà thờ và linh mục, việc sinh hoạt tôn giáo chỉ nằm trong phạm vi gia đình nên sự hiểu biết sâu về đức tin và phụng vụ hầu như không được bao nhiêu. Nhận diện cách rõ ràng như vậy, quý cha trong giáo xứ muốn bổ túc cho giáo dân, nhất là những người có trách nhiệm trong cộng đoàn, về hai phương diện đức tin và phụng vụ. Thể nào là tin và tin dựa vào cơ sở nào? Còn về phụng vụ, Phụng vụ là gì? Ai là chủ thể việc cử hành phụng vụ?
Để trả lời cho những vấn nạn trên, cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, kiêm nhiệm giáo xứ Phố Lu, đã chọn một số cuốn sách làm giáo trình. Về giáo lý, cuốn sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo in năm 1996 làm sách hướng dẫn chính. Về phụng vụ, cuốn Phụng Vụ Tổng Quát của linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ làm giáo trình. Tuy những cuốn sách này có nhiều từ ngữ chuyên môn nhưng được các cha cắt nghĩa bằng những từ ngữ đơn giản cho giáo dân dễ hiểu.
Công Đồng Vatican II xác định bản chất của phụng vụ như sau: “Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người” (PV 7).
Khi được hỏi về chủ thể chính yếu cử hành phụng vụ thì tất cả mọi người đều trả lời đó là linh mục. Một sự sai sót cơ cơ bản nhưng cũng dễ hiểu vì người ta chỉ nhìn thấy linh mục thôi! Cha xứ Giuse giải thích và trích dẫn: “Có hai chủ thể chính yếu của cử hành phụng vụ là Chúa Kitô và Giáo Hội. Hai chủ thể này không thể tách rời nhau”. (Phụng vụ Tổng Quát – Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ). Đây là khái niệm rất quan trọng trong phụng vụ, bởi linh mục làm gì trong phụng vụ cũng là đại diện Chúa Kitô, làm chính công việc Chúa Kitô làm và nhân danh Giáo Hội. Vì thế, linh mục không được phép nhân danh mình và nhân danh một nhóm người nào, bởi linh mục thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội.
Buổi sáng trôi qua với biết bao niềm vui của sự gặp gỡ và chia sẻ. Anh chị em lại được dùng cơm trưa với nhau trong tình huynh đệ của con cái Chúa. Tiếng nói tiếng cười làm át đi những mệt mỏi của buổi học, của đường xá xa xôi và gánh nặng của cuộc đời.
Sau các giờ giáo lý và phụng vụ, cơm trưa và nghỉ ngơi, giờ giáo lý sư phạm dành cho các thầy cô giáo lý viên vào buổi chiều cũng thêm phần sinh động, bởi trước khi các thầy cô giáo dạy cho các em thì lên lớp thực tập trước đối với những người lớn để chính họ góp ý và sửa chữa. Hơn nữa, dụ ý của quý cha là muốn cho chính các ông BHG, GLV, TTV và anh chị trưởng Legio cũng tham gia vào công cuộc đào tạo giới trẻ trong giáo họ của mình. Tuy có nhiều bài vở lên lớp nhưng cha xứ vẫn muốn có những thời gian để mọi người hồi tâm và xưng tội và đón nhận Chúa sốt sáng qua Thánh lễ.
Đúng 16g00, Thánh lễ tạ ơn được cử hành do hai cha xứ và cha phó để cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, cách riêng cầu nguyện cho các linh hồn là thân nhân đã qua đời của BHG, GLV, TTV và anh chị trưởng Legio. Đây cũng có thể nói đó là “quyền lợi” dành cho những người tham gia trực tiếp vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Cha xứ Giuse đã chia sẻ và động viên tất cả mọi người tham gia vào công tác truyền giáo vì Giáo Hội là truyền giáo. Nhưng chúng ta cần truyền giáo như thể nào? Chúng ta cần bắt đầu từ cuộc sống của từng người Công giáo, từng gia đình Công giáo. Có biết bao nhiêu người thân của chúng ta đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà không sống Đạo vì lý do này hay lý do khác. Chúng ta cần tiếp xúc, động viên và hướng dẫn họ trở về với Thiên Chúa.
Buổi thường huấn diễn ra tốt đẹp trong niềm vui của Chúa. Mỗi người ra về và hẹn nhau tháng sau gặp lại. “Thánh lễ đã hết chúng con ra về. Ra đi chung xây cuộc đời bác ái. Xin tạ ơn Chúa muôn đời. Chúng con xin tạ ơn Chúa muôn đời...”.