Theo đề nghị của một số Đức cha, ĐGM Giáo phận Nha trang - Giuse Võ Đức Minh đã có thư trình bày cho HĐGMVN trong Khóa họp tháng 4/2014, về dự kiến tổ chức Khóa bồi dưỡng cho các Linh mục phục vụ công việc Tư pháp của các Giáo phận, cách riêng về Tòa án Hôn phối Giáo phận.
Đến tháng 5, Đức cha Giuse gởi văn thư đến các Giám mục về nội dung chương trình của Khóa bồi dưỡng và mong quý Giáo phận gửi các Linh mục liên hệ đến tham dự.
Thời gian: từ ngày 21-25/7/2014.
Chủ đề: Hôn nhân vô hiệu: Thủ tục và án lý.
Từ ngày 21/7, quý cha từ Cao nguyên đại ngàn, từ miền Tây sông nước và xa xôi mãi tận Lạng sơn đã tề tựu về Nha Trang. Ban tổ chức đã ân cần tiếp đón từ sân bay Cam ranh. Tòa Giám Mục Nha Trang có khuôn viên rộng rãi, với 3 dãy nhà hình chữ U cao 5 tầng hướng về biển tuyệt đẹp. Đứng nơi các tầng lầu nhìn qua Vinpearl khu du lịch nổi tiếng của thành phổ biển. Từ khuôn viên TGM băng qua đường Trần Phú là bãi tắm cát mịn, nước mát trong xanh, sóng nhẹ biển êm giữa trung tâm thành phố.
Có 70 linh mục từ 19 Giáo phận thuộc 3 Giáo tỉnh đã đến tham dự khóa tu nghiệp tòa án hôn phối.
Thánh lễ khai mạc Khoá tu nghiệp được cử hành lúc 5g00 sáng thứ Ba do Đức cha Giuse Võ Đức Minh chủ sự. Trong phần chia sẻ nhân ngày lễ kính thánh Maria Mađalêna, Đức cha đề cập đến hồng ân đức tin mà Maria đã lãnh nhận. Maria Mađalêna đã lần đi trong đêm tối của đức tin nhưng đã được Chúa soi đường mở lối và Maria đã đổi đời, từ một con người tội lỗi trở thành vị thánh. Chúa đã đến với Maria hơn là Maria đã đến với Chúa, Chúa đã ban ơn đức tin hơn là tự thân Maria tin vào Chúa… Chúa cũng yêu thương chúng ta, đã đi bước trước đến với chúng ta mặc dù chúng ta tội lỗi, có nhiều bất xứng…
Thánh lễ ngày khai mạc cũng như các ngày khác trong Khoá tu nghiệp Toà án hôn phối có sự tham dự của 225 Nữ tu thuộc 9 Hội dòng và Tu hội đang theo học Khoá bồi dưỡng Thần học năm 2014 tại Toà Giám Mục Nha Trang từ ngày 1 đến 31/7/2014.
Khởi đầu những ngày chia sẻ và học hỏi, Đức cha Giuse đã hiện diện và ban huấn từ khai mạc. Ngài đề cập đến bí tích Hôn phối là bí tích cao quý mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập: “
Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”. Ngài nhắn nhủ các tham dự viên: việc quy tụ nơi đây không phải là tìm cách tháo gỡ những gì Thiên Chúa đã liên kết, nhưng tìm cách giúp cho đời sống hôn nhân thêm phong phú và trong sáng, theo đúng ý định của Thiên Chúa, ngõ hầu mang lại hạnh phúc cho con người, nhất là những người nghèo, những người cô thân cô thế, những người bị thiệt thòi trong đời sống gia đình.
Đức cha Giuse gọi các linh mục làm việc tại các tòa án hôn phối là “những mục tử làm công việc mục vụ đặc biệt”. Công việc của anh em làm là công việc mục vụ mà từ trước đến nay ít người làm. Một phần là thiếu những điều kiện hay thậm chí thiếu khả năng. Vì vậy người ta nhìn công việc đại diện tư pháp hay tòa án hôn phối như một cái gì quá chuyên biệt, quá lý thuyết, không có liệt kê vào lãnh vực mục vụ. Đó là một công việc mục vụ vô cùng cao cả. Bởi vì quá khó cho nên người ta ngại, mà khi ngại, thì đứng xa và nhìn với thái độ “kính nhi viễn chi”, đứng từ xa mà nhìn thôi.
Hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, công trình của yêu thương và thánh thiện, chính Thiên Chúa đã muốn điều đó. Rồi Chúa Giêsu lại nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô nói rất rõ: Như Chúa Kitô yêu thương Hội thánh, thì người chồng yêu thương người vợ như vậy. Sự gắn bó không chia lìa giữa Chúa Kitô và Hội thánh là hình ảnh, là mô hình thật sự của hôn nhân Kitô giáo. Hôn nhân là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, công trình của yêu thương và thánh thiện. Thiên Chúa luôn chúc lành: Hãy sinh sôi nảy nở để tiếp nối tình yêu thương, tiếp nối sự sống, tiếp nối sự sáng là chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu trong hai đoạn Phúc âm (Mt 5,32 ; 19,9) đã nói về gia đình. Ngài khẳng định: gia đình không có phân ly. Đó là ý của Thiên Chúa và đó là Bí tích mà Chúa Giêsu thiết lập trong Giáo hội. Hôn nhân gia đình, chương trình sáng tạo của Thiên Chúa khôn ngoan và thánh thiện.
Nhưng Chúa Giêsu lại nói, ngoại trừ nố trong (Mt 5,32 ; 19,9) viết bằng tiếng Hy lạp thì rõ ràng hơn :
Porneia. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là:
“ngoại trừ nố dâm bôn”, không ai hiểu bao nhiêu. Phụng vụ giờ kinh lại dịch:
“ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp”. Các chú giải kinh thánh và các chú giải thần học luân lý đều nói rằng câu này quá khó. Mỗi chữ ai cũng hiểu nhưng dịch nó làm sao, không đồng điệu với nhau. Bên Giáo hội Chính Thống giáo dịch
Porneia là:
“ngoại trừ ngoại tình”, vì thế ai ngoại tình thì được ly dị. Nhưng các giáo hội khác lại nói
Porneia không thể dịch là ngoại tình được. Tôi xin được chú giải câu này một chút.
Porneia do tiếng
Poner là cô điếm, và đó có thể là lý do mà cha Thuấn dịch là
dâm bôn. Tôi kính trọng mọi người ngay cả những người phải sống bằng nghề đó, nhưng mà khi gọi là điếm thì nó không có tự do. Mục đích không phải tình thương, mà mục đích là để có tiền và hưởng lạc, và phải làm bộ là thương, yêu, gắn bó, giả hình, bị áp lực... và từ đó
Porneia là cái nố mà nếu người đàn ông và người đàn bà sống với nhau không có tự do, không thành thật, giả hình, bị áp lực bằng nhiều phương thế, thì Chúa Giêsu nói cuộc hôn nhân giữa người nam và người nữ khi đã kết ước rồi thì vĩnh viễn không có ly dị, ngoại trừ cái nố không rõ ràng, đánh lừa, gian xảo, áp lực... Cho nên chú giải chữ
Porneia theo ý nghĩa đó. Và từ ngữ này, tôi không dám coi chú giải của tôi là đúng hoàn toàn, tại vì truyền thống của Giáo hội hơn 2000 năm nay chưa ai dám nói rằng
Porneia nghĩa là gì trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Chính Thống giáo nói đó là ngoại tình, hay bản dịch
dâm bôn như bản dịch Cha Thuấn dịch, hay là
Hôn nhân bất hợp pháp, bản dịch (TOB) cũng dịch là
Hôn nhân bất hợp pháp... nhưng chữ
Porneia giúp cho mình thấy đó không phải là hôn nhân theo ý của Chúa Giêsu và theo ý của Thiên Chúa.
Đức cha Giuse cũng căn dặn: anh em làm việc tòa án hôn phối là chạm tới những điều liên quan tới ý của Thiên Chúa, và việc thiết lập bí tích hôn nhân trong cái nhìn của Chúa Giêsu: “Bất khả phân ly”, ngoại trừ cái nố
Porneia. Rồi anh em lại chạm tới những điều liên quan tới truyền thống của Giáo hội Công giáo chúng ta. Do đó, tôi xin anh em hiểu cho đúng khóa tu nghiệp này không phải là học, chia sẻ để gỡ các nố hôn nhân nhưng anh em làm cho các nố hôn nhân được trong sáng hơn, được vững vàng hơn, được đúng ý của Giáo hội, ý của Chúa Kitô và ý của Thiên Chúa. Và như vậy, xin anh em hãy loại bỏ khỏi ý tưởng của anh em bảo rằng lúc này Giáo hội dễ quá, tháo gỡ một cách dễ dàng như một số dư luận nói liên quan đến toàn án hôn phối. Không, tôi xin anh em hãy lưu ý chuyện đó. Không phải Giáo hội dễ hay không dễ, nhưng Giáo hội làm đúng ý của Thiên Chúa, và khi đúng ý của Thiên Chúa thì hôn nhân gia đình mới được chúc phúc, mới được những ơn mà Thiên Chúa dành để riêng cho những người như là hình ảnh của Thiên Chúa, là tình yêu, là sự sống, là sự sáng.
Một lần nữa, tôi nói rằng, công việc của anh em về toàn án hôn phối là một công việc mục vụ rất cao cả, một công việc mục vụ thay mặt cho giáo hội, thay mặt cho giám mục, thay mặt cho linh mục đoàn của mình để phục vụ. Mà chính vì vậy tôi ước mong anh em hãy trân trọng những giá trị của hôn nhân gia đình theo ý của và Hội thánh, còn những gì mà chúng ta gọi là tháo gỡ là bởi vì nó không phải là hôn nhân,
Porneia có một tí gì đó là điếm đà, nó không phải hôn nhân. Chúng ta là tách ra một cách rõ ràng minh bạch để làm cho hôn nhân gia đình trong sáng theo ý của Thiên Chúa, của Chúa Kitô và của Hội thánh Công giáo chúng ta.
Bài huấn từ kết thúc với tâm tình mục tử của Đức cha Giuse. Khi Vua Louis lên tòa phân xử, bà mẹ nói rằng, mẹ không can thiệp vào việc của con, mẹ chỉ xin con một điều, là khi phân xử con hãy nghiêng về người nghèo, những người phận nhỏ, những người cô thế cô thân. Đó là tâm tình của mẹ thánh Louis. Và trong phân xử, thưa anh em, qua kinh nghiệm mục vụ, chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những người có tiền, có quyền, có danh giá, doanh nhân... Nhưng tòa án hôn phối là công việc mục vụ cao cả thì mục vụ phải nhắm tới người nghèo, những người thất thế, những người không biết thưa gởi, những người hoạn nạn.Và như thế tòa án hôn phối Giáo Hội Công Giáo, của các Giáo phận Việt Nam chúng ta sẽ là công việc mục vụ tuyệt vời. Xin Chúa Thánh Thần ở với anh em, và cầu chúc cho khóa tu nghiệp của chúng ta đạt được những kết quả như lòng Chúa mong muốn.
Qua 4 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài thuyết trình của các chuyên viên Giáo luật: Cha Gioan B. Lê Ngọc Dũng, GP Nha Trang (tiến sĩ Giáo luật và Tiến sĩ Thần học Luân lý); Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, GP Qui Nhơn (tiến sĩ Giáo luật); Cha Đôminicô Nguyễn Văn Mạnh, GP Đà Lạt (tiến sĩ Giáo luật). Có nhiều câu hỏi thực tiễn đặt ra đã tạo nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi.