Thứ hai, 23/12/2024

Hội thảo Truyền Giáo Các Hội Dòng (Ngày 1)

Cập nhật lúc 12:39 02/09/2016
 "Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi" là chủ đề chung trong ba ngày Hội thảo Truyền Giáo các hội dòng nhằm mục đích trao đổi và tìm hướng Loan báo Tin Mừng (LBTM), diễn ra từ ngày 29.08 đến 31.08.2016 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn số 6bis Tôn Đức Thắng, Quận 1.


"Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi"

Đó là chủ đề chung trong ba ngày Hội thảo Truyền Giáo các hội dòng nhằm mục đích trao đổi và tìm hướng cộng tác thiết thực giữa các dòng tu và các giáo phận để Loan báo Tin Mừng (LBTM), diễn ra từ ngày 29.08 đến 31.08.2016, từ 8g00 đến 17g00, tại Phòng B102 Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn số 6bis Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Thành phần tham dự gồm có: Ba Đức cha thuyết trình viên, các khách mời, Thường trực Ủy ban LBTM, các Trưởng ban LBTM các giáo phận, Bề trên 48 dòng tu và thư ký các Ủy ban Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) có liên hệ trực tiếp đến LBTM.

Khai mạc/Đề tài 1

Sau phút thánh hóa sáng ngày 29.08, buổi hội thảo đã bắt đầu với đề tài I: "Hãy khởi sự lại việc truyền giáo trực tiếp từ Chúa Kitô" do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ thuyết trình.

Bài nói chuyện của Đức cha Phêrô gồm 3 phần:

1/ Lệnh truyền giáo của Chúa Kitô (theo Thông điệp Truyền Giáo của ĐTC Phanxicô ngày 31/5/2015): Chúa Giêsu đã lập nên cộng đoàn đầu tiên để LBTM, và truyền cho mọi người, đặc biệt là các tu sĩ, phải tiếp tục công việc của Ngài. Theo câu chuyện của Lm. Anthony de Mello, Tin Mừng giống như loại thuốc quý mà vị bác sĩ là người cha, là Đấng Cứu Thế, đã phải chấp nhận cái chết để mang về cứu cho con cháu và bảo phải loan truyền khắp mọi nơi để ai nghe và tin Ngài đều được cứu rỗi. Nhưng tiếc thay con cháu đã quên lãng.

2/ Hiện trạng Truyền Giáo của các tu sĩ: Trong các giáo phận, thường các Đức cha hoặc linh mục chỉ quan tâm mở rộng giáo xứ và lo cho giáo dân, ít có vị nào nhớ đến nhiệm vụ chính là gieo Hạt giống Tin Mừng cho lương dân. Còn trong các dòng tu cũng ít quan tâm nói về Chúa cho lương dân, một số đòng gởi vài tu sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài, một số dòng chỉ dừng lại ở các chuyên môn: giáo dục, bệnh xá, trường học...

3/ Đề xuất: Để đúc kết, Đức cha đã đưa ra năm đề xuất cho các tham dự viên thảo luận.

Thảo luận nhóm

Sau 15 phút giải lao, các nhóm đã thảo luận về đề tài 1 trong 1 giờ 15 phút trước khi nghỉ trưa. (Sau mỗi đề tài thuyết trình đều có giờ thảo luận nhóm này).

Đúc kết thảo luận

Lúc 14g00 chiều, cha Dominico Đinh Quang Vinh đã đúc kết thảo luận của các nhóm theo năm đề xuất của Đức cha Phêrô.

1/ Các tham dự viên đồng thuận về hành động truyền giáo trực tiếp. Mọi thành viên cần cộng tác trong việc truyền giáo nơi được gởi đến. Và làm sao đào tạo được đội ngũ kế thừa.

2/ Ý kiến mỗi dòng nên có ban truyền giáo được tâm đắc. Đề xuất của tham dự viên: Khi gởi bài sai của các linh mục nên ghi cụ thể điểm truyền giáo. Xin các giám mục chuyền lửa không chỉ cho các giám mục mà cả cho các 'cụ xứ'. Mong có kim chỉ nam trực tiếp và chuyên biệt để mỗi dòng áp dụng theo môi trường cụ thể.

3/ Các bề trên nên chỉ định rõ hướng đi. Cộng đoàn cần được hỗ trợ của các cha xứ. Mời gọi giáo dân tham gia việc truyền giáo. Người được đào tạo cần có tâm hồn tông đồ, sẵn sàng ra đi.

4/ Rất tâm đắc với việc truyền giáo bằng cả cõi lòng. Điều cần là hội nhập.

5/ Các góp ý thêm: Nên ý thức việc truyền giáo cá nhân và cộng đoàn. Trang bị kiến thức và khả năng. Yểm trợ về pháp lý, vật chất và nhất là nhân sự. Có sự hài hòa liên đới trong nhóm và với các liên đới khác. Về mô hình truyền giáo: Cộng tác với các cha xứ, các dòng tu, hội đoàn trong việc giúp đỡ các giám mục giáo phận. Có đường hướng hỗ trợ cụ thể. Có những khóa huấn luyện cha xứ.

Đề tài 2

Tiếp theo phần đúc kết thảo luận đề tài 1, linh mục Giuse Trần Sỹ Tín, DCCT, đã thuyết trình đề tài 2: "Sống với dân-Làm dân với dân-Học với Dân-Tìm Chúa với dân". Từ năm 1969, cha Giuse và ba vị nữa đã lập Nhóm Ra Đi với thỏa thuận Ra đi -Sống cùng người thiểu số - Chưa theo Đạo. Trong gần 20 năm (1969-1987), Nhóm đã thật sự sống và học với dân đúng theo thỏa thuận đã đưa ra. Nhóm gọi giai đoạn này là giai đoạn Nazareth mà Chúa đã sống và thông chia cho nhóm.

Sau biến cố 1975, tưởng rằng với điều kiện sống khắc nghiệt sẽ không ai theo Đạo nữa, vậy mà người Jrai đã bắt đầu theo đạo nhiều vào năm 1988. Với cuốn Tân Ước được Nhóm dịch sang tiếng Jrai và in năm 1973, các Nhóm Cầu Nguyện được lập ra để cầu nguyện mỗi tuần hai ba tối. Khi đã có người ở 20 làng theo Đạo thì người thừa sai chuyển việc hướng dẫn dự tòng cho giáo dân. Đến năm 2005, Đạo đã hiện diện từ trên 90 đến trên 100 làng ở Plei Kly, Phlei Ku và Cheo Reo.

Cha Giuse đúc kết con đường truyền giáo của Nhóm Ra Đi: Tìm Chúa với dân (giai đoạn Nazareth) - Tin nhận Chúa Giêsu là Chúa để Ngài đổ Thần Khí cho (Keryzma) - Cầu nguyện theo Lời Chúa (Lectio Divina) - Loan báo Tin Mừng với Hội nhập Văn hóa. Thời gian trên 40 năm với người Jrai đã được cha kể lại trong cuốn "Hạt giống Kitô trong đất Jrai" với nhiều tình tiết cảm động khiến người ta cảm thấy chính Chúa mới là Đấng hoạt động trong mọi sự.

Ngày làm việc thứ nhất khép lại sau hai đề tài thực tế về việc LBTM. Còn 3 đề tài nữa sẽ được thuyết trình và trao đổi kinh nghiệm trong hai ngày 30 và 31 để tìm ra đường hướng hoạt động và cộng tác trong tương lai giữa UBLBTM và các dòng tu.

WGPSG
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log