Hội thảo Khoa học Giáo dục
Cập nhật lúc 16:48 12/11/2015
Ngày 07.11.2015, Ban Giáo chức trực thuộc Ủy ban Giáo dục Công giáo đã tổ chức thành công buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục tại Hội trường lầu II của văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam
"Người Thầy Với Việc Giáo Dục Giá Trị Sống Để Đảm Bảo Sự Thành Công Của Học Sinh - Những Bài Học Từ Thực Tiễn Nghiên Cứu"
Vào lúc 7g30 sángngày 07/11/2015 vừa qua tại Hội trường lầu II - Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Giáo chức trực thuộc Ủy ban Giáo dục Công giáo, với trách nhiệm chia sẻ và đồng hành cùng quý thầy cô giáo, đã tổ chức thành công buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục với chủ đề: “NGƯỜI THẦY VỚI VIỆC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG ĐỂ ĐẢM BẢO SỰ THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH – NHỮNG BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU”. Buổi Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của gần 200 quý thầy cô các cấp: từ tiểu học đến Đại học, sinh viên chuyên ngành sư phạm, xã hội học quan tâm đến sứ mạng đào tạo con người về quy tụ để gặp gỡ và trao đổi những kiến thức về ơn gọi sư phạm, đặc biệt giá trị sống trong tương quan với sứ vụ làm thầy.Có thầy cô ở tận Gia Lai, Nha Trang, Buôn Mê Thuật…, đa số quý tham dự viên ở quanh Sài Gòn.
Dựa trên nền tảng những bài học thực tiễn được đúc rút từ nghiên cứu và áp dụng các mô hình “Giáo dục giá trị sống”, “Giáo dục nhân bản, nhân cách” cho học sinh - sinh viên, buổi hội thảo đã mang lại nhiều giá trị sâu sắc thông qua bài diễn thuyết của các Báo cáo viên kết hợp với việc chia sẻ, trao đổi giữa Quý tham dự viên và Báo cáo viên về những nội dung quan trọng đối với sứ mạng giáo dục học trò thời hiện đại.Cụ thể nội dung của buổi hội thảo bao gồm: Ý nghĩa của việc giáo dục giá trị sống, giáo dục nhân bản nhằm đảm bảo sự thành công trong học tập và tương lai cho học sinh; vai trò và những thay đổi cần có ở người thầy hiện nay; những kinh nghiệm cụ thể từ “Chương trình Ephata” do Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên, giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM trình bày. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm giáo dục thực tiễn giá trị sống cho học sinh chưa ngoan và học sinh trung học do thầy Nguyễn Thiên Phong và thầy Nguyễn Văn Sỹ là hai nghiên cứu sinh cao học giáo dục trình bày qua hai báo cáo.
Quả vậy, xã hội ngày càng hiện đại, phát triển thì sứ mệnh giáo dục lại đặt ra những thách thức mới khi học trò dễ bị cuốn theo những luồng thông tin và chiều hướng khác nhau. Chính điều này đã thôi thúc con người không ngừng nâng cao vai trọng quan trọng của việc đổi mới tiến trình giáo dục, đặc biệt trong việc “xây đắp giá trị nhân bản, phát triển và hoàn thiện nhân cách đảm bảo cho học trò sự thành nhân và thành công”. Không chỉ dừng lại ở đó, đổi mới giáo dục hiện đại phải gắn liền với những nỗ lực, trách nhiệm trong tình yêu thương, kiên trì đồng hành của người thầy với những học trò “đi lạc”. Trước những nhiệm vụ thời đại ấy, những thầy cô, giáo chức Công giáo luôn đồng cảm, suy tư bằng những nghiên cứu, những trăn trở nhằm tìm ra những giải pháp áp dụng hướng đến thực tiễn cuộc sống. Bài diễn thuyết của Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên bàn về vấn đề giáo dục giá trị sống, vai trò của người thầy và những chia sẻ từ “Chương trình Ephata” mà Tiến sĩ và các cộng sự viên đã thực hiện là tâm huyết và thao thức thực sự của một người thầy trước sự chuyển mình đa chiều của thời đại. Với kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút, thầy bắt đầu bằng lờichia sẻ chân thực: có trường hợp 10/30 sinh viên mà Tiến sĩ đang tham gia giảng dạy gặp vấn đề về tâm lý và có một số em đã từng nghĩ đến việc tự tử để thoát ra khỏi những bế tắc; một số trường hợp khác đó là việc một số sinh viên sống vật vờ cho qua ngày đoạn tháng và không có định hình rõ ràng về tương lai cho bản thân. Qua lời dẫn dắt nhập đề ấy, Tiến sĩ đi vào định nghĩa khái niệm Giáo dục giá trị sống cùng góc nhìn của công việc giáo dục giá trị dựa trên những phẩm chất định sẵn, lý trí lý lẽ, cảm xúc theo từng cấp độ và phạm vi xem xét. Tiến sĩ đặt câu hỏi tại sao cần phải giáo dục giá trị sống và lập luận chứng minh, giải thích cho câu hỏi bằng những trải nghiệm của Haim G.Ginott – một nhà giáo ưu tú, nhà tâm lý chuyên về nghiên cứu trẻ em và cùng đồng thời là một nhà tâm lý trị liệu. Tiến sĩ trích dẫn danh ngôn bất hủ của Ginott: “I have come to a frightening conclusion. I am the decisive element in the classroom… As a teacher I possess tremendous power to make a child's life miserable or joyous”(Tôi đã đi đến một kết luận thật đáng sợ. Tôi chính là yếu tố quyết định trong lớp học… Là một người thầy, tôi có đủ sức mạnh để khiến cho cuộc sống của một đứa học trò khốn khổ hay vui sướng). Tiếp nối bài diễn thuyết, Tiến sĩ giới thiệu và phân tích chi tiết những nghiên cứu về giáo dục của Seider Novick Gomez (2013) và Benninga et al. (2003) về giáo dục tính cách trong vai trò làm nên những thành công trong học tập; Kỹ năng sống và nền tảng đạo đức của tác giả Becon, Burak và Rann về thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence); Chương trình và phương pháp giáo dục hiệu quả thông qua các nghiên cứu Benminga et al. (2003), Erwin (2010), Casel Guide (2013).
Sau khi trình bày cơ sở nền tảng nghiên cứu, Tiến sĩ tiếp nối nội dung bài diễn thuyết trên khía cạnh người thầy. Cụ thể, Tiến sĩ đi vào phân tích những giá trị kết tinh cần phải có nơi bất cứ ai nói chung và người thầy nói riêng, đó là năng lực làm việc (sự kiên trì, ham học hỏi, lạc quan, làm chủ bản thân) và thể hiện sâu sắc tinh thần đạo đức (trung thực trách nhiệm, nhân ái, biết ơn, sống có mục đích); từ đó nhằm đưa ra Nguyên tắc giáo dục tích hợp giữa kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng mềm, khám phá bản thân, tích hợp giáo dục với hoạt động thể thao, nghệ thuật và tạo bầu khí an toàn, yêu thương trong môi trường giáo dục. Dựa trên những tiêu chuẩn nền tảng ở trên, Tiến sĩ vẽ ra chân dung của một người thầy “toàn diện”: là người thầy có ảnh hưởng tích cực và quan trọng nhất lên học trò, như vậy học trò không những đạt được học lực tốt, thành đạt trong cuộc sống mà còn trưởng thành thực sự trong nhân cách. Sau cùng, Tiến sĩ kết thúc bằng những chia sẻ về “Chương trình Ephata” trong những năm đầu tiên được thực hiện, Quý tham dự viên sau báo cáo đã có cơ hội được trao đổi và giải đáp thắc mắc các vấn đề có liên quan tới đề tài, cũng như Báo cáo viên dẫn từng trường hợp đặt ra đi vào thực tế, ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.
Sau giờ giải lao giữa giờ, Quý tham dự viên được lắng nghe hai báo cáo từ nghiên cứu thực tiễn của thầy Nguyễn Văn Sỹ với đề tài “Giáo dục trẻ chưa ngoan ở Trung tâm thanh thiếu niên 3”, và thầy Nguyễn Thiên Phong với đề tài “Tác động giáo dục của môi trường âm nhạc đến sự thay đổi kết quả học tập/thay đổi hành vi của học sinh trung học”. Đối tượng nghiên cứu là các học sinh tại trung tâm dạy nghề Phước Lộc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các học sinh tại trung tâm là những học sinh chưa ngoan và không có cơ hội để kết thúc chương trình phổ thông trung học, các em đến trung tâm với mong muốn của cha mẹ để có cái nghề sau này. Với cái nhìn mới mẻ đối với vấn đề đổi mới giáo dục, hai báo cáo đã chỉ ra sự thay đổi trong giáo dục trước tiên phải có sự thay đổi của chính người thầy, phài có tấm lòng chạnh lòng thương kiên trì đồng hànhvới hành trình trở về của những “học trò đi lạc”, đặc biệt phải coi trọng đến việc phát triển và hoàn thiện con người. Những kết quả được trình bày là kết quả của việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo những học thuyết, lý thuyết và phương pháp thống kê, khảo sát và đo lường khoa học.
Sau mỗi bài báo cáo, Ban Tổ chức dành thời gian để Quý tham dự viên đặt câu hỏi thắc mắc với Báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong cuộc sống và trong công tác giáo dục. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi và có sự tương tác tích cực từ hai phía khiến cho nội dung được trao đổi thêm phần sinh động và sâu sắc…
Buổi hội thảo khép lại trong không khí sâu lắng, đầm ấm với những lời nhắn nhủ tâm tình, thánh thiện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đức Cha Giuse bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với quý thầy cô giáo trong sự nghiệp cao cả kiến tạo nên tương lai tốt đẹp cho giới trẻ. Ngài cũng nhấn mạnh sứ mạng chuyên biệt của những thầy cô, giáo chức Công giáo trong việc tạo dựng, gìn giữ và phát huy những dấu ấn, nét đặc trưng riêng, thứ mà ngài ví von như một “thứ mùi thơm”, một “thứ hương vị” mang tên GIÊSU. Tiếp đó, ngài còn thể hiện những trăn trở của mình trước một nền giáo dục thời đại không đồng nhất giữa gia đình, nhà trường, nhà thờ và ngoài xã hội dễ khiến cho giới trẻ rơi vào những khủng hoảng tiêu cực và có ảnh hưởng tiêu cực đến bước đường tương lai sau này. Sự bùng nổ thông tin khiến cho giới trẻ có thêm nhiều lựa chọn, điều này dễ khiến các em bị phân tâm, sao nhãng trong việc định hướng cuộc đời. Về phía gia đình, cha mẹ cũng một phần đang có khuynh hướng ngại ngần hy sinh bằng quan tâm thực sự đến con cái trên nhiều khía cạnh: tâm lý cảm xúc, mong muốn nguyện vọng của các em. Những thách thức đang đặt ra đang cần lắm sự gánh vác, tinh thần trách nhiệm cao cả của quý thầy cô. “Tình yêu đi vào tận tâm hồn” là chiếc chìa khóa diệu kì mà Đức Cha Giuse đưa ra để nhờ thầy cô mà học trò sẽ được “mở” tâm hồn bằng tình yêu thương.
Cuối cùng, Đức Cha Giuse thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng vào những thay đổi mới sẽ góp phần tạo nên những thay đổi, bức phá tích cực cho thế hệ học trò mai này, như vậy “Trò giỏi thì thầy cô có phúc”.
Đáp lại tâm tình của Đức Cha Giuse, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Đại diện Ban Giáo chức đã bày tỏ niềm tri ân sâu sắc về những ưu tư của Đức Cha khi đã nhìn thấu triệt được những khó khăn, thách thức mà sự nghiệp giáo dục đang phải đối diện. Tiến sĩ cũng xin thêm lời cầu nguyện và hy sinh của quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và của Đức Cha Giuse nói riêng.
Buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục đã khép lại vào lúc 12 trưa cùng ngày và sau đó Quý tham dự viên cùng gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ trong bữa ăn huynh đệ tại đại sảnh tầng I của VPHĐGMVN. Hy vọng rằng, Ban Giáo chức nói riêng và Ủy Ban Giáo dục Công Giáo nói chung sẽ tổ chức thêm nữa những buổi Hội thảo Khoa học để quý thầy cô sẽ có thêm cơ hội được trao đổi, chia sẻ cho nhau những kiến thức cần thiết trong ơn gọi sư phạm, hầu có thể mang lại tương lai tốt đẹp cho đất nước và xã hội mai này:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”(Tv 125,5).
Vĩnh Thuận và anh em Định hướng ghi nhận tại Hội thảo
VP - UBGD