Thứ ba, 24/12/2024

Giáo phận Thanh Hóa: Caritas giáo phận và các giáo xứ trợ giúp lũ lụt Phúc Địa

Cập nhật lúc 12:31 25/09/2012
Thanh Hóa những ngày đầu thu, mưa tầm tã, dai dẳng, khiến bao người dân xứ Thanh lo lắng. Và rồi điều không may cũng đã đến khi nhiều đoạn đê sông Cầu Chày thuộc họ Phúc Hiền (giáo xứ Phúc Địa) xóm 6, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân bị vỡ. Trong màn đêm, nước ùa về và cuốn đi tất cả. Ngày 07.09.2012, nhiều giáo họ của giáo xứ Phúc Địa chìm trong biển nước, 700 gia đình với gần 3000 người bị dòng nước lũ kia cô lập.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức cha giáo phận, giáo xứ Sầm Sơn với tâm tình của những người "con một cha, nhà một Chúa" đã cùng nhau quyên góp để ủng hộ giáo xứ anh em. Chỉ trong 3 ngày, xứ biển Sầm Sơn đã quyên góp được: 20.660.000 đồng, 214 thùng mì tôm, 825 lít nước mắm, 580kg gạo, 150kg cá khô và moi khô, 20 thùng bánh gạo, 1000 chiếc bánh mì, 285 bịch quần áo và 2 bì áo dài. Ngoài những món quà vật chất với hy vọng góp phần nào giúp giáo dân xứ Phúc Địa giải quyết vấn đề trước mắt thì giáo dân Sầm Sơn nói riêng cũng như cả giáo phận nói chung đang ngày đêm dâng lên Chúa những lời cầu nguyện lũ lụt chóng qua đi và hậu quả để lại là ít nhất có thể.

page1

Nếu như ngày 07.09.2012, Đức cha lên thăm bà con giáo xứ Phúc Địa với tâm tình của người cha lo lắng cho đoàn con của mình đang gặp nạn thì sáng ngày 10.09.2012, giáo xứ Sầm Sơn gồm cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh - linh mục quản xứ giáo xứ Sầm Sơn, đại diên ban hành giáo xứ, đại diện các hội đoàn, các soeur Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa tại Sầm Sơn đến với giáo xứ bằng tình cảm của những người anh em, những người bạn hữu.

Sau khi vượt quãng đường khoảng hơn 50km, đoàn cứu trợ giáo xứ Sầm Sơn đến nhà xứ Phúc Địa vào vào lúc 10 giờ. Nước đã bắt đầu rút nhưng nhiều nơi thuộc giáo xứ vẫn còn ngập sâu, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền. Trong cuộc trò chuyện của mình với đoàn cứu trợ Sầm Sơn, cha Phaolô Mai Huy Hoàng - chính xứ Phúc Địa chia sẻ: "Chúa lấy của Phúc Địa cái này thì Chúa ban cho Phúc Địa cái khác. Chúa lấy lúa thì Chúa ban cho mì tôm, Chúa lấy đi lợn, gà thì Chúa ban cho cá khô..." Đằng sau câu lạc quan của cha là biêt bao lo lắng, trăn trở của vị chủ chiên đối với đoàn chiên của mình.

page3

Đoàn cứu trợ Sầm Sơn đến thăm một số giáo họ, gửi đến họ một số nhu yếu phẩm cần thiết. Cha phó giáo xứ Phúc Địa - Giuse Nguyễn Văn Hiệu dẫn mọi người đến giáo họ Tân Long. Đây là một trong những giáo họ bị thiệt hại nặng nề nhất. Đi cùng đoàn trên những chiếc xuồng còn có hai cha quê hương: Cha Giuse Phạm Văn Định và cha Vinh sơn Vũ Tấn Chí. Các cha khi nghe tin nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình bị lũ lụt cũng đã về động viên, thăm hỏi bà con.

"Bình thường nếu đi đường bộ chỉ mất khoảng 1km để đến Tân Long, nhưng giờ nước lụt đi xuồng thì quãng đường đó dài gấp ba" - người chèo xuồng chia sẻ.

Đến với Tân Long, mọi người không khỏi ngỡ ngàng: Hoa màu mất trắng, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn đi sạch, đồ đạc trong nhà bị nước làm cho ngả màu và hư hỏng... Tất cả những cảnh tượng đó đã để lại cho người chứng kiến nhiều suy nghĩ. Trao quà, động viên, chia sẻ với những khó khăn mà mọi người ở đây đang gặp phải, các cha và mọi người trong đoàn lắng nghe tâm sự từ những con người lam lũ, vất vả nay lại càng vất vả thêm bội phần. Cảm động trước những tình cảm mà quý cha cũng như mọi người dành cho mình, có người đã không kìm được nước mắt, nói lời cảm ơn trong nghẹn ngào. Những món quà về vật chất chỉ phần nào giúp người dân nơi đây bớt khó khăn trước mắt nhưng những tình cảm, những tấm lòng mới là món quà lớn nhất xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp họ cảm nhận được "tình Chúa, tình người" vẫn luôn bên họ trong mọi khó khăn.

Tạm chia tay với Tân Long, đoàn cứu trợ Sầm Sơn ghé thăm cộng đoàn Mến Thánh Giá Thanh Hóa tại Phúc Địa. Nước rút, địa hình khá cao nên khu nhà cộng đoàn sinh hoạt không bị lụt. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, những vấn đề mà lũ lụt sau khi đi qua để lại là một vấn đề lớn cần giải quyết đối với các soeur cũng như toàn thể người dân nơi đây.

Còn rất nhiều nơi cần đến thăm và động viên nhưng do khoảng cách khá xa và có nhiều lí do khách quan khác nên đoàn không thể đến được.

14 giờ 30, đoàn trở về Sầm Sơn, không ít người ngoái đầu nhìn lại cảm thông cho những gì mà giáo dân giáo xứ Phúc Địa đang phải gánh chịu. Nhận biết được mình may mắn hơn những người anh em nơi đây và trong tình liên đới huynh đệ, những người con xứ biển cầu mong Phúc Địa sớm vượt qua thử thách.

Sẽ còn nhiều những đoàn cứu trợ, những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài giáo phận sẽ đến với Phúc Địa. Nước sẽ rút, nắng sẽ về và hong khô giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má mỗi người dân nơi đây.

page5

Hoa dại

-----------------------------------------------------

 

ỦY BAN CARITAS GIÁO PHẬN VÀ CÁC GIÁO XỨ CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG VỚI BÀ CON PHÚC ĐỊA

Theo thông tin từ giáo xứ Phúc Địa, trong những ngày qua, nhiều đoàn thể và giáo xứ đã đến chia sẻ mất mát với giáo dân nơi đây: Ủy ban Caritas giáo phận; các giáo xứ Kẻ Đầm, Phúc Lãng, Tam Tổng, Thanh Thủy, Đông Quang, Phù Bình, Ba Làng, Kẻ Láng... Vật phẩm cứu trợ chủ yếu là: quần áo, mỳ tôm, nước uống, bánh mì...

critas1

Caritas giáo phận

cacxu

Hình ảnh các giáo xứ chia sẻ tình thương

Những cử chỉ cao đẹp ấy đang làm cho "chất Tin Mừng" của Đức Kitô được lan tỏa trong giáo phận Thanh hóa : "... Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống... Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (x. Mt 25, 34 – 36 & 40).

(tổng hợp)

Nguồn: gpthanhhoa.org

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log