Nhằm tránh việc cho rằng cử hành Thánh lễ quay lưng lại cộng đoàn là quy tắc mới, Toà Thánh vào thứ Hai 11 tháng 7 đã công bố một minh định rất rõ: “Không có những chỉ thị mới về phụng vụ bắt đầu từ mùa Vọng tới đây”, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh, đã viết trong bản thông báo, đáp lại những diễn giải không đúng, theo cha, từ đề nghị của Đức hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự.
Đức hồng y Bộ trưởng Bộ Phụng tự, tại Hội nghị về phụng vụ diễn ra ở London (Anh) hôm 5 tháng 7, đã đề nghị các linh mục khi cử hành các phần phụng vụ hướng về Chúa thì cũng đặt mình cùng hướng với các tín hữu, nghĩa là hướng về phía Đông, “hướng về Chúa đang ngự đến” - bằng cách quay lưng lại cộng đoàn. Đức hồng y Sarah, dựa trên ý hướng của các nghị phụ công đồng Vatican II, đã đề nghị các linh mục áp dụng điều này bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, tức ngày 27 tháng 11 năm 2016. Đức hồng y đã nhận được sự ủng hộ của Đức cha Dominique Rey, giám mục giáo phận Fréjus-Toulon (Pháp), cũng tham dự Hội nghị tại London.
Cuối tuần qua, Đức hồng y Sarah đã yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô, vốn trước đó ngài không trình báo với Đức Thánh Cha về đề nghị này. Nhằm tránh bị các phương tiện truyền thông thổi phồng như thông báo “những chỉ thị mới khác với những điều được nêu ra trong quy tắc phụng vụ hiện hành”, cha Lombardi nhắc lại những quy tắc liên quan đến cử hành Phụng vụ Thánh Thể, được nêu trong Sách lễ Roma “hoàn toàn vẫn còn hiệu lực”.
Nghi thức ngoại thường
“Bất cứ nơi nào có thể, bàn thờ đều được đặt cách tường nhằm giúp đi quanh bàn thờ được dễ dàng và tại đó cử hành quay mặt về phía dân chúng. Bàn thờ sẽ được đặt làm trung tâm, mặc nhiên quy tụ sự chú ý của toàn thể cộng đoàn tín hữu”, trích Sách lễ Roma do Đức Phaolô VI ban hành năm 1970, sau công đồng Vatican II. Điều này, Toà Thánh nhắc lại, vẫn là thể thức “thông thường” của cử hành Thánh lễ. Còn nghi thức “ngoại thường” vốn quen thuộc với những người chủ trương truyền thống và được Đức Bênêđictô XVI cho phép qua Tự sắc ngày 7 tháng 7 năm 2007 thì “không thay thế nghi thức “thông thường”.