Thứ hai, 13/01/2025

Tông du Iraq: Thánh lễ tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil

Cập nhật lúc 07:09 09/03/2021
Chiều Chúa Nhật 7/3, ngày cuối trong chuyến tông du, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay tại sân vận động Franso Hariri với khoảng 10 ngàn người tham dự.
 
Văn Yên, SJ 

Sân vận động Franso Hariri, được xây dựng vào năm 1956 trên khu đất bỏ hoang của một sân bay cũ, có thể chứa 40.000 người. Ngày nay, sau khi được tái thiết năm 1992, sân chỉ còn có thể chứa được 28.000 người và vẫn là sân vận động lớn thứ hai trong nước. Nằm ở phía nam Erbil, Bắc Iraq, trong miền tự trị Kurdistan, sân vận động đa năng này chủ yếu được sử dụng cho các trận bóng đá và thi đấu điền kinh. Đến năm 2001, tên gọi đơn giản là sân vận động Erbil, nhưng sau vụ ám sát Thống đốc Franso Hariri, người đã góp phần vào việc tái thiết, sân được đổi tên thành Sân vận động “Franso Hariri” để vinh danh ông.

Trước Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần Papamobile để chào thăm các tín hữu. Đây là lần duy nhất trong chuyến viếng thăm Iraq, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần để chào các tín hữu. Vì lý do an ninh, chính phủ Iraq đề nghị ngài dùng xe bọc thép để di chuyển. Nhưng dù trong xe bọc thép, tại một số tuyến đường có tín hữu đón chào, đặc biệt tại Qaraqosh, Đức Thánh Cha mở cửa kính xe để vẫy tay chào.

Thánh Lễ được cử hành theo nghi lễ Latinh bằng tiếng Ý, các bài đọc và lời nguyện tín hữu bằng tiếng Canđê địa phương, tiếng Arập, tiếng Kurd, tiếng Anh.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha trích lời của thánh Phaolô trong bài đọc thứ II: “Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan đó trên hết bằng lòng thương xót và tha thứ. Thật dễ rơi vào cái bẫy của thứ tư duy rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy là chúng ta có quyền năng, rằng ta khôn ngoan, hay cái bẫy của việc tạo ra những hình ảnh giả tạo về vị Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (x. Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, thật sự là tất cả chúng ta cần quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su trên thập giá.

Đức Thánh Cha nói đến hoàn cảnh cụ thể của Iraq: “Ở Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của các con đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương hữu hình lẫn vô hình! Chúng ta bị cám dỗ dùng sự khôn ngoan và quyền năng thế gian để phản ứng lại những điều gây thương tích này và cả những kinh nghiệm đau khổ khác nữa. Ngược lại, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.”

Kế đến, diễn giải đoạn Tin Mừng, ĐTC nói: Trong bài Tin Mừng vừa nghe (Ga 2,13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền và tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giê-su lại làm một điều có vẻ bạo lực và khiêu khích như vậy? Ngài làm điều đó vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành cái chợ (x. Ga 2,16); Ngài cũng không muốn tâm hồn chúng ta trở thành nơi bị xáo trộn, rối bời và hỗn loạn. Tâm hồn chúng ta cần phải được dọn sạch, ngăn nắp và thanh tẩy. Nhưng thanh tẩy khỏi điều gì? Khỏi những giả dối làm vấy bẩn nó, khỏi những sự giả tạo giả hình. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những thứ an toàn giả tạo vốn có thể đánh đổi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi ích tạm thời. Chúng ta cần quét sạch những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội. Để làm sạch lòng mình, chúng ta cần để cho bàn tay mình lấm bẩn, phải thấy mình có trách nhiệm chứ không chỉ đơn thuần đứng nhìn khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc tâm hồn của mình? Chúng ta không thể tự thanh tẩy chỉ bằng nỗ lực bản thân; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại đền thờ tâm hồn chúng ta.

Chúa Giê-su không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta quyền năng và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và mang tính chia rẽ về gia đình, về đức tin và cộng đồng, những quan niệm vốn gây chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau, hầu chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội cởi mở với mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta nhất. Đồng thời, Ngài tăng sức cho ta để chống lại sự cám dỗ trả thù, thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả đũa vô tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sai chúng ta ra đi, không phải để cải đạo người khác, mà để sống tư cách người môn đệ của sứ mạng, tức những người nam, người nữ được kêu mời làm chứng tá rằng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Chúa Phục sinh biến chúng ta thành khí cụ của lòng thương xót và hòa bình của Chúa, thành những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới.

Như người Samari nhân hậu của nhân loại, Chúa muốn xức dầu cho mọi tổn thương, để chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và đầy tình huynh đệ trên mảnh đất này.

Để kết, Đức Thánh Cha khích lệ:

Giáo hội Iraq, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã và đang làm nhiều điều để loan truyền sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập giá, bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Ki-tô, đặc biệt cho những người cần nhất. Ngay cả trong hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cách cụ thể và liên đới với những người nghèo đói và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến đây như một người hành hương ở giữa anh chị em, để cảm ơn và xác nhận niềm tin và chứng tá của anh chị em. Hôm nay, tôi có thể nhìn thấy và chạm đến thực tế rằng Giáo hội ở Iraq đang sống, rằng Đức Ki-tô đang sống và đang hoạt động giữa lòng đoàn dân thánh thiện và trung tín của Ngài ở đây.

Cuối lễ và chào biệt

Cuối Thánh Lễ, Đức Cha Bashar Matti Warda, Tổng giám mục Erbil, cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm để nâng đỡ đức tin của cộng đoàn tín hữu tại Iraq.

Đáp lời, Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả về việc tổ chức cho chuyến viếng thăm của ngài. Đồng thời, ngài ghi nhận: Những ngày vừa qua ở giữa anh chị em, tôi đã nghe những tiếng nói đau đớn và thống khổ, nhưng tôi cũng nghe những tiếng nói hy vọng và an ủi. Điều này là nhờ, một phần lớn, công sức không mệt mỏi của các tổ chức tôn giáo thuộc nhiều hệ phái Kitô khác nhau, nhờ các Giáo hội địa phương và các tổ chức bác ái khác nhau, đã hỗ trợ người dân đất nước này trong việc tái thiết và tái sinh xã hội.

Cuối cùng, bằng những lời cảm động, ĐTC chào biệt: “Bây giờ, sắp đến giờ tôi trở về Roma. Nhưng Iraq sẽ luôn cùng với tôi, trong trái tim tôi. Tôi xin tất cả, anh chị em thân mến, hãy làm việc cùng nhau trong sự hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ ai lại phía sau và và không ai bị phân biệt đối xử. Tôi đảm bảo lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Cách đặc biệt, tôi cầu nguyện cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả nam nữ thiện chí, hợp tác để thắt chặt tình huynh đệ và tình liên đới trong việc phục vụ công ích và hòa bình. Salam, salam, salam! Shukrán! [Cảm ơn] Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa chúc lành cho Iraq! Allah ma'akum! [Chúa ở cùng anh chị em]

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chào các tín hữu và ra phi trường Erbil cách sân vận động 8km để trở về thủ đô Baghdad, và nghỉ đêm tại Toà Sứ Thần ở Baghdad. Kết thúc ngày thứ 3 của chuyến tông du.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log