Thứ tư, 06/11/2024

"Tên của Chúa là Thương xót " – Một Giáo Hội đi ra

Cập nhật lúc 08:05 17/01/2016
“Tên của Chúa là Thương Xót” giúp chúng ta hiểu xác tín sâu xa của Đức Giáo hoàng, ngài luôn muốn gặp gỡ người có tội nhiều hơn. Một Giáo hội “đi ra”, như một “bệnh viện dã chiến,” nơi vực những người bị ngã đứng dậy.

Tên của Chúa là Thương xót

Nếu quyển sách phỏng vấn giữa Đức Phanxicô và ký giả Ý Andrea Tornielli không có những vén mở lớn, thì nó cũng là quyển sách lý tưởng để hướng dẫn chúng ta sống Năm Thánh Lòng thương xót được trọn vẹn. Quyển sách được phát hành trên khắp thế giới ngày thứ ba 12 tháng 1-2016. “Tên của Chúa là Thương Xót” giúp chúng ta hiểu xác tín sâu xa của Đức Giáo hoàng, ngài luôn muốn gặp gỡ người có tội nhiều hơn. Một Giáo hội “đi ra”, chữ ngài thích lặp lại, như một “bệnh viện dã chiến,” nơi vực những người bị ngã đứng dậy. Sau đây là một số nét chính.

Chỗ đứng trọng tâm của lòng thương xót

Đối với tôi, lòng thương xót là sứ điệp quan trọng nhất của Chúa Giêsu và dần dần lòng thương xót có một chỗ đứng càng ngày càng ở trọng tâm trong đời sống linh mục của tôi; nó là hoa trái của kinh nghiệm làm cha giải tội, của tất cả các kinh nghiệm đẹp và tích cực mà tôi được biết.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đến từ đâu?

Trước khi đến đây tôi sống ở Buenos Aires, tôi có tham dự một cuộc hội thảo với các thần học gia, cuộc hội thảo này vẫn còn ghi sâu vào ký ức tôi: chúng tôi tự hỏi giáo hoàng có thể làm gì để có thể ở gần giáo dân nhất, khi đứng trước không biết bao nhiêu vấn đề gần như nan giải. Một trong những người tham dự trả lời: “Một Năm Thánh của lòng tha thứ”. Câu này đã ghi khắc sâu trong lòng tôi.

Định nghĩa lòng thương xót

Lòng thương xót là thái độ thiêng liêng mở rộng bàn tay, chính Chúa Giêsu là Đấng trao ban và đón nhận, chính Ngài cúi xuống để tha thứ. Chúa Giêsu đã nói, Ngài không đến với người công chính, nhưng đến với người tội lỗi. Ngài không đến với những người mạnh khỏe, những người không cần bác sĩ, nhưng Ngài đến với người bệnh. Chúng ta cũng có thể nói lòng thương xót là thẻ thông hành của Thiên Chúa chúng ta.

Lời khuyên cho cha giải tội

Với các cha giải tội, tôi chỉ muốn nói: hãy nói, hãy kiên nhẫn lắng nghe, nhưng trước hết hãy nói với những người đến gặp mình, rằng Thiên Chúa yêu họ. Và nếu cha giải tội không thể xóa tội thì cha phải giải thích tại sao, nhưng dù sao cha cũng phải ban phép lành, dù không ban phép giải tội.

Tính hiếu kỳ của các cha giải tội

Một ngày nọ, tôi nghe một bà đã lập gia đình từ nhiều năm nói, bà không đi xưng tội nữa vì khi bà còn nhỏ, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, cha giải tội hỏi khi bà ngủ, bà để tay đâu. Như thế là tò mò quá, nhất là về vấn đề tình dục. Hoặc bắt phải giải thích những chi tiết không cần thiết. Người xưng tội biết xấu hổ tội mình phạm là điều tốt: biết xấu hổ là một ơn cần phải xin, đó là một yếu tố tích cực vì nó làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn. Nhưng trong đối thoại với cha giải tội, giáo dân cần được lắng nghe, chứ không muốn bị tra hỏi. Điều tôi muốn nói, là đừng bao giờ để tòa giải tội thành phòng tra tấn.

Nhiều tha thứ

Tôi luôn cố gắng bỏ thì giờ để giải tội dù khi đã làm giám mục hay hồng y. Bây giờ tôi ít giải tội nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn còn giải tội. Đôi khi tôi muốn vào nhà thờ và ngồi ở tòa giải tội. (…) Còn về phần tôi, khi tôi xưng tội, tôi luôn nghĩ về các tội của mình, về nhu cầu cần lòng thương xót; và vì thế tôi cần được tha thứ nhiều.

Các tù nhân

Tôi có mối dây quan hệ đặc biệt với những người ở tù, những người mất tự do. Tôi luôn kết dính với họ, vì tôi ý thức mình là người có tội. Mỗi lần tôi bước đến ngưỡng cửa nhà tù, để dâng thánh lễ hay để viếng thăm, tôi luôn tự hỏi: tại sao là họ mà không là tôi? Tôi phải ở đây, tôi đáng bị ở đây. Sa ngã của họ cũng có thể là sa ngã của tôi, tôi không cảm thấy mình tốt hơn người đang đứng trước mặt tôi.

Nói sự thật

Giáo hội lên án tội vì Giáo hội phải nói sự thật: đây là một tội. Nhưng cùng lúc, Giáo hội ôm người có tội, gần với người có tội, nói với họ trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Chúa Giêsu đã tha thứ cho kẻ đóng đinh và nhục mạ Ngài.

Những người đồng tính

Trước hết, tôi muốn người ta nói về những “người đồng tính”: trước tiên họ là người, trong sự toàn vẹn và phẩm cách của họ. Và con người thì không chỉ định nghĩa qua khuynh hướng đồng tính của họ; chúng ta đừng  quên, tất cả chúng ta là thọ tạo yêu thương của Chúa, những thọ tạo của tình yêu vô biên của Chúa. Tôi mong những người đồng tính đi xưng tội, họ gần với Chúa và chúng ta cùng cầu nguyện chung với nhau. Chúng ta có thể khuyên về cầu nguyện, về thiện ý, chỉ dẫn cho họ con đường, tháp tùng họ.

Các tiến sĩ luật

Ngay khi ai cảm thấy mình tin chắc về mình, họ bắt đầu lấn các quyền hạn không phải là quyền hạn của họ mà là của Chúa. (…) Và nếu ai là sứ vụ viên của Chúa, rồi thì cuối cùng họ nghĩ họ khác với giáo dân, họ là chủ nhân giáo điều, là người nắm quyền, họ đóng lòng lại với những ngạc nhiên của Chúa. Sự “không còn ngạc nhiên” là thành ngữ đặc biệt đối với tôi. Đôi khi tôi ngạc nhiên khi nghĩ, một cú trượt sẽ tốt cho một số người quá cứng ngắc, vì như thế họ biết mình là kẻ có tội và họ sẽ gặp Chúa Giêsu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Tối thứ Hai, ngày 04/11/2024, Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến đã chủ sự Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho các đấng bậc phục vụ sứ vụ này tại vườn thánh Nhà Tràng, thuộc Trung tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log