Ngày xuất bản Công giáo thế giới đã khai mạc từ 26 đến 29 tháng 6 tại Roma, với sáu mươi đại diện từ các nhà xuất bản Công giáo trên toàn thế giới, đề xuất suy tư về những thách đố từ môi trường kỹ thuật số.
Bộ trưởng Bộ truyền thông Toà Thánh, ông Paolô Ruffini, đã khai mạc hội nghị với chủ đề “Bắt đầu một hành trình mới cùng nhau”. Bộ trưởng đã nêu lên rằng, chúng ta đang sống trong một “thời kỳ khủng hoảng”: khủng hoảng về sinh thái, khủng hoảng về nhân đạo.
Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cảm thấy sự cần thiết phải khôi phục cảm nhận về thời gian, sự thống nhất giữa những đa dạng về phương tiện.
Mặt khác, các cuộc khủng hoảng là một dấu hiệu cho thấy chúng ta không đứng yên và bất động. Một lối để thoát ra là “củng cố sự hiện diện của chúng ta như một mạng lưới”.
Kinh nghiệm của người Pháp
“Chúng ta với tư cách là những nhà xuất bản Công giáo cần trở thành cầu nối giữa Giáo hội và thế giới”, một trong những diễn giả chính cho ngày khai mạc, ông Jean-Marie Montel, chủ tịch Liên đoàn Truyền thông Công giáo Pháp, nói với Vatican News.
“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là làm thế nào các nhà xuất bản về niềm tin và chuyển tải những giá trị từ Kinh Thánh và Tin Mừng, có thể hướng đến không chỉ giới Công giáo mà còn hướng ra thế giới. Hơn nữa, việc xuất bản không những qua sách, báo, tạp chí mà còn qua kỹ thuật số. Bởi vì, kỹ thuật số không phải là kẻ thù mà là một cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận số lượng người lớn nhất trong thời gian rất ngắn”.
Nhà xuất bản Công giáo ở Nam Phi
Từ Châu Âu chuyển đến Châu Phi, ông Ipeleng Thlankana, tổng biên tập Tạp chí Thực Tại, đã chia sẻ kinh nghiệm xuất bản Công giáo ở Nam Phi rằng: “Theo thang điểm từ 5 đến 10, thì tôi đánh giá báo viết là 6 điểm so với kỹ thuật số. Kỹ thuật số phổ biến trong giới trẻ. Họ đọc, nhưng thích đọc trên các phương tiện kỹ thuật số”. Ông nói thêm: “Mục đích cuối cùng của xuất bản Công giáo là giảng dạy, làm ảnh hưởng và rõ ràng là làm cho Tin Mừng được lan rộng. Kỹ thuật số giúp truyền đi tốt hơn. Bởi vì nếu truyền thông tốt hơn thì mọi người có thể hiểu và tiếp cận tốt hơn”. (CSR_3860_2019)