Trong diễn văn trước những người hiện diện, ĐTC nói: “Tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ và hợp tác của tất cả mọi người, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác mở rộng và tăng cường, với trách nhiệm và cam kết, nỗ lực đạt được các Mục tiêu 1 và 2 của Chương trình nghị sự 2030, và do đó loại bỏ sớm hơn và hiệu quả hơn những tai hoạ nghiêm trọng, phức tạp và không thể chấp nhận được về nạn đói và mất an ninh lương thực”.
Mục tiêu “Không Đói” trên toàn thế giới vẫn là một thách đố lớn, ngay cả khi phải thừa nhận là đã có những tiến bộ lớn đạt được trong những thập kỷ gần đây. Để chống lại việc thiếu lương thực và tiếp cận với nước uống, cần phải can thiệp vào các nguyên nhân cốt lõi của chúng. Nguồn gốc của thảm kịch này, trên hết nằm ở sự thiếu lòng trắc ẩn, thiếu quan tâm từ phía nhiều người, và thiếu một chút ý chí chính trị xã hội để đề cao các nghĩa vụ quốc tế.
Thiếu thực phẩm và nước không phải là vấn đề nội bộ và độc quyền của các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất, mà là mối quan tâm của mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi nghe tiếng khóc tuyệt vọng của họ và tìm cách để họ được sống sót và thấy các quyền cơ bản nhất của họ được tôn trọng.
Có một sự liên hệ rõ ràng giữa sự mất ổn định môi trường, mất an ninh thực phẩm và các phong trào di cư. Số lượng người tị nạn gia tăng trên khắp thế giới trong những năm gần đây đã cho chúng ta thấy rằng vấn đề của một quốc gia là vấn đề của toàn thể gia đình nhân loại. Vì lý do này, phát triển nông nghiệp cần được đẩy mạnh ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của đất đai. Điều này chỉ có thể được thực hiện, một mặt, bằng cách đầu tư phát triển công nghệ và một mặt khác, bằng cách đưa ra các chính sách đổi mới và liên đới để phát triển.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận rằng: Tòa Thánh cam kết hợp tác với Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ nỗ lực toàn cầu để xóa đói trên thế giới và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại và hành tinh của chúng ta. (CSR_3862_2019)