Ở Okinawa, có một “Konpaku-no To - Tháp các linh hồn”, một công trình kỷ niệm đặc biệt ý nghĩa đối với người dân của hòn đảo về trận chiến khủng khiếp diễn ra từ 1/4 đến 22/6/1945. Lúc đầu công trình kỷ niệm này chỉ là một gò đất trong đó chứa các hài cốt của các nạn nhân, sau đó chuyển thành đài tưởng niệm và nơi cầu nguyện, một biểu tượng mong muốn chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình của mọi người. Từ đây sứ điệp kêu gọi bảo vệ sự sống và hòa bình của Hội đồng Giám mục được gửi đi.
Các Giám mục viết: Ở lối ra của bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Okinawa có ghi hàng chữ “Musubi no Kotoba - Lời cuối cùng”, và ngay bên dưới có hàng chữ khác “Có chắc rằng những người này đã gây ra chiến tranh? Và chúng ta là những người có thể ngăn chặn chiến tranh?” Đây là niềm tin không thể lay chuyển của chúng ta, đã được học với một cái giá đắc. Các Giám mục khẳng định rằng tiếng kêu phản đối chiến tranh của người dân Okinawa xuất phát từ kinh nghiệm tàn khốc của trận chiến đó. Chiến tranh thật khốc liệt, không có gì đáng xấu hổ hơn chiến tranh.
Các Giám mục nhận xét: “70 năm sau trận chiến Okinawa, các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và việc thành lập Liên Hiệp Quốc, thế giới vẫn ở trong một tình trạng bất ổn. Chúng ta phải đối diện với một cuộc chiến tranh lạnh mới, một hoàn cảnh bất an trong khu vực Đông Á, mối đe dọa hạt nhân và khủng hoảng môi trường toàn cầu”.
Năm nay, vì đại dịch, Giáo hội buộc phải bỏ cuộc hành hương truyền thống đến hòn đảo này. Nhưng các Giám mục không quên kêu gọi các tín hữu “canh tân quyết tâm, tìm kiếm và hành động vì hòa bình”, đồng thời nhắc lại ý nghĩa tuyệt vời chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện tại Tokyo, Nagasaki và Hiroshima năm 2019. Trong bài diễn văn tại đây, Đức Thánh Cha đã nói: “Trong thế giới ngày nay, có hàng triệu trẻ em và gia đình phải sống trong điều kiện vô nhân đạo, nhưng người ta lại sử dụng tiền để sản xuất, hiện đại hóa, bảo trì và bán vũ khí. Những thứ này ngày càng tàn phá thế giới, một cuộc tấn công liên tục làm cho tiếng khóc của các nạn nhân kêu thấu trời cao”.
Trong sứ điệp, Hội đồng Giám mục còn trích dẫn Thông điệp Laudato Sì nhằm nhấn mạnh sự sống quý giá của con người và hồng ân sáng tạo; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của bài phát biểu về vũ khí hạt nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nagasaki gửi đến các nhà lãnh đạo chính trị với ước mong một “thế giới hòa bình, không còn vũ khí hạt nhân, khát vọng của hàng triệu người ở khắp nơi”, sẽ trở thành hiện thực với “sự tham gia của tất cả mọi người”: các cá nhân, cộng đoàn tôn giáo, xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế.
Với mối bận tâm cho một thế giới bất an, kết thúc sứ điệp, các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Nhật Bản mời gọi các tín hữu: “Trong khi nhìn lại quá khứ, cùng nhau chúng ta hãy canh tân quyết tâm tiếp tục đảm nhận trách nhiệm cho tương lai”. (CSR_5102_2020)