Thứ năm, 23/01/2025

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ như trường dạy cầu nguyện

Cập nhật lúc 09:27 27/09/2012
 

Pape_a_RomeVATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư, 26-9-2012, ĐTC Biển Đức 16 đề cao phụng vụ như trường dạy cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa.

Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên tại Quảng trường thánh Phêrô từ đầu mùa hè đến nay. Trong bài huấn dụ, ĐTC đã diễn giải về đề tài "Phụng vụ, trường dạy cầu nguyện: chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện". Ngài nói:

"Trong những tháng qua, chúng ta đã thực hiện một hành trình dưới ánh sáng Lời Chúa, để học cầu nguyện ngày càng chân thực hơn, bằng cách nhìn đến một số nhân vật chính của Cựu Ước, các Thánh Vịnh, các thư thánh Phaolô và sách Khải Huyền, nhưng nhất là nhìn kinh nghiệm có một không hai và cơ bản của Chúa Giêsu, trong tương quan của Người với Chúa Cha trên trời. Thực vậy, chỉ trong Chúa Kitô, con người mới có thể kết hiệp với Thiên Chúa một cách sâu xa và thân mật như một người con đối với người cha yêu thương, chỉ trong Chúa Kitô chúng ta mới có thể ngỏ lời với Thiên Chúa trong tất cả sự chân thực, gọi Ngài một cách thân mật là là "Abba! Ba ơi!". Cũng như các Tông Đồ, chúng ta đã lập lại trong những tuần qua và hôm nay chúng ta còn thưa với Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11,1).

Ngoài ra, để học cách sống quan hệ bản thân với Thiên Chúa một cách khẩn trương hơn, chúng ta đã học cách cầu khẩn Chúa Thánh Linh, là hồng ân đầu tiên mà Chúa Phục Sinh ban cho các tín hữu, vì chính Người "đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho thích hợp" như thánh Phaolô đã nói (Rm 8,26) và chúng ta biết thánh nhân có lý.

Nhưng đến đây, sau một loạt dài các bài giáo lý về việc cầu nguyện trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao tôi có thể để cho Chúa Thánh Linh huấn luyện và có thể bước vào bầu khí quyển của Thiên Chúa, cầu nguyện với Thiên Chúa? Đâu là trường học trong đó Người dạy tôi cầu nguyện và đến trợ giúp sự khó khăn vất vả của tôi trong việc ngỏ lời với Thiên Chúa một cách đúng đắn? Trường đầu tiên để học cầu nguyện chúng ta đã trải qua trong những tuần này chính là Lời Chúa, là Kinh Thánh, Kinh Thánh trong cuộc đối thoại trường kỳ giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc đối thoại từ từ trong đó Thiên Chúa ngày càng tỏ ra gần hơn. Chúng ta có thể ngày càng biết rõ tôn nhan, tiếng nói, bản chất của Chúa và con người học cách chấp nhận biết Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa. Vì thế, trong những tuần này, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đã tìm hiểu từ Kinh Thánh, từ cuộc đối thoại trường kỳ ấy, xem làm sao để tiếp xúc với Thiên Chúa.

Còn một "môi trường" quí giá khác, một nguồn mạch quí giá khác để tăng trưởng trong việc cầu nguyện, một nguồn nước hằng sống có liên hệ mật thiết với nguồn Kinh Thánh. Tôi muốn nói đó là Phụng vụ, là môi trường ưu tiên trong đó Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta, ở đây và trong lúc này, và Ngài chờ đợi câu trả lời của chúng ta.

Phụng vụ là gì?

"Nhưng Phụng vụ là gì? Nếu chúng ta mở Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, - vốn là một trợ giúp luôn quí giá và không thể thiếu được mà chúng ta có thể đọc thấy rằng nguyên thủy, từ "Phụng vụ" có nghĩa là "việc phục vụ của dân và mưu ích cho dân" (n.1069). Khi thần học Kitô giáo lấy lại danh từ này từ thế giới Hy Lạp, chắc chắn là người ta nghĩ đến Dân Mới của Thiên Chúa, được khai sinh bởi Chúa Kitô Đấng đã giang rộng hai tay trên Thánh Giá để nối kết con người trong an bình của Thiên Chúa duy nhất. "Phục vụ cho dân", một dân tộc không tự hiện hữu, nhưng được hình thành nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Thực vậy, Dân Chúa không hiện hữu do những liên hệ máu mủ, lãnh thổ, quốc gia, nhưng luôn phát sinh từ hoạt động của Con Thiên Chúa và từ sự hiệp thông với Chúa Cha mà Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.

Ngoài ra, Sách Giáo Lý chỉ rõ rằng "Trong truyền thống Kitô giáo, từ "Phụng vụ" có nghĩa là Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa", vì Dân Chúa chỉ hiện hữu như là Dân của Chúa nhờ hoạt động của Thiên Chúa. Điều ấy chính sự phát triển của Công đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở chúng ta. Công đồng bắt đầu cách đây hơn kém 50 năm với việc thảo luận lược đồ về Phụng vụ thánh. Sau đó Lược đồ này được long trọng chấp thuận ngày 4-12-1963 như Văn kiện đầu tiên của Công đồng. Có lẽ một số người cho rằng sự kiện văn kiện về phụng vụ là kết quả đầu tiên của Công đồng là một điều tình cờ. Trong bao nhiêu dự án, văn kiện về Phụng vụ dường như là văn bản ít gây tranh luận nhất, và chính vì thế, văn kiện này có thể là một sự tập luyện để học phương pháp làm việc của Công Đồng. Nhưng chắc chắn là, một điều thoạt đầu có vẻ là một sự tình cờ, đã tỏ ra là một sự chọn lựa đúng đắn nhất, kể cả khi xét về phẩm trật các đề tài và nghĩa vụ quan trọng nhất của Giáo Hội. Thực vậy, khi bắt đầu bằng đề tài "Phụng vụ", Công đồng làm nổi bật một cách rõ ràng quyền tối thượng của Thiên Chúa, chỗ đứng ưu tiên tuyệt đối của ngài. Thiên Chúa đứng trước mọi sự: đó là điều mà chọn lựa của Công đồng muốn nói với chúng ta khi khởi hành từ Phụng vụ. Nơi nào cái nhìn về Thiên Chúa không còn có tính chất quan trọng quyết định nữa, thì mọi sự khác sẽ mất hướng đi. Tiêu chuẩn cơ bản đối với phụng vụ là qui hướng về Thiên Chúa, để có thể tham gia vào chính công trình của Chúa.

"Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là công trình của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi tham gia? Hiến Chế của Công đồng về Phụng vụ thánh mang lại cho chúng ta 2 câu trả lời. Thực vậy, ở đoạn số 5 Công đồng dạy rằng công trình của Thiên Chúa là những hoạt động của Ngài trong lịch sử mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, với tột đỉnh ở trong Cái Chết và Sự Sống lại của Chúa Giêsu Kitô; nhưng ở đoạn số 7, Hiến Chế này định nghĩa việc cử hành Phụng vụ như "công trình hoạt động của Chúa Kitô". Trong thực tế, hai ý nghĩa này liên kết mật thiết với nhau. Nếu chúng ta tự hỏi ai cứu cuộc thế giới và con người, thì câu trả lời duy nhất là: Đức Giêsu thành Nazareth, là Chúa và là Đức Kitô, chịu đóng đanh và sống lại. Và Mầu Nhiệm Sự Chết và Sống lại của Chúa Kitô mang lại ơn cứu độ cho tôi được hiện thực hóa ở đâu? Thưa là ở trong hoạt động của Chúa Kitô qua Giáo Hội, trong Phụng vụ, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, làm cho hy tế của Con Thiên Chúa Đấng cứu chuộc chúng ta, được hiện diện; trong Bí tích Hòa giải, trong đó con người đi từ cái chết vì tội lỗi đến sự sống mới; và trong các hành vi bí tích khác thánh hóa chúng ta (Xc .O 5). Như thế, Mầu Nhiệm Vượt Qua với Cái Chết và Sự Sống lại của Chúa Kitô chính là trung tâm thần học Phụng vụ của Công đồng.

Chúng ta hãy tiến thêm một bước và tự hỏi: sự hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô có thể diễn ra thế nào? Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, đã viết như sau nhân dịp kỷ niệm 25 năm Hiến Chế Thánh Công Đồng (Sacrosanctum Concilium): "Để hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, nhất là trong các hoạt động Phụng vụ. Vì thế, Phụng vụ là nơi ưu tiên để các tín hữu Kitô gặp gỡ Thiên Chúa và với Đấng mà Ngài sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (Xc Ga 17,3)" (Vecesimus quintus annus, n.7). Theo cùng chiều hướng ấy chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo: "Mỗi việc cử hành bí tích là một cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Chúa Cha, trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, và cuộc găp gỡ ấy được diễn tả như một cuộc đối thoại, qua những hành động và lời nói" (n. 1153). Vì thế điều kiện đầu tiên để cử hành Phụng vụ tốt đẹp là làm sao để việc cử hành này là cầu nguyện và đối thoại với Thiên Chúa, nhất là lắng nghe và đáp lại".

ĐTC đặc biệt nhắc đến lời mời gọi của vị chủ tế trong thánh lễ trước kinh Tiền Tụng: "Sursum corda", chúng ta hãy nâng tâm hồn lên khỏi những mớ tơ vò của những bận tâm của chúng ta, những mong ước, lo lắng, sự chia trí của chúng ta. Con tim chúng ta, chính thẳm sâu tâm hồn chúng ta phải mở rộng ngoan ngoãn đối với Lời Chúa và mặc niệm trong kinh nguyện của Giáo Hội, để được qui hướng về Thiên Chúa nhờ chính những lời được nghe và nói. Cái nhìn của tâm hồn phải hướng về Chúa, Đấng đang ở giữa chúng ta: đó là thái độ cơ bản phải có.

Khi chúng ta sống Phụng vụ với thái độ căn bản như thế, tâm hồn chúng ta như được đưa khỏi sức hút của trọng lực lôi chúng ta xuống, để nâng tâm hồn lên cao, lên cùng sự thật và tình thương, hướng về Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng: "Các bạn thân mến, chúng ta chỉ cử hành và sống Phụng vụ một cách tốt đẹp nếu chúng ta ở trong thái độ cầu nguyện, nếu chúng ta không muốn làm cái gì đó, tỏ cho người ta thấy chúng ta, hành động mà thôi, nhưng chúng ta muốn hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và ở trong tư thế cầu nguyện, kết hiệp với Mầu Nhiệm Chúa Kitô và cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha. Chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện, như thánh Phaolô đã quả quyết (Rm 8,26). Chính Chúa ban cho chúng ta những lời thích hợp để hướng về Chúa, những lời mà chúng ta gặp trong sách Thánh Vịnh, trong những đại kinh nguyện của Phụng vụ và trong việc cử hành thánh lễ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa bản cho chúng ta ngày càng ý thức hơn điều này: Phụng vụ chính là hoạt động của Thiên Chúa và con người; kinh nguyện trào dâng từ Thánh Linh và từ chúng ta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong niềm kết hiệp với Con Thiên Chúa làm người (Xc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, n.2564)

Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ tên của các phái đoàn đã được giới thiệu lên ĐTC, bắt đầu là các nhóm nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và các thứ tiếng khác.

Khi nói bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm 110 nữ tu dòng thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm và các nữ tu dòng Cát Minh Thừa Sai đang nhóm tổng tu nghị. Ngài khích lệ các chị tiếp tục theo đuổi sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong niềm trung thành với đoàn sủng của các vị sáng lập dòng.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: radiovaticana

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log