Một vị bề trên tu viện nhắc nhở một tu sĩ trẻ đang sử dụng máy tính bảng thay thế cho sách nguyện trong giờ kinh sáng hãy dùng sách nguyện như các người khác. “Nhưng -vị bề trên nói tiếp-, tôi tự hỏi tại sao tôi lại phản ứng như vậy. Việc sử dụng một máy tính bảng không thích hợp bằng việc sử dụng một cuốn sách ở chỗ nào?”
Các giám mục New Zealand đã có câu trả lời không do dự trong một bức thư được công bố hồi tháng sáu vừa qua: “Các ứng dụng phụng vụ trên iPad, máy tính bảng cảm ứng, điện thoại cầm tay và máy đọc sách thật tuyệt hảo cho việc học tập nhưng không thích hợp trong cử hành phụng vụ”.
Máy tính bảng không chỉ là một phương tiện trợ giúp mới mà còn cung cấp một cảm nhận mới về việc đọc. Sách điện tử trở thành một dụng cụ lai ghép đưa thêm âm nhạc, hình ảnh, các cải tiến… vào bản văn. Qua việc phá vỡ mối liên hệ kết nối lời kinh và phương tiện trợ giúp, sách nguyện điện tử buộc ta phải xem lại các cử chỉ phụng vụ và các khái niệm được gắn với quyển sách trong khuôn khổ của việc đọc kinh nhật tụng. Đây là homo liturgicus (con người phụng vụ) tiếp nhận homo numericus(con người kỹ thuật số): liệu có nhất thiết phải có một sự rối loạn trong không gian thánh? Chẳng nhẽ các nhà “liturgeeks” (người mê kĩ thuật số tham dự cử hành phụng vụ) không có quyền có sách nguyện của họ sao?
Cũng đã có những sự dè dặt khi lần đầu tiên thánh lễ được truyền hình
Trong lĩnh vực phụng vụ, người ta thường rất dè dặt với cái mới mẻ. Năm 1494, vào thời sách in được phổ biến một cách rộng rãi, Jean Trithème, viện phụ Dòng Biển Đức ở Sponheim, phàn nàn là sách bằng giấy chóng hư hơn là bằng giấy da và, theo nghĩa này, không phù hợp lắm đối với phụng vụ. Những sự dè dặt này làm người ta nghĩ tới các vụ phản đối nổi lên vào năm 1948, khi lần đầu tiên thánh lễ được truyền hình.
Sách thánh là một sự bày tỏ lòng sùng kính đối với Thiên Chúa. Sách thánh là một tác phẩm đồng thời là một công trình tôn vinh sự vĩ đại của Thiên Chúa, qua sự lộng lẫy của nó. Là dụng cụ để chuyển tải lời Chúa và vật phẩm dùng trong phụng tự, Sách thánh phải xứng với hoạt động phụng vụ được dành cho nó. Sách cũng chẳng phải là vật thiêng hơn máy tính bảng, nếu một ngày nào đó “cải biên” được loại máy tính bảng chỉ dùng trong phụng tự.
Tôi hiểu được sự cảnh giác của các giám mục ở chỗ máy tính bảng cung cấp rất nhiều chức năng khiến người đọc có thể đi ra ngoài cấu trúc của bản văn. Phụng vụ không chấp nhận sự bất định về văn bản. Nhưng liệu màn hình có làm tín hữu mất khả năng suy xét đến như vậy chăng? Tôi không tin. Phụng vụ gắn với việc loan báo Lời Chúa và quy định về Sách thánh. Chính yếu là để cho văn bản đọc thấm nhuần, bởi vì “Sách thánh lớn lên cùng với người đọc” (Thánh Grêgôriô Cả).
Để nghe được một tiếng Nói
Việc đọc làm cho người ta quen dần với Lời của Thiên Chúa, Đấng ban lời cho người đọc (và cho cộng đoàn) để tỏ lộ Hữu thể thâm sâu của Ngài. Màn hình không phá bỏ cũng không làm mất đi dòng chảy của Lời nhập thể. Việc sử dụng trong phụng vụ một cuốn sách hay một máy tính bảng dẫn đến việc nghe và thấy: sách và máy tính khiến ta nghe được một tiếng Nói, làm mọi tiếng xôn xao của chợ búa phải lặng im, và thấy được Dung mạo của Thiên Chúa qua nét mặt con người, là “chữ viết đẹp nhất của Lời Ngài” (Serge Beaurecueil).
(Sylvain Gasser, La-Croix, 21-09-2012)
Mai Tâm chuyển dịch, 25-09-2012
Mai Tâm chuyển dịch