Đức Biển Đức trong một chuyến tông du |
Nếu có một thần học gia và một Giáo hoàng đã suy tư và giảng dạy về tính hợp lý của đức tin, đó là Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức. Không phải ngẫu nhiên mà ngài đã nói về điều đó trong những dòng cuối cùng của di chúc thiêng liêng: “Tôi đã thấy, và thấy, từ mớ giả thuyết rối rắm, tính hợp lý của đức tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, Sự Thật và Sự Sống - và Giáo Hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người”.
Tuy nhiên, nơi Đức Biển Đức, sự nhấn mạnh được lặp đi lặp lại này chưa bao giờ có ý nghĩa giảm đức tin trở thành một “hệ thống” triết học, một kết cấu ý tưởng, một danh sách các chuẩn mực đạo đức, để cuối cùng quên rằng đức tin Kitô là một cuộc gặp gỡ với một Người, như được viết trong phần mở đầu thông điệp Deus Caritas est. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tiếng Đức Herder Korrespondenz, được công bố vào tháng 7/2021, Đức Biển Đức đã nhận xét: “Tín hữu là một người tự hỏi… Theo nghĩa này, tư tưởng về ‘một cuộc chạy trốn trong học thuyết thuần tuý’ đối với tôi hoàn toàn không thực tế. Một giáo huấn chỉ hiện hữu như một loại bảo tồn thiên nhiên, tách biệt với thế giới đức tin hàng ngày và những đòi hỏi của đức tin, theo một cách nào đó chính là sự từ chối đức tin. Giáo huấn phải được phát triển trong và từ đức tin chứ không phải đi bên cạnh đức tin”.
Vào năm 2001, khi đã là Hồng y, Đức Biển Đức đã tuyên bố những điều này rất rõ ràng để không rơi vào sự giảm thiểu này, và hôm này vẫn còn giá trị khi được tái đề xuất: “Bản chất của đức tin không phải là khi một lúc nào đó bắt đầu người ta có thể nói: Tôi đã có đức tin, còn những lúc khác không… Đức tin luôn là một con đường. Trong suốt cuộc đời, đức tin luôn là một hành trình, và vì thế đức tin luôn bị đe doạ và gặp nguy hiểm. Và theo cách này, đức tin cũng là một điều bổ ích giúp ngăn ngừa nguy cơ bị biến đổi ý thức hệ xuyên tạc. Có nguy cơ làm cho chúng ta trở nên cứng cỏi, không thể chia sẻ suy nghĩ và đau khổ với anh chị em đang có sự nghi ngờ và những thắc mắc. Đức tin chỉ có thể trưởng thành trong mức độ người ta có thể chịu đựng và lãnh trách nhiệm mọi đau khổ và sức mạnh của sự hoài nghi trong mọi giai đoạn của sự hiện hữu, và cuối cùng vượt qua nó cho đến khi có thể đi đến một kỷ nguyên mới.
Đức tin, như chính Đức Biển Đức nhắc lại và được Đức Thánh Cha Phanxicô thích lặp lại, chỉ được thông truyền bằng sự thu hút chứ không phải bằng sự chiêu dụ hay áp đặt. Tín hữu không phải là người “sở hữu” điều gì đó có thể “quản lý”. Kitô hữu không đưa ra các câu trả lời có sẵn để giải thích tất cả cho mọi người. Kitô hữu chỉ có thể phản chiếu lại một số tia sáng hồng ân lãnh nhận được mà thực sự không xứng đáng. Vì thế, Kitô hữu được kêu gọi tìm kiếm Thiên Chúa qua đối thoại với một người nào đó, chịu trách nhiệm về những hồ nghi và vết thương của những người không tin, đồng hành với mọi người, không bao giờ tự cho rằng mình “đã đến”. Trong điều này, Đức Biển Đức là một nhân chứng và một thầy dạy.