Đức Biển Đức trong một chuyến tông du |
Khi hàng ngàn người từ khắp nơi đang tuôn về đền thờ thánh Phêrô để bày tỏ lòng kính trọng lần cuối đối với Đức Biển Đức, thì những lời tri ân dành cho Đức cố Giáo hoàng tiếp tục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có các Giáo hội Kitô, các nguyên thủ quốc gia, và các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác.
Sau khi biết tin Đức Biển Đức qua đời ngày 31/12/2022, linh mục Ioan Sauca, Tổng Thư ký của Hội đồng các Giáo hội Kitô (WCC), đã bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc” đến tất cả các Giáo hội thành viên, nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của Đức Biển Đức cho công cuộc đối thoại đại kết. Linh mục lưu ý rằng Đức Biển Đức là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ quốc gia Đức, với số tín hữu Tin lành và Công giáo gần như bằng nhau, và là một trong những trung tâm của cuộc Cải cách thế kỷ 16.
Linh mục Sauca nói: “Trong các bài viết và các tuyên bố, Đức Biển Đức đã thể hiện lòng can đảm trong vai trò lãnh đạo. Trong một phong trào đại kết duy nhất, ngài liên tục khẳng định không thể đảo ngược sự dấn thân của Giáo hội Công giáo cho phong trào đại kết, đặc biệt trong việc đáp ứng các những vấn đề thách đố đối với các Giáo hội trên thế giới”.
Đức Giám mục Heinrich Bedford-Strohm của Giáo hội Tin lành Đức chia buồn với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo hội Công giáo về sự ra đi của Đức Biển Đức. Đức Giám mục cho biết ngài vẫn nhớ rất rõ những lời của Đức Biển Đức đã nói trong dịp sinh nhật lần thứ 85 năm 2012 tại Vatican mà ngài đã có mặt vào ngày đó: “Giờ đây tôi đang đứng trước chương cuối cuộc đời và tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình. Tuy nhiên, tôi biết ánh sáng Chúa hiện hữu, Người đã Phục sinh, ánh sáng Chúa mạnh hơn mọi bóng tối, lòng nhân lành Chúa mạnh hơn bất kỳ điều ác nào trên thế giới này.” Giám mục Bedford-Strohm nhận xét: “Tôi tin chắc giờ đây ngài đã trải nghiệm thực sự những lời ngài đã nói lúc đó”.
Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành Đức Annette Kurschus đã nhấn mạnh sự nhạy bén thần học của Đức cố Giáo hoàng, cũng như sự đóng góp của ngài cho cuộc đối thoại đại kết. Chủ tịch Hội đồng nhắc lại những lời của Đức Biển Đức trong Chuyến tông du đến Đức năm 2011: “Điều quan trọng nhất đối với phong trào đại kết là không được quên đi những điểm chung lớn đã làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu ngay từ đầu. Đây là một nhiệm vụ đại kết trung tâm trong đó chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau: tin tưởng sâu sắc và sống động hơn”.
Sự dấn thân của Đức Biển Đức XVI đối với sự hiệp nhất Kitô giáo và sự dũng cảm từ nhiệm cũng đã được nhấn mạnh bởi Đức Thượng phụ Bartôlômêô. Trong một cử hành phục vụ vào Chúa nhật tại Phanar vào ngày đầu năm mới, Đức Thượng phụ nhắc lại Tuyên bố chung đã được ký vào ngày 30/11 tại Istanbul, trong chuyến tông du của Đức Biển Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu một bước tiến lịch sử trong quan hệ Công giáo-Chính thống. Đức Thượng phụ nhấn mạnh Đức cố Giáo hoàng là một thần học gia uyên bác có kiến thức sâu rộng về thần học Chính thống được đánh giá rất cao trong thế giới Chính thống.
Đức Thượng phụ Kirill, giáo chủ chính thống Nga cũng gửi lời chia buồn, nhận xét rằng dưới triều giáo hoàng của Đức Biển Đức, quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Trong lời chia buồn, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga đã nêu bật sự đóng góp của Đức cố Giáo hoàng trong việc làm chứng cho Chúa Kitô trong một thế giới tục hóa và bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống. Theo Đức Thượng phụ, Đức Biển Đức dành tình cảm sâu sắc với Kitô giáo Đông phương và đặc biệt tôn trọng truyền thống Chính thống giáo Nga.