ĐTC bắt đầu bài giáo lý với việc nhắc lại tiến trình của các lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: bắt đầu từ mong ước của chúng ta cho chương trình vĩ đại của Thiên Chúa được thực hiện giữa chúng ta, đến sự quan tâm về cuộc sống với nhu cầu thiết yếu hàng ngày, đó là “lương thực hàng ngày”; sau đó Kinh Lạy Cha hướng đến các tương quan liên bản thể của chúng ta, điều thường bị tính ích kỷ cá nhân làm cho hư hoại, và dạy chúng ta cầu xin được tha thứ và cam kết thực hành tha thứ. Tiếp đến, ĐTC nhận xét rằng với lời nguyện xin cuối cùng, cuộc đối thoại của chúng ta với Cha trên trời đi vào trọng tâm của câu chuyện, nghĩa là đi vào bối cảnh của cuộc đối đầu giữa tự do của chúng ta và các cạm bẫy của kẻ ác.
Nói về cách dịch lời nguyện xin cuối cùng này, ĐTC nhận xét: thành ngữ gốc tiếng Hy lạp trong các sách Tin Mừng thật khó được dịch chính xác và tất cả các bản dịch hiện đại hơi khập khiễng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhất trí về một điểm: dù bản văn được hiểu theo cách nào, chúng ta phải loại bỏ ý tưởng rằng chính Thiên Chúa là nhân vật chính của những cám dỗ trên hành trình của con người, như thể chính Chúa đang rình rập để bày ra những cạm bẫy cho con cái mình.
ĐTC giải thích: Một cách giải thích như thế tương phản trước hết với chính văn bản, và nó khác xa với hình ảnh của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Chúng ta đừng quên: Kinh Lạy Cha bắt đầu với từ “Cha”. Và đó là một người cha không giăng bẫy con cái mình. Kitô hữu không có gì để làm với một Thiên Chúa ghen tị, cạnh tranh với con người, hoặc là Đấng thích đặt con người trước thử thách. Những tính cách này là hình ảnh của nhiều vị thần của dân ngoại. Chúng ta hãy đọc thư thánh Giacôbê Tông đồ: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai (1:13). Hoàn toàn ngược lại: Chúa Cha không phải là tác giả của điều xấu, không có người con nào yêu cầu cá mà Người cho rắn (x. Lc 11,11) như Chúa Giêsu đã dạy, và khi sự ác xuất hiện trong cuộc sống của con người, Chúa chiến đấu bên cạnh họ, để họ có thể để được giải thoát khỏi sự dữ. Đó là một Thiên Chúa luôn chiến đấu vì chúng ta, chứ không chống lại chúng ta. Đó là Chúa Cha. Chúng ta cầu nguyện "Kinh Lạy Cha" theo nghĩa này.
Trong thử thách và cám dỗ, Chúa Giêsu trở nên anh em chúng ta
Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC nói rằng chính Chúa Giêsu cũng chịu thử thách và đau khổ, để trở nên anh em chúng ta và dạy chúng ta cách vượt thắng chúng. ĐTC nói: Hai thời khắc này – thử thách và cám dỗ - là những thời điểm hiện diện cách mầu nhiệm trong cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Chính trong kinh nghiệm này, Con Thiên Chúa đã làm cho mình hoàn toàn trở thành người anh em của chúng ta, theo cách thức hầu như tạo nên xì căng đan.
Thiên Chúa không để chúng ta cô đơn
Và chính những đoạn Tin Mừng này chỉ cho chúng ta thấy rằng những lời cầu nguyện khó khăn nhất của Kinh Lạy Cha, những lời kết thúc Kinh này, đã được thực hiện: Thiên Chúa không để chúng ta cô đơn một mình, nhưng nơi Chúa Giêsu, Người tỏ mình ra như “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” cho đến những kết quả cuối cùng. Người ở cùng chúng ta khi ban cho chúng ta sự sống, ở cùng chúng ta trong cuộc sống, ở cùng chúng ta khi vui mừng, trong thử thách, giữa đau buồn; ở cùng chúng ta trong thất bại, khi chúng ta phạm tội, nhưng luôn ở cùng chúng ta, bởi vì Người là Cha và không thể bỏ rơi chúng ta.
Chúa Giêsu dạy khước từ và chiến thắng cám dỗ
Nếu chúng ta bị cám dỗ làm điều xấu, khi phủ nhận tình anh em với tha nhân và ao ước có quyền tuyệt đối trên mọi sự và trên mọi người, Chúa Giêsu đã chiến đấu chống lại cám dỗ này vì chúng ta: những trang đầu của các Tin Mừng đã tuyên bố điều này. Ngay sau khi lãnh nhận phép rửa từ thánh Gioan Tẩy Giả, giữa đám đông những người tội lỗi, Chúa Giêsu đã rút lui vào hoang địa và chịu Satan cám dỗ. Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu với những cơn cám dỗ của Satan. Satan đã hiện hữu. Nhiều người nói rằng: “Tại sao lại nói về ma quỷ là điều đã cổ xưa rồi? Ma quỷ không hiện hữu”. Nhưng hãy xem điều Tin Mừng dạy chúng ta: Chúa Giêsu đã đối đầu với quỷ, đã bị Satan cám dỗ. Nhưng Chúa Giêsu khước từ mọi cám dỗ và ra khỏi hoang địa với chiến thắng. Tin Mừng thánh Mátthêu có một ghi chú thú vị khi kết thúc cuộc đấu tay đôi giữa Chúa Giêsu và Kẻ thù: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (4,11).
Thiên Chúa tỉnh thức chứ không ngủ quên khi con người đau khổ
ĐTC khẳng định: Nhưng ngay cả trong cơn thử thách cực điểm, Thiên Chúa không để chúng ta một mình. Khi Chúa Giêsu đi vào vườn Ghetsemani để cầu nguyện, tâm hồn Người tràn ngập sự thống khổ không thốt nên lời – Người đã nói với các môn đệ như thế - và Người cảm nếm sự cô đơn và bị bỏ rơi. Người đã cô đơn với trách nhiệm mang lấy tất cả tội lỗi của thế gian trên đôi vai; Người cô đơn, với nỗi thống khổ không thể nói thành lời. Thử thách quá đau đớn đến nỗi điều không chờ đợi đã xảy ra. Chúa Giêsu không bao giờ cầu xin tình yêu cho chính mình, ngược lại, trong đêm tối đó, khi Người cảm thấy linh hồn mình buồn sầu đến chết được, khi đó Chúa cầu xin các bạn hữu ở gần bên Người: “Các con hãy ở lại đây và thức với Thầy!” (Mt26,38). Như chúng ta biết, vì sợ hãi, lòng các môn đệ trĩu nặng tê liệt, và họ đã thiếp ngủ đi. Trong thời khắc đau khổ, Thiên Chúa cầu xin con người đừng bỏ rơi ngài, nhưng con người lại thiếp ngủ. Ngược lại, trong lúc con người bị thử thách, Thiên Chúa tỉnh thức. Trong những thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng ta, trong những phút giây đau khổ, trong những những lúc thống khổ nhất, Thiên Chúa thức tỉnh với chúng ta. Thiên Chúa chiến đấu với chúng ta và luôn ở gần bên chúng ta. Tại sao? Bởi vì Người là Cha. Chúng ta đã bắt đầu lời cầu nguyện như vậy: “Lạy Cha chúng con”. Người là người cha không bỏ rơi con cái mình. Đêm tối đau khổ, chiến đấu của Chúa Giêsu là dấu ấn cuối cùng của sự Nhập Thể: Thiên Chúa bước xuống tìm kiếm chúng ta trong hố sâu và khó nhọc vất vả trải dài trong lịch sử.
Với Chúa Giêsu, thử thách không còn là thời gian tuyệt vọng nhưng là ân phúc
Niềm an ủi của chúng ta trong giờ phút thử thách chính là biết rằng thung lũng đó không còn là nơi tuyệt vọng nữa từ khi Chúa Giêsu đi qua nó, nhưng nó được chúc phúc nhờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta!
ĐTC đã kết thúc bài giáo lý với lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đẩy xa khỏi chúng con những thử thách và cám dỗ. Nhưng khi thời gian này đến với chúng con, lạy Cha của chúng con, xin tỏ cho chúng con thấy rằng chúng con không cô đơn. Chúa là Cha. Xin chỉ cho chúng con thấy rằng Chúa Kitô đã mang lấy trên mình Người cả gánh nặng của thập giá. Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Giêsu và Người mời gọi chúng con vác thập giá với Người bằng cách phó thác tin tưởng vào tình yêu của Cha.