Đức Thánh Cha và cha Marco Pozza |
Sợi dây xuyên suốt toàn bộ cuốn sách được phát hành vào ngày 02/3/2021, là những suy tư về 7 nết xấu và 7 nhân đức đối lập nhau: công bình/bất công, dũng cảm/không kiên định, tiết độ/nóng giận, thận trọng/ngớ ngẩn, trung tín/bất trung, hy vọng/thất vọng, bác ái/ghen tuông. Đức Thánh Cha nói: “Có những người nhân đức, có những người xấu tính, nhưng phần lớn là sự pha trộn giữa các nhân đức và tật xấu. Một số người có một nhân đức nổi trội, nhưng lại có một vài điểm yếu. Bởi vì tất cả chúng ta đều là những người dễ bị tổn thương. Và chúng ta phải xem xét nghiêm túc tính dễ bị tổn thương này. Điều quan trọng là phải biết điều này, để định hướng hành trình, cuộc sống của chúng ta”.
Trong sách, Đức Thánh Cha giải thích rằng, nóng giận sẽ hủy diệt. Giận dữ là một cơn bão có mục đích phá hủy, như tình trạng bắt nạt trong giới trẻ ngày nay. Bắt nạt nảy sinh khi người ta cố gắng tìm căn tính của mình, người ta coi thường và tấn công căn tính của người khác. Cách duy nhất để “chữa lành” tình trạng bắt nạn là chia sẻ, đối thoại, lắng nghe người khác, dành thời gian cho nhau bởi vì thời gian tạo nên tương quan. Mỗi người chúng ta đều có điều gì đó tốt đẹp để trao ban, mỗi người chúng ta cũng cần nhận điều tốt đẹp từ người khác.
Đức Thánh Cha nói Thiên Chúa cũng nóng giận, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nhằm chống lại sự bất công, chống lại Satan, chống lại cái ác. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa mang lại công lý. Kinh Thánh nói đại hồng thủy là kết quả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, là hình ảnh về cơn thịnh nộ của Chúa. Theo đó, khi thấy quá nhiều điều xấu và quyết định xóa bỏ loài người, Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. Nhưng khi tìm thấy một người công chính, ông Nôê, Thiên Chúa đã đã cứu ông. Đây là cơn thịnh nộ cứu độ.
Nói về sự thận trọng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những người lãnh đạo. Theo Đức Thánh Cha, người ta không thể lãnh đạo nếu không có sự thận trọng. Hậu quả của sự không cẩn trọng nơi những người lãnh đạo là cai quản không thành công, đưa ra những quyết định xấu, làm hại dân chúng. Và để có được nhân đức này, các vị lãnh đạo phải cầu nguyện, đồng cảm với con người, với những vấn đề của con người và thế giới.
Liên quan đến đức tin và những nghi ngờ, Đức Thánh Cha nhận định rằng, một người có đức tin nhưng cũng có thể vẫn còn những nghi ngờ, bởi vì chúng ta là con người và đức tin là một hồng ân lớn lao, đến nỗi khi chúng ta nhận được hồng ân này chúng ta không thể tin được. Đức Thánh Cha khuyên rằng, hãy gìn giữ hồng ân này, có thể trong thời điểm này tôi không cảm nhận được gì, nhưng hãy canh giữ hồng ân đức tin. Một Kitô hữu nếu chưa trải qua tâm trạng này, thì vẫn còn thiếu điều gì đó. Những cơn khủng hoảng đức tin không phải là sự thất bại, trái lại nó chỉ cho thấy nhu cầu và ước muốn đi vào chiều sâu mầu nhiệm Thiên Chúa.