Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Đây là một câu chuyện khởi đầu và kết thúc với cuộc hành trình “trên đường”.
Hai hành trình
Trong hành trình dài khoảng 11 km rời khỏi Giêrusalem để trở về nhà, trở về Emmaus, hai môn đệ buồn rầu vì phần kết câu chuyện của thầy Giêsu. Đó là một hành trình diễn ra vào ban ngày, một đoạn đường dễ đi với những con dốc đi xuống. Còn trong hành trình trở lại Giêrusalem, một đoạn đường 11 km khác, lại diễn ra vào lúc trời tối, với những đoạn dốc đi lên. Hai chuyến hành trình: một hành trình với đoạn đường dễ và diễn ra vào ban ngày, và một hành trình với đoạn đường khó, lại diễn ra vào ban đêm. Tuy nhiên, ở đoạn đường thứ nhất, họ bước đi trong buồn bã; ở đoạn đường thứ hai, họ bước đi trong niềm vui. Ở đoạn đường thứ nhất, Chúa đi bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Còn ở đoạn đường thứ hai, họ không còn nhìn thấy Người, nhưng họ cảm thấy Người ở thật gần bên. Ở đoạn đường đầu tiên, họ chán nản và thất vọng; còn ở lần thứ hai, họ vội vã trở về loan báo Tin Mừng về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh cho những người khác.
Bước ngoặt của hai hành trình
Hai hành trình của những môn đệ đầu tiên cũng nói với chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu ngày nay, rằng: trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng có hai hướng đi đối lập. Đó là hành trình của những ai giống như hai môn đệ lúc ra đi, họ để mình bị những thất vọng của cuộc sống làm cho tê liệt và bước đi với sự buồn bã; Đó cũng có thể là con đường của những ai không đặt chính mình và những vấn đề của mình lên hàng đầu, nhưng là Chúa Giêsu, Đấng đến viếng thăm chúng ta, và những anh chị em đang chờ chúng ta đến thăm viếng. Bước ngoặt ở đây là: đừng chỉ quanh quẩn nơi chính mình, với những thất vọng của quá khứ, với những lý tưởng và ước mơ chưa thành hiện thực, nhưng tiến bước và nhìn vào thực tại lớn lao hơn và chân thực hơn của cuộc sống: Chúa Giêsu vẫn sống và yêu tôi.
Từ “nếu” đến “vâng”
Việc đảo ngược của cuộc hành trình chính là: chuyển từ việc suy nghĩ về cái tôi của mình sang những thực tại về Thiên Chúa của mình; từ chuyển (tiếng Ý là passare) – một cách chơi chữ - có nghĩa là từ “nếu” đến “vâng”. Từ chữ nếu: “nếu Người là Đấng giải thoát chúng ta, nếu Thiên Chúa nghe tiếng tôi kêu cầu, nếu cuộc sống diễn ra như tôi muốn, nếu điều này, nếu điều kia…” Đây chính là những cái nếu của chúng ta, giống như những cái nếu của hai môn đệ năm xưa. Nhưng rồi, những cái nếu ấy được chuyển thành những tiếng vâng: “vâng, Người vẫn sống, và bước đi cùng chúng tôi. Vâng, bây giờ, chứ không phải ngày mai, chúng ta quay lại để loan báo về Người.”
Ba bước của cuộc biến đổi
Nhưng làm thế nào để có thể có bước chuyển từ tôi đến Chúa, từ nếu đến vâng? Đó là nhờ gặp Chúa Giêsu. Trước hết, hai môn đệ Emmaus đã mở lòng mình ra với Người, và họ nghe Người giải thích về Kinh Thánh, rồi họ mời Người vào nhà. Đó chính là ba bước mà chính chúng ta cũng có thể thực hiện trong ngôi nhà của mình. Trước hết, mở lòng với Chúa Giêsu, trao phó nơi Người những gánh nặng, những mệt nhọc, những thất vọng của cuộc sống. Thứ hai, lắng nghe Chúa Giêsu, cầm lấy cuốn Tin Mừng và đọc đoạn Tin Mừng hôm nay. Thứ ba, cầu nguyện với Chúa Giêsu, bằng chính những lời mà các môn đệ đã nói: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” (c.29), ở lại với tất cả chúng con, vì chúng con cần Chúa để tìm ra con đường.
Trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin Mẹ của những cuộc hành trình giúp chúng ta bước theo Chúa:
“Cuộc sống là một cuộc hành trình và chúng ta trở thành điều mà chúng ta hướng tới. Chúng ta chọn con đường của Thiên Chúa, chứ không phải của chúng ta, con đường của tiếng “vâng”, chứ không phải là “nếu”. Chúng ta khám phá ra rằng không có biến cố nào, không có dốc đèo nào, không có đêm tối nào mà chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria, Mẹ của những hành trình, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời, Đấng đã làm cho cả cuộc đời mình trở thành một tiếng “vâng” với Chúa, chỉ đường dẫn lối cho chúng ta.”