Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trình bày “một kế hoạch hồi phục” nhân loại giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhân loại và nền kinh tế thế giới suy sụp. Ngài đã chia sẻ những suy tư dành riêng cho Vida Nueva, tuần báo tôn giáo Tây Ban Nha, về đại dịch coronavirus dưới ánh sáng sự phục sinh của Chúa Giêsu.
“Một kế hoạch hồi phục” là chủ đề mà ngài chọn cho bài suy tư này. Trong đó, ngài không che dấu mối lo ngại của mình về cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra đã khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh, hơn 140 000 người chết và tàn phá nền kinh tế thế giới. Chỉ riêng ở Tây Ban Nha đã có 190 000 người nhiễm bệnh và 19 600 người chết.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng kinh nghiệm của chúng ta ngày nay phản chiếu theo nhiều cách những gì các môn đệ của Chúa Giêsu trải nghiệm sau khi Người chết và được mai táng trong mộ. Giống như họ, bao quanh chúng ta là một bầu khí đau thương và không chắc chắn, và chúng ta hỏi “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ?”
Đức Giáo hoàng so sánh tảng đá lấp mộ Đức Giêsu với tấm bia mộ của đại dịch vốn “đe dọa chôn vùi tất cả hy vọng” đối với những người già đang sống trong tình trạng cô lập hoàn toàn, những gia đình đang thiếu thốn lương lực, và những người đang “kiệt sức và bị quá tải” ở những tuyến đầu.
Tuy nhiên, ngài nhắc lại rằng những phụ nữ đã theo Đức Giêsu không để cho chính mình bị tê liệt bởi lo sợ và đau khổ. “Họ đã tìm ra những cách để vượt qua mọi trở ngại,” cách đơn giản “bằng sự hiện diện và đồng hành.”
Ngài lưu ý rằng ngày nay có rất nhiều người đang tiếp bước theo họ, bao gồm “các bác sỹ, y tá, nhân viên siêu thị, những người lao công, điều dưỡng, những người giao hàng, nhân viên công an, các tình nguyện viên, linh mục, nữ tu, những cụ ông cụ bà, giáo viên, và rất nhiều người khác nữa.”
Đức Giáo hoàng nói tiếp: Nhưng cũng giống như những người phụ nữ kia, tất cả họ cũng thắc mắc: “Ai sẽ là người lăn tảng đá ra?” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng ngày nay có rất nhiều người đang tham dự vào cuộc thương khó của Đức Kitô, một mình hoặc với những người khác, và ngài nhắc nhở tất cả mọi người: “Chúng ta không cô đơn, Thiên Chúa đi trước chúng ta trên hành trình của chúng ta, và lăn những tảng đá làm chúng ta tê liệt”. Đó là niềm hy vọng mà không ai có thể lấy khỏi chúng ta.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng các môn đệ Đức Giêsu đã khám phá ra điều mà ngày nay chúng ta vẫn đang học hỏi: “Không ai được cứu một cách đơn độc”.
Ngài miêu tả thời điểm hiện tại giống như “thời gian thuận tiện” để mở lòng ra với Thần Khí, Đấng có thể “gợi hứng cho chúng ta với một trí tưởng tượng mới về những gì có thể.”
Thật vậy, ngày nay, “các biên giới sụp đổ, những bức tường tan vỡ, và mọi diễn văn của những người mang não trạng chính thống cực đoan (fundamentalists) tan biến trước một sự hiện diện không thể nhìn thấy, cho thấy sự mong manh của những thứ làm nên chúng ta.” Tuy nhiên, ngài nói, “Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta nhớ đến một sự hiện diện rất kín đáo và uy nghiêm, rất quảng đại và đem lại sự hòa giải, để khởi đầu đời sống mới đã được ban tặng cho chúng ta”.
Sự hiện diện này là “hơi thở của Thần Khí mở ra những chân trời, khơi nguồn sáng tạo và canh tân tình huynh đệ, và làm cho chúng ta nói rằng “tôi đây” mỗi khi đối diện với nhiệm vụ lớn lao và cấp thiết đang chờ chúng ta.
Ngài miêu tả thời điểm hiện tại giống như “thời gian thuận tiện” để mở lòng ra với Thần Khí, Đấng có thể “gợi hứng cho chúng ta với một trí tưởng tượng mới về những gì có thể.” Ngài nhắc lại rằng Thần Khí không cho phép thời điểm ấy “bị đóng chặt hay bị bóp méo bởi những phương thức chai cứng hay lỗi thời, hoặc bởi những cơ cấu suy đồi”, nhưng thúc đẩy chúng ta “kiến tạo những điều mới mẻ”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, tại thời điểm lịch sử này, chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm sự phát triển bền vững và toàn diện. Chúng ta cũng đã hiểu rằng, cho dù tốt hay xấu, mọi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác bởi vì mọi thứ đều được thực hiện trong ngôi nhà chung của chúng ta, và nếu cơ quan y tế ra lệnh chúng ta ở trong nhà, thì người dân hãy thực hiện với ý thức đồng trách nhiệm trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Ngài nhấn mạnh rằng, “trình trạng khẩn cấp như Covid-19 được khắc phục trước hết bằng các kháng thể của sự đoàn kết.” Bài học này “phá vỡ tất cả thuyết định mệnh trong đó chúng ta đắm mình và cho phép chúng ta trở lại làm kiến trúc sư hay một nhân vật chính của lịch sử chung. Ngài nói tiếp: “nó làm cho chúng ta có khả năng ứng phó với nhiều tệ nạn đang ảnh hưởng đến đông đảo anh chị em chúng ta trên toàn cầu.
Đức Giáo hoàng nói: “Chúng ta không thể cho phép mình viết nên lịch sử hiện tại và tương lai bằng cách quay lưng lại với sự đau khổ của rất nhiều người.” Ngài trích dẫn sách Sáng Thế và viết rằng chính Thiên Chúa đang hỏi chúng ta: “Em của ngươi đâu?” Đức Giáo hoàng bày tỏ hy vọng rằng câu trả lời của chúng ta sẽ được đánh dấu bằng “niềm tin, hy vọng và yêu thương”.
Thật vậy, ngài nói: Nếu chúng ta hành động như một dân tộc, cũng như khi đối diện với các dịch bệnh khác đang tấn công chúng ta, thì chúng ta có thể có một tác động thực sự.
Liên quan đến những dịch bệnh khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt ra một loạt câu hỏi: Có phải chúng ta có khả năng hành động một cách đầy trách nhiệm khi đối mặt với nạn đói gây đau khổ cho nhiều người trên thế giới vốn dĩ có đủ lương thực cho mọi người? Liệu rằng chúng ta sẽ tiếp tục nhìn theo một hướng khác khi đối mặt với các cuộc chiến tranh nổ ra do sự thống trị và quyền lực? Liệu rằng chúng ta sẵn sàng thay đổi lối sống của mình vốn nhấn chìm rất nhiều người trong đói nghèo, qua việc thúc đẩy và cổ võ lối sống giản dị và nhân văn hơn để có thể chia sẻ tài nguyên một cách công bằng hơn? Như là một cộng đồng quốc tế, liệu rằng chúng ta sẽ chấp nhận các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá môi trường, hay chúng ta sẽ tiếp tục phủ nhận bằng chứng về sự tàn phá này? Có phải việc toàn cầu hóa sự dửng dưng sẽ tiếp tục đe dọa và cám dỗ hành trình của chúng ta?
Đức Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng: Dưới ánh sáng Phục Sinh, “chúng ta sẽ bắt gặp những kháng thể cần thiết của công lý, lòng bác ái và sự đoàn kết” để thay đổi thế giới. Ngài kêu gọi xây dựng “một nền văn mình tình thương”, mà ngài miêu tả như là “nền văn minh của hy vọng,” trái ngược với một nền văn minh đánh dấu bởi “đau đớn và sợ hãi, buồn bã và chán nản, thụ động và mệt mỏi.”
Nền văn minh này “phải được xây dựng hàng ngày” và đòi hỏi “sự dấn thân của tất cả mọi người.”