Hồng Thủy
Trong tháng 7 này Đức Thánh Cha sẽ không có các buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư hàng tuần. Do đó, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật là cơ hội duy nhất cho các tín hữu hành hương từ xa đến Roma có thể gặp gỡ Đức Thánh Cha.
Trưa Chúa Nhật 4/7/2021, dù trời nắng nóng nhưng có khá đông tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô để cùng đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, giải thích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ XIV Thường niên về việc những người đồng hương Nazareth của Chúa Giê-su từ chối nhìn nhận Người là vị Ngôn sứ, Đức Thánh Cha nhận định rằng lý do là vì họ không chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa đến gần con người đối với họ là một cớ vấp phạm.
Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu cũng có thể giống như những người đồng hương của Chúa khi để cho sự thoải mái của thói quen và tính độc tài của các định kiến hướng dẫn mình. Ngài mời gọi các tín hữu hãy cởi bỏ những định kiến để có tấm lòng cởi mở, đón nhận sự ngạc nhiên bất ngờ của Thiên Chúa.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Phúc âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 6,1-6) thuật lại với chúng ta về sự cứng lòng tin của những người đồng hương với Chúa Giê-su. Sau khi giảng dạy trong các làng của miền Galilê, Chúa đi sang Nazareth, nơi Người đã lớn lên cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse. Vào một ngày Sa-bát, Chúa giảng dạy trong hội đường Do Thái. Nhiều người lắng nghe Chúa đã tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được được khôn ngoan như vậy? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, những người hàng xóm mà chúng ta quen biết rõ sao? (xem cc. 1-3). Trước phản ứng của họ, Chúa Giê-su khẳng định một chân lý, điều đã trở thành một phần của sự khôn ngoan bình dân, đó là: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (c. 4).
Biết Chúa Giê-su nhưng không nhận biết Người
Chúng ta hãy suy tư về thái độ của những người dân làng của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể nói rằng họ biết Chúa Giê-su, nhưng họ không nhận biết Người. Có sự khác nhau giữa biết và nhận biết: chúng ta có thể biết nhiều điều về một người, điều này cho chúng ta một ý tưởng, dựa vào những gì người khác nói về người này, có thể là thỉnh thoảng chúng ta gặp người này trong khu phố; nhưng tất cả những điều này là không đủ. Đó là một sự hiểu biết bình thường, bên ngoài, không nhận ra sự độc đáo của người đó.
Tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào trường hợp này: chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết rõ về một người, và tệ hơn là chúng ta dán nhãn cho họ và nhốt họ trong những định kiến của chúng ta. Tương tự như vậy, những người dân làng của Chúa Giê-su đã biết Người trong ba mươi năm và nghĩ rằng họ biết tất cả. Trên thực tế, họ không bao giờ nhận ra Người thực sự là ai. Họ dừng lại ở mức độ bề ngoài và từ chối điều mới mẻ về Chúa Giê-su.
Bị thói quen và định kiến ngăn cản đón nhận điều mới lạ
Và ở đây chúng ta đi vào chính trọng tâm của vấn đề: Khi chúng ta để cho sự thoải mái của thói quen và sự độc tài của các định kiến hướng dẫn mình thì khó có thể cởi mở với điều mới lạ và để cho mình được ngạc nhiên. Trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình và thậm chí từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để không bao giờ phải cố gắng thay đổi. Điều này thậm chí có thể xảy ra khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, và ngay cả với chúng ta là những người tin Chúa, với chúng ta là những người nghĩ rằng chúng ta biết Chúa Giê-su, rằng chúng ta đã biết quá nhiều về Người và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ. Nhưng nếu không cởi mở với những gì mới mẻ và trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, nếu không có sự ngạc nhiên, đức tin sẽ trở thành một kinh cầu buồn tẻ và từ từ tàn lụi và trở thành một thói quen xã hội.
Phải cảm thấy ngạc nhiên khi gặp Chúa
Ngạc nhiên là gì? Ngạc nhiên xảy ra khi chúng ta gặp Thiên Chúa: “Tôi đã gặp Chúa”. Nhiều lần chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, những người gặp Chúa và nhận biết Người, họ cảm thấy ngạc nhên. Và chúng ta, gặp gỡ Chúa, chúng ta phải cảm thấy ngạc nhiên. Điều này giống như chứng chỉ bảo đảm rằng cuộc gặp gỡ đó là thật sứ chứ không phải là thói quen.
Không chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể
Cuối cùng, tại sao dân làng của Chúa Giê-su không nhận ra và tin Người? Lý do là gì? Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng họ không chấp “xì-căng-đan” Nhập Thể. Điều trở thành cớ vấp phạm đối với họ đó là sự vô biên của Thiên Chúa lại được bày tỏ trong sự nhỏ bé của xác thịt chúng ta, Con Thiên Chúa lại là con của một người thợ mộc, thần thánh lại ẩn mình trong con người, Thiên Chúa lại mang lấy khuôn mặt, những lời nói, những cử chỉ của một con người giản dị. Đây là cớ vấp phạm: sự nhập thể của Thiên Chúa, sự cụ thể của Người, ‘cuộc sống hàng ngày’ của Người.
Nguy cơ không nhận ra Chúa
Thiên Chúa đã trở thành một con người, Giê-su Nazareth, trở thành bạn đồng hành, trở thành một người giữa chúng ta. Là một người giữa chúng ta, Người hiểu, đồng hành, tha thứ và yêu thương chúng ta rất nhiều. Trong thực tế, chúng ta dễ chấp nhận một vị thần trừu tượng và xa cách hơn, một vị thần không xen vào các tình cảnh và chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, xa rời các vấn đề, xã hội. Hoặc chúng ta thậm chí muốn tin vào một vị thần có 'hiệu quả đặc biệt', người chỉ làm những điều đặc biệt và luôn khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ. Ngược lại, chính Thiên Chúa đã nhập thể: Thiên Chúa khiêm nhường, dịu dàng, ẩn mình, đến gần chúng ta, sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và rồi, giống như những người dân làng của Chúa Giê-su, chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa khi Người đi ngang qua.
Thánh Augustino nói: “Tôi sợ Thiên Chúa, sợ Chúa, khi Người đi ngang qua”. Nhưng tại sao thánh Augustino sợ? “Tôi sợ không nhận ra Người.” Chúng ta không nhận ra Chúa; đúng hơn, chúng ta cảm thấy Người là cớ vấp phạm.
Giờ đây, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, người đã chào đón mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của Mẹ ở Nazareth, cho đôi mắt và trái tim chúng ta không còn định kiến và mở ra để ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, trước sự hiện diện khiêm tốn và ẩn giấu của Người trong cuộc sống hàng ngày.