Thứ năm, 09/01/2025

ĐTC Phanxicô: ADN của cộng đoàn Kitô hữu chính là hiệp nhất và hiệp thông

Cập nhật lúc 08:59 13/06/2019
 

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung dành cho hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12.06, ĐTC nhắc rằng sứ vụ của Giáo hội bắt nguồn từ biến cố Chúa phục sinh. Từ ban đầu, Giáo hội là hiệp thông, là một cộng đoàn, là Dân Chúa. Dấu chỉ hiệp thông hữu hình của các Tông đồ chính là chứng tá đầu tiên của họ về Chúa Phục sinh và về tình yêu cứu độ của Chúa. ĐTC mời gọi các tín hữu cũng làm chứng về sức mạnh hòa giải của tình yêu Chúa bằng sự hiệp nhất, là điều chiến thắng sự kiêu ngạo và chia rẽ, là điều tạo nên một Dân Chúa từ sự đa dạng.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã bắt đầu loạt bài giáo lý theo bước hành trình của Tin mừng được tường thuật trong sách Công vụ Tông đồ. Tất cả bắt đầu từ sự Phục sinh của Chúa Kitô. Sự kiện này, thật sự không chỉ là một sự kiện trong muôn vàn sự kiện khác, nhưng là nguồn sự sống mới. Các Tông đồ hiểu điều này và các ngài đã vâng lời Chúa truyền, hiệp nhất với nhau, đồng tâm kiên trì trong cầu nguyện. Họ quy tụ xung quanh Mẹ Maria và chuẩn bị lãnh nhận quyền năng của Thiên Chúa, không phải cách thụ động nhưng củng cố sự hiệp thông giữa họ.

Ý nghĩa biểu tượng của số 12

Cộng đoàn đầu tiên được thành lập từ khoảng 120 người nam nữ: con số này ẩn chứa con số 12, là con số tượng trưng đối với dân Israel, vì nó diễn tả 12 chi tộc Israel, và đối với Giáo hội, nó cũng là con số tượng trưng, nói về 12 Tông đồ được Chúa Giêsu chọn. Nhưng giờ đây, sau những biến cố đau thương của cuộc Thương Khó, không còn 12  Tông đồ nữa nhưng chỉ còn có 11. Giuđa, một người trong số họ, không còn nữa: ông đã tự tử vì ăn năn hối hận.

Giuđa cô lập; virus kiêu ngạo nhiễm vào tâm trí

Mọi chuyện đã bắt đầu trước đó với việc ông tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Chúa Giêsu và các Tông đồ khác, ông hành động một mình, ông cô lập chính mình, ông gắn bó với tiền bạc đến mức lợi dụng người nghèo, cho đến đánh mất định hướng về sự nhưng không và tận hiến, cho đến mức để cho virus kiêu ngạo lây nhiễm vào tâm trí và trái tim, biến ông ta từ “bạn hữu” (Mt26,50) trở thành kẻ thù và “dẫn đường cho những người bắt Chúa Giêsu” (Cv 1,17). Giuđa đã nhận ơn cao cả, được ở trong số những người thân tín nhất của Chúa Giêsu và tham gia vào sứ vụ của Người, nhưng rồi khi ông ta muốn cứu mạng sống mình thì kết quả lại là đánh mất nó (x. Lc 9,24). Lòng ông không còn thuộc về Chúa Giêsu và ra khỏi sự hiệp thông với Chúa và các môn đệ của Người. Ông không còn muốn làm môn đệ nữa và đặt mình trên Thầy của mình. Ông đã bán Thầy và với số tiền có được từ tội ác, ông mua một mảnh đất, nhưng không dùng nó để trồng trọt mà để nhuộm nó bằng máu của mình (x. Cv 1,18-19).

11 Tông đồ còn lại chọn sự sống

Nếu Giuđa đã chọn cái chết thay vì sự sống (x. Đnl 30,19; Hc 15,17) và đi theo lối sống của những kẻ gian ác, là những người có cuộc sống tối tăm và đưa tới diệt vong (Pr Pr 4,19; Tv 1,6), thì mười một Tông đồ còn lại đã chọn sự sống, chọn phúc lành, khi trở thành những người có trách nhiệm làm cho phúc lành được tuôn tràn vào dòng lịch sử, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ dân tộc Israel đến Giáo hội.

Phân định cộng đoàn dưới lăng kính hiệp nhất và hiệp thông

Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy rằng trước sự bỏ đi của một người trong Nhóm Mười Hai, đã gây thương tổn cho thân mình của cộng đoàn, cần phải chọn một người khác để thay thế sứ vụ của Giuđa. Ai là người có thể đảm trách sứ vụ này? Và ai có thể chọn người này? Thánh Phêrô đưa ra yêu cầu: người mới phải là một môn đệ của Chúa Giêsu ngay từ đầu, nghĩa là từ khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giorđan, cho đến cuối, nghĩa là đến khi Chúa lên trời (x. Cv1,21-22). Cần phải tái dựng lại Nhóm Mười Hai. Lúc này họ thực hiện việc phân định cộng đoàn, trong việc nhìn nhận thực tại bằng đôi mắt của Thiên Chúa, trong lăng kính hiệp nhất và hiệp thông.

Hiệp thông chiến thắng chia rẽ, cô lập

Có hai ứng cử viên là Giuse Basaba và Mátthia. Toàn thể cộng đoàn cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ mà Giuđa đã bỏ...” (Cv 1,24-25). Và qua việc rút thăm, Chúa chọn Mátthia, người được nhập vào với số 11 Tông đồ. Nhóm Mười Hai đã được tái lập như thế. Nhóm này là dấu chỉ của sự hiệp thông và hiệp thông thì chiến thắng chia rẽ, và cô lập, chiến thẵng não trạng muốn riêng tư 100%; đó là dấu chỉ cho thấy rằng hiệp thông là chứng tá đầu tiên của các Tông đồ. Chúa Giêsu đã nói với các ngài: “Bởi dấu chỉ này tất cả sẽ biết rằng anh em là môn đệ của Thầy: nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Hiệp nhất là môi trường tận hiến đích thật

 Trong sách Công vụ Tông đồ, Nhóm Mười Hai trình bày cách thế của Chúa. Họ là các chứng nhân được công nhận về công trình cứu độ của Chúa Kitô; họ không trình bày cho thế giới sự hoàn hảo giả định của họ, nhưng qua ơn hiệp nhất, họ trình bày cho thấy một Đấng giờ đây đang sống theo cách thức mới ở giữa dân chúng: đó là Chúa Giêsu. Các Tông đồ chọn sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Phục sinh trong sự hiệp nhất giữa các anh em; sự hiệp nhất này trở thành môi trường duy nhất để có thể tận hiến, trao tặng bản thân cách đích thực.

Làm chứng cho Chúa

Cả chúng ta cũng cần tái phám phá vẻ đẹp của việc làm chứng cho Chúa Phục sinh, khi thoát ra khỏi thái độ tự quy chiếu về mình, khi từ chối giữ các ơn Chúa lại cho mình và khi không nhượng bộ sự tầm thường. Sự tái hiệp nhất của tông đồ đoàn cho thấy ADN của cộng đoàn Kitô hữu chính là sự hiệp nhất và tự do, là điều cho phép chúng ta không sợ hãi sự khác biệt, không gắn chặt với những vật chất và quà tặng, nhưng cho phép chúng ta trở thành các chứng tá, các chứng nhân sáng chói của Thiên Chúa hằng sống và những người kiến tạo lịch sử.

Hồng Thủy - Vatican
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log