Bom nguyên tử nổ ở Hiroshima (©lukszczepanski - stock.adobe.com) |
Trong sứ điệp khai mạc hội nghị, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý rằng đại dịch “đang dạy chúng ta một bài học quan trọng”, đó là “cần phải xem xét lại khái niệm an ninh của chúng ta”, “không thể dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau và sự sợ hãi, mà phải tìm ra nền tảng của nó trong công lý, phát triển con người toàn diện, tôn trọng nhân quyền, quan tâm đến công trình sáng tạo, phát triển các cơ sở giáo dục và y tế, đối thoại và liên đới.”
Tầm nhìn chung với Toà Thánh
Đức Hồng y ca ngợi những nỗ lực được hội nghị nhắm tới như giải trừ quân bị, loại bỏ các kho vũ khí hạt nhân và chuyển đổi chúng thành các sáng kiến hòa bình. Những nỗ lực này phù hợp với tầm nhìn của Tòa Thánh về một cộng đồng quốc tế dựa trên sự phát triển và củng cố “lòng tin thực sự và lâu dài” giữa các quốc gia. Theo ngài, những chiến lược có tầm nhìn xa như vậy là cần thiết và cấp bách trong việc tìm kiếm công ích.
Mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo
Ngài cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu tối hậu của việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo, nó cần cách tiếp cận thực tế thúc đẩy suy tư về đạo đức hòa bình và an ninh đa phương và hợp tác, vượt ra khỏi nỗi sợ hãi và chủ nghĩa tách biệt đang tràn ngập trong nhiều cuộc tranh luận hiện nay.
Hai cơ hội suy tư
Ngài nhắc đến hai cơ hội trong thời gian tới mà cộng đồng quốc tế có thể suy tư về những vấn đề này. Trước hết, vào tháng 1 năm tới sẽ có Hội nghị rà soát lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là “một thời điểm quan trọng cho cộng đồng quốc tế và đặc biệt là cho các cường quốc hạt nhân” để “thể hiện rõ ràng khả năng của họ trong việc hiểu những thách thức ngày nay, đối mặt và giải quyết chúng”.
Tiếp đến, vào tháng 3 sẽ có cuộc họp đầu tiên giữa các bên ký kết Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, đã có hiệu lực từ tháng 1 năm nay. Các cường quốc hạt nhân và các quốc gia liên minh quân sự với họ (ngoại trừ Hà Lan) không phải là thành viên của hiệp ước. Đức Hồng y Parolin gọi đây là “một thành công của ngoại giao đa phương” và nhắc lại rằng “việc đàm phán và có hiệu lực của nó sẽ không thể thực hiện được nếu không có hành động của nhiều hiệp hội xã hội dân sự cam kết không ngừng thúc đẩy giải trừ quân bị và thăng tiến hòa bình”.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Đức Hồng y kết thúc sứ điệp với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Hoà bình lần thứ 54, như là kim chỉ nam cho những bước tiếp theo tiến tới giải trừ vũ khí: dành các nguồn lực chi cho vũ khí hạt nhân vào việc thúc đẩy hòa bình, phát triển toàn diện con người và sức khỏe thông qua một tổ chức như quỹ toàn cầu nhằm xóa bỏ vĩnh viễn nạn đói và đóng góp vào sự phát triển của các nước nghèo nhất. (CSR_7467_2021)
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt