“Khi tôi báo về việc một bạn học Hồi giáo gian lận, giáo viên nói: ‘Cậu ta không gian lận. Em đã gian lận’. Các bạn học gọi tôi là ‘bhangie’, nghĩa là “người quét dọn đường phố” hay “người làm sạch máng xối”; họ trêu chọc tôi và dùng những lời lẽ xúc phạm đến đức tin của tôi. Nhưng tôi không thể đáp lại. Nếu tôi làm như thế, tôi có thể bị kết án phạm thượng và gia đình tôi có thể bị đau khổ. Vì vậy tôi giữ im lặng.
“Cả giáo viên và thầy hiệu trưởng của tôi đều biết về trường hợp của tôi. Mẹ tôi được gọi lên nói chuyện với giáo viên của tôi, nhưng họ không sẵn sàng lắng nghe tôi kể điều đã xảy ra. Họ còn từ chối phát cho tôi mẫu đơn nhà trường yêu cầu cho các bài thi – vì vậy một năm học của tôi bị lãng phí.
“Nhưng tôi cám ơn Chúa, Người đã không bỏ rơi gia đình tôi. Người đã ở đó khi một người bạn của mẹ tôi đã tình nguyện trả tiền học cho tôi vì lúc đó bố mẹ tôi không đủ khả năng. Thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc sống của tôi là khi tôi tốt nghiệp trung học; tôi là người đầu tiên trong gia đình tôi làm được điều này.
“Bây giờ tôi đang học thương mại ở một trường của chính phủ. Tôi học một nửa năm, còn nửa năm tôi làm người bán hàng tại một cửa hàng, bởi vì thật là khó khăn để cha mẹ tôi có thể lo mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình. Dù cho khó khăn, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Người luôn trợ giúp và yêu thương tôi. Thiên Chúa và gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, là động lực giúp tôi hạnh phúc.
“Dù cho những điều đã xảy ra với tôi, tôi tin rằng tôi sẽ thành công. Khi tôi lo lắng, tôi đọc Thánh vịnh 23; tôi luôn mang theo mình một tràng hạt Mân Côi.
“Các nước Tây phương nên trợ giúp nhà cửa và các cơ hội học hành cho các học sinh Kitô giáo nghèo Pakistan để học ít nhất có thể hướng đến cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn. Nếu không, tôi không có hy vọng cho các nhóm thiểu số Pakistan còn lại ở trong nước. Nếu tôi có thể tập hợp tất cả các nhà lãnh đạo thế giới trong một căn phòng, tôi sẽ nói rằng tôi chỉ muốn con cái chúng tôi được giáo dục tự do.