Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày kết thúc gồm:
– Buổi sáng: Tại Campus Misericordiae (Krakow), Đức Thánh Cha làm phép hai tòa nhà của Tổ chức Caritas: Nhà Thương Xót dành cho người nghèo và cao niên; và Nhà Lương Thực, nơi phân phát thức ăn cho những người thiếu thốn - Dâng Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2016 - Công bố địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 - Kinh Truyền tin.
– Buổi chiều: Tại sân vận động Tauron, Đức Thánh Cha gặp gỡ và cảm ơn ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới của Ba Lan, các tình nguyện viên và quý vị hảo tâm - Tại sân bay Krakow, Balice, nghi lễ từ biệt Đức Thánh Cha trở về Roma.
Trong Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2016, Đức Thánh Cha giảng giải bài Tin Mừng Lc 19,1-10 về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu, ngài nêu lên ba trở ngại đối với cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu: tầm vóc bé nhỏ, xấu hổ đến mức tê liệt, đám đông bàn ra tán vào. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Chúa đã kêu gọi các con đích danh từng người… Chúa muốn các con đến đây và chính Chúa đã đến đây… và Chúa muốn đến nhà các con và ở lại”.
Sau đây là toàn văn bài giảng:
Các bạn trẻ thân mến,
Các con đã đến Krakow này để gặp gỡ Chúa Giêsu. Và bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về một cuộc gặp gỡ như thế, giữa Chúa Giêsu và một người tên là Giakêu, tại Giêricô (x. Lc 19,1-10). Ở đó, Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy và đón tiếp mọi người, như tác giả sách Tin Mừng thuật lại, mà Người còn muốn đi qua thành phố (c. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đến gần từng người chúng ta, đồng hành với chúng ta đến cuối cuộc hành trình, để cuộc sống của Chúa và của chúng ta thực sự được gặp nhau.
Chúa Giêsu gặp Giakêu, “người đứng đầu publicanô”, tức quan chức thu thuế, đã diễn ra thật ấn tượng. Giakêu vốn là người giàu có cộng tác với lực lượng Roma chiếm đóng bị dân chúng căm ghét; ông bị coi là kẻ bóc lột dân, là người mang tiếng xấu nên không thể đến gặp Thầy Giêsu được. Nhưng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu đã làm thay đổi đời ông, cũng như đã làm thay đổi và hằng ngày vẫn còn làm thay đổi từng cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, để gặp được Chúa Giêsu, Giakêu đã phải đứng trước một số trở ngại. Ít nhất ba trở ngại có thể gợi lên cho chúng ta một số suy nghĩ.
Trở ngại thứ nhất trên đường tìm gặp Chúa
Trở ngại thứ nhất là vóc người nhỏ bé. Giakêu không thể nhìn thấy Thầy Giêsu vì ông ta thấp bé. Kể cả chúng ta hôm nay có thể gặp nguy cơ không đến gần Chúa Giêsu được, vì thấy mình không đủ cao lớn, nghĩ mình không giàu có. Đây là một cám dỗ lớn. Không chỉ tự mình đánh giá bản thân, mà còn phải lấy đức tin nữa. Vì đức tin bảo chúng ta là “con cái Thiên Chúa … và thật sự chúng ta là thế” (1 Ga 3,1). Chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài; Chúa Giêsu đã nhận lấy nhân tính của chúng ta nơi chính bản thân Người và trái tim của Người sẽ không bao giờ lìa xa chúng ta; Chúa Thánh Thần muốn cư ngụ trong chúng ta. Chúng ta được kêu gọi sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa!
Đó là “tầm vóc” thật sự của chúng ta, là căn tính tinh thần của chúng ta: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Vì vậy các con có thể thấy nếu không chấp nhận bản thân mình, sống buồn bã, tiêu cực, thì có nghĩa là không nhìn nhận căn tính sâu xa nhất của mình. Điều đó chẳng khác gì quay sang chỗ khác trong khi Chúa lại muốn nhìn tôi, làm hỏng mất ước mơ Chúa dành cho tôi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bất kể chúng ta là người thế nào. Không một tội lỗi, khiếm khuyết hay sai lầm nào của chúng ta làm Chúa thay đổi ý nghĩ của Ngài. Tin Mừng cho chúng ta thấy, đối với Chúa Giêsu, không có ai hèn kém hoặc xa cách, chẳng có ai vô nghĩa. Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu đặc biệt. Đối với Chúa, tất cả chúng ta đều quan trọng: các con thật quan trọng! Thiên Chúa xem xét các con là ai, chứ không phải các con có những gì. Dưới mắt Chúa, trang phục các con mặc, loại cell phone các con dùng, tuyệt nhiên Chúa không quan tâm. Chúa không để ý các con có hợp thời trang không. Chúa lưu tâm đến chính các con! Dưới mắt Chúa, các con đều quý giá, và giá trị của các con không thể ước tính được.
Có những khi trong cuộc sống của mình, chúng ta nhằm cái thấp hơn, chứ không hướng đến cái cao hơn. Những lúc như thế, chúng ta cần nhận ra rằng Chúa vẫn trung thành, thậm chí đến mức cứ khăng khăng như thế, trong tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Quả thật, Chúa yêu chúng ta còn hơn chúng ta yêu bản thân mình. Ngài tin chúng ta còn hơn cả chúng ta tin vào mình. Chúa luôn “cổ võ chúng ta”. Ngài là cổ động viên lớn nhất. Ngài hiện diện ở đó là vì chúng ta, đợi chờ chúng ta một cách kiên nhẫn và hy vọng, kể cả những khi chúng ta thu mình lại, buồn bã vì lo âu và những tổn thương đã gặp phải. Nhưng ủ dột như thế thì không xứng với tầm vóc thiêng liêng của mình! Đó là loại virus lây lan và ngăn cản mọi sự. Nó đóng những cánh cửa lại, không cho chúng ta ngồi lên và bắt đầu lại. Trái lại, dù thế nào đi nữa Thiên Chúa cũng tràn trề hy vọng. Chúa tin chúng ta luôn luôn trỗi dậy được, và Ngài không thích nhìn thấy chúng ta ủ rũ và thiểu não. Bởi chúng ta mãi mãi là con cái yêu dấu của Ngài. Khởi đầu một ngày mới chúng ta hãy nghĩ đến điều đó. Ý nghĩ này khiến chúng ta thấy mỗi sáng mình nên cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa yêu thương con; xin giúp con biết dùng cuộc đời mình để sống trong tình yêu!” Không phải vì mắc khuyết điểm tôi mới cần được sửa đổi, mà còn vì chính hồng ân sự sống được Chúa ban tặng, do đó đây là thời gian để yêu thuơng và được yêu thương.
Trở ngại thứ hai
Giakêu đối diện với trở ngại thứ hai khi muốn gặp Chúa Giêsu: mặc cảm xấu hổ đã khiến ông tê liệt. Chúng ta có thể hình dung những gì đang diễn ra trong lòng trước khi ông leo lên cây sung. Hầu như đó là một cuộc đấu tranh giằng co - một đằng, ông khát khao và ước muốn mạnh mẽ được biết Chúa Giêsu; đằng khác, ông sợ mình xuất hiện với bộ dạng thật nực cười. Giakêu là người của công chúng, một con người của quyền lực. Ông vốn biết, khi cố trèo lên cây, ông sẽ trở thành trò cười cho mọi người. Nhưng ông đã thắng vượt mặc cảm xấu hổ, vì Chúa Giêsu có sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn. Các con biết điều gì xảy ra khi một người có sức hấp dẫn đến nỗi chúng ta đem lòng yêu: chúng ta sẵn sàng làm những điều mình chưa từng nghĩ đến. Trong lòng Giakêu cũng đang diễn ra điều tương tự, khi ông nhận ra Chúa Giêsu rất quan trọng đến nỗi ông sẽ làm cho Người bất cứ điều gì, vì chỉ mình Chúa Giêsu mới đưa ông ra khỏi vũng lầy tội lỗi và sự giày vò. Sự tê liệt vì xấu hổ không còn ở thế thượng phong. Tin Mừng thuật lại với chúng ta Giakêu “chạy tới phía trước”, “leo lên cây”, và rồi, Chúa Giêsu gọi ông, ông liền “vội vàng tụt xuống” (các câu 4.6). Ông rơi vào nguy cơ nhưng vẫn đánh liều. Đối với chúng ta cũng vậy, đó là bí quyết của niềm vui: không dập tắt niềm háo hức nhưng dám đánh liều vì không muốn đem sự sống giấu vào ngăn tủ. Để đến với Chúa Giêsu, không thể khoanh tay ngồi chờ. Đến với Đấng đã hiến mạng sống cho mình, chúng ta không thể đáp lại bằng cách chỉ suy nghĩ suông hoặc chỉ “soạn mấy chữ nhắn tin”.
Trở ngại thứ ba
Các bạn trẻ thân mến,
Các con đừng mắc cỡ khi mang mọi sự đến gặp Chúa trong tòa giải tội, nhất là mang những yếu đuối, những cuộc tranh đấu giằng co và tội lỗi của mình. Chúa sẽ khiến các con phải sửng sốt vì ơn tha thứ và bình an Ngài ban cho các con. Các con đừng sợ nói với Chúa lời “xin vâng” bằng cả trái tim mình, để quảng đại đáp lời và bước theo Chúa! Các con đừng để tâm hồn mình bị tê đi, nhưng nhắm đến mục tiêu là tình yêu cao đẹp đòi phải hy sinh. Hãy nói “không” với sự mê man thành đạt bằng bất cứ giá nào và thứ ma túy chỉ biết nghĩ đến mình và lo cho sự thoải mái của riêng mình.
Sau tầm vóc bé nhỏ và mặc cảm xấu hổ làm tê liệt, là trở ngại thứ ba Giakêu gặp phải. Trở ngại này không còn là trở ngại bên trong con người Giakêu, mà là từ mọi người chung quanh. Đó là sự xầm xì bàn ra tán vào của đám đông, thoạt đầu họ ngăn cản ông, sau đó họ chỉ trích ông: Làm sao Chúa Giêsu có thể vào nhà ông, nhà của một kẻ tội lỗi! Được đón Chúa Giêsu mới khó khăn làm sao. Thật khó mà chấp nhận được “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót” (Ep 2,4)! Người ta sẽ cố tìm cách ngăn cản các con, làm cho chúng con nghĩ rằng Chúa ở xa, cứng nhắc và vô cảm, chỉ tốt với người tốt, còn xấu với kẻ xấu.
Những con đường gặp Chúa
Thế nhưng, Cha chúng ta trên trời “làm cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Chúa đòi chúng ta phải can đảm thật sự: can đảm trở nên mạnh hơn sự dữ bằng cách yêu thương mọi người, kể cả những kẻ thù nghịch mình. Người ta có thể cười các con vì các con tin vào sức mạnh dịu dàng và khiêm nhu của lòng thương xót. Nhưng đừng sợ. Các con hãy nghĩ đến lời chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Người ta có thể coi các con là những kẻ mơ mộng, vì các con tin vào một nhân loại mới, một nhân loại khước từ lòng hận thù giữa các dân tộc, từ chối coi các biên giới là những rào cản và biết trân trọng những truyền thống riêng mà không coi mình là trung tâm hoặc có tư tưởng hẹp hòi. Các con đừng thất vọng: với nụ cười và đôi tay rộng mở, các con loan báo niềm hy vọng và các con trở nên một phúc lành cho gia đình nhân loại chúng ta, mà tại đây, các con là những đại diện tuyệt đẹp.
Hôm đó, đám đông đã xét đoán Giakêu; họ nhìn khắp người ông, từ trên xuống dưới. Nhưng Chúa Giêsu đã làm ngược lại; Người nhìn lên ông (câu 5). Cái nhìn của Chúa Giêsu vượt trên những thiếu sót và thấy được con người, Người không dừng lại cái xấu đã qua rồi, mà nhìn cái tốt trong tương lai. Ánh mắt nhìn của Chúa vẫn luôn như thế, kể cả khi không được đáp lại; đó là cái nhìn kiếm tìm sự hiệp nhất và thông hiệp. Chẳng hề nhìn vẻ bề ngoài, mà nhìn vào cõi lòng. Với ánh mắt của Chúa Giêsu, bạn có thể bồi đắp một nhân loại mới mà chẳng cầu mong mình được biết đến, nhưng chỉ lo kiếm tìm chính bản thân sự tốt lành, hài lòng vì đã giữ trái tim trong sạch và tranh đấu ôn hòa cho sự trung thực và công lý. Các con đừng dừng lại ở vẻ bề ngoài; đừng ngã lòng vì thói sùng bái vẻ bên ngoài của thế gian, đừng cố trang điểm vẻ bề ngoài để được ưa nhìn. Trái lại, hãy “tải về” đường truy cập tốt nhất, đó là trái tim biết nhìn thấy và truyền đi sự tốt lành một cách không mệt mỏi. Niềm vui các con đã thoải mái nhận được từ Thiên Chúa, thì cũng hãy quảng đại cho đi (x. Mt 10,8): bởi rất nhiều người đang chờ nhận được niềm vui ấy!
Chúa muốn đến thăm và ở lại nhà các con
Cuối cùng, chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu nói với Giakêu, xem ra cũng có ý nghĩa với chúng ta hôm nay: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (câu 5). Chúa Giêsu gửi đến các con cũng lời mời gọi đó: “Ta phải ở lại nhà con hôm nay”. Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, tại nhà các con, vì đó chính là nơi Chúa Giêsu muốn gặp các con kể từ hôm nay. Chúa không muốn ở lại trong thành phố xinh đẹp này, hoặc chỉ lưu lại trong ký ức thân thương. Chúa muốn vào nhà các con, ở lại trong cuộc sống hằng ngày của các con: học hành, những năm đầu đi làm, tình bạn và mọi tình gắn bó, những niềm hy vọng và mơ ước. Chúa rất mong các con mang những điều ấy đến với Người khi các con cầu nguyện! Chúa hy vọng biết bao, trong tất cả những lần các con “giao tiếp” và “trò chuyện trên mạng” hằng ngày, các con hãy dành vị trí thứ nhất cho sợi chỉ vàng là cầu nguyện! Chúa mong đợi biết bao lời Chúa được nói với các con ngày này sang ngày khác, để nhờ đó các con biến Tin Mừng của Chúa thành của mình, để Tin Mừng trở thành chiếc la bàn dành cho các con đi trên xa lộ cuộc đời!
Khi ngỏ lời đến nhà các con, Chúa Giêsu kêu gọi đích danh các con, như Người đã làm với Giakêu. Tên của các con thật đáng quý đối với Chúa. Tên “Giakêu” sẽ khiến mọi người nhớ đến việc Chúa ghi nhớ. Các con hãy tin vào sự ghi nhớ của Chúa: Bộ nhớ của Thiên Chúa không phải là “ổ cứng” làm công việc “chép lại” và “lưu trữ” tất cả dữ liệu của chúng ta, mà là trái tim chứa đầy niềm cảm thương dịu hiền, là trái tim đi tìm niềm vui được “xóa” mọi dấu vết tội lỗi nơi chúng ta. Chớ gì chúng ta giờ đây cĩng hãy cố gắng học theo bộ nhớ trung thành của Chúa và lưu trữ trong kho mọi sự tốt lành chúng ta lãnh nhận trong những ngày này. Trong thinh lặng, chúng ta hãy ghi nhớ cuộc gặp gỡ này, hãy gìn giữ ký ức về sự hiện diện của Chúa và những lời của Người, và một lần nữa hãy lắng nghe tiếng Chúa Giêsu gọi đích danh chúng ta. Vì thế giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, hồi tưởng và cảm tạ Chúa đã muốn chúng ta đến đây và Chúa cũng đã đến đây gặp gỡ chúng ta”.
(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)