Bài giảng của Đức Thánh Cha
Thánh Lễ tại Lăng “John Garang”,
ngày 5 tháng 2 năm 2023
Những lời thánh Phaolô Tông đồ ngỏ cùng cộng đoàn Côrintô trong bài đọc II, hôm nay tôi xin lấy và lặp lại với anh chị em: “khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1Cr 2,1-2). Vâng, sự lo lắng của Phaolô cũng là của tôi, được ở đây với anh chị em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa đã mang lại bình an qua thập giá của Người; Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh vì tất cả chúng ta; Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người đau khổ; Chúa Giêsu, chịu đóng đinh trong cuộc sống của nhiều người trong anh chị em, trong nhiều người của đất nước này. Tôi đến với anh chị em để loan báo Người cho anh chị em, để củng cố anh chị em trong Người, bởi vì loan báo Chúa Kitô là loan báo niềm hy vọng: thật vậy, Người biết những lo lắng và mong đợi mà anh chị em mang trong lòng, biết những niềm vui và gian khổ đánh dấu cuộc sống của anh chị em, biết bóng tối đang đè bẹp anh chị em và niềm tin, như một bài hát trong đêm, anh chị em hướng lên Trời Cao. Chúa Giêsu biết anh chị em và yêu anh chị em; sau đó, nếu chúng ta ở lại trong Người, chúng ta không phải sợ hãi, bởi vì đối với chúng ta, mọi thập giá sẽ trở thành sự phục sinh, mọi nỗi buồn sẽ trở thành hy vọng, mọi lời than khóc sẽ trở thành điệu nhảy.
Vì thế, tôi muốn dừng lại ở những lời hằng sống mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, nói với chúng ta hôm nay trong Tin Mừng: “Anh em là muối đất […]. Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5:13.14). Những hình ảnh này nói gì với chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu?
Trước hết, chúng ta là muối của đất. Muối được dùng để tạo hương vị cho thức ăn. Nó là thành phần vô hình mang lại hương vị cho mọi thứ. Chính vì lý do này mà từ xa xưa, nó đã được coi là biểu tượng của sự khôn ngoan, nghĩa là nhân đức không thể nhìn thấy được nhưng mang lại niềm vui cho cuộc sống và nếu thiếu nó thì sự hiện hữu trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta về sự khôn ngoan nào? Người sử dụng hình ảnh muối này ngay sau khi công bố các Mối phúc cho các môn đệ: chúng ta hiểu rằng đó là muối của đời sống Kitô hữu. Thật vậy, các mối phúc mang lại sự khôn ngoan từ trời cho đất: chúng làm một cuộc cách mạng về các tiêu chuẩn của thế gian và của lối suy nghĩ thông thường. Và chúng nói gì? Trong ít lời, các Mối Phúc khẳng định rằng để có phúc, tức là được hạnh phúc trọn vẹn, chúng ta không được cố tỏ ra mạnh mẽ, giàu sang hống hách, nhưng phải khiêm nhường, hiền lành và thương xót; không làm hại ai, nhưng là người kiến tạo hòa bình cho mọi người. Điều này - Chúa Giêsu nói với chúng ta - là sự khôn ngoan của người môn đệ, nó là điều mang lại hương vị cho mảnh đất chúng ta sinh sống. Chúng ta hãy nhớ rằng: nếu chúng ta thực hành các Mối phúc, nếu chúng ta thể hiện sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì chúng ta không chỉ mang lại hương vị tốt cho cuộc sống của chúng ta, mà còn cho xã hội, cho đất nước nơi chúng ta đang sống.
Nhưng muối, ngoài việc tạo hương vị, còn có một chức năng khác, rất cần thiết vào thời Chúa Kitô: bảo quản thực phẩm để nó không bị ôi thiu, hư thối. Tuy nhiên, Kinh thánh nói rằng có một “lương thực”, một điều tốt thiết yếu phải được bảo tồn trước bất kỳ điều gì khác: đó là giao ước với Thiên Chúa. Do vậy, vào thời đó, mỗi lần người ta dâng của lễ lên Chúa, họ thường rắc chút muối. Thật vậy, chúng ta hãy lắng nghe những gì Kinh thánh nói về chủ đề này: “Ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến; ngươi không được để lễ phẩm ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa ngươi ; ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của ngươi.” (Lv 2:13). Do đó, muối nhắc nhở chúng ta về nhu cầu chính yếu để gìn giữ mối tương quan với Thiên Chúa, bởi vì Người trung thành với chúng ta, giao ước của Người với chúng ta là không thể hư hỏng, bất khả xâm phạm và trường tồn (x. Ds 18:19; 2 Cr 13:5). Vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu, như muối đất, là chứng nhân của giao ước Người đã lập, của giao ước mà chúng ta cử hành trong mỗi Thánh Lễ: một giao ước mới, vĩnh cửu và không phá vỡ (x. 1Cr 11,25) ; Dt 9), một tình yêu dành cho chúng ta không thể bị phá vỡ ngay cả bởi sự bất trung của chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta là nhân chứng của điều kỳ diệu này. Vào thời cổ đại, khi con người hoặc các dân tộc thiết lập tình bạn hữu với nhau, họ thường ước định bằng cách trao đổi một ít muối; chúng ta là muối được mời gọi làm chứng cho giao ước với Thiên Chúa trong niềm hân hoan, với lòng biết ơn, chứng tỏ rằng chúng ta là những người có khả năng tạo ra những mối dây bạn hữu, sống trong tình huynh đệ, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, ngăn chặn không để cho sự băng hoại của sự dữ, căn bệnh chia rẽ, sự bẩn thỉu của công việc xấu xa, tai họa của sự bất công hoành hành.
Hôm nay tôi muốn cảm ơn anh chị em vì anh chị em là muối đất tại đất nước này. Tuy nhiên, đối diện quá nhiều vết thương, bạo lực làm gia tăng chất độc của hận thù; đối diện với sự gian ác gây ra đau khổ và nghèo đói, anh chị em dường như quá nhỏ bé và bất lực. Tuy nhiên, khi anh chị em có cám dỗ cảm thấy quá bất cân xứng, hãy thử nhìn vào muối và những hạt li ti của nó: nó là một thành phần nhỏ và khi đã lên dĩa thức ăn, nó sẽ biến mất, tan chảy, nhưng đây chính xác là cách nó mang lại hương vị cho toàn thể. Do đó, Kitô hữu chúng ta, mặc dù mong manh và nhỏ bé, ngay cả khi sức mạnh của chúng ta dường như không đáng kể so với tầm quan trọng của các vấn đề và sự điên cuồng của bạo lực, (chúng ta) cũng có thể đóng góp một cách quyết định để thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên muối: một chút ít hoà tan cũng đủ để tạo ra một hương vị khác cho toàn thể. Thế nên chúng ta không thể thụt lùi lại được, vì không có chút đó, không có chút của mình, mọi thứ đều mất đi hương vị của nó. Hãy bắt đầu ngay từ điều nhỏ, từ cái cốt yếu, từ cái không thấy trong sử sách nhưng làm thay đổi lịch sử: nhân danh Chúa Giêsu và các Mối phúc của Người, chúng ta hạ bỏ vũ khí hận thù và trả thù để bắt đầu cầu nguyện và bác ái; chúng ta hãy vượt qua những điều không thích và ác cảm, mà theo thời gian, đã trở thành kinh niên và có nguy cơ chống lại các bộ lạc và các nhóm sắc tộc; chúng ta hãy học cách rắc muối của sự tha thứ lên những vết thương, nó sẽ rát bỏng nhưng sẽ giúp chữa lành. Và, dù trái tim rỉ máu vì những thiệt hại đã nhận, hãy từ bỏ một lần cho tất cả cách lấy ác báo ác, rồi chúng ta sẽ cảm thấy tốt trong lòng; chúng ta hãy đón nhận và yêu thương nhau với sự chân thành và quảng đại, như Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Hãy giữ lấy điều thiện, đừng để mình bị hư hỏng bởi điều ác!
Bây giờ chúng ta chuyển sang hình ảnh thứ hai được Chúa Giêsu sử dụng, ánh sáng: Anh em là ánh sáng thế gian. Một lời tiên tri nổi tiếng đã nói về Israel: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6). Giờ đây lời tiên báo đã được ứng nghiệm, vì Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến, và Người là ánh sáng thế gian (x. Ga 8,12), ánh sáng thật chiếu soi mọi người và mọi dân tộc, ánh sáng chiếu soi vào bóng tối và xua tan những đám mây mù mịt (x. Ga 1:5.9). Nhưng chính Chúa Giêsu, ánh sáng thế gian, nói với các môn đệ rằng họ cũng là ánh sáng thế gian. Điều này có nghĩa là, bằng cách chào đón ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng là Chúa Kitô, chúng ta trở nên sáng ngời, chúng ta chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa!
Chúa Giêsu nói thêm: “Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” (Mt 5:15). Trong trường hợp này, chúng ta cũng thấy những hình ảnh quen thuộc vào thời đó: một số ngôi làng ở Galilê nằm trên những ngọn đồi, có thể nhìn thấy rõ ràng từ xa; các đèn trong nhà để trên cao, soi sáng mọi ngóc ngách; sau đó, khi phải tắt ngọn lửa, người ta dùng một vật bằng gỗ hoặc bằng đất nung gọi là “giạ” để đậy đèn lại, làm cho ngọn lửa thiếu dưỡng khí cho đến khi lịm tắt.
Anh chị em thân mến, lời mời gọi trở thành ánh sáng thế gian của Chúa Giêsu thật rõ ràng: chúng ta, những môn đệ của Người, được mời gọi chiếu sáng như thành trì trên cao, như ngọn đèn không thể tắt. Nói cách khác, trước khi lo lắng về bóng tối bao quanh chúng ta, trước khi hy vọng rằng một cái gì đó xung quanh chúng ta sẽ sáng lên, thì chúng ta cần phải tỏa sáng, chiếu sáng bằng cuộc sống và công việc của mình cho những thành phố, làng mạc và nơi chúng ta sống, những người mà chúng ta gặp gỡ, những hoạt động chúng ta thực hiện. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, sức mạnh để trong Người chúng ta trở nên ánh sáng cho mọi người; để mọi người có thể nhìn thấy những công việc tốt lành của chúng ta và khi nhìn thấy điều tốt đẹp đó - Chúa Giêsu nhắc chúng ta -, họ sẽ mở lòng kinh ngạc trước Thiên Chúa và tôn vinh Người (x. c. 16): nếu chúng ta sống như con cái và anh em trên mặt đất, mọi người sẽ khám phá ra rằng họ có một Cha Trên trời. Do đó, chúng ta được mời gọi thắp lên tình yêu: không để cho ánh sáng của chúng ta vụt tắt, dưỡng khí của lòng bác ái biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta, không để cho những việc xấu xa tước đi bầu không khí trong lành khỏi chứng tá của chúng ta. Miền đất xinh đẹp và bị tra tấn này cần ánh sáng mà mỗi anh chị em có, hay đúng hơn, cần thứ ánh sáng là mỗi anh chị em!
Anh chị em thân mến, tôi cầu chúc anh chị em trở thành muối rải khắp và tan chảy cách quảng đại để tạo cho Nam Sudan hương vị huynh đệ của Tin Mừng; trở thành những cộng đoàn Kitô sáng ngời, giống như những thành phố được xây trên núi, có thể soi sáng điều tốt lành cho mọi người và cho thấy rằng sống tự do, có hy vọng, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa giải là điều khả thi và tốt đẹp. Tôi ở với anh chị em và tôi cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, hương vị và ánh sáng của Chúa, “Thiên Chúa của bình an” (Pl 4,9), “Thiên Chúa của mọi niềm an ủi” (2Cr 1,3), mà Người muốn ban cho mỗi người trong anh chị em.