Chúa nhật, 26/01/2025

Bài giảng của ĐTC trong Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn

Cập nhật lúc 06:21 30/09/2019
2019.09.29 Santa Messa in occasione della Giornata Mondiale del Migrante e del Rifugiato

Trong bài giảng Thánh lễ Ngày Di dân và Tị nạn, ĐTC nhắc lại rằng Thiên Chúa yêu thương những người bị loại trừ. Tình yêu này là đặc tính của Thiên Chúa những cũng là nghĩa vụ luân lý của các tín hữu nếu muốn thuộc về dân Người. ĐTC cũng lên án nền văn hóa loại bỏ, hưởng thụ, khiến con người thờ ơ đối với người khác. Kitô hữu không thể không khóc, không thể không phản ứng. Chúng ta xin Chúa ơn biết khóc, một sự khóc than hoán cải con tim trước những tội lỗi này.

Toàn văn bài giảng của ĐTC trong Thánh lễ nhân Ngày Di dân và Tị nạn lần thứ 105, Chúa nhật 29/9/2019

Thánh vịnh đáp ca của ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Chúa nâng đỡ khách ngoại kiều cũng như các góa phụ và trẻ mồ côi trong dân Người. Tác giả Thánh vịnh đề cập cách rõ ràng minh bạch đến những người đặc biệt dễ bị tổn thương, thường bị lãng quên và bị áp bức. Chúa quan tâm đặc biệt đến các ngoại kiều, góa phụ và trẻ mồ côi, vì họ không có quyền, bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa yêu cầu dân Israel quan tâm đặc biệt đến họ.
Trong sách Xuất hành, Chúa cảnh cáo dân Chúa không được đối xử tệ bạc với các quả phụ và cô nhi, bởi vì Người lắng nghe tiếng kêu than của họ (xem 22,23). Những lời cảnh cáo này cũng được lặp lại 2 lần trong sách Đệ nhị luật (xem 24,17; 27,19), và bao gồm người ngoại kiều vào nhóm những người cần được bảo vệ. Lý do Chúa đưa ra lời cảnh cáo này được giải thích rõ ràng trong sách Đệ nhị luật này: Thiên Chúa của Israel là “Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc” (10,18). Sự chăm sóc yêu thương dành cho những người ít đặc quyền này được thể hiện như một điểm đặc trưng của Thiên Chúa Israel và cũng được yêu cầu, như một nghĩa vụ đạo đức của tất cả những người thuộc về dân của Người.

Đó là lý do mà chúng ta phải quân tâm đặc biệt đến các ngoại kiều ở giữa chúng ta, cũng như các quả phụ và cô nhi và tất cả những người bị loại bỏ trong thời đại chúng ta. Trong sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 105, chủ đề “Không chỉ người di dân và tị nạn” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Và thật thế: không chỉ là những ngoại kiều mà tất cả những người sống ở những vùng biên của cuộc sống, những người mà, cùng với người di dân và tị nạn, là nạn nhân của nền văn hóa loại bỏ. Chúa mời gọi chúng ta thực hiện bác ái đối với họ; Người yêu cầu chúng ta phục hồi nhân phẩm của họ, cũng như nhân phẩm của chúng ta, không để ai ở bên ngoài.

Cùng với việc thực hành bác ái, Chúa cũng yêu cầu chúng ta suy tư về những bất công tạo nên sự loại trừ, đặc biệt về những đặc ân của một số ít người mà vì để duy trì tình trạng của mình, họ hành động gây thiệt hại cho nhiều người khác. “Thế giới ngày nay ngày càng dành cho những người ưu tú và tàn bạo đối với những người bị loại trừ. Đó là một sự thật đau lòng, thế giới ngày càng dành cho những người ưu tú và tàn bạo đối với những người bị loại trừ. Các quốc gia trên đường phát triển tiếp tục bị cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt nhất và nguồn nhân lực của họ vì lợi ích của một vài thị trường đặc quyền. Chiến tranh chỉ ảnh hưởng đến một số miền trên thế giới, nhưng vũ khí gây chiến tranh được sản xuất và bán ở các miền khác, và những nơi này lại không muốn đón nhận những người tị nạn do những xung đột đó tạo ra. Những người phải trả giá luôn là những người bé nhỏ, nghèo khổ, dễ tổn thương nhất, những người bị cấm ngồi vào bàn ăn và chỉ nhận được những mảnh vụn từ bàn ăn rơi xuống (Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn).

Những lời mạnh mẽ của ngôn sứ Amos trong bài đọc thứ nhất (6,1.4-7) cần được hiểu theo nghĩa này. Khốn cho những kẻ sống yên ổn và tìm thú vui tại Sion, những người không quan tâm đến sự tiêu diệt của dân Chúa, dù rằng nó thật rõ ràng. Họ không nhận thức được sự sụp đổ của Israel, vì họ quá bận rộn để đảm bảo rằng họ có thể hưởng thụ cuộc sống, thức ăn ngon và đồ uống tốt. Thật đáng kinh ngạc là sau 28 thế kỷ, những lời cảnh báo này vẫn còn nguyên tính thời sự như trước. Ngay cả ngày nay, trên thực tế, "nền văn hóa tiện nghi [...] khiến chúng ta chỉ nghĩ về bản thân mình, khiến chúng ta vô cảm trước tiếng khóc của người khác, [...] dẫn đến sự thờ ơ đối với người khác; thật vậy, nó thậm chí dẫn đến sự toàn cầu hóa thờ ơ” (Bài giảng tại Lampedusa, ngày 8 tháng 7 năm 2013).

Cuối cùng, chúng ta cũng có nguy cơ trở nên giống như người giàu có trong Tin Mừng, người không quan tâm đến người nghèo Ladarô, “người đầy những lở loét, người vui mừng nếu được ăn miếng bánh vụn rơi xuống từ bàn của người giàu” (Lk 16,20-21). Quá chú tâm vào việc mua những quần áo sang trọng và tổ chức những bữa tiệc xa hoa, người giàu có trong dụ ngôn đã mù quáng trước nỗi đau khổ của Ladarô. Quá quan tâm đến việc giữ gìn hạnh phúc của chính mình, chúng ta cũng có nguy cơ bị mù trước khốn khổ của anh chị em khác.

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể thờ ơ với bi kịch của các hình thức nghèo đói cũ và mới, với sự cô lập ảm đạm, khinh miệt và phân biệt đối xử mà những người không thuộc “nhóm của chúng ta” đang chịu. Chúng ta không thể vô cảm, với trái tim tê liệt, trước sự khốn khổ của rất nhiều người vô tội. Chúng ta không thể không khóc. Chúng ta không thể không phản ứng. Chúng ta xin Chúa ơn biết khóc, một sự khóc than hoán cải con tim trước những tội lỗi này.

Nếu chúng ta muốn trở thành những người nam nữ của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô thúc giục Timôthê, chúng ta phải “tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1 Tm 6:14). Điều răn là yêu Chúa và yêu người lân cận; hai điều này không thể tách rời! Yêu thương tha nhân như chính mình đồng nghĩa với việc cam kết xây dựng một thế giới công bằng hơn, trong đó mọi người đều có quyền được có hoa màu của trái đất, trong đó tất cả đều có thể phát triển như các cá nhân và gia đình, và trong đó quyền và phẩm giá cơ bản được đảm bảo cho tất cả mọi người.

Yêu thương tha nhân nghĩa là cảm thông với đau khổ của anh chị em chúng ta, đến gần họ, chạm vào vết thương của họ và chia sẻ câu chuyện của họ, và bằng cách đó, thể hiện tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ. Điều này có nghĩa là trở thành người lân cận của tất cả những người bị ngược đãi và bỏ rơi trên đường phố trên thế giới của chúng ta, làm dịu vết thương của họ và đưa họ đến nơi trú ẩn gần nhất, nơi có thể đáp ứng nhu cầu của họ.

Thiên Chúa đã ban điều răn thánh thiện này cho dân của Người và đóng ấn nó bằng máu của Chúa Giêsu Con của Người, để trở thành nguồn phước lành cho toàn thể nhân loại. Để cùng với nhau, tất cả chúng ta có thể hành động để xây dựng gia đình nhân loại theo kế hoạch nguyên thủy của Người, được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô: tất cả đều là anh chị em, tất cả đều là con của cùng một Cha.

Hôm nay, chúng ta cũng cần một người mẹ và chúng ta phó thác cho tình mẫu tử của Đức Maria, Đức Mẹ chỉ đường, Mẹ của bao con đường đau thương, chúng ta phó thác cho Mẹ, những người di cư và tị nạn, cùng với những người sống ở vùng biên của thế giới và những người đã chọn để đồng hành với họ.

Hồng Thủy - Vatican
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log