Trước hết, khởi đi từ Thông điệp Laudato Sì, ĐTC đề cập đến một điều quan trọng cần phải chú ý đó là: sự phát triển của kỹ thuật số phải đi cùng với sự phát triển về trách nhiệm trong việc sử dụng nó; nói cách khác đó là vấn đề đạo đức trong thời đại kỹ thuật số. Và ĐTC nhấn mạnh: chỉ như thế kỹ thuật số mới đem lại lợi ích đích thực cho con người. Nếu phát triển kỹ thuật số quá nhanh, không thể kiểm soát, sẽ có nguy cơ loại bỏ các yếu tố phát triển khác gây nguy hiểm cho nhân loại.
Tiếp đến, ĐTC ca ngợi công việc của các tham dự viên đang làm: “Với công việc của anh chị em, anh chị em muốn góp phần ngăn ngừa sự trệch đường này và làm cho văn hóa gặp gỡ và đối thoại liên ngành trở nên cụ thể. Anh chị em giúp mọi người học hỏi lẫn nhau và không cho phép đóng mình trong những chương trình đã chuẩn bị sẵn. Mục tiêu anh chị em đặt ra khá tham vọng đó là: đạt được các tiêu chí và thông số đạo đức cơ bản, có khả năng cung cấp các hướng dẫn cho các câu trả lời về vấn đề đạo đức trong việc sử dụng công nghệ. Tôi biết điều này không dễ dàng. Đây chính là mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc quy định. Thực tế, những gì anh chị em đã khám phá chắc chắn có tác động ngay và cụ thể đến cuộc sống của hàng triệu người”.
ĐTC đưa ví dụ về sự phát triển mất cân đối giữa kỹ thuật số và các lãnh vực khác của con người: “Việc phát minh ra người máy; một mặt, nó có thể chấm dứt một số công việc gian khổ, nguy hiểm và lặp đi lặp lại; tuy nhiên, mặt khác, người máy có thể trở thành một công cụ chỉ được sử dụng để tăng lợi nhuận và nó sẽ tước đi công việc của hàng ngàn người, gây nguy hại cho nhân phẩm của họ”. Cuối cùng ĐTC kết luận: “Nếu tiến bộ công nghệ là nguyên nhân của sự bất bình đẳng, thì đây không phải là tiến bộ thực sự, nó là kẻ thù của công ích”.