Các Kitô hữu tại Ai Cập một lần nữa lại là mục tiêu của nạn khủng bố: hôm thứ Sáu 26 tháng Năm 2017, một nhóm người mang vũ khí đã tấn công một chiếc xe buýt chở các tín hữu hành hương đến tu viện Anba Samuel, gần Minya ở miền Trung Ai Cập. Số thương vong rất nặng nề: ít nhất 30 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.
Theo các chứng nhân kể lại, những kẻ tấn công đã chặn xe buýt rồi nhảy lên xe và xả súng tự động vào hành khách; cuộc tàn sát được một kẻ khủng bố ghi hình. Sau đó, những kẻ này bỏ trốn.
Vụ thảm sát này lại phủ tấm màn tang tóc lên một cộng đồng vẫn còn chưa hết bàng hoàng bởi các cuộc tấn công đẫm máu hồi đầu tháng Tư vừa qua trong ngày Chúa nhật Lễ Lá tại hai nhà thờ ở Tanta và Alexandria, khiến 45 người thiệt mạng. Chưa kể đến vụ tấn công liều chết nhắm vào nhà thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ngay ở thủ đô Ai Cập vào tháng Mười Hai năm ngoái.
Cả ba vụ tấn công trên đều được lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo nhánh Ai Cập nhận trách nhiệm; nhánh này hoạt động mạnh trong vùng Sinai, và tuyên bố rằng các Kitô hữu là mục tiêu hàng đầu của họ. Kể từ tháng Giêng, một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các Kitô hữu Copt trong khu vực rất bất ổn này đã khiến hàng ngàn người phải chạy trốn.
Giáo hội Copt Ai Cập là cộng đồng Kitô hữu Trung Đông lớn nhất với gần 10 triệu tín hữu. Họ bị thử thách nhiều trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi chính quyền Hosni Moubarak sụp đổ năm 2011, rồi Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lên nắm quyền và cũng sụp đổ năm 2013. Vì thế Giáo hội Copt cũng nhận được sự nâng đỡ của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trong hai ngày 28 và 29 tháng Tư vừa qua, Đức giáo hoàng đã đến Cairo trong vòng 27 giờ để thực hiệnchuyến tông du thứ 18 với ba chiều kích mục vụ, đại kết và liên tôn. Đặc biệt, Đức giáo hoàng đã gặp vị Imam của Đại học Al-Azhar là Sheikh Ahmed al-Tayyeb và Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ của Giáo hội Chính Thống Copt. Ngoài ra Đức giáo hoàng cũng tham dự một cử hành phụng vụ đại kết tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Cairo, để tưởng nhớ những người đã chết trong vụ tấn công hồi tháng Mười Hai. Trong dịp này Đức giáo hoàng Phanxicô đã xúc động nhắc lại tầm quan trọng và sức mạnh của cuộc đại kết bằng máu: “dòng máu vô tội của các tín hữu vô phương tự vệ đã đổ ra lại liên kết chúng ta”. Một thực tế mang tính thời sự hơn bao giờ hết.
Về vụ tấn công mới nhất vừa xảy ra hôm qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi điện văn đến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi để lên án “cuộc tấn công dã man này” và bày tỏ “tình liên đới với tất cả các nạn nhân”.
Bức điện văn mang chữ ký của Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin, và được công bố ngay trong chiều thứ Sáu.
Đức giáo hoàng “vô cùng đau buồn” khi nghe tin “vụ tấn công dã man ở trung tâm Ai Cập” và “những mất mát bi thảm về mạng sống và những vết thương mà hành động hận thù vô nghĩa này gây ra”.
Ngài bày tỏ “tình liên đới chân thành với những người bị ảnh hưởng bởi điều sỉ nhục ghê gớm này”, nhất là “các trẻ em đã thiệt mạng”.
Đức giáo hoàng “phó thác các linh hồn của những người quá cố cho lòng thương xót của Đấng Toàn Năng”, và hết lòng cầu nguyện cho “các gia đình có người thân đã chết” và “tất cả những ai bị thương”.
Cuối cùng, Đức giáo hoàng cho biết ngài sẽ tiếp tục “can thiệp vì hoà bình và hoà giải trong toàn Ai Cập”.