Phiên họp đầu tiên của tiến trình cứu xét án tôn phong Chân phước cho cha Jacques Hamel đã diễn ra hôm thứ Bảy 20 tháng 5 năm 2017 tại Nhà nguyện Aubigne của Toà Tổng Giám mục Rouen, Pháp, theo thông cáo của giáo phận này.
Khoảng năm mươi người –gồm gia đình, các nhân chứng của vụ giết người, các giáo dân và bạn hữu Hồi giáo của giáo xứ Saint-Etienne-du-Rouvray– đã họp lại dưới sự chủ toạ của Đức Tổng giám mục Dominique Lebrun. Phiên họp kéo dài một giờ, do cha Paul Vigouroux, cáo thỉnh viên án phong Chân phước, tổ chức.
Cha Vigouroux đã chính thức xin Đức Tổng Giám mục chấp thuận cho mở tiến trình nhìn nhận sự tử đạo của cha Hamel.
Toà án đã được thành lập, gồm một thẩm phán thừa uỷ, một chưởng lý và ba lục sự. Trong những tháng sắp tới họ sẽ phỏng vấn 69 chứng nhân.
Thông cáo nói trên cho biết, “Đức Tổng giám mục Lebrun đã nhấn mạnh tầm mức thiêng liêng của sự kiện này”.
Cũng cần nhắc lại rằng, nếu được công nhận là “tử đạo”, thì việc tôn phong Chân phước không đòi hỏi phải có một phép lạ khác.
Cha Jacques Hamel, 86 tuổi, đã bị hai kẻ khủng bố Hồi giáo sát hại khi ngài đang cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray ở ngoại ô Rouen, vào ngày 26 tháng Bảy 2016.
Trong Thánh Lễ tại nguyện đường Santa Marta ngày 14 tháng Chín 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả cha Hamel là “một người tốt bụng, hiền lành, luôn sống tình huynh đệ và tìm cách xây dựng bình an”, và nói rằng cha là một “vị tử đạo”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định miễn chuẩn thời hạn 5 năm -là thời gian quy định sau cái chết của một tín hữu, để mở án phong chân phước cho người ấy-, đối với trường hợp của cha Jacques Hamel. Quyết định của Đức Thánh Cha được Đức Tổng giám mục Lebrun công bố ngày 2 tháng Mười 2016, trong một Thánh Lễ đánh dấu việc mở lại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray.
Quyển sách nguyện của cha Jacques Hamel đã được giáo phận Rouen trao cho cho Vương cung thánh đường San Bartolomeo all’Isola ở Roma vào ngày 15 tháng Chín 2016. Vào năm 2000, thánh đường này –toạ lạc trên một hòn đảo nằm giữa sông Tevere, Italia– đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II uỷ thác cho Cộng đồng Sant’Egidio với nhiệm vụ thu thập di vật của các vị tử đạo trong thế kỷ XX và XXI.